Nợ đọng NTM gần 10.000 tỷ: Sức ép từ
cổng làng to, trụ sở lớn
Cập nhật lúc
11:03
Ông Hồ Xuân
Hùng - Cố vấn Ban chỉ đạo trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng
nông thôn mới (Chương trình) cho rằng, các địa phương phải biết “lựa cơm gắp
mắm”, không thể làm quá dẫn tới nợ đọng nông thôn mới (NTM) khó trả.
Thưa ông, Báo
cáo giám sát về việc thực hiện Chương trình vừa được công bố mới đây cho
thấy, nợ của NTM đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng, ông đánh giá gì về món nợ lớn
này?
- Đúng là món
nợ của nông thôn mới không hề nhỏ, tuy mới chỉ thống kê báo cáo của 35/41
tỉnh, thành phố đã lên tới 8.600 tỷ đồng, nếu thống kê hết các tỉnh trên toàn
quốc, chắc khoản nợ cũng phải hơn 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tôi cho rằng
khoản nợ này cũng cần phải làm rõ, thông qua nợ người dân được hưởng thụ,
không phải phá sản chỗ này, chỗ kia và để lại hậu quả liên đới về mặt xã hội
thì vẫn còn trong tầm kiểm soát. Trường hợp nếu các khoản nợ là do một số địa
phương “vung tay quá trán” thì cần phải xử lý nghiêm cán bộ khi triển khai
chương trình này. Xét một cách tổng thể, khoản nợ 10.000 tỷ đồng chia bình
quân cho tổng số xã trên toàn quốc thì mỗi xã cũng chỉ nợ khoảng 1 tỷ nên
theo tôi vẫn ở trong tầm kiểm soát được.
Xây dựng
đường nông thôn tại xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, Hà Giang. ảnh: I.T
Một số ý kiến
cho rằng, các khoản nợ này là do các địa phương đã cố chạy theo thành tích,
không đánh giá đúng năng lực hiện có nên mới dẫn đến nợ khó trả, quan điểm
của ông như thế nào?
- Theo tôi phải
xét một cách toàn diện hơn vì khoản nợ của NTM nhưng báo cáo là có nhiều
nguyên nhân và động cơ, nếu chỉ đổ cho chạy theo thành tích không thì chưa
hoàn toàn xác đáng. Thứ nhất, để triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia
xây dựng NTM, từ trung ương xuống tỉnh, huyện, xã đều có nghị quyết các cấp
nên các cấp cũng tổ chức làm rất quyết liệt. Khi duyệt chương trình, cam kết
của trung ương, tỉnh, huyện, xã là 40% ngân sách các cấp nhưng triển khai
thực tế thì kinh phí này lại không đủ. Công với một số nguồn lực có nhưng còn
giải ngân chậm. Trong khi, các xã thực hiện xây dựng NTM đã dựa vào nguồn lực
40% ngân sách các cấp nên có những khoản cũng chưa giải ngân dẫn tới nợ đọng
của các địa phương. Tôi có theo dõi giám sát một số địa phương cho thấy,
nhiều địa phương chủ yếu nợ xi măng và nợ doanh nghiệp triển khai thi công là
chính.
Việc “vung tay
quá trán” xây trụ sở, nhà văn hóa, cổng làng hàng chục tỷ đồng… hậu quả là
gì, thưa ông?
- Đúng là có cả
tình trạng nợ khi xây dựng các công trình do làm lớn quá mức, cổng làng, nhà
văn hóa quá lớn so với quy mô cho phép. Từ đó dẫn tới nợ, chưa kể xây công
trình lớn có “chấm phẩy” của các cán bộ. Tuy nhiên, cũng may trong giám sát
vừa qua cũng chưa phát hiện nhiều tình trạng này.
Tuy
nhiên, báo cáo tại một số địa phương cho thấy, tình trạng nợ NTM đúng là khá
lớn, có xã ở Nghệ An, Hà Tĩnh… nợ tới hơn 20 tỷ đồng, thậm chí, có một số xã
nợ tới hơn 30 tỷ đồng là một con số lớn quá. Trong khi, sức dân huy động đã
“kiệt” nên chưa thể trả nợ ngay được. Hậu quả của việc để xảy ra nợ trong quá
trình xây dựng NTM có thể làm cho ông chủ tịch xã tốt, bí thư tốt trở thành
“con nợ”. Ngoài ra, việc nợ đọng cũng sẽ để lại hậu quả xã hội khác như khiến
cho một số doanh nghiệp bị “chết oan” vì khoản nợ dẫn tới phá sản. Bản thân
các doanh nghiệp ở địa phương chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, họ tin tưởng vào
các quyết định của UBND tỉnh nên mới vay vốn ngân hàng để thực hiện các dự án
xây dựng công trình…Theo tôi, yếu kém là do ở chỉ đạo, nếu tỉnh nào thực sự
chỉ đạo được sẽ không thể để nợ tới con số như thế.
Theo ông, thời
gian tới cần có điều chỉnh như thế nào để Chương trình đạt hiệu quả?
- Vấn đề nợ
đọng NTM thực tế Ban chỉ đạo trung ương đã nhận thấy từ rất sớm nên chỉ
sau 2 năm thực hiện đã chỉ đạo cả trong cuộc họp và cả bằng văn bản của Phó
Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, không cuộc họp nào của trung ương là không
nhắc vấn đề này nhưng sự chấp hành và chỉ đạo ở tỉnh xuống huyện, xã ở một số
nơi đã vượt qua tầm kiểm soát nên mới có việc nợ đọng này. Tôi cho rằng trong
thời gian tới khó phát sinh nợ nhiều nhưng vẫn không thể chủ quan và trong
quá trình kiểm tra kiểm soát từ trung ương xuống tỉnh cần phải giám sát kỹ
vấn đề này. Phải nói rõ cho các địa phương biết “lo bò mà làm chuồng”, “lựa cơm
mà gắp mắm”. Cái gì làm quá với nhu cầu sử dụng của người dân gây lãng phí là
không được và phải xử lý nghiêm cán bộ đứng đầu. Đặc biệt, khi triển khai cần
phải cam kết nguồn lực từ trung ương xuống tỉnh, huyện, xã thật rõ ràng thì
tôi tin sẽ khắc phục được tình trạng nợ đọng NTM trong thời gian tới.
Mục tiêu của
Chương trình là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nhưng
nếu sử dụng vốn không hiệu quả thì liệu có đạt được?
- Đúng là việc
nâng cao đời sống vật chất, tình thần cho người dân là mục tiêu quan trọng
nhất và phải kiên trì lâu dài nhất. Do đó, cần phải sử dụng đồng vốn hiệu
quả, phải để cho dân lựa chọn các công trình cơ sở hạ tầng, các mô hình sản
xuất thiết thực… Thực tế, tỷ lệ nợ đọng do xây dựng NTM chưa phải lớn tính
trên tổng ngân sách nhà nước được phân bổ, nhưng trường hợp nợ cao lại rơi
vào 11 tỉnh phía Bắc, đều là những tỉnh khó khăn. Tôi rất đồng tình với quan
điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, “Nếu không có những
giải pháp bền vững để bảo vệ thành quả của Chương trình xây dựng NTM thì lại
thành nông thôn cũ”. Thực tế, các xã đạt được NTM là tiêu chí của giai đoạn
này thôi, đời sống của người dân lại tiếp tục nâng cao nên tiêu chí cũng phải
xây dựng nâng cao lên trong thời gian tới./.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Dân Viêt) Thanh Xuân thực hiện
|
Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét