Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

Ai chống được căn bệnh gian dối, thành tích ảo trong giáo dục?

Cập nhật lúc 17:09                

Lãnh đạo, cái gì họ nói đúng, làm đúng thì mình nghe, mình thực hiện; cái gì họ nói sai, làm sai thì mình phản đối, đề nghị làm cho đúng.

LTS: Làm sao để phòng chống căn bệnh thành tích trong tất cả các lĩnh vực nói chung, trong ngành giáo dục nói riêng là băn khoăn của nhiều người. 

Trong khuôn khổ bài viết này, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc mạnh dạn chỉ ra nguyên nhân khiến căn bệnh thành tích dù đã được nói nhiều nhưng chưa tìm được “thuốc đặc trị” đồng thời tác giả đưa ra giải pháp cụ thể hướng tới nền giáo dục trung thực, trách nhiệm hơn. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Đọc bài “Cuối năm học, lại nói chuyện “bệnh thành tích” của tác giả Nguyễn Cao đăng tải ngày 2/5/2016 và bài “Tìm thấy thêm tác nhân gây bệnh thành tích trong giáo dục” của tác giả Hoa Hạ, đăng ngày 3/5/2016 trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam dù “bệnh thành tích” là vấn đề không mới, từng được bàn luận nhưng nó vẫn mang tính thời sự đối với các lĩnh vực nói chung và ngành giáo dục nước ta nói riêng.

Hai bài viết nhận được rất nhiều ý kiến bình luận, phần nào thể hiện được tính thời sự của vấn đề.

Quá nhiều bức xúc, trăn trở của giáo viên về áp lực chỉ tiêu, về thi đua, về “bệnh thành tích”…diễn ra kéo dài ở nhiều đơn vị, nhiều địa phương mà vẫn chưa có “thuốc đặc trị”. 
 
Ai chống được căn bệnh gian dối, thành tích ảo trong giáo dục? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Hậu quả của “bệnh thành tích” tạo nên sự giả dối, giả tạo trong xã hội, khiến niềm tin của nhiều con người tâm huyết, muốn nói thật, làm thật với mong muốn ngành giáo dục, đất nước này tốt đẹp hơn, văn minh hơn dần bị bào mòn đi.

Phần bình luận dưới bài viết “Cuối năm học, lại nói chuyện “bệnh thành tích” có ý kiến từ email “nông dân”, đọc lên nghe thật xót xa:

Rất đúng/xin chia sẻ với tác giả ...biết thế để ngẫm ...người ngay thẳng thời nay ít lắm...khắp nơi,mọi ngành đều: "Thành tích".

Năm 2015 Bộ Nôi vụ báo cáo Quốc hội: 99,8% công, viên chức hoàn thành tốt công việc...( chuyện hài tại diễn đàn Quốc hội...có thật). Nhiều người dân tặc lưỡi "đúng là chuyện trẻ con ". 

Một cháu bé nói: "Nói dối thế là xấu sao bác lớp trưởng không đuổi ra ngoài". Bệnh thành tích là sự dối trá,là giá tạo,là…

 Nó đã lan tràn khắp nơi,hiện hữu mọi chỗ...Nó là tiêu đề trong các bản Tổng kết báo cáo. Đến bao giờ mới dẹp được cái bệnh truyền nhiễm này.?
.” 

Còn trong bài viết “Học sinh cá biệt, hư hỏng, lỗi tại ai?”của tác giả Đỗ Tấn Ngọc, một độc giả có tên Thanh Hải bình luận về tính chiến đấu, phản biện của giáo viên còn yếu và thiếu như sau:

Nếu bạn là giáo viên thì bạn chưa có cái tâm của nghề giáo, bạn quá "an phận thủ thường", quên đi học sinh để chạy theo các "chỉ tiêu" để giữ ghế cho mình, bạn đã không đấu tranh, phản biện lại các "chỉ tiêu". 

Tất cả các giáo viên hãy đồng lòng đấu tranh thì chắc những người vẽ ra các "chỉ tiêu" vô lý này sẽ không còn đất sống
”.

Tại buổi đối thoại lần thứ 7 giữa lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh với 166 học sinh, sinh viên vào ngày 25/3/2015, Nguyễn Nhật Vy, học sinh trường THPT Thủ Đức đã phát biểu một ý kiến rất thấm thía:

Sách giáo khoa hiện hành luôn đề cao những thành tựu to lớn mà nước ta đã đạt được, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới. 

Tuy nhiên, những mặt còn hạn chế trong chính sách phát triển lại chưa được phân tích, mổ xẻ kỹ càng để học sinh nhận thấy rằng nước ta vẫn còn nghèo, vẫn còn lạc hậu so với các quốc gia trong khu vực châu Á, thậm chí là trong khu vực Đông Nam Á. 

Em mong rằng sách giáo khoa cần phân tích sâu sắc hơn những khó khăn, hạn chế của đất nước để từ đó tạo động lực thúc đẩy, nung nấu ý chí cho học sinh cố gắng vươn lên trong học tập và nghiên cứu
”. (Theo báo Tuổi Trẻ, 26/3/2015).

Không riêng gì thầy cô giáo, người lớn mà ngay cả các em học sinh phổ thông cũng phát hiện “bệnh thành tích” của chúng ta hiện diện trong sách giáo khoa.

Thực trạng, hậu quả của “bệnh thành tích” đã quá rõ ràng, vấn đề chính đặt ra ở là chúng ta cần xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục căn bệnh nguy hiểm này trong môi trường giáo dục.

Theo tôi, bản thân những từ “chỉ tiêu”, “thi đua”, “thành tích” không có “tội”.
Hơn nữa, chúng ta thực hiện cho đúng bản chất, ý nghĩa, mục tiêu đích thực của các chỉ tiêu, các quy định, thiết chế thi đua…sẽ là động lực thúc đẩy, kích thích sự nỗ lực, sáng tạo và phát triển.

Nhưng lâu nay, chúng ta, nhất là giới quản lý lãnh đạo hiểu, chỉ đạo và thực hiện không đúng hoặc cố tình làm méo mó bản chất của nó.

Thói tham lam, đạo đức giả của bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý giáo dục là căn nguyên chính của bệnh chạy đua theo thành tích ảo hiện nay.

Vì các vị muốn “ghế” của mình thật vững, luôn được cấp trên, nhiều người ca tụng, khen ngợi về “tài lãnh đạo” giỏi của mình nên trường lớp, học sinh, giáo viên mới đạt được thành tích này, nọ.

Có vị lãnh đạo duy ý chí đến mức buộc chỉ tiêu, tỉ lệ học sinh khá, giỏi…của nhà trường năm sau phải cao hơn năm trước.

Khi giáo viên phản biện…thì dùng đủ chiêu trò để thuyết phục, bắt tất cả mọi người phải tuân theo con số, tỉ lệ đã định.

Cuối học kỳ, cuối năm học, các vị lại “chỉ đạo” miệng cho thầy cô giáo, cấp dưới của mình phải biết “quan tâm, giúp đỡ, yêu thương” học trò, đặc biệt các em học sinh cuối cấp bằng cách nâng thêm điểm, tăng điểm phẩy…
Thói bắt chước, không chịu chị kém em giữa các đơn vị nhà trường, địa phương cũng diễn biến khá phức tạp.

Nghe, thấy trường người ta tháo khoán, dễ dãi trong việc đánh giá, nâng điểm học sinh, các vị lãnh đạo, kể cả giáo viên trường mình “đứng ngồi không yên”, bắt chước làm y như vậy để học trò mình không bị thua thiệt với bất kỳ ai khi thi cử, xét tuyển.

Một bộ phận giáo viên thiếu bản lĩnh; an phận thủ thường, hờ hững, vô tâm; toan tính cái lợi cho mình nên trong họp hành, bàn bạc các chỉ tiêu, tỉ lệ thì im hơi lặng tiếng, trên bảo sao nghe vậy.

Có người hờ hững, vô tâm vì nghĩ mình có nói gì đi nữa cũng chẳng thay đổi được gì.

Có người không muốn “va chạm” với lãnh đạo để còn được “tạo điều kiện” cho dạy học thêm…Có người “sợ” bị cô lập, trở thành kẻ “dị” nơi mình công tác.

Tôi đã đọc, các văn bản, quy định của Bộ GD&ĐT đối với nhà trường phổ thông không có cụm từ nào mang tính bắt buộc về chỉ tiêu, về thi đua mà tất cả là do chúng ta tự tạo nên.

Về quy định, đánh giá để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, để phân hạng tự đánh giá và đánh giá ngoài nhà trường theo chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục có nêu ra các chỉ số về chất lượng giáo viên, học sinh…

Nếu đơn vị mình chưa đạt được các chỉ số đó thì chưa được công nhận trường chuẩn, đạt chuẩn đánh giá ngoài, có gì đâu.
Đằng này, nhiều nhà trường tìm mọi cách gian dối để thổi lên cho bằng được, không bao giờ chịu lép vế trước các đơn vị bạn. Gian dối một lần thấy thành công, thấy chẳng sao, cứ thế mà gian dối mãi.

Vậy ai chống được căn bệnh gian dối, thành tích ảo đang hoành hành trong ngành giáo dục?

Tôi thiết nghĩ không ai khác chính là đội ngũ thầy cô giáo chúng ta. Thầy cô giáo công tâm, chuyên nghiệp, bản lĩnh, kiên quyết phản biện, đấu tranh trước những chỉ tiêu, tỉ lệ “trên trời” của cấp trên đưa ra.

Những cuộc học đầu năm học, khi bàn thảo về chỉ tiêu thi đua, các tổ, khối, các giáo viên cần có tiếng nói xây dựng nghiêm túc của mình.

Chỉ tiêu thi đua phải được xây dựng, cân nhắc trên cơ sở thực tế, đặc thù từng môn, từng lớp, từng trường.

Trong quá trình thực hiện có thể điều chỉnh cho phù hợp, không cứng nhắc, máy móc, không lấy chỉ tiêu, tỉ lệ làm căn cứ chính để phân loại, xếp hạng giáo viên.

Còn các vị lãnh đạo, cái gì họ nói đúng, làm đúng thì mình nghe, mình thực hiện; cái gì họ nói sai, làm sai thì mình phản đối, đề nghị làm cho đúng.

Lúc nào cũng nghĩ mình là “con sâu, con kiến”, luôn sợ sệt, yếm thế, nhu nhược, dung dưỡng…cho cái gian dối, thành tích ảo thì bao giờ tình hình mới sáng sủa lên?

Môi trường giáo dục nói riêng, xã hội Việt Nam hiện nay, tất cả mọi người, mọi tầng lớp cần hướng và đấu tranh không ngừng nghỉ cho một xã hội: Trung thực, kỷ cương, trách nhiệm.  
(Theo Giáo dục VN) Đỗ Tấn Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét