Ngân hàng
Nhà nước có đỡ nổi “đơn hàng” đa mục tiêu?
Cập
nhật lúc 14:46
Đến cả chục
mục tiêu, yêu cầu trực tiếp và gián tiếp đang đặt ra với Ngân hàng Nhà nước...
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội.
Chiều 26/5,
các ngân hàng thương mại liên tục nâng giá USD trên biểu niêm yết. Đây là
diễn biến tăng đáng chú ý nhất kể từ đầu năm đến nay.
Vì từ đầu 2016, tỷ giá USD/VND liên tục lao dốc, cho đến ngày 1/2 đà rơi mới được chặn lại từ quyết định nâng giá mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Từ đó đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục mua ròng ngoại tệ, vượt xa cả lượng đã phải bán ra can thiệp trong nửa cuối 2015, đặc biệt là lát cắt sâu từ sự cố Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (tháng 8/2015). Mức 22.420 VND giá bán ra trong ngày 26/5 cũng là cao nhất, kết quả của những bước tăng khá nhanh và đáng chú ý nhất kể từ mốc Ngân hàng Nhà nước phải chặn mua vào ngày 1/2/2016 nói trên. Diễn biến mới của tỷ giá USD/VND tưởng như tức thời, đơn lẻ và chưa nói lên được nhiều thông tin về xu hướng. Nhưng nó lại gắn với nhiều yếu tố đang được chú ý trên thị trường, cũng như trong hướng điều hành chính sách tiền tệ năm nay. Đó là hướng điều hành trước một “đơn hàng” đa mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ giao. Thứ nhất, chuỗi mua vào ngoại tệ để bù đắp nhanh dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước từ đầu tháng 2/2016 đến nay tạm thời gián đoạn. Khả năng nối lại nằm ở tương lai. Nói không quá, hoạt động mua vào nói trên là một trong những dòng chảy quan trọng, có tính quyết định đến các mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi, hoặc phải thực hiện, hoặc phải phối hợp. Trước hết, gia tăng dự trữ ngoại hối là mục tiêu Chính phủ giao. Lượng ngoại tệ mua vào nhiều tương ứng với lượng tiền đồng quy mô lớn được đưa ra trong hơn ba tháng qua. Dòng chảy này lại gắn với các yếu tố tiếp theo. Thứ hai, lượng lớn tiền đồng đưa ra mua ngoại tệ đã giúp hỗ trợ mục tiêu ổn định lãi suất và hướng tới giảm lãi suất cho vay - nhiệm vụ Chính phủ đã chính thức yêu cầu. Liên quan, trạng thái thanh khoản của hệ thống tốt hơn đã được phản ánh nhất định ở nhu cầu vay mượn trên thị trường liên ngân hàng giảm bớt, lãi suất trên thị trường này cũng giảm sâu xuống mức thấp nhất trong gần ba năm trở lại đây. Trong khi chờ đợi diễn biến lãi suất trên liên ngân hàng ngấm sang thị trường 1 (huy động và cho vay với dân cư và doanh nghiệp), thì dòng chảy trên cũng đã góp phần truyền dẫn sang mục tiêu/yêu cầu khác mà Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp thực hiện. Thứ ba, kết nối tiếp theo trong những dòng chảy trên là sự hồ hởi của hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ và cân đối ngân sách Nhà nước. Dù không phải là mục tiêu chính thức và trực tiếp đối với Ngân hàng Nhà nước, nhưng phối hợp tạo nguồn để thúc đẩy kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ thành công cũng được xét đến trong “đơn hàng” mà Chính phủ đặt ra. Một tham khảo là, đến cuối tuần qua, riêng lượng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm (kỳ hạn chủ yếu với khối lượng yêu cầu chủ yếu trong năm) đã hoàn thành tới 90% kế hoạch cả năm, trái ngược với sự hụt hơi đầy lo lắng kéo dài trong năm 2015. Giá trị hơn, nhà điều hành chính sách tiền tệ cũng đã làm được cho việc chung và việc của mình là bình ổn lãi suất ở yếu tố liên quan này. Cùng với mức độ thành công ấn tượng, lãi suất trái phiếu Chính phủ qua đấu thầu đã giảm khá mạnh, một mặt bớt áp lực chi phí ngân sách, mặt khác bớt gây áp lực “phá” mặt bằng lãi suất chung trên thị trường. Thứ tư, dội ngược lại, lãi suất VND giảm, cụ thể như mức giảm sâu trên liên ngân hàng hiện nay, cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến mục tiêu giữ ổn định tỷ giá. Diễn biến tăng lên của tỷ giá từ đầu tuần này, và mạnh bạo hơn trong ngày 26/5 nói trên, là một tín hiệu bóng gió về áp lực thực hiện mục tiêu giữ ổn định tỷ giá đối với Ngân hàng Nhà nước. Nhà điều hành vẫn có thể lạc quan. Vì cho đến nay tỷ giá USD/VND vẫn nằm rất sâu dưới trần biên độ, cũng như vẫn thấp hơn nhiều so với mức 22.520 VND chốt năm 2015. Nhưng, với mục tiêu giảm lãi suất VND, nhập siêu có dấu hiệu trở lại, đồng USD đang lên giá rõ rệt trên thị trường thế giới theo dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất trong tháng 6 tới (và có thể tăng không chỉ một lần), thì áp lực sẽ gia tăng đối với Ngân hàng Nhà nước trong mục tiêu ổn định tỷ giá. Thứ năm, một trong những mục tiêu hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát lạm phát - đều có trong “đơn hàng” ưu tiên của Quốc hội và Chính phủ. Trong khi đó, lượng lớn tiền đồng đưa ra mua ngoại tệ nói trên, cùng với một yêu cầu khác nữa là đẩy vốn ra tốt hơn để hỗ trợ Chính phủ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm nay, gắn với mục tiêu nữa là giảm được lãi suất, đều có thể gây khó cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Mục tiêu này khó hơn, khi nhiều yếu tố trọng yếu nằm ngoài yếu tố tiền tệ không thuộc tầm điều tiết của Ngân hàng Nhà nước. Ví như giá xăng dầu đã liên tiếp tăng trở lại, kích thích đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng, và tuần này lần đầu tiên sau thời gian dài giá dầu thế giới đã vượt mức 50 USD/thùng… Tưu trung, lúc này Ngân hàng Nhà nước đang xử lý một “đơn hàng” đa mục tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao: kiểm soát lạm phát dưới 5%, giảm được lãi suất, bình ổn được tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối, tăng được tín dụng hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, phối hợp (đúng hơn là hỗ trợ về nguồn) với chính sách tài khóa để phát hành trái phiếu Chính phủ đạt kết quả tốt cho yêu cầu cân đối ngân sách. Thực hiện “đơn hàng” trên, một sự quá ở mục tiêu nào đó đều có thể dẫn đến xung đột với mục tiêu khác. Vậy nên, thị trường đang chờ đợi Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đỡ “đơn hàng” đa mục tiêu đó như thế nào, khi năm 2016 đã đi được gần nửa chặng đường.
(Theo VnEconomy) MINH ĐỨC
|
Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét