Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Thái Lan lo thất thế trước Việt Nam

Cập nhật lúc 07:24

Tổng thống Obama giao lưu với các thành viên Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) ngày 25.5  /// Ảnh: Công Chính 
Tổng thống Obama giao lưu với các thành viên Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) ngày 25.5ẢNH: CÔNG CHÍNH

VN đã làm lu mờ Thái Lan với vai trò là nhân tố chủ chốt về thương mại và địa chính trị trong khu vực.

 

Đây là cảnh báo được Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế và an ninh thuộc ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) Thitinan Pongsudhirak đưa ra trong một bài bình luận trên tờ Bangkok Post sau chuyến thăm VN của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Theo ông Thitinan, chuyến thăm VN của ông Obama đã hoàn tất quá trình bình thường hóa quan hệ của VN với thế giới bên ngoài. Nhắc lại cuộc chiến giữa Mỹ và VN trước đây, ông viết: “Mỹ thua lúc đó, nhưng thắng vào lúc này, khi ông Obama củng cố chiến lược “tái cân bằng” hướng về châu Á. Còn những người cộng sản VN thắng lúc đó, họ vẫn thắng vào lúc này bằng cách giành được tư cách thành viên TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - NV) và tương đối tách rời quỹ đạo của Trung Quốc và Nga”.
Mặc dù là một đồng minh của Mỹ, Thái Lan không phải là thành viên TPP. Tuy giới lãnh đạo Thái Lan từng tỏ ý sẽ tham gia, nhưng quá trình gia nhập của nước này dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, theo ông Thitinan, “Washington cũng không cần phải gây áp lực hoặc nài nỉ Hà Nội tham gia vào TPP vì các nhà lãnh đạo VN đã nhận thấy đây là cơ hội đảm bảo cải cách kinh tế trong nước, tăng trưởng xuất khẩu và phát triển chung”.
Về địa chính trị, vị thế mới của VN và sự tái cân bằng giữa các nước lớn sẽ hạn chế ý định của Trung Quốc trong việc thiết lập tầm ảnh hưởng ở khu vực. “Các dư chấn địa chính trị từ việc tăng cường quan hệ Việt - Mỹ sẽ được thấy rõ trong vài năm tới”, chuyên gia nói trên viết.
Ông Thitinan nhận xét các lựa chọn nói trên của VN là sáng suốt về kinh tế và khôn ngoan về chính trị. Đối lập với vị thế ngày càng đi lên của VN là hình ảnh Thái Lan thụt lùi về chính trị và đối mặt với triển vọng kinh tế ngày càng đi xuống.
“Thật trớ trêu và cay đắng cho Thái Lan khi Mỹ và VN từ vị trí kẻ thù trong quá khứ giờ lại có quan hệ đối tác sâu sắc. Ngược lại, Thái Lan là đồng minh chính thức của Mỹ từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng giờ đây trục Bangkok - Washington đã không còn tương hợp. VN có vẻ như là một đối tác nhưng lại có cảm giác và cách hành động ngày càng giống một đồng minh. Đó là một sự đảo nghịch vận may của Bangkok”, ông Thitinan viết.
Đầu tư tư nhân Thái Lan đang đuối sức
Phó thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cho biết đầu tư trong khu vực kinh tế tư nhân của nước này đang có dấu hiệu đuối sức, ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế quốc gia. Ông Somkid cho biết khu vực tư nhân hiện chỉ đóng góp khoảng 19 - 20% GDP trong khi con số này cách đây 10 năm là 40%. Tờ Matichon cho biết đây là mối quan ngại hàng đầu của chính phủ khi đề cập đến các vấn đề kinh tế mà Thái Lan đang đối mặt. Chưa có một lời giải thích rõ ràng vì sao có sự sụt giảm trong đầu tư của tư nhân cũng như đóng góp của khối này trong nền kinh tế quốc gia.
Các chuyên gia cho rằng cần phải có biện pháp để khuyến khích khu vực tư nhân bởi nền kinh tế sẽ thiếu bền vững nếu chỉ dựa vào nhà nước. Ngày 31.5, nội các Thái Lan sẽ có buổi họp để bàn về những giải pháp khuyến khích đầu tư tư nhân, trong đó có hỗ trợ khởi nghiệp. Đặc biệt, Bangkok sẽ mạnh tay giảm thuế cho các doanh nghiệp tư nhân được thành lập trong năm nay. GDP hằng năm của Thái Lan hiện không vượt qua 4%. Với mục tiêu vượt qua mốc này, chính quyền quân sự đã đưa ra nhiều giải pháp với trọng tâm là công nghệ. Bangkok xem công nghệ cao là bàn đạp để đưa kinh tế nước này lên một đỉnh cao mới mà các chuyên gia trong nước gọi là nền kinh tế “thế hệ 4.0”.
Minh Quang
(Theo Thanh niên) Lam Yên 
(Văn phòng Bangkok)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét