Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

Xóa vòng luẩn quẩn cho nông dân


Cập nhật lúc 19:49

Nông dân VN đang phải đối mặt với muôn vàn rủi ro. Nào an ninh nông thôn, nào phí chồng phí, nào nạn “cường hào mới”... Ngoài điệp khúc “được mùa, mất giá” cứ lặp đi lặp lại trêu ngươi; còn có thêm “trường ca” bi ai là “chặt - trồng, trồng - chặt” ám ảnh.

Đành rằng, theo quy luật thị trường, giá cả lên xuống là lẽ thường tình nhưng xuống tới đáy là thảm họa. Vừa rồi, thanh long Bình Thuận rẻ hơn bèo. Tiền bán không đủ trả công hái nên nhiều chủ vườn bỏ mặc cho trời. Hái xong đổ đống, đến bò cũng chê, không thèm ăn vì quá ngán. Nông dân cứ tất tả chạy theo phong trào, chỉ thấy lợi trước mắt. Không có cả kế hoạch sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm. Cứ thấy ai ăn khoai là “vác mai đi đào”.
Nhiều cây trồng không chỉ cung vượt cầu mà các chủ vườn còn giành giật, phá giá, mạnh ai nấy bán khi tiêu thụ nên bị ép giá tơi tả. Lắm nhà vườn điêu đứng nhưng diện tích thanh long cứ ngày mỗi gia tăng, kèm theo sâu bệnh và chất lượng giảm sút.
Chuyện tiền bán không đủ trả công thu hoạch đâu chỉ có thanh long. Cùng số phận còn có dưa hấu, mận, cam…Có những loại cây làm giàu nhanh chóng, một thời tiếng tăm lừng lẫy cũng chung số phận mà “tiêu - điều” là điển hình. Gần đây là nạn chặt bỏ cả cây cao su lẫn cà phê để trồng tiêu vì mủ cao su lẫn hạt cà phê đều rớt giá thê thảm còn hạt tiêu thì tăng giá. Có người bảo do kẻ xấu kích động, đầu cơ để phá hoại. Có thể phần nào đúng nhưng cái chính là nông dân chưa được trang bị kiến thức lẫn kỹ năng để tự vệ và phản kháng trước những quy luật nghiệt ngã của kinh doanh.
Tại sao cứ để nông dân chạy theo phong trào “chặt - trồng” mà thiếu sự quy hoạch định hướng, cảnh báo và cả ngăn chặn. Tại sao không tìm cách nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm thay vì mở rộng diện tích? Nhà nước, cụ thể là Bộ NN-PTNT và chính quyền địa phương lẫn các hiệp hội ngành nghề lâu nay cứ đứng ngoài cuộc, bỏ mặc nông dân tự bơi giữa sóng gió? Thay vì tập trung sản lượng cao su để xuất khẩu thô thì hãy nỗ lực để xuất khẩu sản phẩm cao su chế biến. Lợi gấp nhiều thứ và nhiều lần. Bởi đất đai không thể sinh sôi như con người. Bao nhiêu diện tích rừng đã bị tàn phá để trồng cao su, tiêu, điều, cà phê...?
Hậu quả thế nào thì ai cũng thấm thía.
Sản xuất nông nghiệp không phải là canh bạc may rủi để nông dân vét túi ăn thua. Trách nhiệm của nhà nước và các hiệp hội ngành nghề là phải nhanh chóng tìm cách giúp nông dân xóa cái vòng luẩn quẩn “chặt - trồng, trồng - chặt” cùng điệp khúc “được mùa, mất giá” đã dai dẳng quá lâu.
(Theo Thanh niên) Nguyễn Văn Mỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét