Lộ mánh “lậu vé, ăn gian phí” của các trạm BOT
Cập nhật lúc
08:43
Nhiều
ý kiến cho rằng cần mở rộng áp dụng thu phí không dừng để tránh thất thoát
tiền thu phí cho nhà đầu tư và Nhà nước. Ảnh: P.V
Câu chuyện rỉ tai của cánh lái xe tải, việc vén màn "bí mật nghề
nghiệp" của người trong cuộc cùng điều tra thực tế của PV Báo Lao Động
hé lộ những mánh có thể đã và đang được các trạm BOT áp dụng để lậu vé, ăn
gian phí.
Ba mánh
lậu vé, ăn gian phí của các trạm BOT
Ngày
23.5, trò chuyện với PV Báo Lao Động, cựu trạm trưởng một trạm thu phí BOT
cho biết trên mỗi chiếc vé thu phí tại trạm BOT sẽ có một series. Về nguyên
tắc, đơn vị phát hành vé sẽ phải đăng ký series với Bộ Tài chính, chẳng hạn 1
tập vé với số series từ 1 - 100 và đó thực chất chính là một hoá đơn VAT. Số
series này sẽ được nhập vào hệ thống máy tính và sau đó mỗi lần phát ra vé
cho khách hàng thì nhân viên thu phí sẽ phải xé vé, tích vào đầu đọc thì vé
đó đã được sử dụng và không còn tác dụng nữa. Do đó việc đưa cho khách hàng
cuống vé có mã vạch hay không mã vạch không quan trọng bằng việc nhân viên
thu phí có tích vào đầu đọc thẻ hay không và mỗi lần tích thì số liệu về việc
thu phí mới được ghi nhận vào hệ thống.
Từ
những thông tin này, PV Báo Lao Động đã tiến hành điều tra và tìm ra 3 cách
mà nhân viên thu phí hoặc thậm chí là trạm BOT có thể lậu vé, ăn gian phí.
Cách đầu tiên thường gặp nhất và lỗi là do người dùng khi nhiều người quên
hoặc vô tình không lấy cuống vé và cuống vé này hoàn toàn có thể được quay
vòng, tái sử dụng lại 1-2 thậm chí nhiều lần. Việc tìm cách quay vòng vé
khiến nhiều nhân viên thu phí thường có thái độ chần chừ khi đưa vé. Trên
thực tế, họ có thể “câu giờ” bằng cách đếm tiền, xem tiền và tuỳ vào thái độ
khách hàng để có thể lờ đi chuyện đưa cuống vé, hoặc nhân lúc khách hàng
không chú ý đưa vé quay vòng. Do đó, với người sử dụng, vé chuẩn là vé phải
được xé từ tập hoá đơn và có tích vào đầu đọc thẻ (thậm chí có thể nghe thấy
tiếng tích vào đầu đọc thẻ).
Cách
thứ 2 thường xảy ra với các xe tải, xe container cỡ lớn - những dòng xe phải
chịu phí cao, thậm chí tới 200.000 đồng/lượt. Với những lái xe của dòng xe
này, ông chủ doanh nghiệp (DN) có thể khoán cho họ 1 tuyến khoản tiền phí
nhất định mà không cần tới cuống vé làm chứng từ. Do đó, lái xe có thể thương
lượng với nhân viên thu phí để trả tiền mặt với mức ưu đãi mà không cần lấy
cuống vé. Chẳng hạn, với vé 200.000 đồng/lượt, lái xe không lấy cuống vé và
chỉ đưa cho nhân viên 150.000 đồng/lượt. Một số lái xe container cho PV hay
việc này khá phổ biến và giúp cả nhân viên thu phí lẫn lái xe có lợi.
Cách
thứ 3 được nhận định là tinh vi, mang tính hệ thống hơn nên khó phát hiện và
đòi hỏi sự bắt tay từ trên xuống dưới. Đó là in lậu hoá đơn giá trị gia tăng.
Chẳng hạn với một tập vé thu phí có series từ 1 - 100, DN BOT có thể câu kết
để in đúp các tập vé thu phí với đầy đủ thông tin về series... Tuy nhiên,
thông thường, nếu một tập có series từ 1- 100 thì các DN được cho là sẽ chỉ
in đúp một phần từ số 30 - 60 chẳng hạn. Do đó, việc phát hiện ra vé in trùng
series là vô cùng khó. Bản thân cơ quan chức năng hay người dùng cũng sẽ khó
tìm được hai chiếc vé có cùng series. Bên cạnh đó, nhân viên thu phí sẽ khéo
léo xen kẽ giữa tập vé gốc và tập vé in thêm và huỷ phần gốc của tập vé in
thêm.
Cơ
chế có thể tạo ra gian lận
Thông
tin từ một số trạm BOT, thông thường cơ quan chức năng mà cụ thể là Vụ Tài
chính của Tổng cục Đường bộ sẽ tiến hành kiểm tra tại các trạm thu phí BOT
nhưng thường là 1 lần/năm, đôi khi thì 6 tháng 1 lần nhưng cũng có lúc 2 năm
mới có 1 lần. Trong khi đó, phần lớn ngân hàng cho vay vốn tại các dự án BOT
gặp khó trong việc kiểm soát quá trình thu phí hoàn vốn và cũng sẽ không kiểm
soát gắt gao nếu phương án tài chính của dự án vẫn đảm bảo tiến độ còn các
trạm BOT không dại gì thu nhiều mà lại báo nhiều để bị rút ngắn thời gian
hoàn vốn. Theo các chuyên gia, việc kiểm soát thực tế thu phí tại các trạm
BOT không quá khó nếu cơ quan chức năng hoặc chủ đầu tư BOT tiến hành giám
sát chặt camera tại các trạm thu phí, tiến hành đếm xe, so sánh với số liệu
thực tế. Ngoài ra, việc sử dụng đơn vị thu độc lập với công nghệ cao sẽ khiến
việc thu phí trở nên minh bạch.
Trước
những thông tin tìm hiểu được, PV Báo Lao Động đã trao đổi với ông Trương Văn
Phước - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia - về vấn đề này. Ông
Phước cho rằng cơ chế hiện nay có thể tạo ra chuyện lậu phí vì DN đang được
tự đá bóng, tự thổi còi. Dù hiện chưa thể kết luận điều gì xung quanh các
nghi vấn trên nhưng lãnh đạo Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng Bộ
Tài chính và Bộ GTVT cũng cần xem xét lại cơ chế, tiến hành thanh tra, kiểm
tra thậm chí là điều tra bởi “nhân gian đã nói không có lửa làm sao có khói”.
Ông Phước cũng nhận định cần có quy trình giám sát chặt chẽ hơn và việc thu
phí nên để cho một đơn vị thứ 3 độc lập, thu phí một cách minh bạch để quá
trình hoàn vốn có thể hoàn toàn minh bạch trước người dân.
Trước
đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN
- cho rằng việc thu kiểu xé vé đếm tiền như hiện nay vẫn có thể xảy ra hiện
tượng ăn gian của nhân viên thu vé, hoặc gian lận khi chuyển từ nhân viên về
Cty, từ Cty về ngân hàng... Chỉ khi thu phí không dừng, tiền thu được vào tài
khoản ngân hàng thì mới minh bạch được số liệu.
Minh bạch thu phí bằng công nghệ không dừng
Trả lời phỏng vấn Báo
Giao thông, ông Nguyễn Hữu Trí - Cục phó Cục Đăng kiểm - cho rằng với công
nghệ thu phí không dừng, nhà đầu tư BOT và cơ quan quản lý nhà nước sẽ tránh
thất thoát tiền thu phí vì 100% các xe đều trả tiền tự động, được ghi nhận
trên phần mềm và hệ thống theo dõi. Nếu 100% số phương tiện sử dụng thẻ này,
sẽ chấm dứt tình trạng thất thoát phí giao thông, giúp nhà đầu tư BOT và Nhà
nước không bị thất thoát nguồn thu này.
(Theo Lao động) KHÁNH HOÀ
|
Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét