Đổi tên quy hoạch, mở đường siêu dự án sông Hồng?
Cập nhật lúc 10:43
(Quan điểm) - "Hiện nay, có những dự
án mọi người đang rất lo ngại và phản đối, nếu thông qua việc này để hợp
thức hóa thì vô cùng nghiêm trọng".
Vì siêu dự án mới làm quy hoạch
Trước việc, Bộ TN&MT vừa ký văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép
điều chỉnh tên Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng thành Quy hoạch tài
nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình, bên cạnh đó, là xin thêm kinh phí
để triển khai nhanh quy hoạch, trao đổi với Đất Việt, ngày 27/5, TS Nguyễn
Nhân Quảng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Quản lý Tổng hợp Tài nguyên Nước
(CIWAREM), nguyên Phó tổng Phó tổng thư ký Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam cho
rằng, chúng ta đã từng làm quy hoạch khai thác tổng thể hệ thống sông Hồng.
Theo ông Quảng, khi đó đã thành lập Ủy ban khai thác và trị thủy sông
Hồng thuộc Bộ Thủy lợi từ những năm 1957-1959, bây giờ đã đổi tên thành Viện
quy hoạch thủy lợi, mà lại do Bộ NN&PTNT tiếp quản.
Chính vì thế, Bộ TN&MT muốn đổi tên quy hoạch để không trùng với
quy hoạch cũ, hơn nữa, cũng vì mới xuất hiện một đề xuất siêu dự án giao
thông thủy xuyên Á qua sông Hồng.
"Tôi tin chắc là vì siêu dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông
Hồng nên họ mới làm lại quy hoạch cho phù hợp, đồng nhất với nhau.
Lẽ ra, Bộ TN&MT phải cập nhật quy hoạch tổng thể về tài nguyên
nước hệ thống sông Hồng, Thái Bình, để xem với các công trình hiện có, các
yêu cầu của quốc gia, các ngành, các địa phương, xem xét cần thêm bớt, sửa
đổi những gì.
Đáng lẽ quy hoạch phải đi trước 1 bước, giờ chạy đuổi theo. Trong khi,
xây dựng quy hoạch thì phải dựa trên phát triển của quy hoạch đã có, kèm theo
đó là nhu cầu mới về phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các địa
phương, rồi lựa chọn dự án ưu tiên", ông Quảng chỉ rõ.
Với quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình,
theo ông Quảng, nếu có triển khai thì cũng phải kế thừa toàn bộ
những gì đã làm ở quy hoạch khai thác tổng thể sông Hồng trước đó.
Bởi ngày xưa những đập Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Na Hang (Tuyên
Quang), Thác Bà, đã được xây dựng theo quy hoạch cũ do ủy ban trị thủy sông
Hồng làm. Còn quy hoạch Bộ làm sắp tới phải cập nhật thêm tình hình mới nhất.
Ông Quảng chốt lại: "Nếu bây giờ chuyển tên thành quy hoạch tài
nguyên nước thì sẽ phù hợp với Luật tài nguyên nước, đặc biệt, phù hợp với
chức năng của Bộ TN&MT khi bản thân Bộ được giao chức năng quản lý nhà
nước về tài nguyên nước, nên về mặt pháp lý thì không có gì sai.
Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta phải hiểu là quy hoạch tổng thể tài
nguyên nước, nhưng các Bộ có liên quan đến nước đều phải tham gia vào quy
hoạch trên, chứ không phải đổi tên thì chỉ bộ TN&MT được tham gia".
Lo ngại hợp thức hóa một số dự án
Cũng đưa ra nhận định về thông tin trên, bày tỏ quan điểm, PGS. TS
Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam nhấn
mạnh: "Quy hoạch tổng thể là quy định các công việc phải làm, để khai
thác lợi ích của sông Hồng, chỗ nào làm công trình gì, chỗ nào lấy nước phục
vụ mục đích sản xuất.
Còn quy định tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình
nghe thì khá mông lung. Theo tôi, đây là một tên gọi rất tối nghĩa,
chung chung.
Hơn nữa, quy hoạch có nghĩa tính toán về tài nguyên nước dùng và nước
tự nhiên. Tôi cũng đặt ra nghi ngại không biết đây có phải là có ý đồ để
hợp thức hóa một số dự án hiện nay đang có sự tranh cãi hay không?.
Chắc chắn theo tôi sẽ có những ý đồ sau chuyện xin điều chỉnh tên, chứ
không viện cớ gì phải thay đổi tên của quy hoạch".
Theo ông Giang, quy hoạch khai thác tổng thể đã có từ lâu, việc thực
hiện cũng đã thực hiện gần hết ở các nhánh sông, riêng chỉ còn nhánh sông
Hồng từ Lào Cai đi Việt Trì chưa thực hiện, thì lại xuất hiện siêu dự án giao
thông thủy xuyên Á.
Đặc biệt, trong bối cảnh, hiện nay, đang có những dự án mọi người rất
lo ngại, phản đối, chỉ sợ thông qua việc này để hợp thức hóa thì vô
cùng nghiêm trọng.
Và dự án đó thông qua thì chỉ dựa trên quy hoạch về tài nguyên nước
chung chung như trên thì khó chấp nhận, vì đã là dự án làm trên sông
Hồng thì sẽ liên quan nhiều yếu tố.
Theo vị chuyên gia, đây là dòng sông, là nguồn sống, gắn liền hàng
chục triệu con người, hình thành lưu vực rộng lớn. Dù chỉ có là một đoạn sông
cũng không thể tự ý quyết định cho xây dựng với hình thức BOO, bán cho các
doanh nghiệp làm một cách tùy tiện như việc bán một đường cao tốc được.
Ông Giang nhấn mạnh lại: "Tôi nghi ngờ, đây như là đổi
tên để ngụy trang cho một công việc nào đó, còn quy hoạch tài nguyên nước thì
trước đây đã có nhiều dự án phân tích, khảo sát các nguồn rồi, còn các việc
sử dụng vào các mục đích lại khác. Để tránh tình trạng trên, theo tôi, bất cứ
dự án nào muốn đề xuất đều phải có ý kiến của các cơ quan, ban ngành, địa
phương, quy mô lớn thì phải đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, thậm chí Quốc hội''.
(Theo
Đất Việt) Châu An
|
Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét