Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

GĐ sở siêu trẻ, cao ốc 'vượt ngọn' và...đúng quy trình

Cập nhật lúc 07:27           
      
Từ vụ “đúng quy trình” trong bổ nhiệm cán bộ ở Quảng Nam, đến “đúng quy trình” trong xây dựng nhà 8b Lê Trực, dư luận XH đang chờ việc xem xét, xử lý thật sự… “đúng quy trình” của cơ quan chức năng, và của pháp luật.
Khi vụ việc cả họ làm quan ở huyện Mỹ Đức vẫn còn ồn ào, bàn tán cái gọi là “đúng quy trình” trong việc bổ nhiệm, bầu bán, thì một vụ việc khác còn khiến dư luận xôn xao bàn tán hơn. Đó là là chuyện ông Lê Phước Hoài Bảo, con trai ông Lê Phước Thanh, nguyên BT Tỉnh ủy Quảng Nam (QN), vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư của tỉnh, một ngành nắm quyền sinh quyền sát, trở thành GĐ sở trẻ nhất của QN và cả nước từ trước đến nay, khi mới 30 tuổi, sau khi làm Phó GĐ sở này chưa đầy 06 tháng. Trước đó là Trưởng phòng xúc tiến đầu tư (Ban Quản lý khu Kinh tế mở Chu Lai), Phó CT huyện Thăng Bình…
Nói theo cách nói của bộ phim Tây Du Ký, ông Hoài Bảo thăng tiến như có phép “đằng vân giá vũ” (đi mây về gió)
Hát đối”
Khỏi phải nói, XH cũng tự nhiên như có hiện tượng… hát đối.
Bởi một bên là các quan chức của xứ hay cãi như thành ngữ dân gian xưa nay vẫn ví von về tính cách xứ này, “hát” rất hùng hồn, bảo vệ vị quan chức trẻ nổi tiếng thích chơi chim, hệt như các chim bác, chim chú, chim anh xù lông che chắn cho chú chim mới ra ràng, chuẩn bị vào đấu trường. Thậm chí các chim bác, chim chú, chim anh còn khẳng định chắc như đinh đóng cột - việc bổ nhiệm “đúng quy trình”
Một bên, là dư luận XH, cũng “hát” hùng hồn không kém. Chỉ để vạch ra cái sự bất cập của cái gọi là “đúng quy trình”, “lỗ hổng” của cách đi, cách bổ nhiệm đầy những… nghi vấn, không tường minh của QN.
Hăng hái nhất bên QN phải nói là ý kiến của ông Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, và GĐ Sở Nội vụ Nguyễn Hữu Sáng. Theo Tiền phong (ngày 25/9), ông Chủ tịch tỉnh, ông Giám đốc Sở Nội vụ viện dẫn, Sở KH&ĐT đề xuất và tiến hành làm việc lấy ý kiến 02 lần. Cán bộ chủ chốt của tỉnh, sở, cùng cấp ủy sở, lãnh đạo đều đồng ý 100%.  Ban cán sự chủ chốt và Thường vụ Tỉnh ủy bỏ phiếu kín lấy tín nhiệm, ông Hoài Bảo cũng được 100% phiếu.  Thường vụ bỏ phiếu kín 15/15 đồng ý.
Thậm chí, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh còn có ý chê trách tư duy XH hẹp hòi khi giảng giải, phải có cái nhìn thông thoáng để thu hút nhân tài trẻ vào cơ quan nhà nước. Rằng, trong thực tế có những trường hợp không phải cứ chờ ban hành chính sách rồi mới thực hiện. Rằng, đừng quan tâm nhiều đến quá trình hoặc gốc gác của anh ta v.v.. và v.v..
Nhưng bên kia, là những người am hiểu chính sách, am hiểu công tác cán bộ cơ sở, và dư luận XH cũng quá… già đời để hiểu hiện tượng “đúng quy trình” có thực chất  không, nếu chỉ nhìn vào những tỷ lệ 100% đồng ý, cũng đâu dễ bị tâm phục khẩu phục.
Chính vì thế, có rất nhiều câu hỏi đặt ra cho tỉnh QN, nếu đối chứng với tiêu chuẩn Giám đốc sở của Bộ Nội vụ từng quy định. Đó là phải "đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên; tốt nghiệp lý luận chính trị cao cấp; tốt nghiệp quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên chính trở lên; có 05 năm công tác trở lên trong ngành, trong đó có ít nhất 03 năm làm công tác quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao".
Đây lại chính là những tiêu chuẩn ông Bảo chưa đạt được. (VietNamNet, ngày 30/9).
 Quảng Nam, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, Ba Đình, Thủ đô, 8b Lê Trực, quảng trường
Ông Lê Phước Hoài Bảo (giữa). Nguồn: Sở KH&ĐT Quảng Nam/ Thanh Niên
Cũng theo VietNamNet, mặt khác, tỉnh QN có Quyết định 42 của UBND tỉnh quy định chính sách đối với người được cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Có điều, QĐ số 42 không có điều khoản nào cho phép người đi học 01 năm rồi mới làm hồ sơ và được nhận tiền hỗ trợ đào tạo lên đến hàng tỷ đồng. Một điều nữa cũng rất "lạ" là cho đến nay chỉ có một mình ông Hoài Bảo đi học thạc sĩ nước ngoài theo Quyết định 42. Hóa ra, QĐ 42 ra đời chỉ có duy nhất một mình ông Hoài Bảo được áp dụng, vì hiện tại quyết định này đã hết hiệu lực(?)
Nói cho công bằng, quá trình học tập, bổ nhiệm ông Hoài Bảo làm giám đốc sở của tỉnh QN cũng có rất nhiều cái rất…. lạ. Lạ như phép “đằng vân giá vũ” của ông Hoài Bảo.
Thực ra, trên thế giới, hiện tượng con ông cháu cha kế thừa con đường của cha ông mình trong chính trị, kinh tế…., hoàn toàn không có gì mới mẻ, không có gì lạ. Tổng thống Mỹ Bush Cha và tổng thống Mỹ Bush Con, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu (cha) và thủ tướng Lý Hiển Long (con)… là những minh chứng sinh động, cụ thể.
Điều khác biệt căn bản, những chính trị gia, những quan chức đó họ có cả một quá trình cọ sát thực tiễn, cống hiến và ứng cử vào chiếc ghế quyền lực bằng quyền uy tài năng, trí tuệ của mình, trên nền tảng một thiết chế quản lý công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật. Hoàn toàn không phải bằng cách “đi tắt, đón đầu”, hay “đằng vân giá vũ”.
Và cũng phải công bằng mà nói rằng, XH hoàn toàn không khắt khe, định kiến với người trẻ có chức vụ cao, nếu thực sự họ là tuổi trẻ tài cao. Vì xét cho cùng, đó cũng là phúc ấm của dân tộc. Nhưng vì sao có quá nhiều dư luận dị nghị, hoài nghi vụ việc ông Hoài Bảo, và cả những hiện tượng trước đó?
Đó là bởi XH ta lâu nay tồn tại trầm trọng nạn “con ông cháu cha” được ưu tiên, ưu đãi, được đãi ngộ hơn người. Chả thế, dân gian từ xưa đến nay đã tổng kết chí lý một người làm quan cả họ được nhờ. Nếu không, làm sao có hiện tượng “chi bộ họ ta”, “huyện họ ta”, như huyện Mỹ Đức (Hà Nội) mới đây. Dù thanh tra kết luận việc bầu bán đúng quy trình (lại đúng quy trình), thì XH cũng… nỏ tin. 
Đó thực chất là gì nếu không phải là hiện tượng lợi ích nhóm, một hiện tượng rất nguy hại đến sự phát triển lành mạnh của cả XH, đã được chính người đứng đầu tổ chức Đảng phải nhiều lần lên tiếng, lo ngại? Và ở mặt bên kia của hiện tượng COCC, tất yếu là sự bất công với những người trẻ tuổi không may mắn bởi không phải… COCC.
Đó là bởi sự mất dân chủ ở địa phương, trong các ngành, các bộ, các cơ quan, dẫn đến sự nể nang, ngại va chạm kiểu “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Dẫn đến việc đôi bên ông rút chân giò, bà thò chai rượu; anh có lòng thì tôi có dạ, thủ tiêu cách sống ngay thẳng, phủ nhận mọi giá trị chính trực. Con số nhất trí 100% về trường hợp ông Hoài Bảo của các cán bộ chủ chốt tỉnh QN, liệu có phản ánh tài năng thực chất của ông Hoài Bảo, hay mới chỉ phản ánh sự … nể nang, dễ dãi, cảm tính và e ngại lẫn nhau, bởi những động cơ khác về lâu dài?
Điều dở nữa, QN đã làm sai quy định chung của Bộ Nội vụ, nhưng có không ít quan chức sẵn sàng bao che cái sai, cái dở đó nhân danh những khái niệm tốt đẹp? Chính sách đặt ra là để hướng đạo cho con người thực hiện những quy chuẩn trong quá trình làm việc. Vậy nhưng nếu nói như ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ có những trường hợp không phải cứ chờ ban hành chính sách rồi mới thực hiện, vậy chính sách ban hành để làm gì? Nói vậy chẳng hóa ra, hoặc ông Nguyễn Tiến Dĩnh ngụy biện cái dở của tỉnh QN, hoặc là Hoài Bảo phải là …. thần đồng?
Một câu hỏi như rất nhiều người đã đặt ra, liệu có phải vì ông Hoài Bảo là con trai của ông cựu Bí thư Tỉnh ủy QN nên mới được hưởng “ưu đãi” đến mức QĐ 42 của tỉnh rút cục, chỉ áp dụng cho cá nhân ông này? Nếu không phải như vậy, tỉnh QN cần chứng minh cho XH biết có bao nhiêu người được hưởng QĐ này như ông Hoài Bảo đã hưởng?
Chả thế, báo VietNamNet, ngày 24/9 nhận định, đây đúng là một kỷ lục trong hệ thống hành chính, một kỳ tích đáng để các bạn trẻ noi theo. Tuy nhiên, với kỷ lục này mấy cơ quan có thẩm quyền ở TƯ không biết có nghĩ đến sửa tiêu chuẩn Giám đốc sở hay không để cho nhiều người tài thực sự khác có thể được bổ nhiệm như trường hợp ông Hoài Bảo. Cứ nghĩ đến tiêu chuẩn này lại ái ngại cho những người tuổi trẻ tài cao, vì nếu họ đáp ứng xong thì chắc không trẻ nữa.
Đến thời điểm này, cả nước vẫn ồn ào về cách thức bổ nhiệm của tỉnh QN, phớt lờ cả những quy định của Bộ Nội vụ, thì chính Bộ Nội vụ cũng lại im lặng…  để lập đoàn kiểm tra. Chợt nhớ đến ca từ đầy giục dã: Anh nói đi, anh nói đi….
Bởi cái mà tỉnh QN cho là “đúng quy trình”, thật ra chỉ đúng về hình thức, mà không hề “đúng quy trình” về…. thực chất!

Quảng Nam, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, Ba Đình, Thủ đô, 8b Lê Trực, quảng trường 
Tòa cao ốc 8B Lê Trực xây cao hơn giấy phép 16m sắp tới sẽ “cắt ngọn”. Ảnh: Viết Long
Lệ nằm trên luật?
Vụ việc “đúng quy trình” của ông Hoài Bảo ở QN còn chưa kịp hạ nhiệt, một vụ việc “đúng quy trình” khác xảy ra cũng không kém, nhưng sai phạm còn ghê gớm hơn. Gọi là “đúng quy trình” bởi những người trong cuộc cho rằng đã trình tất cả các sở, thậm chí cuối cùng trình lên Bộ Xây dựng và được cấp trên phê duyệt. Vậy mà cuối cùng, sai vẫn hoàn sai.
Đó là công trình thuộc Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở để bán và cho thuê số 8b Lê Trực, cách Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ khoảng 400m.
Ai cũng biết, quận Ba Đình được coi như một trung tâm hành chính của Thủ đô, có nhiều cơ quan đầu não và quan trọng nhất nước tọa lạc. Vì thế, ngoại trừ kiến trúc cũ từ thời Pháp để lại, quy hoạch kiến trúc đô thị mới ở đây phải được tính toán rất tỷ mỉ, cụ thể, bảo đảm nét hài hòa kiến trúc cũ và kiến trúc mới không bị phô, bị chen ngang hoặc phá hỏng.
Xử lý và thiết kế thế nào để cảnh quan đô thị bảo đảm sự tôn nghiêm và tôn vinh những giá trị kiến trúc trung tâm hành chính- văn hóa đầu não, có lẽ là nguyên tắc chung của nhiều quốc gia khi xây dựng các kiến trúc nhà ở, công sở nằm trong quy hoạch đô thị.
Ví như ở Mỹ, một cựu chuyên gia IT của WB cho biết, đồi Capitol nơi có tòa nhà Quốc hội cao 88m và tượng đài Washington (tháp bút) ở giữa DC cao 169m. Với qui định trên, không có bất kỳ tòa nhà nào trong DC lại vượt mặt nhà Quốc hội và tháp bút Washington. Dân DC mới đồn kiến trúc DC theo phong thủy chính trị “No one is above the law – không ai ngồi trên pháp luật”. Họ dùng luật trong độ cao của nhà cửa để giữ cho kiến trúc thành phố luôn nhất quán, theo đúng nghĩa thượng tôn pháp luật.
Quảng Nam, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, Ba Đình, Thủ đô, 8b Lê Trực, quảng trường 
“No one is above the law – không ai ngồi trên pháp luật”
Còn ở Campuchia, người viết bài này có cơ hội đi du lịch, thì sự tôn vinh di sản cha ông để lại thể hiện rất tinh tế: Ngọn tháp chính của Angkor Wat có độ cao nhất là 65 m, toàn bộ các tòa nhà trong thành phố Siem Reap, không tòa nhà nào được cao hơn 65 m- một cách xử lý về đô thị giữa kiến trúc cổ và hiện đại rất hài hòa và mang tính đạo lý.
Đó là ở những quốc gia phát triển mạnh cho tới quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, ở nước Việt thì sao?
Câu chuyện tòa nhà 8b Lê Trực đang trở thành nỗi nhức nhối và nên biết hổ thẹn vì sự coi thường kỷ cương phép nước giờ đây như chuyện thường ngày ở đô thị. Ngay sát Lăng Chủ tịch HCM, và gần đó là Nhà QH, mà tòa nhà 8b Lê Trực ngạo nghễ vươn cao, lấn át và phá vỡ cảnh quan chung. Bởi theo thiết kế của dự án, Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở để bán và cho thuê ở đây với diện tích 1783 m2, chiều cao công trình 53 m.
Nhưng rất lạ, như được phù phép, khi các ngành chức năng của t/p vào cuộc kiểm tra trước sức ép công luận và XH, thì mọi việc mới vỡ lở. Chủ đầu tư trong quá trình triển khai, đã xây dựng tới 69 m, sai so với giấy phép xây dựng được cấp 16 m, tương đương 05 tầng. Diện tích sàn xây dựng khoảng 36.000 m2 (giấy phép xây dựng là 29.874 m2) tăng khoảng 6.126 m2.
Người viết bài bỗng ngẩn ngơ. Nên nhớ rằng, nếu là nhà dân xây dựng, chỉ lỡ đổ vật liệu ra ngõ nhỏ, ngay lập tức đã thấy cơ quan chức năng xuất hiện ghi biên bản, yêu cầu nộp phạt. Vậy mà cả một công trình- một tòa nhà lớn ngất ngưởng xây vi phạm so với giấy phép tới 05 tầng, lại không ai nhìn ra? Tài thật. Tài đến thế là cùng. Chợt nhớ nhà văn Nam Cao vỗ đùi đánh “đét” khen… tiên sư “anh” Tào Tháo!
Câu hỏi “vì sao?”, chắc chỉ có hai bên, bên t/p, ngành xây dựng và chủ đầu tư dự án 8b Lê Trực là biết nhau rõ nhất trong vụ này?
Một câu hỏi cần được đặt ra. Phải chăng tâm lý coi thường phép nước, tâm lý đồng tiền mua tiên cũng được, tâm lý đồng tiền đi trước đồng tiền khôn, đã dẫn đến sự liều lĩnh, coi những quy định pháp luật về quy hoạch đô thị của chủ đầu tư dự án 8b Lê Trực chả là cái đinh gỉ gì? Phải chăng chủ đầu tư rất tự tin ở cái… lệ nằm trên luật là sẽ phạt cho tồn tại, một cái lệ tệ hại đã dẫn đến tâm lý của nhiều người là có thể bất tuân pháp luật mà vẫn không sao, nếu có tiền? Nếu nói rằng quản lý lỏng lẻo, thì không hiểu các vị công chức ăn lương trách nhiệm để ngày ngày…. vãn cảnh công trường?
Còn nếu kết luận của t/p HN nói rằng nhà 8b Lê Trực nằm ngoài khu Trung tâm chính trị Ba Đình, thì dù có nằm ngoài, nhưng theo các chuyên gia về quy hoạch, nó vẫn lấn át không gian khu quảng trường, tăng thêm áp lực dân số, mật độ giao thông, gây cảm giác không tuân thủ không gian truyền thống và có gì đó bất an đối với Trung tâm chính trị quốc gia (VnExpress, ngày 2/10).
Và cho dù nằm ngoài khu Trung tâm chính trị Ba Đình, thì sai phạm vẫn còn đây- xây vượt phép tới 05 tầng nhà, với hơn 6000 m2?
Từ vụ “đúng quy trình” trong bổ nhiệm cán bộ ở QN, đến “đúng quy trình” trong xây dựng nhà 8b Lê Trực, dư luận XH đang chờ việc xem xét, xử lý thật sự “đúng quy trình” của cơ quan chức năng, và của pháp luật.
Hãy đợi đấy!
(Theo TuanVietNam) Kỳ Duyên

Có một Tỉnh ủy viên “siêu trẻ” mà chỉ có một số báo nhắc tên thoáng qua, đó là anh Nguyễn Minh Triết, Tỉnh ủy viên Bình Định năm trước, khi tròn 24 tuổi, làm bí thư Tỉnh Đoàn. Anh Nguyễn Minh Triết là con út thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
 
Anh  Triết lúc về Bình Định làm Phó Bí thư Tỉnh Đoàn
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét