Nguyên cớ lịch sử mối thiện cảm của người Việt với Obama
Cập nhật lúc 07:36
Theo nhà sử học Dương Trung
Quốc, mối thiện cảm mà người Việt thể hiện khi chào đón các Tổng thống Mỹ đến
Việt Nam 20 năm qua cũng có cơ nguyên từ lịch sử.
Tổng thống Bill
Clinton, Tổng thống Bush và giờ đây, Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam đều
chứng kiến tình cảm chào đón nồng hậu của người dân Việt Nam. Vì sao người
dân Việt Nam lại có những tình cảm ấm áp tự nhiên với nước Mỹ đến vậy khi quá
khứ của hai nước từng là cựu thù?
Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet mời quý vị và
các bạn lắng nghe ý kiến chia sẻ của nhà sử học Dương Trung Quốc về điều này.
Theo dõi cuộc trao đổi tại clip dưới đây:
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, ông có cảm nhận như thế nào về hình ảnh chào đón hết
sức nồng hậu, tình cảm ấm áp tự nhiên của người dân Việt Nam đối tới Tổng
thống Obama, cũng như đối với chuyến thăm của 2 vị Tổng thống trước đây của
Hoa Kỳ đến Việt Nam?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ
cũng như quan hệ Việt Nam với các quốc gia khác dựa trên một nền tảng lịch
sử. Đúng là có một cuộc chiến tranh với nước Mỹ hết sức khốc liệt, nhưng lịch
sử quan hệ Việt - Mỹ không phải chỉ có thế.
Người ta hay
nhắc đến câu chuyện Tổng thống Thomas Jefferson soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc
lập, là người từng rất quan tâm đến Việt Nam, một vùng đất có rất nhiều giá
trị như về mặt sinh học với những giống lúa mới mà ông mong muốn sưu tập để
làm giàu cho quê hương của ông.
Chúng ta cũng
biết đến hình ảnh, những câu chuyện liên quan đến các vị Tổng thống Mỹ trong
con mắt của người Việt Nam mà trong đó, có một thế hệ trải qua chiến tranh
nhìn với hình ảnh khá xấu xí, nhưng đó là điều dễ hiểu thôi, vì chiến tranh
đòi hỏi một cái nhìn như thế.
Nhưng chúng ta
cũng nhớ đến câu chuyện liên quan đến ông Franklin D. Roosevelt, một vị Tổng
thống trong thời điểm Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ, đã có một ý tưởng
rất cởi mở là hướng tới xoá bỏ chủ nghĩa thực dân cũ.
Những điều đó
đã tạo ra mối quan hệ giữa Việt Nam, những người cách mạng Việt Nam, đặc biệt
là Chủ tịch Hồ Chí Minh có thiện cảm với nền chính trị của Hoa Kỳ. Khi ông
Roosevelt chết, chúng ta đều biết bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi
ông ấy như một người anh hùng.
Điều đó tạo nên
một mối quan hệ mà sau này, người ta mới biết chứ thời kỳ chiến tranh, người
ta không nhắc tới. Đó là trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lực lượng
nước ngoài duy nhất đứng cạnh Hồ Chí Minh không phải là ai khác, lại chính là
Hoa Kỳ. Đó là câu chuyện của những chiến sĩ đơn vị OSS (The Ofice Strategic
Services) nhảy xuống Tân Trào và thành lập Đại đội Việt- Mỹ và chính đại đội
này đã tham gia vào quá trình diễn ra của Cách mạng Tháng Tám...
Cho nên, nhìn
lịch sử thì phải nhìn vào những điều đó. Rõ ràng, thời kỳ Mỹ gây chiến tranh
ở Việt Nam, rất nhiều người Mỹ ngạc nhiên và cảm thấy bức xúc phát hiện Hồ
Chí Minh đã từng là người đồng minh của Hoa Kỳ.
Hình ảnh mà có
lẽ người Việt Nam không bao giờ quên, là hình ảnh Tổng thống Mỹ Bill Clinton,
đứng bên cạnh ông ấy là những cựu chiến binh Mỹ nổi tiếng như ông John McCain
hay ông John Kerry lại là những người vận động cho quá trình bình thường hoá
quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam, chấm dứt cấm vận. Và 20 năm tiếp theo cũng là
gắn liền với 20 năm đổi mới của chúng ta.
Chúng ta thấy
những biến động lịch sử đã thúc đẩy mối quan hệ giữa 2 nước phát triển tốt
đẹp và tích cực như thế nào? Một mặt, nó vừa giải quyết các vấn đề quá khứ,
hoà giải với quá khứ, khắc phục hậu quả của chiến tranh, một mặt tạo dựng nền
tảng cho quan hệ phát triển bền vững, phù hợp với lợi ích của hai quốc gia
cũng như của thế giới.
Nhà báo Phạm Huyền:Cá nhân ông lý giải thế nào
về nguyên nhân sâu sa mà những người Việt Nam lại có những tình cảm nồng hậu
đối với các chuyến thăm của các Tổng thống Mỹ như vậy? Phải chăng điều này
còn bắt nguồn từ những động thái nỗ lực ở tầm vĩ mô của các nhà lãnh đạo hai
nước 20 năm qua giúp chuyển biến mối quan hệ từ cựu thù thành đối tác?
Ông Dương Trung Quốc: Có 2 điều, một điều là những trải
nghiệm chiến tranh đã được thay dần bằng những trải nghiệm của thời kỳ hoà
bình. Phải nói rằng, nỗ lực hoà giải ở Việt Nam như một điển hình. Bài học
của chiến tranh đã cho chúng ta những kết luận và sự cần thiết của hoà bình,
hữu nghĩ với nhau.
Tôi cho rằng,
những gì đang diễn ra tích cực ấy rất phù hợp với quy luật phát triển và điều
đáng mừng là, quy luật ấy hướng chúng ta tới lợi ích chung, trong đó, không
chỉ là lợi ích phát triển mà còn là lợi ích bảo vệ chủ quyền quốc gia dân
tộc, tôn trọng cam kết quốc tế. Ở đây, vai trò của nước lớn hết sức quan
trọng, đặc biệt là nước Mỹ.
Nhà báo Phạm Huyền: Đã tới thăm nước Mỹ, vậy ông cảm nhận thế
nào về tình cảm của người Mỹ ngày nay với Việt Nam?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ, nếu nói về tình cảm nhân dân
thì không chỉ là ở thời kỳ chiến tranh. Chúng ta cũng chứng kiến nhiều người
dân Mỹ tiến bộ chia sẻ với đau khổ của người dân Việt Nam, họ chống lại những
chính sách diều hầu của chính giới Mỹ. Chính những điều đó đã gắn kết lại
chúng ta. Khi đã vượt qua cuộc chiến tranh ấy thì người ta càng cảm thấy giá
trị hoà bình.
Những câu
chuyện từ việc nhỏ như họ bảo quản tài sản của những chiến sĩ Việt Cộng để
trao trả lại cho Việt Nam, hành xử của họ đối với những hậu quả chiến tranh,
từ vấn đề chất độc hoá học đến bom mìn sau chiến tranh... Có thể, điều đó
chưa đáp ứng hết mọi người, những người đã phải chịu đựng mất mát nhưng nói
chung, nó đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của người Mỹ vì cộng đồng, giải
quyết quá khứ ấy một cách hết sức thiết thực.
Tôi cho đó là
những việc làm đáng ghi nhận. Điều đó tạo ra một thiện cảm, nhất là trong bối
cảnh mà chúng ta đứng trước những thách đố ở Biển Đông thì sự có mặt của Hoa
Kỳ và các quốc gia khác là yếu tố hết sức tích cực, phù hợp với lợi ích của
Việt Nam và cộng đồng nữa.
Nhà báo Phạm Huyền: Sau chuyến thăm của Tổng thống Obama, ông kỳ
vọng thế nào về sự phát triển quan hệ hai nước tới đây?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ, cuộc đón tiếp của Tổng thống
Obama đối với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng năm ngoái
có thể nói là một bước đột phá hết sức quan trọng.
Từ bước đột phá
có tính chất biểu trưng ấy đến các việc làm cụ thể như giải quyết nhân quyền
như thế nào để làm sao cho những giá trị ngày càng phù hợp lẫn nhau, chia sẻ
lẫn nhau, thúc đẩy sự tiến bộ, đến việc như cấm vận vũ khí sát thương như thế
nào thể hiện một tinh thần trách nhiệm giữa các quốc gia với nhau. Đặc biệt
là việc chúng ta hướng tới một Hiệp định thương mại hết sức quan trọng, mang
lại lợi ích không chỉ riêng cho hai quốc gia Việt Nam- Hoa Kỳ mà còn cho các
quốc gia thanh viên khác, đã mở ra một cục diện thuận lợi cho Việt Nam trong
thời gian tới.
Nhà báo Phạm Huyền:Xin cảm ơn ông!
Theo VietNamNet
|
Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét