Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Những đại dự án đầu tư nghìn tỉ đồng thành sắt vụn: Chẳng truy được trách nhiệm cho ai!

Cập nhật lúc 10:02

 
Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 sau nhiều năm trở thành đống sắt vụn. Ảnh: P.V

Hàng loạt các dự án đầu tư vốn lớn lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng, từng là biểu tượng của các doanh nghiệp nhà nước, nhưng nay đang bộc lộ nhiều bất cập, có dự án trùm mền, có dự án thành đống sắt vụn. Điểm chung các dự án này là không có hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, với trùng điệp quy định trong việc đầu tư công tại Việt Nam, vẫn không tìm ra được địa chỉ để truy trách nhiệm về những bết bát, thiếu hiệu quả ở các dự án này.

Khó quy trách nhiệm
Các dự án này có thể kể tới Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, khi hơn 4.500 tỉ đồng đã được rót cho dự án mở rộng. Sau gần 10 năm, số tiền thành đống sắt hoen gỉ, cỏ dại um tùm. Hay như Nhà máy đạm Ninh Bình (Cty TNHH một thành viên đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem) được đầu tư lên đến 12.000 tỉ đồng vừa đi vào hoạt động đã hỏng hóc, gây ô nhiễm môi trường. Tới nay, có tới 400/1.000 công nhân phải nghỉ việc. Nhà máy càng sản xuất càng lỗ và hiện đã lỗ luỹ kế lên tới hơn 2.000 tỉ đồng. Một dự án khác là Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất sản xuất cồn ethanol được đầu tư với quy mô hàng nghìn tỉ đồng nhưng đã đóng cửa.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi tại sao số lượng những dự án kém hiệu quả lại tăng lên ghê gớm trong 10 năm qua? Trả lời chính câu hỏi của mình, ông Doanh nói: “Anh dùng tiền của Nhà nước thì cũng phải giải trình xem dự án anh như thế nào, ai chịu trách nhiệm, ai duyệt, hiệu quả là gì. Người thường làm sai bị bỏ tù, nhưng ở đây có nhiều dự án thiệt hại tới hàng chục nghìn tỉ mà không có ai bị làm sao cả, thậm chí còn lên chức”.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành dẫn ra trường hợp Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 để làm ví dụ. Ông Thành nói, với dự án này, ban đầu đưa ra dự án với chi phí thấp để được phê duyệt nhưng sau đó lại nâng lên. Theo ông Thành, vấn đề của Nhà máy gang thép Thái Nguyên bộc lộ tư duy làm ra sản phẩm không tính tới vấn đề giá thành, hiệu quả kinh tế. “Liệu hiệu quả thực sự của Gang thép Thái Nguyên có được nghiên cứu không hay lại đưa ra con số nhỏ để được phê duyệt đã rồi mới từ từ nâng lên. Nhà máy có hoạt động được hay không, có bán được sản phẩm hay không, dường như không phải vấn đề” - ông Thành nói. Từ ví dụ dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, ông Thành đặt ra vấn đề trách nhiệm của người phê duyệt dự án. “Có thể nói nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là tư duy công lao của cá nhân nhưng trách nhiệm tập thể nên không ai chịu trách nhiệm cả” - chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định.
Dự án thiếu hiệu quả: Phải sai, nhưng ai sai?
Trước ý kiến cho rằng các dự án kể trên có chủ trương đầu tư đúng, quyết định phê duyệt dự án đúng, tổ chức thực hiện cũng đúng nhưng hiệu quả kinh tế lại không đúng, vậy ai phải chịu trách nhiệm cụ thể? Ông Tăng Ngọc Tráng - Vụ phó Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ KHĐT) - cho hay từ điều 96 - 101 trong Luật Đầu tư công quy định quyền, trách nhiệm cụ thể cá nhân từ chủ trương đầu tư dự án đến tổ chức thực hiện dự án. Theo ông Tráng, với các quy định, tùy theo các sai phạm sẽ bị xử lý, như vi phạm hành chính xử theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, vi phạm hình sự thì xử lý theo Luật Tố tụng hình sự. “Nếu quy trình toàn bộ đều đúng thì sẽ không thể có dự án thiếu hiệu quả. Nếu tất cả đều đúng thì phải có cái sai. Ví dụ, lập dự án đưa ra thông tin nhưng khảo sát dự báo số liệu không đảm bảo tin cậy, hoặc trong thực tế nó lại sai. Dự án không hiệu quả thì phải sai nhưng có tìm ra được hay không? Khi đánh giá từng dự án một thì nó sai ở đâu” - ông Tráng nói.
Tuy nhiên, đại diện Bộ KHĐT thừa nhận hiện nay có rất nhiều dự án thiếu hiệu quả nhưng truy trách nhiệm cũng rất khó. “Với các dự án phức tạp thì phải thuê chuyên gia tư vấn độc lập để đánh giá khách quan hơn. Theo tôi với dự án lớn, công nghệ phức tạp, muốn đánh giá đến tận cùng vấn đề thì phải thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài thì mới có thể xem xét được nguyên nhân thiếu hiệu quả do đâu” - ông Tráng nói.
(Theo Lao động) THÔNG CHÍ - CAO NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét