Nhà 8B Lê Trực: Rõ ràng là bất ổn quản lý
Cập nhật lúc 08:47
Đe dọa an ninh, vi phạm nghiêm trọng về độ cao, bất ổn về quản
lý...là những điều ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô
thị VN chia sẻ trong chương trình Góc nhìn thẳng.
Nhà báo Thu Lý: Sai phạm tại dự án Kinh Đô Tower số 8B Lê
Trực, Hà Nội là một sai phạm nhức nhối. Trách nhiệm của các bên liên quan như
thế nào? Phương án xử lý ra sao hiện nay vẫn còn chưa rõ. “Góc nhìn thẳng” đã
có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy quy hoạch phát
triển đô thị Việt Nam về vấn đề này.
Nhà báo Thu Lý:Thưa ông, tại Hà Nội hiện nay có không ít
các vi phạm như Kinh Đô Tower nhưng vấn đề đặt ra ở đây là tại sao một công
trình ở một vị trí đặc biệt nhạy cảm, xây trong một thời gian lâu như vậy và
có những sai phạm đặc biệt mà các cơ quan chức năng không phát hiện ra để đến
khi Thủ tướng có văn bản thì Hà Nội mới cuống cuồng vào cuộc?
Ông Trần Ngọc Chính:
Đến lúc Thủ tướng có ý kiến mà xem xét lại tại sao công trình lại xây dựng
trong một vị trí đặc biệt như thế, nhạy cảm như thế mà bây giờ mới nói ra
và mới phải làm nhiệm vụ là báo cáo với Chính phủ, tôi nghĩ rằng vấn đề
này những người làm công tác về quản lý đô thị từ bộ cho đến địa phương phải
hiểu rõ được ở đây nên làm như thế nào. Bởi vì chúng ta biết rằng khu vực
xung quanh quảng trường quy hoạch phân khu của khu vực Ba Đình chỗ ấy chỉ làm
cao được đến 9 tầng cao đến 11 tầng là cùng, không thể có một sự vượt lên một
cách đột biến như thế được. Và sự đột biến về tầng cao như thế là có vấn
đề về mặt tổ chức mà kinh doanh chẳng hạn. Bởi vì nhà đầu tư thì người
ta muốn khai thác miếng đất hiệu quả nhất. Muốn vậy thì phải chồng tầng cao
lên. Đấy là việc những nhà quản lý phải hiểu.
Tôi nghĩ việc này phải xem xét lại từ
chủ đầu tư có làm đúng quy hoạch? Có làm đúng thiết kế? Thứ đến, cơ quan quản
lý đã xem xét dự án này như thế nào, đã tính toán việc này ra sao và đặc biệt
đã nhìn đến tổng thể của công trình này với quảng trường Ba Đình,
với công trình đặc biệt quan trọng là Lăng Bác, Nhà Quốc hội, Trung
ương Đảng, Chính phủ đều ở khu vực đó cả. Bản thân tôi cảm thấy rất bức xúc.
Tôi làm ở Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhưng cũng chẳng ai hỏi
mình đến những việc đó.
Nhà báo Thu Lý: Theo ông trách nhiệm cụ thể của chủ đầu tư,
cơ quan quản lý địa phương và cơ quan quản lý Trung ương mà cụ thể ở đây là
Bộ Xây dựng với những sai phạm này, với những vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Ngọc Chính: Tôi nghĩ với
một công trình quan trọng như thế có lẽ không chỉ có Hà Nội mà các cơ quan
chức năng phải có trách nhiệm. Cơ quan quản lý về lĩnh vực xây dựng, đặc biệt
về quy hoạch thì là Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý về kiến trúc về quy hoạch
đô thị, Thành phố Hà Nội là cơ quan trực tiếp quản lý thông qua Sở Xây dựng,
rồi các quận, đến phường. Rõ ràng ở đây có câu chuyện là có sự quản lý rất
gắt gao. Tôi cũng nghĩ, một khu vực nhạy cảm như thế, đặc biệt như thế
mà chúng ta lại không quản lý gắt gao, không quản lý theo quy hoạch thì rõ
ràng là chúng ta buông lỏng quản lý.
Tôi có thể bình luận rằng khu vực nằm
trong quy hoạch chung thì đã nêu ra được là Quảng trường Ba Đình và khu vực
Ba Đình là trung tâm hành chính Quốc gia, trung tâm lịch sử quan trọng của
đất nước. Quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết được giao trực tiếp cho
Bộ Xây dựng làm và Thủ tướng đứng ra phê duyệt. Trong đó đã có
rất nhiều hội thảo, hội nghị và rất nhiều bộ ngành đóng góp ý kiến. Chính sự
phê duyệt đó để bảo đảm việc quản lý kiến trúc bộ mặt đô thị tại khu vực này.
Khu vực Lê Trực tuy không nằm trong đấy
nhưng lại đóng góp trực tiếp vào bộ mặt khu vực này vì nằm liền kề, thì
đó rõ ràng đấy là một nội dung chúng ta cần xem xét. Mà xem xét đấy phải lấy
trung tâm chính trị Ba Đình ra để soi vào công trình này chứ không phải
công trình này đứng bên ngoài được. Bởi không gian kiến trúc phải thống nhất
với nhau thành một tổng thế.
Chúng ta đã có quy hoạch phân khu của
Ba Đình. Chỗ nào được xây bao nhiêu tầng thì Thủ tướng đã có chỉ đạo
cho Hà Nội nghiên cứu về mật độ xây dựng, công trình cao tầng như thế
nào; tại những khu vực phố cổ, phố cũ như thế nào, khu trung tâm lịch
sử như thế nào. Theo tôi được biết khu vực này không thể cao hơn 11 tầng. Tại
sao một trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ và nhà ở lại ở khu vực đấy
thì tôi thấy cũng không ổn lắm.
Nhà báo Thu Lý:Thưa ông, vừa qua TP Hà Nội cụ thể là Bí thư
Thành ủy Phạm Quang Nghị có trao đổi với báo chí rằng sẽ xử lý quyết liệt và
triệt để các sai phạm như thế này. Vậy theo ông để xử lý quyết liệt và triệt
để thì phải làm thế nào để cho đúng quy định hiện hành và thỏa đáng?
Ông Trần Ngọc Chính: Người lãnh đạo
cao nhất của thủ đô Hà Nội đã có ý kiến như vậy tôi rất hoan nghênh. Bởi
không chỉ công trình này, đối với khu vực nhạy cảm này mà những công trình
khác cũng thế. Chúng ta phải có trách nhiệm quản lý đô thị này theo quy
hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước. Quy hoạch là đã được xin ý kiến của
các bộ ngành và người dân đóng góp. Khi quy hoạch được duyệt thì chúng ta
phải thực thi, chỉ trừ những trường hợp rất đặc biệt đã có ý kiến
chỉ đạo như ngày xưa chúng ta xây dựng Nhà Quốc hội chẳng hạn thì đó là việc
rất đặc biệt. Bí thư của Thành ủy nêu vấn đề đó thì tôi nghĩ đấy là một
ý kiến rất mạnh mẽ đối với người quản lý đô thị. Bí thư muốn là phải lập lại
trật tự về vấn đề quản lý đô thị bởi chúng ta mà không quản lý đô thị
cho công trình này thì còn công trình khác nữa. Đây là việc nhìn nhận vấn đề
một cách rất khách quan và đúng. Muốn nhìn nhận như thế thì phải xem xét một
cách rất cụ thể.
Trước hết phải xem công trình này theo
quy hoạch thì sẽ được xây như thế nào mà quy hoạch thì chỉ có 10, 11 tầng
thôi. Rõ ràng xây dựng công trình không đúng độ cao đã được quy định là không
được. Vấn đề nữa là ai cho phép làm. Tôi nghĩ như thế.
Nhà báo Thu Lý: Xin
cảm ơn ông!
VietNamNet
|
Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét