Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

Lãng phí là sản phẩm của cơ chế
 Cập nhật lúc 15:17  

Hàng loạt dự án ngàn tỉ của doanh nghiệp nhà nước “trùm mền” là đáng báo động. Nó khiến hàng ngàn tỉ vốn nguồn gốc ngân sách trở nên kém hiệu quả. 

 Lãng phí là sản phẩm của cơ chế
Nhà máy đạm Ninh Bình được đầu tư tại Khu công nghiệp Ninh Phúc (tỉnh Ninh Bình) với tổng vốn đầu tư tới 667 triệu USD (thời giá lúc đó khoảng 10.673 tỉ đồng), đi vào hoạt động từ năm 2002 đến nay và lỗ liên tục tổng cộng khoảng 2.000 tỉ đồng 

Hơn thế, nó còn khiến xã hội mất một chi phí cơ hội vô cùng lớn.
Hàng ngàn tỉ đó đáng ra có thể giúp thay đổi cả một vùng, thậm chí cho cả nền kinh tế, nếu được đầu tư vào một chỗ khác cần và hiệu quả hơn, tạo sức lan tỏa phát triển mạnh hơn.
Sự lãng phí như vậy từ lâu đã không còn mang tính ngẫu nhiên. Nó là sản phẩm của cơ chế. Vì vậy cần cách làm khác, cần một cơ chế mới để hạn chế việc đem ngàn tỉ phơi mưa nắng.
Nhà máy đạm Ninh Bình gần 11.000 tỉ, Nhà máy sợi Đình Vũ 7.000 tỉ, dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên hơn 8.000 tỉ... gặp khó khăn, phải dừng hoạt động.
Thậm chí có dự án chưa hoàn thiện đã tiêu hết trên 4.500 tỉ chỉ là một ví dụ trong không ít dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn.
Những dự án kém hiệu quả thường có những điểm chung: mục tiêu và hiệu quả ban đầu vô cùng đẹp đẽ, những tính toán khi xin chủ trương đầu tư đều tốt, nhận được không ít ưu đãi từ cơ chế chính sách và do doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư...
Nhưng sau khi bắt đầu dự án thì hàng loạt khó khăn phát sinh, chủ đầu tư không giải quyết nổi, lại trông chờ Nhà nước hoặc bất lực nhìn tài sản nhà nước phơi mưa nắng.
Theo cơ chế mà đa số dự án đầu tư “trùm mền” tiến hành, khi lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thấy cần thiết đầu tư một dự án ngàn tỉ, họ sẽ làm đề xuất gửi các bộ ngành, Chính phủ.
Chính phủ giao các bộ ngành thẩm định, báo cáo. Thủ tướng sẽ quyết định chủ trương đầu tư. Quy trình là chặt chẽ. Nhưng sẽ không chặt nếu có yếu tố không minh bạch, lợi ích nhóm xen vào.
Các bộ có thể có nhiều chuyên gia giỏi, nhưng cũng không thể có đủ thông tin nhanh, nhạy về thị trường để đánh giá chính xác, kịp thời tính cần thiết, hiệu quả của dự án. Đó là chưa nói đến khả năng “chạy dự án”, “chạy vốn đầu tư” mà ngay trên diễn đàn Quốc hội cũng đã được đề cập nhiều.
Sau khi được các bộ ngành thẩm định, Thủ tướng chấp nhận chủ trương đầu tư thì doanh nghiệp coi như cầm được “thượng phương bảo kiếm”.
Với cơ chế cấp vốn theo kiểu xin - cho từng năm một, trước những tính toán chi phí nguyên vật liệu không chuẩn, vốn đầu tư bị đội lên gấp nhiều lần... doanh nghiệp lại làm báo cáo, xin tháo gỡ, xin thêm ưu đãi...
Nhà nước lúc này bị lâm vào thế “con tin”: nếu không cấp thêm ưu đãi thì dự án sẽ chết hoặc ngắc ngoải nằm đó, doanh nghiệp thì kêu hàng ngàn công nhân có nguy cơ mất việc, thu ngân sách của tỉnh sẽ khó khăn.
Nhưng nếu tiếp tục ưu đãi thì chắc chắn mất thêm nguồn lực, trong khi dự án không chắc hiệu quả hơn.
Đã đến lúc không thể dễ dãi với kiểu đầu tư như vậy nữa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo rõ: kiên quyết loại bỏ dự án không hiệu quả...
Vì vậy cần áp đặt một lối chơi mới: áp tiêu chí ngay từ đầu, các mục tiêu việc làm, hiệu quả xã hội phải được cam kết với những chế tài nghiêm khắc, kiên quyết không cấp thêm vốn đã cam kết...
Các bộ ngành khi góp ý dự án để Thủ tướng quyết, với những dự án ngàn tỉ, cần đứng ra thuê tư vấn độc lập. Nếu cứ để chủ đầu tư tự thuê tư vấn như hiện nay, bản thân tư vấn cũng rất “lo” bởi nếu dự án không được thông qua, có thể họ sẽ không được làm tiếp, mất doanh thu.
Cũng không thể để doanh nghiệp tự tính, sau này khi giá nguyên liệu tăng, giá bán giảm, đổ cho giá thế giới biến động bất thường là xong. Đồng thời cần làm rõ và xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Vài ngàn tỉ với các doanh nghiệp nhà nước có thể không quá lớn, họ vẫn hoạt động bình thường. Nhưng nhiều tỉnh thành cả năm thu ngân sách còn chưa được 1.000 tỉ.
Nên để dù chỉ một nhà máy ngàn tỉ “trùm mền” cũng tương đương công sức hàng năm của hàng triệu người dân đổ sông đổ bể.
(Theo Tuổi trẻ)
TS TRẦN ĐÌNH THIÊN (viện trưởng Viện Kinh tế VN) - C.V.KÌNH ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét