Siêu dự án sông Hồng: Phải hiểu là không đồng ý
Cập
nhật lúc 15:19
(Quan điểm) - "Điều lo ngại nhất đối
với tác động của dự án này chính là nguồn nước và sự sống của gần 20 triệu
dân vùng đồng bằng sông Hồng".
GS.TS Vũ Trọng Hồng- nguyên Thứ trưởng Bộ NNP&TNT, Chủ tịch Hội
Thủy lợi Việt Nam nói về đề xuất dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết
hợp thủy điện.
Cần loại bỏ, trình giải pháp khác
PV:- Trước thông tin Thủ tướng Chính phủ có văn bản nêu rõ chưa xem xét
phê duyệt dự án tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng, ngày 11/5, Mạng
lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) đã nêu ý kiến kiến nghị Chính phủ loại bỏ hẳn
đề xuất dự án này, không yêu cầu làm bổ sung quy hoạch để tránh tốn kém không
cần thiết cũng như bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên và tài nguyên của dòng sông Hồng
cho các thế hệ mai sau. Ông có đồng tình với đề xuất trên của VRN? Xin ông
phân tích cụ thể?
GS.TS Vũ Trọng Hồng: - Tôi hoàn toàn đồng tình với kiến nghị loại bỏ đề xuất dự án giao thông
thủy xuyên Á này.
Vì sao tôi phản đối dự án này? Cái chính là tôi không đồng ý
đánh đổi sinh mạng của hàng triệu người dân ở đồng bằng sông Hồng để lấy dự
án này, như tờ trình đã khẳng định "mục tiêu đáp ứng giao thông thủy vận
tải là số 1”.
Khi Bộ Thủy lợi cùng với Bộ Nông nghiệp và Bộ lâm nghiệp nhập thành Bộ
mới là Bộ NN&PTNT, tôi được giao cùng chủ trì soạn thảo Luât tài nguyên
nước (soạn thảo lần 1).
Trang mở đầu của Luật ghi rõ: “Nước là thành phần thiết yếu của cuộc
sống”. Tiếc rằng khi Bộ TN&MT trình sửa Luật Tài nguyên nước (lần 2), đã
bỏ dòng chữ đó đi. Tôi tin rằng, nếu còn dòng chữ đó trong Luật, thì Bộ KH&ĐT
không dám đưa mục tiêu giao thông thủy là số 1.
Dự án này chủ yếu hoạt động vào mùa khô, bởi sang mùa lũ, mọi cửa van
đều phải mở để thoát lũ. Như vậy, sông Hồng vốn đã cạn, nay lại tiếp tục bị
thiếu nước bởi sự hoạt động của các âu tầu, dẫn đến việc hồ Hòa Bình phải xả
gần như toàn bộ dung tích mới duy trì sự sống dọc hai bên sông Hồng ở những
thời điểm đó.
Nói một cách khác, chúng ta lại phải đánh đổi toàn bộ nguồn điện do hồ
Hòa Bình cung cấp để lấy dự án này. Một tài nguyên thứ hai phải hy sinh chỉ
do yêu cầu giao thông thủy.
Trên thế giới, theo nguyên tắc sử dụng tổng hợp nguồn nước của một
dòng sông, mục tiêu giao thông thủy không bao giờ được xếp hàng thứ nhất,
phải đứng sau những mục tiêu như, cấp nước sinh hoạt cho người dân ở hạ du,
nước cho nông nghiệp, phát điện, nuôi cá, công nghiệp rồi mới đến giao thông
thủy, du lịch giải trí...
Điều này dễ hiểu, bởi giao thông vận tải đã có những mạng lưới khác
như đường bộ, đường sắt, hàng không...
Còn nguồn nước cho sự sống: chỉ có dòng sông là duy nhất. Cho nên, nếu
dự án này tiếp tục thì sẽ gây ra nhiều hậu quả: một là, mỗi
lần âu tàu hoạt động thì cửa van của thủy điện, cửa van của âu tầu phải đóng
lại không cho nước về hạ lưu, để dâng nước cao lên bằng mức nước thượng lưu,
bảo đảm cho tầu có thể đi ngược lên bậc thang trên. Quy trình đó được lặp đi,
lặp lại cho hết 6 bậc thang.
Vậy trong một ngày, thời gian cần thiết cho các tầu ngược dòng bao
nhiêu,thì hạ lưu sẽ mất đi lượng dòng chảy tương ứng với thời gian đó.
Hai là, hiện
nay, theo thống kê của ngành thủy văn, thì về mùa khô, lưu lượng sông Hồng ở
cửa Ba Lạt, chỉ còn 700m3/s, mà trong đó còn gồm cả lưu lượng của sông Đà
(chiếm 31%) và sông Lô góp vào.
Nếu tính sơ bộ, thì từ Việt Trì trở lên, nếu không kể dòng chảy của 2
sông trên, thì riêng sông Hồng chỉ còn khoảng trên 300m3/s, thấp hơn rất
nhiếu so lưu lượng trung bình năm của sông Hồng (ở cửa Ba Lạt) là 2.640m3/s.
Con số 300m3/s này, nếu theo ước tính của các nhà khoa học về sông
ngòi, thì chỉ xâp xỉ trị số lưu lượng được quy định để bảo đảm môi trường của
sông Hồng.
Có nghĩa, khi các âu tầu của dự án này hoạt động trong mùa cạn, thì
trong thời gian đó mọi hoạt động lấy nước trên sông phải ngừng hoạt động.
Dòng chảy trong sông lúc đó, chỉ dùng để duy trì sự sống của cá, các loài
thủy sinh, hòa loãng nồng độ chất ô nhiễm và bảo đảm sự tạo lòng của sông,
không cho phép bất kỳ hoạt động nào liên quan đến biến đổi lượng dòng chảy.
Điều này đồng nghĩa mọi trạm bơm nước phải ngừng hoạt động. Chúng ta
thử tưởng tượng, trong thời đoạn đó, khi không thể lấy được nước trong sông,
cả xã hội sẽ ra sao? Theo quy luật ''không có nước, xã hội sẽ không tồn tại”.
Cho nên chúng ta cần loại bỏ đề xuất này. Vậy có thể dùng phương án
nào để ngành giao thông vận tải vẫn có thể duy trì hoạt động được? Trước tiên
chúng ta cần khẳng định loại bỏ những dự án liên quan đến việc xây đập dâng
trên sông Hồng, như trong từ điển bách khoa viết về sông Hồng.
Ngành giao thông vận tải đã có kinh nghiệm về nạo vét, về làm các loại
tường hướng dòng để tạo luồng cho tầu, thuyền vận chuyển trong mùa cạn trong
nhiều năm nay. Như việc chỉnh trị tăng lượng dòng chảy từ sông Hồng sang sông
Đuống là một ví dụ.
Đối với những thác mà dự án dự định xây đập dâng ở Yên Bái, Lao Cai,
nên kết hợp dự báo thủy văn, dòng chảy để thông báo cho tầu thuyền chọn mùa
để vận chuyển, với việc tiến hành chỉnh bằng dạng kết cấu mềm, nhằm tăng mớn
nước cho tầu thuyền, kết hợp với tầu lai dắt, tương tự như ngành thủy lợi,
thủy điện khi tạm thời tiến hành ngăn sông để xây dựng công trình.
PV:- Về việc xây các thủy điện, đặt trong bối cảnh Đồng bằng sông Cửu
Long đang hạn nặng, được dự báo là ảnh hưởng tới sản lượng lúa, điều này sẽ
ảnh hưởng tới lượng phù sa và lượng nước cho các vùng trồng lúa ở đồng bằng
sông Hồng, ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu người như thế nào? Liệu có
phải là một đề xuất vội vã và bất cẩn hay không, thưa ông?.
Và nếu vậy, ông bình luận như thế nào trước việc nhiều Bộ, ngành đã
từng cơ bản thống nhất với đề xuất này?
GS.TS Vũ Trọng Hồng: - Điều lo ngại nhất đối với tác động của dự án này chính là nguồn nước
và sự sống của gần 20 triệu dân vùng đồng bằng sông Hồng, trên phạm vi diện
tích gần 2 triệu ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm gần 1 triệu ha, với gần
700.000ha là đất phù sa màu mỡ, được bồi đắp từ hàng nghìn năm để lại.
Lòng dẫn sông Hồng mất phù sa, mất cát sỏi bồi đắp, sẽ tụt xuống, kéo
theo sự hạ thấp mực nước của cả hệ thồng sông Hồng – sông Thái Bình và tất
nhiên mực nước ngầm sẽ tụt theo.
Hậu quả của hiện tượng đó là vùng đồng bằng với diện tích đất gần 2
triệu ha cũng từ từ hạ thấp xuống. Sinh thái toàn vùng đồng bằng bị nhiễm
mặn, đặc biệt khi 100 năm sau nước biển dâng lên tới 1m.
Chúng ta hãy nhìn những bức ảnh chụp ở các vùng nhiễm mặn của các tỉnh
miền Tây Nam Bộ: Một màu vàng khô héo với đất nứt nẻ. Chúng ta có thể chung
sống với lũ, song “đối với hạn hán là phải di cư sang một miền đất khác”.
Những cửa biển Thái Bình, Văn Úc, Lạch Tray, Nam Triệu... sẽ xói sâu
xuống và mở rộng hơn, nước mặn sẽ vào sâu hơn, trong lúc nguồn nước từ các
nhánh sông bắt nguồn từ sông Hồng giảm đi, không đủ sức đẩy mặn. Liệu chúng
ta có thể làm gì được trước “sự nguyện cầu hạn – mặn” của hàng triệu người
dân?.
Như vậy, điều quan trọng nhất cần bàn ở đây là có nên đánh đổi dòng
sông Hồng, nguồn cung cấp nước hàng ngàn năm cho vùng đồng bằng để chuyển
sang mục tiêu phục vụ giao thông thủy không?.
Những kinh nghiệm về việc xây dựng công trình trên sông của thế giới
đã chỉ ra rằng, nếu làm lòng sông bị biến đổi, giống như dự án này tác động
đến sông Hồng, thì hậu quả phải hàng trăm năm mới thấy.
Sông Hồng lúc đó sẽ phá ra hai bên, để tìm con đường ra biển. Vùng
đồng bằng Bắc Bộ, bao gồm cả thủ đô ngàn năm tuổi sẽ bị dòng sông băm nhỏ ra,
khi bên này lở, thì bên kia bồi. Phải chăng lúc đó sẽ có một “một hồ Tây thứ
hai”, mà không còn một thủ đô tươi đẹp như hôm nay nữa.
Nếu đồng bằng sông Hồng biến đổi, thì chúng ta không thể tồn tại được.
Một thủ đô hàng ngàn năm tuổi nếu biến mất, thì chắc hẳn cả thế giới sẽ lấy
làm bài học cho loài người về sự giận dữ của thiên nhiên, khi con người thô
bạo can thiệp vào.
Riêng với Bộ, ngành, tôi đã đọc các văn bản, đây chỉ là những câu trả
lời mang nghĩa kiến nghị, như thông lệ .
Ví dụ, Bộ Công thương nói rằng không có quy hoạch thủy điện nên dự án
này về mặt điện năng không có hiệu quả. Bộ NN&PTNT thấy rằng làm dự án
này thì ảnh hưởng đến đê và kè. Các địa phương cũng chỉ nói đây là dự án cơ
sở hạ tầng nên họ ủng hộ...
Điều căn bản ở đây về đánh giá tác động môi trường sinh thái của dự
án, khác hẳn với những dự án chúng ta đang làm Việc xem xét diễn biến lòng
sông, hiện tượng đáy sông hạ thấp xuống, tầng nước ngầm cạn kiệt dần, sự chìm
xuống của một đồng bằng, sự xâm lấn nước biển, sự chết dần của hệ sinh
thái...là những những chuyên ngành khoa học có trình độ chuyên sâu cao của
thế giới.
Với Việt Nam những hiện tượng này tuy đã bộc lộ dần, song vẫn là mới
mẻ. Ví dụ, hiện tượng bán đảo Cà Mau, hàng năm có vùng lún xuống tới vài cm,
còn đang là sự tranh cãi vì nguyên nhân nào? Như vậy, các Bộ ngành làm sao
góp ý được.
Còn nói rằng các bộ ngành đồng thuận cao với dự án này, thì đây là một
sự “lập lờ” của Bộ KH&ĐT.
Phải chăng, do không có từ “phản đối” trong các văn bản góp y, nên
cho là có sự đồng y cao? Nếu phân tích kỹ những góp y của các Bộ, ví dụ, như
Bộ Công thương nói không có quy hoạch thủy điện trên sông Hồng, thì phải hiểu
là không đồng ý.
Chỉ Việt Nam phải chịu thiệt hại
PV:- Về tuyến đường thủy xuyên Á là mục tiêu của siêu dự án, từ các
nhà quản lý địa phương, cho đến các nhà khoa học đều đưa ra nhận định dự án
trên nếu triển khai hoàn toàn không có lợi cho Việt Nam, mà nước được hưởng
lợi nhất là Trung Quốc, cụ thể là tỉnh Vân Nam. Vì dự án là vận chuyển hàng
xuyên Á, chủ yếu làm lợi cho các đối tượng khác muốn lợi dụng dòng chảy để
giao thương.
Ông bình luận như thế nào về ý kiến này? Nếu như vậy, mục đích của dự
án này cần được xem xét lại như thế nào trong điều kiện kinh tế và giao
thương hàng hóa của Việt Nam hiện nay?
GS.TS Vũ Trọng Hồng: - Thông thường, khi có sự thông thương, thì cả hai bên đều có lợi.
Song đối với dự án này, thì phần thiệt hại, chỉ phía Việt Nam phải hứng chịu.
Như trên đã phân tích, mùa kiệt, hạ lưu không có nước, mọi hoạt động
xã hội phải ngừng. Lòng sông biến đổi, hai bên bờ mất ổn định. Phải tăng chi
phí cho việc bảo vệ đê, nâng cấp các trạm bơm ven sông, di chuyển các cống
lấy nước...
Và cuối cùng hệ sinh thái của Đồng bằng sông Hồng sẽ chết dần, chết
mòn. Nếu tính về lâu dài, thì nhà nước ta thiệt hại rất nhiều, kéo dài cho
tới hàng trăm năm sau. Vậy lấy thu lợi từ nguồn phí vận chuyển trừ đi những
thiệt hại trên, thì phía Việt Nam thiệt hay phía bên kia thiệt?.
Rõ ràng, Việt Nam thiệt nhiều mặt, nặng nề hơn rất nhiều. Phía nước
thượng nguồn hoàn toàn chỉ có lợi, không có hại gì.
PV:- Theo ông, với một dự án bị đa số các nhà khoa học phản đối, chúng
ta nên có sự nhìn nhận lại như thế nào?
GS.TS Vũ Trọng Hồng: - Về những dự án mà các nhà khoa học phản đối, dù chỉ số ít, thì
cái chính là phải xem xét sự phản đối có logic không, chứ không phải
theo ly thuyết đám đông.
Ngoài ra, nhà nước nên lắng nghe, thu thập thêm ý kiến chính từ
những người dân ở vùng đồng bằng sông, chịu thiệt thòi và hậu quả lớn nhất,
để từ đó kiểm tra lại chức năng quản ly của các Bộ, nhằm tìm ra giải pháp
thích hợp.
Trước mắt, cần loại bỏ ngay “đề xuất” trên, bởi lẽ để tìm ra cơ sở
khoa học cho dự án mới chỉ là “ý tưởng”, nhà nước phải chi tới hàng nghìn tỷ
đồng để các nhà khoa học, kỹ thuật, khảo sát, tính toán, thí nghiệm, theo quy
trình lâu nay chúng ta vẫn làm.
Nếu tìm ra cơ sở là không khả thi, liệu ai sẽ bồi hoàn lại cho nhà
nước số tiền trên?.
Kiến nghị của Mạng lưới sông ngòi loại bỏ ngay dự án này là hoàn toàn
đúng đắn, làm bài học, giúp chúng ta tránh được những dự án mang ý tưởng mà
bên chứa đựng biết bao nhiêu “mối hoài nghi”.
Hãy để cho sông Hồng được bình yên. Hãy để cho sông Hồng vẫn thực hiện
nhiệm vụ vĩ đại là cái nôi của nền văn minh lúa nước, nền văn minh sông Hồng.
Hãy để cho dòng sông Hồng chảy ra biển cả, góp phần vào đại dương bao
la, để rồi sự bốc hơi của đại dương sẽ trả lại cho trái đất những giọt mưa,
theo quy luật tự nhiên từ hàng triệu năm.
- Xin cảm ơn GS.TS đã chia sẻ với Đất Việt!
(Theo
Đất Việt) Châu An
|
Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét