Quặn
lòng 11 thi thể cháy đen khi hai xe giường nằm đối đầu
Cập nhật lúc 11:11
Anh Đạt run rẩy lần theo tiếng chuông
điện thoại đến nhà đại thể. Lại gọi. Lần này chuông reo từ túi thi thể số
3. Anh bật khóc: “Mẹ đây rồi!...” và gần như ngã quỵ...
Suốt ngày 22-5, Bệnh viện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình
Thuận chìm trong không khí tang tóc. 11 thi thể cháy đen được đưa vào
nhà đại thể chỉ có vài trường hợp còn da thịt.
Vụ hai xe khách đối đầu thảm khốc lúc 4g15 cùng ngày trên quốc
lộ 1 thuộc thị trấn Thuận Nam làm 12 người chết tại chỗ và 40 người bị thương.
Lúc 4g15 ngày 22-5, tại địa điểm trên, xe khách Sơn Quy biển số 38N-5577
(Hãng xe Sơn Quy, Hà Tĩnh) chạy hướng TP.HCM đi Hà Nội, khi đến địa điểm trên
đã tông vào xe khách giường nằm Phương Trang biển số 51B-11224
(chạy
hướng Quảng Ngãi - TP.HCM) và cả hai xe bốc cháy dữ dội.
Một xe tải va chạm với hai xe khách cũng bị cháy phần đầu. Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời thăm hỏi, động viên đến người bị nạn và gia đình
trước tai nạn thảm khốc này.
Tang tóc ở nhà tang lễ
Bác sĩ Nguyễn Hữu Quang, giám đốc bệnh viện, cho biết thi thể 12 nạn
nhân đang được bảo quản để cơ quan chức năng giám định ADN xác định danh
tính; 40 người bị thương đang được điều trị. Ba nạn nhân trong số này đã được
chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.
Tại Bệnh viện Hàm Thuận Nam, la liệt người bị thương và chộn rộn người
thân từ quê tức tốc đến tìm kiếm người nhà.
Anh Đạt có mẹ là bà Võ Thị Xuân từ Quảng Ngãi đi trên chiếc xe Phương
Trang xấu số. Tất tả tìm kiếm mẹ ở bệnh viện, anh gọi điện thoại. Chuông đổ. Anh
lao đến phòng cấp cứu. Không có mẹ anh ở đây.
Lại gọi. Chuông đổ. Anh Đạt run rẩy lần dò đến nhà đại thể. Lại gọi.
Lần này chuông reo từ túi thi thể số 3. Anh bật khóc: “Mẹ đây rồi! Mẹ đây
rồi...” và gần như ngã quỵ. Anh Đạt xin được nhận thi thể mẹ.
Lực lượng công an chia sẻ nỗi mất mát của anh nhưng giải thích cơ quan
chức năng cần giám định ADN mới có thể giao thi thể cho người nhà. Anh Đạt
thẫn thờ...
Ở bệnh viện, mỗi người đều có một nỗi đau xé lòng. Chị Phan Thị Yến
(23 tuổi, quê Hưng Yên) sau cấp cứu tỉnh lại, nghe nhiều người xầm xì “chồng
nó chết rồi” đã nấc lên từng chập nhói lòng.
Chị Yến cùng chồng làm việc ở TP.HCM, chồng chị là Trần Quốc Anh làm
nghề thợ điện. Cha mẹ chồng ở Quảng Ngãi bị bệnh nên hai vợ chồng về thăm rồi
tranh thủ ngày cuối tuần trở lại TP.HCM làm việc.
“Anh nói đầu tuần đi làm việc lại để có tiền gửi cho cha mẹ già, vậy
mà anh bỏ mọi người anh đi!” - chị Yến nước mắt giàn giụa.
Đang cấp cứu tại Bệnh viện huyện Hàm Thuận Nam, chị Nguyễn Thị Ngọc
Phương (18 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho biết chị cùng nhiều người đã ngồi trên xe
khách của Hãng Sơn Quy biển số 38N-5577 đi từ TP.HCM về Hà Tĩnh.
Khi xảy ra tai nạn thì chị Phương đang ngủ, lúc tỉnh dậy thì thấy xe
bốc cháy. Chị và một số hành khách hoảng loạn thoát thân từ chỗ vỡ kính ở đầu
xe.
“Lúc này mọi người đang la hét tìm cách thoát ra, hỗn loạn gào thét
giữa biển lửa. Nhưng chỉ 1-2 phút sau tất cả đã im lìm, chỉ còn thấy lửa
phừng phừng” - chị Phương nghèn nghẹn.
Tương tự, anh Nguyễn Anh Tuấn (25 tuổi, người của nhà xe Sơn Quy), một
người may mắn thoát chết, kể lại trong run rẩy: “Một cảnh tượng kinh hoàng.
Hành khách trong xe la hét thất thanh kêu cứu, cố tìm đường thoát thân nhưng
có người không thoát ra được, bị chết cháy”.
Đoạn đường không có dải phân cách
Sau vụ tai nạn, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã hỗ trợ tại chỗ mỗi gia
đình có trường hợp tử vong 8,4 triệu đồng và 3,7 triệu đồng cho mỗi trường
hợp bị thương. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đến bệnh viện thăm các
nạn nhân bị thương và hỗ trợ mỗi trường hợp 2 triệu đồng.
Tỉnh Bình Thuận đã huy động số lượng lớn cảnh sát giao thông, thanh
tra giao thông, cứu hộ đến hiện trường để dập tắt đám cháy, điều tiết giao
thông.
Trong số 12 nạn nhân tử vong có tài xế Phan Văn Thảo (34 tuổi, Hãng xe
Phương Trang) và tài xế Trần Công Định (53 tuổi, quê Hà Tĩnh, Hãng xe Sơn
Quy). Riêng tài xế xe tải bị thương nhẹ.
Theo nguồn tin của Tuổi
Trẻ, bước đầu tài xế xe tải khai đang chạy cùng chiều và đi phía trước.
Sau đó, xe khách Sơn Quy vượt lên gặp xe khách Phương Trang đang đi chiều
ngược lại tông trực diện vào nhau. Tài xế xe tải không thắng kịp đã tông
tiếp
vào phía sau.
Ông Lê Đình Thọ - thứ trưởng Bộ GTVT - sau khi nghe UBND tỉnh Bình
Thuận báo cáo về vụ tai nạn vào chiều 22-5, nói nếu đoạn này có dải phân cách
đã không xảy ra tai nạn thương tâm trên.
Ông Thọ đề nghị Tổng cục Đường bộ VN cử hai đơn vị vào Bình Thuận làm
việc với cơ quan chức năng tỉnh, tổ chức rà soát lại điều kiện an toàn giao
thông trên đoạn đường này.
Tại cuộc họp với các cơ quan liên quan chiều cùng ngày, ông Phạm Văn
Nam - giám đốc Sở GTVT Bình Thuận - cho biết trong năm 2015 trên quốc lộ 1
(đoạn không lắp dải phân cách) đã xảy ra nhiều vụ tai nạn rất nghiêm trọng và
đặc biệt nghiêm trọng.
Cụ thể, đoạn đường qua xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam trong một
tháng đã xảy ra hai vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 13
người và bị thương 9 người.
Mới đây, gần đó cũng xảy ra vụ hai xe tải đối đầu làm 2 người chết và
ngay trong trưa 22-5, một xe tải cũng bị lật cách đó gần 10km.
Ông Nam nói: “Vụ tai nạn sáng 22-5 đang được điều tra, tất nhiên có
lỗi của tài xế do đoạn đường này cấm vượt, nhưng nếu có con lươn thì việc hai
xe đối đầu nhau
đã không diễn ra”.
Chiều 22-5, Viện Khoa học hình sự phía Nam (Bộ Công an) đã phối hợp
với các lực lượng nghiệp vụ của Công an tỉnh Bình Thuận tiến hành khám nghiệm
hiện trường các xe bị cháy trong vụ tai nạn.
Tại hiện trường, hai xe khách bị cháy hoàn toàn, cầu trước của xe
khách Phương Trang rời khỏi thân xe; xe tải thì hàng hóa còn nguyên vẹn nhưng
đầu xe bị móp, cháy. Đến khoảng 16g30 cùng ngày, công tác khám nghiệm xe, ghi
biên bản, lấy mẫu cơ bản hoàn tất.
(Theo
Tuổi trẻ) NGUYỄN
NAM - HÀ MI
|
Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét