Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

08:01

 Vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu khách quan

Nhandan- Trong mấy năm qua, cứ gần tới một ngày lễ trọng đại của đất nước, là một số tổ chức, cá nhân lại tiến hành các hoạt động để qua đó bôi nhọ chế độ, xuyên tạc lịch sử. Gần đây, từ các sự kiện có liên quan đang diễn ra, tác giả Amari TX - một người Mỹ gốc Việt đã có bài viết đưa ra một số nhận xét và đánh giá. Báo Nhân Dân trích giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Ðọc bài của một "nhà bất đồng chính kiến" công bố gần đây, tôi không ngạc nhiên và cũng không bất ngờ về nhân vật mà các phần tử cơ hội, bất mãn đang ra sức tung hứng như "ngọn cờ" để chống phá Ðảng Cộng sản Việt Nam (ÐCS Việt Nam) và Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Ông có một bảng "thành tích" đủ để thấy chân dung: ông là một trong những người đầu tiên ký vào "Kiến nghị 72"; là một trong những người đi đầu trong "phong trào biểu tình"; ông từng khẳng định: "Việc đổi tên nước là thời cơ rất lớn để thay đổi một số điều trong Hiến pháp, làm đòn bẩy cho sự phát triển của đất nước. Nếu vẫn như cũ thì rất tiếc, thời cơ qua đi", v.v...!? Hiện thời, dường như các "nhà dân chủ" đang có tham vọng làm một cuộc "cách mạng dân chủ mới" ở Việt Nam qua "hiệu triệu" của một ông già "chém gió". Tôi trân trọng quá khứ tham gia cách mạng và công tác của ông, nhưng tiếc thay, ông đã tự vứt bỏ sự trân trọng ấy, ông đã không đồng hành với Ðảng đến cùng. Trước sự cám dỗ hão huyền trên các phương tiện truyền thông không thiện chí với Việt Nam, ông đã nhập cuộc một cách xăng xái?
Ðọc bài viết của ông với lời "bạt gió" của ông chủ một trang mạng, tôi thấy một màu xám xịt xuyên suốt. Bài viết của ông là sự thóa mạ chủ nghĩa Mác, mạt sát ÐCS Việt Nam và chế độ chính trị - xã hội hiện nay ở Việt Nam, đòi thay đổi chính trị bằng cách thành lập một đảng phái khác. Lời lẽ mà ông đưa ra vẫn là bóp méo, xuyên tạc sự thật. Ông đả kích, nói xấu, kích động, song vẫn chỉ xoay quanh luận điệu "độc đảng, độc tài, không có tự do, dân chủ" như các "chiến sĩ dân chủ", các "nhà bất đồng chính kiến" khác vẫn ra rả bấy nay. Có khác chăng, chỉ là ông nói năng "văng mạng", "liều mạng" hơn mà thôi. Ông và mấy "nhà dân chủ" khác đang biến mình thành vai diễn trong vở kịch có kịch bản cũ mèm, với các diễn viên phần được người "cùng hội cùng thuyền" lăng-xê, phần tự huyễn hoặc cho mình là "nhà bất đồng chính kiến", "chiến sĩ đấu tranh vì dân chủ"... Ông đưa ra luận điệu: "không thể không đa nguyên, đa đảng được. Như vậy, Ðiều 4 Hiến pháp hiện nay là đi ngược lại với sự vận động của thực tiễn, cản trở sự phát triển của đất nước. Nếu Ðảng Cộng sản chấp nhận đa đảng thì sẽ tạo ra cho mình có sức kháng thể, tạo cơ may thoát được tình trạng quan liêu, tham nhũng làm ruỗng nát như hiện nay..."!? Ðây là lối nói hồ đồ, không căn cứ. Vậy đâu là chân lý? Tìm hiểu kỹ chúng ta thấy: Trong những năm gần đây, có ý kiến cho rằng, để có dân chủ, phải đa nguyên về chính trị, thực hiện phát triển kinh tế thị trường mà vẫn duy trì chế độ nhất nguyên về chính trị, một đảng duy nhất cầm quyền sẽ là một mâu thuẫn lớn gây bi kịch cho dân tộc? Từ đó, những người theo quan điểm này đề nghị phải xác lập chế độ đa đảng, phải xóa bỏ Ðiều 4 của Hiến pháp... Xin nói để ông và các "chiến hữu" của ông biết: một chế độ đa đảng chưa hẳn đã là chế độ đa nguyên về chính trị. Chẳng hạn, ở Mỹ hiện nay, tuy đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thay nhau cầm quyền, nhưng nếu xem đó là chế độ đa nguyên về chính trị thì chưa hẳn đúng. Bởi lẽ, hai đảng chỉ đối lập nhau trên một số phương diện không cơ bản; xét về bản chất giai cấp - xã hội, hai đảng là đồng nhất, có mục tiêu căn bản giống nhau là củng cố và phát triển thể chế tư bản chủ nghĩa ở Mỹ... Ở các nước khác cũng tương tự như vậy, cho dù nước Mỹ khác nước Anh, nước Anh lại không giống nước Pháp, nước Ý. Ở Anh và Nhật Bản, hiến pháp lại thừa nhận vai trò của nhà vua, họ là những nhà nước quân chủ lập hiến. Không ai ngớ ngẩn, rỗi hơi, vô lối đòi hỏi các quốc gia ấy xóa bỏ chế độ quân chủ lập hiến để hiến định chế độ cộng hòa, cộng hòa tổng thống hay cộng hòa dân chủ nhân dân...
Một chế độ nhất nguyên hay đa nguyên, về chính trị do một loạt nhân tố quy định, trong đó, đáng quan tâm nhất là: tương quan lực lượng giữa các giai cấp, bối cảnh xác lập vị trí lãnh đạo, vai trò cầm quyền của đảng, những thành tựu mà nhân dân đạt được trong thực tiễn phát triển xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng đó. Vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời kỳ lịch sử cận - hiện đại, có thể thấy ở nước ta, bối cảnh xác lập vị trí duy nhất lãnh đạo xã hội, xác lập vai trò duy nhất cầm quyền của ÐCS Việt Nam như sau: Ðây là nhân tố hoàn toàn khách quan, độc lập với ý chí của mọi chủ thể hoạt động chính trị. Vai trò lãnh đạo của ÐCS Việt Nam là một tất yếu khách quan của tiến trình lịch sử dân tộc, không phải do ai áp đặt lên xã hội. Ðường lối kháng chiến đúng đắn của ÐCS Việt Nam là ngọn cờ dẫn dắt, động viên, tổ chức nhân dân đấu tranh giành thắng lợi trong các năm kháng chiến lâu dài, gian khổ, từ chiến cuộc Ðông Xuân 1953 - 1954, chiến dịch Ðiện Biên Phủ lịch sử, đến thắng lợi của Genève năm 1954... tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đánh dấu sự hoàn thành một cách vẻ vang cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trên cả nước dưới sự lãnh đạo của ÐCS Việt Nam...
Sự lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước đã trở thành nguyên tắc nhất quán. Nguyên tắc "bất biến" là vừa phải giữ vững quyền lãnh đạo chính trị của Ðảng với Nhà nước, vừa phải bảo đảm sự lãnh đạo của Nhà nước, làm cho Nhà nước trở thành một nhà nước dân chủ mới. Nhà nước dân chủ mới có nghĩa là nhà nước phải trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc; nhà nước ấy phải trở thành ngôi nhà chung đáng tin cậy của tất cả mọi người dân Việt Nam, ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Ðây là sáng tạo độc đáo của Việt Nam, gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp Hồ Chí Minh, nó không giống với bất kỳ nhà nước nào, dù là nhà nước được xây dựng theo mô hình xã hội chủ nghĩa trước đây hay nhà nước ở các nước khác đã xuất hiện và đang tồn tại trong lịch sử.
Còn ý kiến của ông cho rằng, Ðảng Cộng sản Việt Nam ngày nay trở thành "kiêu binh", đó là sự thóa mạ. Chúng ta thấy và không thể phủ nhận một thực tế là: Trong khi một loạt nước xã hội chủ nghĩa có lịch sử xây dựng chủ nghĩa xã hội dài hơn lần lượt sụp đổ, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vẫn đứng vững và nhờ đổi mới đúng đắn, nhân dân còn đạt thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được rất nhiều nước ca ngợi. Ðiều đó chứng tỏ ÐCS Việt Nam không chỉ tài tình trong lãnh đạo toàn dân chống chiến tranh xâm lược, mà còn thật sự xứng đáng là người lãnh đạo xây dựng đất nước trong thời bình, ngay cả khi bối cảnh quốc tế có những biến động khôn lường. Cội nguồn sâu xa nhất của mọi thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong những năm qua là nhờ nhân dân tin ở Ðảng, quyết tâm thực hiện, cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Ðảng. Bằng lao động sáng tạo của mình, nhân dân biến chủ trương, đường lối của Ðảng thành hiện thực sinh động trong cuộc sống. Ðảng không tự "tô màu" để tạo ra vị trí của Ðảng, mà đó là sự ghi nhận một thực tiễn chính trị - xã hội đã được xác lập trong thực tế. Nếu các "nhà bất đồng chính kiến" mà các thế lực chống đối, các phần tử cơ hội, bất mãn ra sức tung hứng, và lợi dụng như một ngọn cờ đang có tham vọng làm một cuộc "cách mạng dân chủ mới" ở Việt Nam thì họ hãy nhìn sang Ai Cập. Khi "luồng gió cách mạng màu" quét qua, thì sự vui mừng chợt vụt tắt với nền "dân chủ nhập khẩu" một cách vội vàng, để rồi hệ lụy của nó là một xã hội đầy bất ổn, xung đột giữa các phe phái, chết chóc xảy ra hằng ngày trên đất nước vốn là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại!
AMARI TX - HOA KỲ NGÀY 18-8-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét