Ông Obama chia sẻ với Việt Nam cách ứng xử với Trung Quốc
Cập
nhật lúc 15:25
Tại sao khi
nhắc tới người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt và bài thơ thần
"Nam quốc sơn hà", ông Obama chỉ đọc 2 câu đầu mà không
nhắc...
LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên
Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến bạn đọc Báo Điện tử Giáo
dục Việt Nam bài bình luận của ông xung quanh phát biểu của Tổng
thống Hoa Kỳ Barack Obama về vấn đề Biển Đông và quan hệ Việt Nam -
Trung Quốc bên lề hội nghị G-7.
Những bình luận và thông điệp của ông
Obama trong và sau chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua đang nhận
được sự quan tâm rất lớn từ dư luận.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin
trân trọng gửi đến bạn đọc bài bình luận này của Tiến sĩ. Văn
phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả.
Thứ Sáu ngày 27/5 Hội nghị Thượng
đỉnh G-7 ra tuyên bố chung, trong đó có đề cập đến Biển Đông với
lập trường rõ ràng: "Chúng tôi rất quan tâm trước những
diễn biến trên Biển Đông và Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan
trọng của việc kiểm soát, giải quyết các tranh chấp một cách hòa
bình."
Lãnh đạo cấp cao 7 nước Mỹ, Nhật
Bản, Anh, Pháp, Đức, Italy và Canada khẳng định rằng: "Bất
kỳ yêu sách nào cũng đều phải dựa trên luật pháp quốc tế, các
nước cần tránh các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng,
không sử dụng và không đe dọa sử dụng vũ lực để theo đuổi các
tuyên bố chủ quyền, hàng hải".
Tiếp sau động thái
Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam và tuyên bố dỡ bỏ hoàn
toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương và tăng cường hợp tác song
phương, trong đó có một trọng tâm là lĩnh vực an ninh hàng hải, G-7
ra tuyên bố mạnh mẽ thể hiện mối quan tâm, lo ngại về Biển Đông và
Hoa Đông đã khiến Trung Quốc tỏ ra hết sức khó chịu.
Tuy nhiên cá nhân tôi
nhận thấy trong nội bộ dư luận Việt Nam cũng còn nhiều nhận thức
khác nhau, thậm chí vẫn còn những băn khoăn về vai trò, ảnh hưởng,
tác động của Hoa Kỳ, của tuyên bố dỡ bỏ cấm vận vũ khí, hay tuyên
bố của G-7 về Biển Đông.
Vẫn còn đó những trăn
trở, Việt Nam làm sao khai thác được những xu thế này phục vụ cho
chiến lược bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các
quyền, lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông.
Trong khuôn khổ bài
viết này, xin chia sẻ một số nhận định của cá nhân tôi sau khi
nghiền ngẫm những xu thế khách quan đang diễn ra trên thế giới, mà
qua đó chúng ta có thể tự rút ra bài học cho mình.
Tuyên bố của Hoa Kỳ,
của G-7 hay phán quyết của PCA về Biển Đông có lợi như thế nào với
Việt Nam và có lợi đến đâu, còn do chính nhận thức của chúng ta
sẽ góp phần quyết định.
Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao sau
chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama với quyết định dỡ bỏ
hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương?
Đây có lẽ là câu hỏi
được dư luận quan tâm nhất và đang theo dõi những diễn biến tiếp
theo với nhiều nhận định khác nhau. Về mặt phản ứng chính thức,
người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ có những
phát biểu mang tính công thức xã giao và không bộc lộ lập trường.
Riêng về câu hỏi đề nghị bình luận
tại sao Việt Nam muốn Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí, bà Oánh nói: "Quý
vị nên hỏi Việt Nam".
Tuy nhiên các kênh
truyền thông chủ lực của nhà nước Trung Quốc như Tân Hoa Xã, Thời
báo Hoàn Cầu hay Truyền hình Trung ương CCTV và một số học giả
Trung Quốc tỏ ra khá bất mãn và khó chịu trước những bước phát
triển mới của quan hệ Việt Mỹ.
Theo cá nhân tôi, phát
biểu của Giáo sư Thời Ân Hoằng, Đại học Nhân dân Trung Quốc được VOA
trích dẫn ngày 25/5 có thể phản ánh những suy nghĩ và tính toán
của Bắc Kinh.
Ông Hoằng cho hay, Bắc
Kinh sẽ không phản ứng theo cách "ăn miếng trả miếng" nhưng sẽ
tiếp tục xây dựng sức mạnh quân sự ở Biển Đông, trong khi gây áp lực với Hà
Nội không đến quá gần Washington.
Người viết cho rằng
đây mới là cái Việt Nam chúng ta cần lưu ý và có cách phản ứng
phù hợp, chứ không phải những chiêu trò bình luận giật gân như Thời
báo Hoàn Cầu, Tân Hoa Xã hay China Daily.
Học giả Trung Quốc
thứ 2 mà tôi cho là nói khá thật lòng về những đánh giá, suy tính
của Bắc Kinh xung quanh quan hệ Việt - Mỹ sau chuyến thăm của ông
Obama là Giáo sư Trương Minh Lượng từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á
thuộc Đại học Kỵ Nam, Quảng Châu.
VOA ngày 27/5 dẫn lời
Giáo sư Lượng đánh giá, đối với Bắc Kinh thì triển vọng quan hệ
đối tác mạnh mẽ giữa Mỹ với Việt Nam sẽ còn đáng "lo
ngại" hơn so với quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines. Giáo sư
Lượng bình luận:
"Việt Nam có kinh nghiệm mạnh mẽ
hơn trong việc đương đầu (VOA sử dụng chữ "đối đầu", người
viết cho rằng không đúng bản chất và dễ gây hiểu lầm nên sửa lại)
với Trung Quốc. Họ có sự tỉnh táo vốn có và hiểu đối thủ hơn.
Với Mỹ, Việt Nam quan trọng hơn về
mặt chiến lược trong việc chống lại thái độ hung hãn của Trung
Quốc trong khu vực. Hoa Kỳ hiện tận dụng lợi thế này."
Toan tính của người Nga
Còn về phản ứng của Nga, Nikkei Asian
Review ngày 29/5 dẫn lời một quan chức chính phủ nước này nói
rằng: "Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để duy trì quan hệ
quân sự với Việt Nam". Tờ báo này bình luận, việc dỡ bỏ
cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, Mỹ hy vọng sẽ kiềm chế
ảnh hưởng của cả Bắc Kinh lẫn Moscow.
Điều này có thể
khiến Việt Nam rơi vào thế kẹt giữa "đối tác mới với bạn bè
cũ", mà đúng hơn là thế kẹt bởi sự tranh giành ảnh hưởng của
cả 3 siêu cường Mỹ - Trung - Nga.
Sputnik News ngày 28/5
dẫn lời nhà báo Alexander Khrolenko của tờ "Nước Nga ngày
nay" cho rằng, quyết định dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn vũ khí sát
thương với Việt Nam của Hoa Kỳ ảnh hưởng không chỉ với 2 nước trong
cuộc, mà còn cả Trung Quốc, Nga và một loạt nước khác.
Về khả năng phản ứng của Trung Quốc,
quan điểm của nhà báo Alexander Khrolenko khá giống Giáo sư Thời Ân
Hoằng: "Trung Quốc sẽ không tiến hành bất cứ động thái gay gắt,
trừ khi thật cần thiết. Nhưng không vì vậy họ chấp nhận nhượng bộ lập
trường. Bắc Kinh sẽ tiếp tục bồi đắp đảo nhân tạo, tăng cường lên gân sức
mạnh hải quân."
Tuy nhiên Alexander Khrolenko muốn nâng
tầm quan trọng của Trung Quốc trong chuyện này hơn nữa: "Dù
ai đó muốn hay không nhưng thời gian đang có lợi cho Bắc Kinh, nền kinh tế
toàn cầu ngày càng định hướng mạnh về phía Trung Quốc."
Lập luận đó của Alexander Khrolenko
phải chăng chỉ là để dọn đường cho một thông điệp nào đó mà chính
Alexander Khrolenko tiết lộ: "Tuy nhiên, bằng việc dỡ bỏ lệnh
cấm vận người Mỹ gián tiếp đặt Nga trước sự lựa chọn: hoặc tích cực hơn hỗ
trợ Trung Quốc hoặc phát triển quan hệ với Việt Nam."
Phản ứng của Trung Quốc và Nga chỉ
củng cố thêm ý nghĩa của việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát
thương với Việt Nam
Cá nhân người viết cho
rằng, cho dù Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có hợp đồng nào về mua bán
vũ khí phòng thủ sau khi dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm, nhưng những
nhận định của truyền thông và học giả Trung Quốc, Nga đã cho thấy,
việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm và Việt Nam muốn Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm này
là hoàn toàn chính xác.
Ngoài ý nghĩa chính
trị quan trọng kết thúc hoàn toàn quá trình bình thường hóa quan
hệ, tạo dựng lòng tin chiến lược giữa hai bên, rõ ràng động thái
mới này đã giúp Việt Nam nâng cao vị thế của mình trên bàn đàm
phán với cả đối thủ lẫn đối tác.
Riêng với Nga, các nhà
cung cấp vũ khí khí tài nước này sẽ hiểu được rằng, họ không còn
độc quyền trong việc cung cấp vũ khí cho Việt Nam phòng thủ, bảo
vệ đất nước. Điều đó có nghĩa là cần phải ứng xử với Việt Nam
với đúng nghĩa "khách hàng là thượng đế", chứ không phải
thích bán thì bán, không thích thì thôi, bán cho loại nào thì biết
loại đó.
Và một khi nếu Nga
muốn sử dụng Biển Đông làm con bài mặc cả như Alexander Khrolenko đề
cập, thì càng chứng tỏ quyết định của Việt Nam và Hoa Kỳ là sáng
suốt, cần thiết và cấp bách.
Việt Nam không mua sắm
vũ khí để đe dọa bất cứ nước nào, mà chỉ để bảo vệ mình, bảo
vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và lợi ích quốc
gia,đồng thời góp phần duy trì và bảo vệ hòa bình, ổn định của
khu vực, luật pháp và trật tự quốc tế trên Biển Đông.
Chỉ riêng về mặt
thương mại hay kỹ thuật, việc 90% - 95% vũ khí Việt Nam do Nga sản
xuất đủ thấy sự lệ thuộc vào nguồn cung độc quyền duy nhất. Điều
này không phải không có những nguy cơ đối với Việt Nam, cho dù quan
hệ chính trị giữa hai bên rất tốt đẹp và tình cảm người Việt Nam
dành cho Nga rất chân thành.
Huống hồ những vũ
khí Nga bán cho Việt Nam để phòng thủ trên Biển Đông thì Nga cũng
bán cho Trung Quốc để bành trướng Biển Đông. Về lâu dài điều này
chúng ta cũng cần phải tính đến yếu tố bảo mật, an toàn cho hệ
thống quả đấm thép của mình, cũng như yếu tố chống độc quyền và
thao túng giá cả, làm mình làm mẩy của các nhà cung cấp.
Rõ ràng quan hệ chính
trị tốt đẹp và tình cảm của người Việt luôn trân trọng, biết ơn
những giúp đỡ to lớn của Liên Xô trước đây và Nga ngày nay, cũng như
giúp đỡ to lớn của Trung Quốc dành cho Việt Nam trong công cuộc kháng
chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, là điều rất
đáng trân trọng và cần gìn giữ.
Tình cảm ấy, mối quan
hệ tốt đẹp ấy cần phải được bảo vệ, củng cố và duy trì. Với
quan hệ Việt - Nga, trong hợp tác quân sự quốc phòng và mua bán vũ
khí, rõ ràng tính sòng phẳng, công bằng, cùng có lợi theo đúng quy
luật thị trường là cách tốt nhất để bảo vệ tài sản quý giá ấy.
Với quan hệ Việt -
Trung có nhiều ân oán, thăng trầm và khúc mắc, tranh chấp đến tận
bây giờ, hai bên càng phải tỏ rõ thiện chí giải quyết những mầm
mống ung nhọt trong quan hệ song phương bằng luật pháp quốc tế, trong
khi quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai bên đã tạo môi trường rất tốt
để đối thoại.
Nói thực lòng, ngày
nào Hoàng Sa và một phần Trường Sa còn chưa trở về đất mẹ, ngày
nào Trung Quốc còn leo thang quân sự hóa Biển Đông và đe dọa đến
không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam mà lại mong muốn người Việt
có lòng tin với mình thì chẳng khác nào mò trăng đáy nước.
Tổng thống Obama chia sẻ với Việt Nam
cách ứng xử với Trung Quốc trên Biển Đông
Ngày 25/5 cổng thông
tin điện tử Nhà Trắng whitehouse.gov đăng toàn văn nội dung họp báo
giữa Tổng thống Barack Obama với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau
hội đàm song phương cùng ngày. Trong đó ông Obama có đề cập đến
trục quan hệ Mỹ - Việt - Trung trên Biển Đông cũng như quan điểm của
Hoa Kỳ.
Ông Obama nói: "Phát triển
quan hệ hợp tác với Việt Nam đang diễn ra hoàn toàn không liên quan
gì đến Trung Quốc, mà dựa trên mong muốn mở rộng thương mại, mở
rộng hợp tác trên một loạt các lĩnh vực vì lợi ích chung của cả
2 nước. Đó là những gì diễn ra suốt 30 năm qua và vẫn đang diễn ra
hiện nay.
Vì vậy, thực tế có thể Trung Quốc
sẽ cảm nhận mối quan hệ này là một loại khiêu khích, nhưng chúng
tôi cho rằng đó là thái độ của Trung Quốc và không nói lên bất cứ
điều gì về thái độ của chúng tôi.
Những căng thẳng giữa Trung Quốc với
Việt Nam hay Trung Quốc với Philippines, hoặc với các bên yêu sách
khác ở Biển Đông không phải do chúng tôi gây ra.
Chúng tôi muốn thấy một giải pháp
hòa bình cho các tranh chấp đó. Chúng tôi không làm bất cứ điều gì
để ngăn cản việc này.
Chúng tôi hoan nghênh Trung Quốc và
Việt Nam đối thoại và giải quyết tranh chấp. Chúng tôi không đứng
về bên nào về yêu sách chủ quyền. Vì vậy để giải quyết tranh chấp
là điều hoàn toàn nằm trong khả năng của Trung Quốc.
Mục tiêu của chúng tôi liên quan đến
lợi ích của Mỹ ở Biển Đông, chỉ đơn giản là duy trì tự do hàng
hải, tự do hàng không, duy trì các quy tắc và chuẩn mực luật pháp
quốc tế bởi vì chúng tôi tin rằng điều đó có lợi cho tất cả các
bên, bao gồm Trung Quốc."
Người viết cho rằng,
những phát biểu này là câu trả lời không thể rõ ràng hơn cho Trung
Quốc và cho chính những ai đang lo ngại Trung Quốc có thể gây sự,
tìm cách gây sức ép với Việt Nam sau chuyến thăm của ông Obama.
Ông ấy nói rất rõ,
Mỹ không những trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền các thực
thể trên Biển Đông, cụ thể là 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (của
Việt Nam) và bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là "đảo
Hoàng Nham".
Ngược lại, Tổng thống
Hoa Kỳ còn cổ vũ Việt Nam và Trung Quốc đối thoại với nhau để tự
tìm cách giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Do đó, nếu Trung Quốc
có phàn nàn gì thì thiết nghĩ, chỉ cần nhắc lại cho họ nghe lời
phát biểu rõ ràng của ông Obama trên website Nhà Trắng, đồng thời
yêu cầu Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam về vấn đề
Hoàng Sa, có lẽ Trung Quốc sẽ không thể phàn nàn được gì.
Giả sử Trung Quốc có lo lắng "Việt Nam cẩn thận kẻo bị Mỹ lừa" như
Tân Hoa Xã từng nói trong một bài xã luận, thì xin thưa các bạn
Trung Quốc, chúng tôi bị lừa quá nhiều rồi. Việt Nam tự biết cách
bảo vệ mình trước các âm mưu, thủ đoạn của bất kỳ ai.
Mặt khác với những ai
vẫn còn băn khoăn, phải chăng Hoa Kỳ muốn mượn tay Việt Nam để
"kiềm chế Trung Quốc", "chống Trung Quốc", lo Việt
Nam có thể bị nước láng giềng phương Bắc "trả thù vì đi với
Mỹ", thì đọc lại lời khẳng định rõ ràng của ông Obama cũng
có thể tự tìm thấy câu trả lời.
Hoa Kỳ không rảnh để
chống Trung Quốc, các nước khác cũng vậy. Nhưng chính các hành vi leo thang
quân sự hóa, phiêu lưu của Trung Quốc trên Biển Đông đang đe dọa nghiêm trọng
hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không ở Biển
Đông.
Hoa Kỳ đang chống lại
những hành vi vi phạm pháp luật quốc tế này từ phía Trung Quốc. Đó cũng là
trách nhiệm và nghĩa vụ của các nước ven Biển Đông muốn bảo vệ hòa bình, ổn
định, luật pháp và trật tự quốc tế trên vùng biển này.
Nếu Trung Quốc không có
những hành vi leo thang quân sự hóa Biển Đông, xâm phạm quyền và lợi ích hợp
pháp của các nước khác, ngăn cản tự do hàng hải, hàng không với ý đồ xưng
hùng xưng bá trên Biển Đông thì Hoa Kỳ cũng không việc gì phải thực hiện các
hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, hàng không và hợp tác với các nước
bảo vệ tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.
Cái Mỹ quan tâm ở
Biển Đông là gì, cái Mỹ muốn hợp tác với Việt Nam trên Biển Đông
là gì, ông chủ Nhà Trắng đã nói quá rõ. Nói cách khác, Mỹ không
chống Trung Quốc, chỉ chống lại các hành vi chà đạp luật pháp và công luận
quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông. Mỹ không nhằm vào chủ thể, mà nhằm vào
hành vi.
Chính bởi điều này Việt
Nam và Hoa Kỳ mới có thể hợp tác lâu dài. Còn bất kỳ quốc gia nào muốn lợi
dụng Việt Nam để chống lại một nước thứ ba vì ý đồ chính trị ích kỷ của họ
thì chắc chắn Việt Nam sẽ chống lại ý đồ ấy.
Tư duy này của Hoa Kỳ và
Tổng thống Barack Obama hoàn toàn phù hợp với lập trường vừa hợp tác, vừa đấu
tranh trong quan hệ quốc tế hiện nay. Đặc biệt là đối với quan hệ Việt Nam -
Trung Quốc có nhiều thăng trầm, phức tạp thì việc phản ứng với hành vi chứ
không vơ đũa cả nắm với chủ thể lại càng có ý nghĩa quan trọng và bài học sâu
sắc.
Việt Nam rất mong muốn
chung sống hòa bình, hợp tác hữu nghị, cùng phát triển phồn vinh với Trung
Quốc và sẽ nỗ lực hết sức cùng Trung Quốc để vun đắp cho mối quan hệ ấy.
Nhưng bất cứ hành vi nào
xâm phạm hay đe dọa đến độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi
ích hợp pháp của Việt Nam thì người Việt phải chống lại, quyết không đánh đổi
độc lập chủ quyền lấy hữu nghị viển vông.
Nếu như Hoa Kỳ và các bên
liên quan ở Biển Đông hết sức minh bạch, rõ ràng trong việc xác định bản chất
các vấn đề ở Biển Đông và có những phản ứng phù hợp, chỉ phản đối hành vi mà
không chống đối chủ thể theo kiểu vơ đũa cả nắm, thì chính Trung Quốc đang
làm điều ngược lại.
Chính Trung Quốc mới là
nước đang cố tình đánh tráo khái niệm, lập lờ đánh lận con đen
hòng khuấy đục dư luận ở Biển Đông với việc đánh đồng tất cả các
tranh chấp phức tạp thành một loại: Tranh chấp chủ quyền.
Thực tế, vụ kiện của
Philippines là Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công
ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông.
Thực chất hợp tác an
ninh hàng hải Việt Nam - Hoa Kỳ hay với các nước khác ở Biển Đông
cũng chính là để bảo vệ UNCLOS, bảo vệ tự do hàng hải, hàng không
và hòa bình, ổn định dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông,
chống vũ lực và đe dọa.
Lúc này đọc lại nội
dung bài phát biểu ấn tượng của ông Obama tại Trung tâm Hội nghị
Quốc gia Mỹ Đình người viết mới thấy cái tầm của ông chủ Nhà
Trắng vượt xa mọi chỉ trích vô lý của truyền thông Trung Quốc.
Ông Obama đã thực sự
thấu hiểu hoàn cảnh, chia sẻ và ủng hộ lập trường của Việt Nam
trong quan hệ với Trung Quốc nói riêng và quan hệ đối ngoại nói
chung.
Đó là lý do tại sao
khi nhắc tới người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt và bài thơ thần
"Nam quốc sơn hà", ông Obama chỉ đọc 2 câu đầu mà không nhắc
tới 2 câu sau:
"Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời."
Nếu ông Obama đọc nốt
hai câu này thì có lẽ ai đó sẽ chột dạ, nghi ngờ và có thể có
những hành động phiêu lưu. Chí ít thì họ cũng có thể lấy đó làm
cớ để gây sức ép với Việt Nam, chụp mũ cho chúng ta là theo nước
này nước kia để chống lại họ.
Mặc dù bài thơ - bản
Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam là chuyện trong
lịch sử, nhà Tống xâm lược Đại Việt và bị quân dân Đại Việt đánh
cho tơi bời.
Như vậy có thể thấy
Obama rất tế nhị trong các vấn đề liên quan đến quan hệ Việt Nam - Trung
Quốc.
Chắc chắn Hoa Kỳ không
muốn để Trung Quốc bành trướng, khống chế và độc chiếm Biển Đông
thành ao nhà và tàu thuyền Mỹ qua lại thường xuyên phải nộp tô, xin
phép.
Đó chính là lý do
tại sao Mỹ muốn phát triển quan hệ đặc biệt tin cậy với Việt Nam
nhưng không đặt vấn đề phải là đồng minh hiệp ước theo mô hình
truyền thống như với Nhật Bản, Philippines, Australia hay Hàn Quốc.
Thiết nghĩ điều này
phù hợp với lợi ích lâu dài của Việt Nam, cũng như chủ trương
đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa quan
hệ quốc tế và không chạy đua vũ trang, không theo nước này chống
nước khác.
Chúng ta chỉ bảo vệ
mình và góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định, tự do hàng hải hàng
không, luật pháp và trật tự quốc tế trên Biển Đông. Hoa Kỳ cũng
đang làm điều đó, vì lợi ích và vị thế của họ ở châu Á - Thái
Bình Dương đang hội tụ với lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông.
Vậy là trong số những
vấn đề Trung Quốc có thể "gây sức ép" với Việt Nam sau
chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ như truyền thông Trung Quốc bình
luận, ngoài vấn đề ý thức hệ mà chính Trung Quốc đã tự tay vượt
rào năm 1972 với cái bắt tay xuyên Thái Bình Dương bằng tuyên bố
Thượng Hải, thì vấn đề ý đồ của Mỹ "lôi kéo" Việt Nam
như Trung Quốc lo ngại, ông Obama đã có câu trả lời rất rõ ràng,
sòng phẳng, minh bạch.
Còn vấn đề nhân quyền
mà truyền thông Trung Quốc rất thích đề cập với mặc định như một
rào cản để Việt Nam và Hoa Kỳ không thể phát triển quan hệ hợp
tác thân thiện hơn, gần gũi hơn, xin được phân tích ở một bài viết
khác.
Những phát biểu và
động thái của Hoa Kỳ cũng như cá nhân ngài Tổng thống Obama đã cho
chúng ta rất nhiều điều phải suy ngẫm. Ông Obama đã chìa cánh tay
thân thiện về phía chúng ta, có nắm lấy bàn tay ấy và nắm như thế
nào do chúng ta quyết định.
Khi chúng ta đã xác
định một đường lối đối ngoại độc lập tự chủ hết sức minh bạch,
công khai, văn minh và thiện chí thì không có gì ngăn cản chúng ta
thực hiện thành công chiến lược ấy.
Những rào cản còn
lại nằm ở chính tư duy cũ của chúng ta về đối tác - đối tượng,
bạn - thù, đấu tranh - hợp tác. Trong khi những phạm trù đối lập
này đã thay đổi nhanh chóng trên thực tế, nhận thức của chúng ta
vẫn chưa theo kịp. Nếu áp tư duy cũ vào hiện tượng mới, câu chuyện
mới thì sẽ có khả năng khó tránh khỏi sai lầm. Chúng tôi sẽ phân
tích kỹ hơn vấn đề này trong một bài khác.
Nhưng khi đặt lợi ích
sống còn của quốc gia, dân tộc lên trên hết cùng với vận mệnh của
hòa bình, ổn định khu vực và luật pháp - công lý quốc tế, trái
tim và khối óc chúng ta sẽ chỉ cho chúng ta thấy cần phải làm gì và
như thế nào.
(Theo
Giáo dục VN) Ts
Trần Công Trục
|
Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét