Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

16:05

 Chiến lược 'đánh úp' của ngành điện, xăng dầu được triển khai thế nào?

                                    
(VTC News) – Như một mô tuýt quen thuộc, trước mỗi lần tăng giá xăng, điện là vài ba lần nói không rồi bất ngờ tăng và tăng với một mức giá khá “sốc”.

Bổn cũ soạn lại

Năm 2012, năm đầu đầu tiên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phép tự quyết tăng giá điện ở mức dưới 5%. Và cũng chính năm này, người dân đã không khỏi “sốc” khi EVN tuyên bố lãi nhưng vẫn tăng giá điện tới 2 lần.

Lần đầu tiên là vào 1/7/2012, vẫn với mức tăng bình quân là 5%. Vẫn theo mô tuýt quen thuộc, trước một ngày có thông báo tăng giá. Tại tọa đàm trực tuyến về quy hoạch điện do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng (nay là Chủ tịch EVN) và ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc EVN vẫn giữ kín việc tăng giá điện và chỉ cho hay, sẽ phải tăng theo giá đầu vào.

Và lần tăng này, EVN cho rằng không có tác động không lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.

Sau khi tăng giá điện, doanh thu bán điện của EVN dự kiến tăng thêm 3.710 tỷ đồng, tương ứng với sản lượng điện thương phẩm của EVN dự kiến từ 1/7/2012 đến 31/12/2012 là 56,8 tỷ kWh (bao gồm cả sản lượng điện xuất khẩu sang Campuchia), được sử dụng để bù đắp cho tăng giá than và một phần các chi phí còn treo của các năm trước.

Năm 2012, ước tính EVN lãi khoảng 100 tỉ đồng. Nhưng đến cuối năm 2012, người dân lại một lần nữa “sốc” khi ông lớn này thông báo tăng giá điện thêm 5%. Với giá điện mới, dự kiến doanh thu năm 2013 của EVN sẽ tăng thêm hơn 7.000 tỉ đồng.

Và vẫn điệp khúc cũ, EVN cho rằng, việc tăng giá điện là để bù đắp chi phí phát điện do giá than, khí tăng và bù chênh lệch tỉ giá của những năm trước chưa tính hết vào giá bán điện.

Điều đáng nói, việc tăng giá điện tại thời điểm này khiến cho các doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, cho rằng, việc bất ngờ tăng giá không có gì đáng ngạc nhiên vì ngành điện xưa nay luôn “đòi” tăng giá điện dù họ lỗ hay lãi. EVN hiện là nhà độc quyền trong phân phối điện nên những giải trình của tập đoàn này dễ thiếu minh bạch.

Và việc phải “cõng” thêm giá điện khiến hàng hóa giảm sức cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trong việc giải quyết hàng tồn kho, phát triển sản xuất. 

Với thực tế này, ngay sau khi được phép tự điều chỉnh giá điện dưới mức 5%, nửa cuối năm 2012, EVN đã tạo ra tiền lệ một năm hai lần tăng giá điện. Tuy nhiên, chừng đó có vẻ như chưa đủ bù đắp những khoản lỗ, nhu cầu vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ.

Và vì vậy, áp lực tăng giá điện tiếp tục dồn vào năm 2013. Mặc dù trước đó đã có không ít các đồn đoán về khả năng tăng giá điện, thậm chí tăng ở mức 13% trong năm 2013, nhưng cả lãnh đạo của Bộ Công thương cũng như EVN đều khẳng định chưa tăng.

Nhưng cũng như mọi lần, thông tin tăng giá điện từ hôm nay (1/8) cũng được phát đi một cách rất gấp gáp từ khoảng 19h tối 31/7. 

Mức tăng giá điện lần này vẫn là 5%. Nhưng điều đáng nói là dù Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam 1 ngày trước đó đã khẳng định việc tăng giá điện phải được báo trước, tuyên truyền để người dân hiểu, thì EVN và Bộ Công thương vẫn làm theo mô tuýt cũ của mình là “đánh úp bất ngờ”.

Điều khiến người dân lo ngại hơn nữa là EVN vẫn tiếp tục treo khoản nợ hàng chục ngàn tỷ sẽ phân bổ dần vào giá điện trong tương lai, cùng với đó là sự thiếu hụt vốn đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Chưa kể đến khoản nợ hàng ngàn tỷ của EVN đối với PVN chưa biết bao giờ mới trả được.

Và với những khoản nợ khổng lồ này, rất có thể sau một thời gian nữa giá điện biết đâu lại tăng ở mức cao hơn?

Ám ảnh xăng tăng giá

Giống như điện, xăng cũng là mặt hàng luôn khiến người tiêu dùng bị ám ảnh vì cách tăng bí hiểm và bất ngờ.

Tối 17/7 vừa qua, giá xăng được điều chỉnh thêm hơn 400 đồng/lít. Đây không phải là mức tăng lớn. Tuy nhiên, việc xăng tăng giá nhiều lần từ đầu năm đến nay đã khiến cho không ít người dân phải ngán ngẩm.

Việc tăng giá xăng dầu này chỉ diễn ra sau 2 tuần Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp không được tăng, cho phép trích quỹ bình ổn để giữ giá xăng dầu. 

Diễn biến này khiến người ta nhớ lại cú sốc với mức tăng giá xăng 1.430 đồng/lít, đẩy giá xăng lên mức kỷ lục 24.580 đồng/lít vào cuối tháng 3 vừa qua. 

Đó dường như là kết quả tất yếu sau 4 tháng liên tục cố giữ giá xăng dầu kể từ 11/2012. Giai đoạn cuối 2012 - đầu 2013, cơ quan quản lý đã nhiều lần thực hiện nhiều biện pháp như tăng trích quỹ bình ổn giá, giảm thuế, yêu cầu doanh nghiệp chưa tính lợi nhuận định mức... để giữ giá.

Đỉnh điểm là vào cuối tháng 2/2013, khi giá bán lẻ xăng dầu lẽ ra phải tăng 1.000 - 2.300 đồng thì Bộ Tài chính vẫn cố giữ. Nhưng, mọi thứ đều có giới hạn và việc tăng giá sốc sau đó dường như là một tất yếu.

Trong lịch sử điều hành giá xăng dầu, mức tăng giá cao nhất được ghi nhận vài tháng 3/2011 với mức tăng 2.000 đồng/ lít xăng, 2.800 đồng/lít diiezen. Việc điều chỉnh tăng giá đó diễn ra sau nhiều tháng liền cơ quan quản lý quyết giữ giá nhưng đến khi giữ không nổi thì đã buộc phải tăng một mức rất mạnh

Điều đáng nói, cũng giống như giá điện, xăng cũng áp dụng chiêu thức “đánh úp” bất ngờ. Trước khi tăng, hàng loạt các tin đồn xuất hiện, nhưng cơ quan chức năng thì vẫn bác bỏ, và rồi đột nhiên tăng.

Lấy dẫn chứng lần tăng giá xăng gần đây nhất là ngày 17/7. Buổi sáng hôm đó, Tổ điều hành thị trường trong nước vẫn cho rằng, chưa có quyết định nào về giá xăng dầu, các đơn vị kinh doanh tiếp tục thực hiện giá cả hiện hành.

Thậm chí, đến cuối giờ chiều, lãnh đạo Petrolimex cũng có thông báo chính thức cho biết, Liên Bộ Tài Chính - Công Thương vẫn đang trực tiếp theo dõi diễn biến giá xăng dầu trên thị trường quốc tế để điều hành giá. 

Nhưng chỉ mấy tiếng sau, giá xăng đã được quyết định tăng lần thứ 3 trong hơn 1 tháng. Điều đáng nói thông báo quyết định tăng giá và doanh nghiệp được thực hiện từ 20 giờ nhưng những thông tin chính thức thay vì được gửi trước hay đồng thời như mọi lần thì lần này đã được gửi chậm hơn, mãi tận 20h30. 

Không nói tới sự minh bạch trong cơ cấu giá xăng dầu, việc minh bạch thông tin của giá xăng cũng như giá điện dường như đang là một câu hỏi lớn. Tại sao không công bố sớm để người tiêu dùng có thể chủ động được biết?

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đã từng phải bất bình về việc điều hành giá xăng dầu theo kiểu “tù mù” hiện nay. 

“Cần phải có một trang thông tin riêng để cung cấp cho chúng tôi biết giá xăng đang được tính thế nào; xu hướng sắp tới có tăng hay không để doanh nghiệp còn lường trước. Nếu tăng cước vài hôm, xăng giảm giá, lại phải thay đổi, bất cập vô cùng”, ông Bình nói.
(Theo VTCnews, tựa đề của Kinh Bắc) Châu Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét