Bí thư Đinh La Thăng “xử lý nóng” cán bộ vô cảm, bộ máy
trì trệ
Cập nhật lúc
16:10
Bí
thư Đinh La Thăng. Ảnh: Tuổi trẻ.
Ngày 22.5.2016 là ngày hội kép của người dân Củ Chi (TP.HCM), đi bầu
cử và cúng heo mừng việc Bí thư Đinh La Thăng ra lệnh giải quyết ngay quy
hoạch treo khu Safari, tháo cái “ách” gông vào cổ hàng chục ngàn hộ dân ở An
Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng suốt nhiều năm.
Kết luận tại cuộc làm
việc với huyện Củ Chi ngày 18.2, ông Đinh La Thăng đã giao Sở Quy hoạch -
Kiến trúc TP.HCM phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch dự án khu đô thị Tây Bắc.
Tuy nhiên, đến ngày 11.5, Sở Quy hoạch - Kiến trúc mới họp với huyện Củ Chi
để rà soát, điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Tây Bắc.
Ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc sở Quy hoạch - Kiến trúc - đã thừa
nhận “có sơ sót” và cho biết, thời gian qua, các phòng của sở và huyện có
phối hợp nhưng chưa chính thức.
Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng không đồng ý cách trả lời này và cho
rằng, Bí thư Thành ủy đã kết luận bằng văn bản mà sau 3 tháng vẫn chưa làm là
khó chấp nhận.
Ông Đinh La Thăng giao, đến ngày 21.7, việc rà soát, điều chỉnh quy
hoạch dự án khu đô thị Tây Bắc phải hoàn tất.
Cũng có số phận tương tự theo kiểu “treo”, “treo mãi” là dự án công
viên Sài Gòn Safari với 475ha bỏ hoang từ năm 2004 đến nay tại An Nhơn Tây và
Phú Mỹ Hưng (Củ Chi), Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng
cho biết, sở và thanh tra TP thấy rằng cần làm rõ và vừa qua UBND TP đã quyết
định cho thanh tra toàn diện dự án Safari Củ Chi.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cho rằng, việc cần bây giờ là triển khai dự
án (trong quý 3/2016), giao các cơ quan chức năng phải làm việc với dân về
các vướng mắc đền bù. Ông Thăng cho rằng, phải làm để dân hài lòng trước rồi
thanh tra sau, sai đâu sửa đấy.
Những bài bản trì hoãn, kéo dài, đổ lỗi cho quy trình, cho cơ chế đã
bị Bí thư Đinh La Thăng bẻ gãy bằng các nghiêm lệnh hỏa tốc, có mốc hạn định
thời gian rõ ràng.
Chúng tôi được biết, trước khi làm việc với các địa phương, sở ngành…,
ông Đinh La Thăng và bộ phận tham mưu đã nghiên cứu vấn đề rất thấu đáo và xử
lý trên nguyên tắc pháp luật, quyền lợi người dân và nghĩa vụ công chức.
Chiều 19.5, tại cuộc họp giải quyết các ý kiến bức xúc của cử tri
huyện Hóc Môn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã yêu cầu Chủ tịch UBND
huyện Hóc Môn phải trả lời về cơ sở sản xuất Tấn Minh gây ô nhiễm ở xã Xuân
Thới Sơn.
“Cơ sở Tấn Minh nằm ở khu vực này có đúng quy hoạch không. Có được
phép sản xuất không?”, Bí thư Đinh La Thăng hỏi.
Ông Lê Tấn Tài - Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn - cho biết, Công ty Tấn
Minh có giấy phép hoạt động nhưng có việc người dân phản ánh về chuyện ô
nhiễm, rồi ông nêu ra nhiều lý do vì sao đến nay cơ sở này vẫn còn được hoạt
động.
Nghe đến đây, Bí thư Đinh La Thăng cắt: “Tôi muốn hỏi khu vực này được
quy hoạch là khu dân cư hay khu công nghiệp?”. Ông Tài đáp: “Dạ. Khu dân cư”.
Ông Thăng nói: “Khu dân cư sao có nhà máy sản xuất?”.
Bí thư Thăng kết luận: “Báo cáo vô cảm, không đặt mình vào vị trí
người dân”.
Bí thư Thăng đã nhận định chính xác, điểm đúng, điều cơ bản của các lá
đơn, lá thư của người dân Hóc Môn để nhấn mạnh “sự vô cảm” của một số cán bộ
địa phương trước vấn nạn môi trường mà người dân phải chịu đựng từ nhiều năm
qua, biến nhiều nơi của Hóc Môn thành “vùng đất dữ”. Chưa hết, khiếu nại, tâm
tư nguyện vọng của người dân gửi đi các nơi đều như quả bóng chọi vào bức
tường đá dội ngược lại, ê ẩm.
Không chỉ vị Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường mà nhiều cán bộ
huyện Hóc Môn tham dự cuộc họp cũng tái mặt. Có lẽ họ cũng hiểu ra rằng,
những giải thích dài dòng về câu chuyện ô nhiễm ở địa phương chỉ làm cho lãnh
đạo thành phố và người dân thêm bức xúc.
Y như vậy là câu chuyện bãi rác Đông Thạnh.
Công trường Đông Thạnh trước đây là nơi tiếp nhận rác thải của TP.HCM.
Đến năm 2001, nơi này ngưng tiếp nhận rác sinh hoạt, chỉ còn tiếp nhận rác
xây dựng (xà bần).
Điều đáng nói là trong thời gian “đóng cửa”, Công ty Môi trường Đô thị
(đơn vị quản lý bãi rác) lại lén lút đưa hàng trăm tấn chất thải nguy hại về
đây chôn lấp trái phép. Vụ việc được Phòng cảnh sát môi trường - Công an
TP.HCM phát hiện, xử lý vào năm 2008- 2009. Thế nhưng, đến năm 2012, tại đây
xây dựng một nhà máy xử lý chất thải nguy hại do Công ty Môi trường Đô thị
đầu tư. Đến năm 2015, khu vực xử lý chất thải nguy hại tiếp tục được cấp phép
mở rộng. Trong thời gian bãi rác Đông Thạnh chuyển từ chôn lấp rác sinh hoạt
sang xử lý chất thải nguy hại thì tại các khu dân cư quanh nhà máy cũng bắt
đầu rộ lên tình trạng suy giảm sức khỏe không rõ nguyên nhân…
Người dân Đông Thạnh vui mừng khôn xiết vì vấn nạn môi trường mà họ
kiên trì đấu tranh suốt nhiều năm qua đã có hướng giải quyết, vui mừng hơn
còn là vấn đề niềm tin.
Chính Bí thư Đinh La Thăng đã chỉ ra thủ phạm chính gây ra nỗi đau khổ
của người dân phải sống chung ô nhiễm ở Hóc Môn hay khốn khổ vì quy hoạch
treo ở Củ Chi: Thói vô cảm của cán bộ.
Cách chức “nóng”, xử lý “nóng” các vấn đề kéo dài nhiều năm bằng các
động thái kiên quyết, dứt khoát là phong cách của Bí thư Đinh La Thăng cũng
là phương thuốc đặc trị hữu hiệu cho sự vô cảm của cán bộ, sự trì trệ của bộ
máy.
Không hề
qua loa, hay cảm tính đó cũng là cách ông Đinh La Thăng yêu cầu cách chức
Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường Hóc Môn ngay trong phiên làm việc với
huyện này về vấn đề người dân phải chịu ô nhiễm môi trường quá lâu trong lúc
cán bộ có thái độ “vô cảm”.
(Theo Lao động) Hoàng Linh
|
Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét