Thượng
viện Mỹ bác bỏ chương trình giám sát cá da trơn Việt Nam
Cập nhật lúc 14:41
Sáng sớm 25/5 (theo
giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã bác bỏ chương trình giám sát cá da trơn của
Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Đây là chương trình đang bị nhiều nghị sỹ chỉ trích là nhằm bảo hộ các
doanh nghiệp Mỹ trước thủy sản nhập khẩu từ một số nước trong đó có Việt Nam.
Với 55 phiếu thuận và 43 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị
quyết bác bỏ các quy định và tiêu chuẩn giám sát cá da trơn mà Bộ Nông nghiệp
nước này công bố vào tháng 12 năm ngoái.
Tại phiên bỏ phiếu, Thượng nghị sỹ John McCain nhấn mạnh rằng, chương
trình giám sát cá da trơn tạo ra rào cản đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt
Nam và các nước khác nhằm mục đích bảo hộ các doanh nghiệp cá da trơn tại
miền Nam nước Mỹ.
Chương trình giám sát cá da trơn được hình thành vào năm 2008 với sự
hậu thuẫn của các nghị sỹ đại diện cho các bang sản xuất cá da trơn của Mỹ.
Theo đó, quyền giám sát an toàn vệ sinh đối với cá da trơn sẽ được chuyển từ
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sang Bộ Nông nghiệp.
Một trong những nội dung quan trọng nhất của chương trình trên là quy
trình giám sát chặt chẽ, từ sản xuất cho đến chế biến đối với cá tra và cá
basa của tất cả các nước xuất khẩu vào Mỹ theo tiêu chuẩn tương đương với
tiêu chuẩn mà Mỹ đang áp dụng. Đây là một trở ngại rất lớn đối với các nhà
sản xuất và xuất khẩu cá tra và cá basa của Việt Nam do hệ thống quản lý sản
xuất và chế biến giữa hai nước đang có nhiều khác biệt và quá trình chuyển
đổi cần nhiều thời gian.
Theo Thượng nghị sỹ John McCain, chương trình giám sát cá da trơn
tạo ra sự chống chéo chức năng giữa Bộ Nông nghiệp và Cơ quan Quản lý Thực
phẩm và Dược phẩm Mỹ cũng như gây lãng phí cả chục triệu đô la của người
nộp thuế Mỹ. Các nghị sỹ phản đối chương trình này cũng cảnh báo nguy cơ gây
tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như các biện pháp trả
đũa nhằm vào nông sản xuất khẩu của Mỹ. Giới quan sát cũng cho rằng việc bãi
bỏ chương trình giám sát cá da trơn sẽ giúp tăng cường lòng tin đối với vai
trò lãnh đạo của Mỹ về thương mại tại châu Á.
Tuy nhiên, để có hiệu lực, nghị quyết vừa được Thượng viện Mỹ phê
chuẩn cần phải được Hạ viện thông qua./.
Nhật
Quỳnh-Vũ Hợp/VOV-Washington
|
Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét