Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

 14:02

Hải Dương: Dân đưa Ủy ban tỉnh… ra tòa 
Có lẽ đây là một trong những chuyện hy hữu, vì sau một thời gian "lao tâm khổ tứ” đeo đuổi vụ việc, họ đã đưa được UBND tỉnh… ra tòa. 


Đường Nguyễn Thị Duệ, một trong những con đường 
khiến người dân đưa UBND tỉnh ra… hầu tòa

Nhập nhèm cũ, mới

Sau gần… 40 lần gửi đơn, nhưng với cái cách kính chuyển đi rồi lại… trở về điểm xuất phát nên quyền lợi của người dân vẫn không được xử lý. Chỉ khi TAND tối cao ra công văn (Số 487/2012/QĐ- THC) cho rằng việc khởi kiện của người dân là đúng thì lúc này UBND tỉnh và Chủ tịch tỉnh Hải Dương mới "tâm phục, khẩu phục” để… ra tòa cùng dân.

Là người đứng đơn khởi kiện, ông Vũ Năm, thương binh 4/4 cho biết, tất cả những bức xúc này bắt đầu từ năm 2008 – 2009, khi TP Hải Dương có chủ trương nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Thị Duệ. Cũng như một số hộ cận kề, năm 1974, sau khi dời quân ngũ, chuyển ngành, ông đã về Hải Dương công tác và định cư tại số 142 Nguyễn Thị Duệ, Khu 17, phường Thanh Bình, TP. Hải Dương. Lúc đó khu này là xã Thanh Bình, đất chủ yếu là thùng vũng do một xí nghiệp gạch để lại.

Tranh thủ thời gian rỗi, ông cùng gia đình san lấp đất, tôn tạo thùng vũng để làm chỗ ở. Việc cải tạo đất đai đã được ông xin các cấp, ngành, có sự đồng ý và ông đã bắt đầu thực hiện nghĩa vụ đóng lệ phí và thuế sử dụng đất từ năm 1987. Sau đó, ngày 1-6-1987 gia đình ông đã nhận được giấy thông báo của UBND xã Thanh Bình về việc sử dụng đất ở xác định: Tổng số diện tích đất đang sử dụng là 377m2. Số diện tích đất sử dụng này cũng đã được đưa vào Tờ bản đồ số 9, bộ bản đồ số 299, thuộc ô 40 với diện tích sử dụng là 377m2, với chiều sâu 25m.

Nếu trong quá trình thi công dự án, thực hiện đền bù theo những căn cứ này thì sẽ không có tình trạng khiếu nại, khiếu kiện và khởi kiện. Theo ông Vũ Năm, chả hiểu sao khi thực hiện dự án, không có quyết định thu hồi đất, người ta đã đem bản đồ được thực hiện năm 2005 ra làm căn cứ để thực hiện bồi thường. Chính do việc không dùng bản đồ 299 làm căn cứ này nên đã làm cho nhiều gia đình bị đánh tụt mức bồi thường. Riêng gia đình ông Năm, do việc không nhất quán là dùng bản đồ 299 mà dùng bản đồ được thực hiện vào năm 2005 đã làm cho gần 35m2 đất lẽ ra được đền bù của ông xuống còn… 1,6m2.  

Có dấu hiệu thất thoát?

Trao đổi với chúng tôi về việc đúng sai để dẫn đến tình trạng khởi kiện này, ông Cao Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, người được UBND tỉnh Hải Dương ủy quyền ra hầu tòa cùng dân cho biết: Sở dĩ chúng tôi sử dụng bản đồ được thực hiện năm 2005 mà không sử dụng bản đồ số 299 là vì bản đồ 2005 có tính chính xác cao và có giá trị… pháp lý cao hơn…

Cùng với một số hộ dân, ông Vũ Năm đang có chủ định tố cáo, đề nghị chuyển phiên tòa khởi kiện hành chính về việc nói trên sang hình sự để làm rõ một số nội dung như: Tại sao làm một con đường chưa đến 1,3km, thu hồi 3.099,8 m2 đất mà tiền đền bù GPMB ở đây lên đến hơn 10 tỷ đồng? Thực tế, nếu cộng lại tất cả tiền đền bù của các hộ đã nhận tiền thì chỉ có hơn 1 tỷ đồng ? Vậy, số tiền gần 9 tỷ đồng đền bù đi đâu?

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, ngày 31-3-2008, ông Nguyễn Danh Trình, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hải Dương đã ký Thông báo số 721-TB/TU nêu rõ, đồng ý cho điều chỉnh Dự án đường Nguyễn Thị Duệ về hệ thống thoát nước và chuyển dịch hướng tuyến (sang phía bắc) để hạn chế tối thiểu công tác GPMB. Tiếp đó, ngày 16-5-2008, ông Phan Nhật Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã ký Quyết định số 1662/QĐ-UBND, phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo nâng cấp đường Nguyễn Thị Duệ. Điều lạ, Dự án này được "chẻ” ra làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I (từ 2008-2009) gồm giá trị xây lắp gần 17,6 tỷ đồng; chi phí tư vấn ĐTXD & các chi phí khác: 2,643 tỷ đồng; chi phí đền bù GPMB: 10,101 tỷ đồng, chi phí dự phòng: 3,03 tỷ đồng. Tổng cộng: 33,4 tỷ đồng. Đầu tư giai đoạn 2 (từ 2010-2012) với số tiền đền bù GPMB còn vọt cao hơn, bởi vậy tổng Dự toán cho dự án này ở giai đoạn 2 lên đến 37,3 tỷ đồng. 

Như vậy tổng giá trị đầu tư cho Dự án con đường dài chừng 1,3 km, thu hồi hơn 3.000 m2 đất mà tổng dự toán của công trình lên đến hơn 70,7 tỷ đồng. Đó là những bất thường của một công trình mà cần phải có sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng để làm rõ. Thực tế, đến nay Dự án con đường Nguyễn Thị Duệ đã "đốt” hết bao nhiêu tiền của ngân sách nhà nước cần phải làm rõ và đây cũng là tâm nguyện của rất nhiều người dân. 
(Theo Đại đoàn kết) Đơn Thương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét