Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

Chấn động ngành y: Muốn khởi tố phải chờ… Bộ Y tế

Cập nhật lúc 09:38
   
Nguồn tiền đầu tư cho y tế 5 tỉnh Tây Nguyên theo thống kê của Bộ Y tế là những con số khổng lồ. Sai phạm về đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế tại Đắk Lắk cho thấy dấu hiệu thất thoát từ nguồn tiền thiếu sự giám sát chặt chẽ này do cố ý làm trái là rất lớn.

Bệnh viện đa khoa Tây Nguyên dù chưa xây xong nhưng đã được cho mua máy tính với giá cao gấp 3 lần giá thị trường từ năm 2010. 
Bệnh viện đa khoa Tây Nguyên dù chưa xây xong nhưng đã được cho mua máy tính với giá cao gấp 3 lần giá thị trường từ năm 2010.
Càng sai, càng lên!
Tháng 9/2015, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã gửi bản Kết luận thanh tra (KLTT) số 38 tới các đơn vị liên quan. Theo đó, trong 45 ngày kể từ đầu tháng 4/2015, đoàn cán bộ Thanh tra tỉnh đi kiểm tra việc quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế  (TTBYT) tại 33/48 đơn vị trực thuộc Sở Y tế Đắk Lắk. 
Dù chưa “đụng” tới 2 bệnh viện lớn nhất là BV Đa khoa tỉnh  Đắk Lắk, và BV Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột, chưa thống kê hết số lượng TTBYT hư hỏng, bỏ kho tại các Trung tâm y tế, các BV tuyến huyện thị, nhưng đoàn cũng đã phát hiện được rất nhiều sai phạm trong các cuộc đấu thầu, mua sắm TTBYT không đồng bộ, hồ sơ hàng hóa bị tẩy xóa, nhiều hợp đồng và TTBYT giao nhận không đúng nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, không sử dụng được, nhất là số TTBYT mua bằng nguồn vốn vay ADB. Tuy nhiên, sau KLTT số 38, các cá nhân lẽ ra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vụ mua sắm gian dối này nhưng đến nay họ vẫn thản nhiên, vô sự!
Tại Đại hội Đảng bộ Sở Y tế Đắk Lắk tháng 4/2015, ông Doãn Hữu Long tái đắc cử Bí thư đảng ủy Sở Y tế nhiệm kỳ 2015-2020, ông Nguyễn Hữu Thông - trưởng phòng Tài chính kế toán kiêm Kế toán trưởng Sở Y tế được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Sở Y tế. Tháng 10/2015, Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đưa ông Doãn Hữu Long vào danh sách Tỉnh ủy viên.
Cuối tháng 10/2015, Tiền Phong đăng loạt bài phản ánh thực trạng đáng báo động về chất lượng TTBYT tại 3 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, rất cần được điều tra, xử lý.
Dù việc thanh tra, điều tra các dấu hiệu sai phạm tại Sở Y tế chưa xong, ông Doãn Hữu Long - GĐ kiêm Bí thư Đảng bộ Sở Y tế vẫn ngang nhiên ứng cử Hội đồng nhân dân tỉnh, thông suốt qua 2 vòng hiệp thương. Báo Tiền Phong đã chứng minh trường hợp ứng cử này là trái quy định theo Hướng dẫn số 38 của Ban Tổ chức Trung ương, sau đó ông Long mới làm đơn xin rút.
Tân Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã khẳng định với phóng viên Tiền Phong: Sẽ xử lý nghiêm, không bao che những vấn đề báo Tiền Phong đã nêu về dấu hiệu sai phạm trong đấu thầu thuốc và mua sắm TTBYT. Tuy nhiên thực tế những gì đang diễn ra ở ngành y tế  Đắk Lắk đã cho thấy riêng ý chí của Chủ tịch UBND tỉnh chưa đủ để chống tham nhũng!
Dân khổ vì tham nhũng y tế
Hậu quả tiêu cực, tham nhũng trong y tế không chỉ gây thiệt hại lớn cho ngân sách, túi tiền người bệnh, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chăm sóc sức khỏe hơn 1,8 triệu dân của tỉnh.
Điển hình, là việc quỹ bảo hiểm y tế Đắk Lắk mỗi năm kết dư hàng trăm tỷ chuyển trả về trung ương, trong khi hàng trăm bệnh nhân suy thận mãn của tỉnh phải lang thang tới nhiều tỉnh khác để xin ké máy chạy thận nhân tạo, chứ không được áp dụng kỹ thuật thẩm phân phúc mạc mà BV Chợ Rẫy đã lên Đắk Lắk chuyển giao để bệnh nhân được quay về sống với gia đình! Ngày nào, bệnh nhân Đắk Lắk cũng lũ lượt đón xe đò, lên máy bay chuyển tuyến, vượt tuyến xuống các BV lớn ở TP HCM để điều trị, tái khám, vì các BV ở Đắk Lắk thiếu thuốc, TTBYT không đáng tin cậy, chẩn đoán kết quả sai lệch, hiệu quả điều trị kém.
Nếu đọc kỹ hồ sơ vụ án tiêu cực, tham nhũng khiến 9 cán bộ Sở Y tế Gia Lai bị truy tố để điều tra, xét xử, ai cũng có thể thấy sai phạm trong đấu thầu thuốc 2008-2010 của Sở Y tế Gia Lai còn... chưa là gì so với sai phạm của Sở Y tế Đắk Lắk trong đợt đấu thầu thuốc năm 2014! 
Cuộc đấu thầu thuốc tại Sở Y tế Đắk Lắk năm 2014 đã có các quy định, hướng dẫn rõ ràng của Bộ Y tế qua các thông tư liên tịch số 01, 36, 37, vậy mà Hội đồng đấu thầu này vẫn cố tình xét trúng thầu sai nhóm thuốc rất nhiều mặt hàng, không chỉ gây thiệt hại ngân sách hàng chục tỷ đồng, gây thiệt hại lớn bởi các nhà thầu bị loại oan bởi các kiểu “lệ làng” trái quy định của Sở Y tế Đắk Lắk, mà còn khiến tất cả các cơ sở y tế công lập trong toàn tỉnh rơi vào tình trạng thường xuyên thiếu thuốc, tháng nào cũng phải xin mua thuốc bổ sung cấp bách theo lối “chữa cháy”.
 Chấn động ngành y: Muốn khởi tố phải chờ… Bộ Y tế - ảnh 1
Báo Tiền Phong đã nhận được 12kg hồ sơ tố cáo tham nhũng tiêu cực tại Sở Y tế Đắk Lắk.

Tháng 1/2016 Sở Y tế Đắk Lắk thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp, cho trúng thầu mặt hàng Cefepimark 1g của nhà sản xuất Marksans Pharma dù mặt hàng đã hết giấy phép lưu hành ngày 07/01/2015, bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động doanh nghiệp nước ngoài về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại VN từ ngày 08/8/2014 vì vi phạm chất lượng thuốc. Thực tế đã xảy ra trường hợp bệnh nhi 16 tháng tuổi bị chết do sốc thuốc Cefepimark 1g vào ngày 18/2/2016 tại BV ĐK tỉnh Đắk Lắk.  Hiện tất cả các mặt hàng của công ty này đã bị thu hồi và cấm lưu hành tại VN.
Dấu hiệu bao che?
Từ vài năm trước, cơ quan điều tra công an tỉnh Đắk Lắk từng vào cuộc điều tra các dấu hiệu sai phạm, tham nhũng về đấu thầu thuốc và mua sắm TTBYT xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk. Năm 2015 Sở Kế hoạch Đầu tư cũng đã phối hợp với các ngành liên quan làm rõ vụ cố ý làm trái trong việc Sở Y tế năm 2010 dám chi sai nguồn tới hơn 2,8 tỷ đồng mua 111 chiếc máy vi tính để bàn với mức giá khó tin là hơn 23 triệu đồng/chiếc, cao gấp 3 lần các loại máy tính để bàn loại tốt khác cùng thời điểm đó, mà bên bán là một công ty... xây dựng, để trang bị cho BV Đa khoa Tây Nguyên tới nay vẫn chưa xây xong. 
Lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk đã vài lần trả lời phỏng vấn rằng các dấu hiệu sai phạm, làm trái tại Sở Y tế Đắk Lắk đã rõ cơ sở để khởi tố, chỉ còn chờ củng cố thêm chứng cứ, hồ sơ. Thanh tra tỉnh thì cứ đề nghị cho “rút kinh nghiệm”, bất chấp các quy định của luật pháp! Lối kỹ trị nương nhẹ, dấu hiệu bao che cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng này đã làm xói mòn niềm tin không chỉ với báo chí, người dân, mà còn làm rã rời ý thức phục vụ của cán bộ nhân viên toàn ngành y tế.
Đại diện báo Tiền Phong tiếp tục hỏi thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, rằng từ tháng 11/2015 ông từng nói các dấu hiệu sai phạm tại Sở Y tế Đắk Lắk đã đủ để khởi tố, tới nay sao vẫn chưa thấy động tĩnh gì? Ông Rơi cho biết: Công an tỉnh đang nhờ cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế giúp thẩm định giá các gói đấu thầu thuốc và TTBYT do Sở Y tế Đắk Lắk mua sắm, chờ hai- ba tháng rồi, Bộ Y tế vẫn chưa trả lời, nên công an tỉnh vẫn cứ... đợi. Còn ông Bùi Hồng Quý- Chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết đoàn thanh tra liên ngành đã báo cáo về kết quả thanh tra đấu thầu thuốc và mua sắm TTBYT từ 2011-2015 không đạt yêu cầu, nên Chủ tịch tỉnh buộc phải làm lại, hạn tới ngày 15/5 phải xong để tỉnh báo cáo Thủ tướng.
(Theo Tiền phong) Hoàng Thiên Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét