12:04
Quan địa phương đang nhắm mắt làm ngơ
(PetroTimes) - Chưa ai trả lời được cho người nông dân một câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản rằng, thương lái Trung Quốc mua đỉa, mua rễ hồ tiêu, râu bắp non… và mới đây là mua lợn mỡ, toàn những thứ kỳ quái đó để làm gì?!
1. Trong vài ngày qua, dư luận ồn ào chuyện giá thịt lợn các tỉnh Nam bộ đang tăng chóng mặt. Nguyên do được xác định là thương lái Trung Quốc mở chiến dịch thu gom loại thịt lợn nhiều mỡ, loại thịt mà thị trường trong nước trước nay chỉ lắc đầu chê. Khỏi phải nói là việc giá thịt lợn hơi tăng lên mấy ngày qua đã khiến người chăn nuôi cảm thấy vui đến mức nào, bởi đây là lần tăng giá đầu tiên sau hơn 2 năm qua, khoảng thời gian mà người chăn nuôi phải thường xuyên đối diện với cảnh thua lỗ.
Nhưng khi bình tâm mà nhìn lại thì đằng sau niềm vui của người chăn nuôi sẽ là một nỗi lo lắng. Bởi bài học về những lần thu mua các loại nông sản dồn dập để rồi sau đó ngừng thu mua của người Trung Quốc khiến nông dân bao lần lâm cảnh ế ẩm, thiệt hại vẫn còn nguyên nghĩa giá trị thời sự. Và lời cảnh giác với việc ồ ạt mua thịt lợn mỡ đang diễn ra là không bao giờ thừa.
Chưa ai trả lời cho người nông dân rằng thương lái Trung Quốc mua những thứ kỳ quái này để làm gì?!
Còn nhớ trước đây, việc thương lái Trung Quốc thu mua rễ cây hồ tiêu và rồi người nông dân lại đi đào cây hồ tiêu lên lấy rễ… Việc này đã khiến hàng trăm ha hồ tiêu bị hủy hoại… Hay ngay tại thủ đô, nhiều người dân Cổ Nhuế đã bỏ hết cả việc làm mà đi săn đỉa về bán cho Trung Quốc với giá 800 đến 1 triệu đồng/kg…
Nếu để kể thêm về những bài học từ việc thu mua nông sản kỳ lạ từ các thương lái Trung Quốc thì đó là việc mua ốc bươu vàng, râu bắp non, lá xoài khô, móng trâu…
Điểm chung dễ dàng nhìn thấy của những vụ mua bán ồ ạt này là phần thiệt hại nặng nề luôn về phía người nông dân. Bởi những niềm vui, hào hứng vì có lợi, giá bán cao đã khiến nông dân nhắm mắt lao theo các cuộc mua bán ấy. Họ đào cả vườn hồ tiêu lên để lấy rễ và hậu quả là... vườn tiêu trở nên tiêu điều; họ lấy hết râu bắp non trên cây mà chẳng quan tâm rằng sau đó trái bắp sẽ không hoặc cho hạt rất thấp; họ ồ ạt nuôi ốc bươu vàng để bán mà quên đi rằng, đại dịch ốc bươu vàng phá hoại mùa màng của bà con nông dân thế nào…
Và có khi sắp tới đây, bà con nông dân Nam Bộ lại đổ xô vào nuôi lợn mỡ, và kịch bản cũ lại diễn ra: người chăn nuôi bị ế chỏng chơ vì thương lái Trung Quốc đột ngột ngừng mua cái loại thịt mà theo lẽ thường chẳng ai chuộng ấy!
Nhưng trách sao được người nông dân! Chữ lỗ, chữ khổ vốn đã theo họ triền miên nên khi nông sản có được giá là họ mừng vui, đó cũng là điều dễ hiểu!
Nhưng điều gì mới thật sự làm cho hàng loạt vụ người Trung Quốc thu mua nông sản như thế cứ tiếp diễn suốt những năm qua? Nhiều người sẽ đổ lỗi cho người nông dân là họ mù quáng, dễ tin người, rằng nông dân thiếu suy nghĩ… Lên án người khác bao giờ cũng là một điều dễ dàng như thế, song nếu như những cuộc mua bán ấy của nông dân với thương lái Trung Quốc diễn ra trong âm thầm, bí mật và không một ông quan địa phương đức cao vọng trọng nào hay biết cả thì còn thông cảm cho những ông quan! Song, sự thật thì thông tin các vụ mua bán quái lạ đều xuất hiện tràn ngập trên các trang báo, bao nhiêu lời cảnh báo từ giới truyền thông cũng đã được đưa ra, nhưng nó cứ tỷ lệ thuận với bao nhiêu cuộc mua bán lạ tiếp diễn.
Nguyên nhân cốt lõi phải chăng không phải là tại nông dân mà là vì cho đến nay chưa có cơ quan chức năng nào trả lời rõ ràng cho người nông dân câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản là: Thương lái Trung Quốc mua đỉa, mua rễ hồ tiêu, râu bắp non, mua lá điều, lá xoài khô, mua lợn mỡ… toàn những thứ kỳ quái đó để làm gì?! Kế đến là có nên bán những thứ ấy hay không? Vì sao?...
Cuộc sống của nông dân hằng ngày là những giọt mồ hôi rơi ngoài đồng ruộng, họ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên những cánh đồng thẳng tắp. Họ không có điều kiện, cũng không đủ sành điệu để click chuột, lướt web hằng ngày để đọc những thông tin trên báo chí. Vì thế họ khó có thể biết được nông dân ở nơi khác từng nếm những mùa đắng, những thương vụ trắng tay sau những cuộc mua bán kỳ lạ với thương lái Trung Quốc.
Nhưng những ông quan địa phương thì khác, họ có đủ điều kiện để tiếp cận thông tin, họ có trách nhiệm, nghĩa vụ phải tìm hiểu những chuyện liên quan đến an sinh của người dân mình mà kịp thời tìm cách giải quyết, phổ biến rộng rãi đến mọi người. Song, chẳng biết có phải vì quá vô cảm hay không mà các ông cứ để người nông dân của mình đơn độc, mù mịt trong các thương vụ lạ!
Có thể nói, không ở đâu như chúng ta, thương lái nước ngoài có thể thao túng giá cả thị trường, có thể thay đổi xu hướng các loại hàng hóa nông sản một cách hết sức dễ dàng. Đó là vấn đề báo động về trách nhiệm của các nhà quản lý thị trường, các ông quan quản lý kinh tế địa phương!
2. Nói về trách nhiệm của các nhà quản lý thị trường thì không thể không đề cập đến câu chuyện buôn bán lạ thường đến từ củ khoai tây tàu cũng vừa xảy ra trung tuần tháng 7 vừa qua. Đó là việc Quản lý thị trường phát hiện 5 tấn khoai tây Trung Quốc được vận chuyển từ TP HCM lên thủ phủ của những loại rau củ, Đà Lạt để tiêu thụ.
Điều kỳ lạ từ vụ buôn bán này là vì sao khoai tây Trung Quốc có thể vượt hàng ngàn kilômét để vào tận TP HCM, rồi từ thành phố này vận chuyển lên Đà Lạt một cách trót lọt như thế? Và thật là lạ lùng khi các thương lái người Việt, ở giữa vựa khoai tây nhưng lại nhập khoai tây tàu về bôi đất đỏ vào cho giống khoai tây của ta để bán! Đó có đơn giản là việc cạnh tranh giá cả thông thường hay không vì khoai tây tàu giả khoai tây ta có giá bán thấp hơn giá khoai tây Đà Lạt?!
Chuyện củ khoai tàu giữa vựa khoai ta vừa qua có thể không phải chỉ là câu chuyện của gian lận thương mại, nhưng dẫu đó là câu chuyện gì đi nữa thì việc nó có thể vào Nam rồi lên Tây Nguyên một cách dễ dàng như vậy là điều đáng để thắc mắc với các nhà quản lý thị trường? Những con gà, con cá tầm… nhập lậu cũng là những câu chuyện tương tự như thế!
Tất cả những thứ đó không biết tàng hình, chắc chắn rồi, nó phải được vận chuyển bằng đường bộ, đường hàng không… Thậm chí, con gà lậu còn có điểm tập kết nổi tiếng Hà Mỹ hay con cá lậu cũng có “chợ đầu mối Yên Sở”… Nhưng những con cá, con gà láng giềng ấy cứ vô tư được vận chuyển, bày bán như những cái chợ cóc ở xứ ta một thời gian dài mà chẳng ai để mắt tới!
Và bất ngờ hơn cả chuyện củ khoai, con cá, con gà lậu… có lẽ là chuyện những tấm biển quảng cáo bằng tiếng Trung ở Bắc Ninh mới vừa được gỡ bỏ vừa qua. Củ khoai nhỏ, nên khó nhìn, khó thấy đã đành nhưng những tấm biển quảng cáo to đến như thế vẫn có thể tồn tại vài năm giữa thanh thiên bạch nhật nhưng các nhà quản lý nơi đây vẫn không thấy, cho đến khi được báo chí phát hiện dùm. Đúng là chuyện khó có thể lý giải thuyết phục được!
Cũng lại là câu hỏi dành cho các nhà quản lý, cơ quan chức năng rằng họ đã ở đâu và đang làm gì khi những câu chuyện như chuyện người Trung Quốc thu mua nông sản lạ, rồi chuyện nông sản nhập lậu vô tư vận chuyển, bày bán ngoài đường… vẫn diễn ra thường xuyên?! Lẽ nào các vị ấy không thấy, không hay biết? Hay vẫn thấy và biết đấy nhưng xem đó là những chuyện nhỏ, chẳng đáng lưu tâm?!
Theo Năng lượng mới
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét