Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

Nhiều tiệm cầm đồ là sân sau tội phạm


Cập nhật lúc 20:28

 Ngoài những tiệm cầm đồ hoạt động tuân thủ đúng pháp luật, không ít các điểm khác trên địa bàn TP.HCM có nhiều sai phạm, đồng thời tiềm ẩn nhiều loại tội phạm...

 Nhiều tiệm cầm đồ là sân sau tội phạm
PC64 Công an TP.HCM kiểm tra bãi xe của một cơ sở cầm đồ tại quận Bình Tân - Ảnh: A.X.

Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có hơn 2.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Trong đó có 660 doanh nghiệp và khoảng 1.900 hộ kinh doanh với trên 5.200 người tham gia hành nghề.
Cơ quan chức năng xác định một số nơi là “sân sau” của những băng nhóm “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, thu nợ theo kiểu “luật rừng”. Ngoài ra, dịch vụ cầm đồ còn là nơi các đối tượng cướp giật, trộm cắp tìm đến để tiêu thụ tài sản...
Quá dễ dãi
Khoảng 22g ngày 10-5, chúng tôi đến “phố cầm đồ” trên đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2).
Ghé vào tiệm cầm đồ LP, chúng tôi yêu cầu cầm chiếc xe máy do người khác đứng tên. Một nhân viên ngó qua chiếc xe rồi phán: “Cầm được 5 triệu, lãi suất 15.000 đồng/ngày, 450.000 đồng/tháng”.
Nếu chúng tôi đồng ý với lãi suất trên, giao dịch sẽ diễn ra, đồng nghĩa tiệm cầm đồ này vi phạm ít nhất hai lỗi: nguồn gốc tài sản không rõ ràng và lãi suất vượt quá quy định.
Sáng 11-5, tại tiệm cầm đồ KD trên quốc lộ 1K (Q.Thủ Đức), chúng tôi được nhân viên ở đây định giá chiếc xe “không chính chủ” chỉ 2 triệu đồng. Chúng tôi hỏi lãi suất bao nhiêu, chủ tiệm tỏ ra ngạc nhiên: “Ủa, có quay lại à? Nếu không bỏ thì lãi suất 200.000 đồng/tháng”.
Cũng với chiếc xe trên, tiệm cầm đồ HP trên đường Lê Văn Duyệt (Q.9) lại đồng ý cầm 4 triệu đồng, lãi suất 360.000 đồng/tháng.
Tại một số tiệm cầm đồ ở Q.9, Thủ Đức hầu như nơi nào cũng nhận cầm xe với thủ tục đơn giản, dù quy định cấm nhận những tài sản không rõ nguồn gốc...
Theo tìm hiểu, tại các tiệm cầm đồ, nếu tài sản của khách không rõ nguồn gốc sẽ được đưa đến một nơi khác để cất giữ (nếu để tại tiệm sẽ bị cơ quan chức năng kiểm tra, phạt nặng).
Quá thời hạn trả lãi lẫn gốc, số tài sản này sẽ được “thanh lý” bằng “bùa” lại (xóa vết tích) rồi bán ra ngoài kiếm lời. Đã có rất nhiều người vô tình ham rẻ mua phải loại tài sản này để rồi sau đó liên lụy đến pháp luật.
Ông Ch., chủ một tiệm cầm đồ ở Gò Vấp, cho biết tỉ lệ khách đến cầm rồi bỏ luôn rất cao (50%), vì không có khả năng chuộc hoặc tài sản đó là do trộm cắp, cướp giật mà có. Mặc dù biết rõ tài sản không rõ ràng nhưng nhiều nơi vẫn nhận cầm cố mà không cần ghi biên nhận.
Một số tiệm cầm đồ được sử dụng như một “sân sau” để hoạt động “tín dụng đen”, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Ông Ch. thừa nhận ngoài cầm đồ, tiệm của ông có những “dịch vụ làm ăn” khác.
Nhiều vi phạm
Theo quy định tại nghị định 72/2009/NĐ-CP và thông tư 33/2010/TT-BCA, dịch vụ kinh doanh cầm đồ phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự do công an cấp quận huyện cấp.
Mặc dù pháp luật đã có những quy định khá chặt chẽ trong quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhưng vi phạm xảy ra liên tục. Một số tiệm cầm đồ vừa là nơi tiêu thụ “hàng bay” (hàng do cướp giật, trộm cắp, lừa đảo mà có) vừa là nơi tiềm ẩn nhiều loại tội phạm khác.
Đại tá Nguyễn Văn Dung, trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TP.HCM, cho biết từ đầu năm 2016 đến nay PC64 phối hợp công an các quận huyện rà soát, lập danh sách các cơ sở cầm đồ có biểu hiện phức tạp, có yếu tố nước ngoài, các băng nhóm thuộc các tỉnh thành khác vào TP núp bóng làm ăn...
Qua 43 đợt kiểm tra, PC64 phát hiện 26 trường hợp vi phạm. Trong năm 2015, PC64 và công an các quận huyện phát hiện 430 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính khoảng 1,2 tỉ đồng.
Theo ông Dung, nhiều cơ sở do hám lợi mà bỏ qua các quy định của pháp luật trong kinh doanh. Các lỗi vi phạm phổ biến: tài sản không rõ nguồn gốc, lãi suất cao hơn quy định, không ghi vào sổ, không CMND, để đồ vật tài sản ngoài địa điểm kinh doanh... Thậm chí có nhiều trường hợp vi phạm cầm cố tài sản không có giấy tờ sở hữu hoặc hoạt động chui, không có giấy chứng nhận an ninh trật tự...
Theo kế hoạch, thời gian tới PC64 sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các sai phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Ngoài ra, phòng phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát những dịch vụ cầm đồ có dấu hiệu “liên minh ma quỷ”, tiềm ẩn những đường dây phạm tội để có biện pháp xử lý... Tùy theo tính chất mức độ, những vụ việc có dấu hiệu hình sự sẽ được chuyển qua Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục điều tra xử lý theo thầm quyền.
Quy định chặt chẽ
Khi thực hiện dịch vụ cầm đồ, chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định, người đến cầm đồ phải xuất trình CMND hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photo lưu lại.
Đối với hàng hóa, tài sản thuộc sở hữu của người thứ ba phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu. Không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Khi có nghi ngờ hàng hóa, tài sản do tội phạm mà có phải báo ngay cho cơ quan công an (thông tư 33/2010/TT-BCA của Bộ Công an).
Theo quy định, lãi suất và phí cầm đồ tối đa không quá 4,2%/tháng tính trên số tiền được vay của mỗi lần cầm đồ. Nếu bên cầm đồ muốn vay nóng ngắn hạn (dưới 15 ngày), lãi suất và phí cầm đồ cao nhất không quá 0,3%/ngày.

Mức phạt
- Phạt 5-15 triệu đồng về hành vi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; cho vay tiền có cầm cố tài sản lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản do ngân hàng công bố.
- Phạt 20-30 triệu đồng về hành vi sử dụng cơ sở cầm đồ để tổ chức hoạt động tệ nạn xã hội hoặc các hành vi vi phạm pháp luật; cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có (nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Ngoài ra, theo Bộ luật hình sự, căn cứ mức độ vi phạm mà tội “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Khởi tố 4 nhân viên tiệm cầm đồ truy sát con nợ
Ngày 14-5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.8 (TP.HCM) cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Mai Đức Huyên (28 tuổi) và ba người khác đều là nhân viên tiệm cầm đồ Đại Phát (Q.8) để điều tra về hành vi “cố ý gây thương tích”.
Tháng 9-2015, Huyên cho L.T.T. (21 tuổi) vay 2 triệu đồng, trả lãi 60.000 đồng/ngày, liên tục trong 40 ngày. Đến ngày 7-5-2016, T. chỉ trả được 400.000 đồng. Huyên nhiều lần nhắc T. phải đóng tiền nhưng T. lảng tránh.
Khoảng 10g30 ngày 7-5, Huyên gọi thêm nhiều đối tượng khác mang hung khí tìm con nợ đánh dằn mặt. Sau đó, cả nhóm phát hiện T. cùng nhóm bạn của anh này đang ngồi chơi tại một con hẻm nên lao đến chém tới tấp khiến một người bạn của T. trọng thương.
S.BÌNH
(Theo Tuổi trẻ) S.BÌNH - ÁI NHÂN - Đ.THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét