Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

 “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư dính nghi án đạo thơ: Khi lòng tự trọng “đi vắng”

Cập nhật lúc 14:56                 


Ban đầu, chỉ là một câu thơ giống với thơ Du Tử Lê, ừ thì, nhiều người du di không nói. Nhưng khi tác giả Phan Huyền Thư đăng đàn cho rằng, nên chờ “tác giả Du Tử Lê lên tiếng sẽ khách quan hơn”, thì một bài thơ “đạo” lộ liễu bài “Buổi sáng” của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan mới được dân mạng chỉ ra. Một trong những người lên tiếng vì không thể im lặng được nữa, “vì sự công chính của một nền văn nghệ” như anh nói, là nhà báo Hà Quang Minh.
“Anh chị em song sinh”
Bài thơ “Bạch lộ” (Độc ẩm với Lã Bất Vy) của Phan Huyền Thư in trong tập “Sẹo độc lập” là “một phiên bản khác”, hay là “anh chị em song sinh” của bài “Buổi sáng” do Phan Ngọc Thường Đoan viết vào năm 2000, đã được Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc “Catinat cà phê sáng” cũng vào thời điểm đó. Nếu chú ý, cái tứ của bài thơ gốc “Buổi sáng” nói về tình yêu, nhân tình thế thái, còn bài sau tuy cái tít cao xa hơn - “Bạch lộ - Độc ẩm với Lã Bất Vy” nhưng cũng chỉ quanh quẩn trong chuyện tình hơn là thế sự.
Bài thơ “Buổi sáng” mở đầu: “Những gương mặt người / Quen và không quen / Những giọt cà phê muôn đời đen nhánh / Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh”.
Còn “Bạch lộ” của Phan Huyền Thư cũng hết sức... giống: “Những gương mặt người / Quen mà không quen / Từng giọt sương nén trong veo câm nín / Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh”.
Khổ tiếp, “Em ngồi một mình / Khuấy loãng thời gian / Buổi sáng muốn gọi anh /Nắng nói lời mê ngủ” - (“Buổi sáng”). 
“Em một mình / Ngồi khuấy loãng thời gian / Buổi sáng muốn ôm anh / Nắng nói lời mê ngủ” - (“Bạch lộ”).
Và còn có những câu thơ như chị em sinh đôi vậy: 
“Quàng nỗi nhớ chạy quanh chiếc bàn nhỏ / Bản giao hưởng đêm qua còn phảng phất trên phím dương cầm” - (“Buổi sáng”)
“Quàng nỗi nhớ lên gối chăn bỏ ngỏ / Bản blues jazz đêm qua lẩn khuất phím dương cầm” - (“Bạch lộ”). 
Hay “Người đã vội quên cung bậc cuối / Nụ hôn nửa vời / Trái tim không cửa / Ai hờ hững xéo lên lá cỏ” - (“Buổi sáng”) 
Và “Người thiên di cung bậc cuối cùng / Nụ hôn nửa vời / Trái tim không cửa / Bóng ai hờ hững xéo trên lá cỏ / Điềm tĩnh ngồi chờ gió” - (“Bạch lộ”).
Nhà báo Hà Quang Minh phân tích: “Tất cả những câu hay nhất của Thường Đoan đã được thuổng vào bài của Thư rồi. Và bởi thế, tôi, với hiểu biết dù hạn hẹp của mình, vẫn dám cả quyết rằng Phan Huyền Thư đã đạo thơ trắng trợn. Tôi không cần một lời xin lỗi của Thư. Bởi người cần là Thường Đoan chứ không phải ai khác. Tôi cần thứ khác. Tôi cần một nền văn nghệ công chính. Tôi đòi hỏi những nghệ sĩ phải liêm chính”.
Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan cho biết, tối 18.10, Phan Huyền Thư đã gọi điện và khóc với chị. Cô nói rằng, cô chưa hề đọc bài thơ “Buổi sáng” của chị, nhưng có nghe bài hát của Phú Quang (phổ thơ). Và cũng yêu cầu chị đừng trả lời phỏng vấn các báo, vì hiện giờ cô đang bị “đánh”. Thế nhưng sáng mai ngủ dậy (19.10), đã thấy lời Phan Huyền Thư trả lời trên báo, rằng bài thơ “Bạch lộ” cô viết trước, nhưng phổ biến muộn hơn (!). “Tôi chỉ muốn im lặng, nhưng đến nước này thì không thể. Nếu cần đối chứng, tôi đã có nhạc sĩ Phú Quang làm nhân chứng. Còn về phía Phan Huyền Thư, hãy chỉ ra người có thể nói rằng đó là bài thơ cô viết sớm hơn” - Phạm Ngọc Thường Đoan nhấn mạnh.
Khó mà “vui vẻ cười”
Về phía Phan Huyền Thư, sự điềm tĩnh là cần thiết lúc này, nhưng không nên đi đôi với sự kiêu ngạo. Cô từng trả lời báo chí rằng: “Một câu thơ có vẻ giống nhau của hai tác giả khác nhau cũng giống như sự hao hao giống nhau của hai đứa con ruột thịt của họ khi để chúng đứng cạnh nhau. Điều đó khó có thể cho rằng, chúng là anh chị em cùng một huyết thống hoặc một trong hai đứa trẻ bị bắt cóc, thất lạc nhau”. Và thay vì thừa nhận đã lấy cảm hứng từ câu thơ của Du Tử Lê, cô lại viết: “Còn với ai cho rằng tôi đã “đạo” câu thơ đó, tôi cũng vui vẻ cười và chắc chắn sẽ lặng im vì đó là quyền tối thượng của độc giả”.
Trước đó, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cũng từng gửi một “tối hậu thư” tới Phan Huyền Thư, chỉ vì anh có lời bình về câu thơ của cô, mà đã xuất hiện vài comment thóa mạ anh trên facebook của Phan Huyền Thư. Và anh cũng chỉ rõ: “Báo chí phát hiện câu thơ “...tôi chết hãy mang tôi ra biển” chỉ trùng với một phần rất nhỏ mà tôi đã phát hiện chị “cầm nhầm” thơ người khác như thế nào trong tập “Sẹo độc lập”… Nếu chị không kiêu ngạo đưa bài thơ tặng Việt Chiến Nguyễn lên facebook với những lời lẽ khoái trá, thì cũng chả ai biết để mà công kích! Riêng tôi, tôi là một nhà phê bình rất chịu khó đọc thơ. Những gì chị viết, bị ảnh hưởng hoặc sao chép của người nào, không thể qua mắt tôi”. Ngay sau đó, Phan Huyền Thư đã gỡ những phần bình luận khiếm nhã xuống.
Đúng là việc chứng minh hai câu thơ cùng “huyết thống” còn mất nhiều thời gian, nhưng có một điều chẳng cần chứng minh, đó là lòng trung thực và tự trọng ở một nhà thơ liêm chính. Một lời xin lỗi vẫn chưa muộn, hơn là loanh quanh, mơ hồ. Và đây chỉ là câu chuyện của người làm nghề, còn việc tập thơ vừa đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội có bị rút tên hay không, lại là chuyện khác…
Tập thơ “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư vừa được giải thưởng 2015 của Hội Nhà văn Hà Nội. Ông Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, cho biết, đã liên hệ với nhà thơ Phan Huyền Thư và đang chờ kết quả giải trình từ chị. Sau đó, hội sẽ mời Phan Huyền Thư gặp mặt, Ban chấp hành hội sẽ họp và thông tin kết quả, chậm nhất trong vài ngày tới.
(Theo Lao động) Minh Thi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét