Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

 Người Việt, đừng tự đầu độc!:

Rau trái - bất an và bất thường...

Cập nhật lúc 08:03                

 

“Bây giờ dịch bệnh dữ lắm nên 3 ngày là tôi pha trộn 3-4 thứ thuốc để phun một lần, và sau mỗi lần phun là tôi đổi thuốc mới để tránh bị “lờn”… thuốc” - anh Lê Văn Kề (ấp Long Bình, Long Kiến, Chợ Mới, An Giang) khiến chúng tôi chết lặng khi cho biết quy trình thu hoạch ớt là 4 ngày/lần. Bởi với thời gian này, khi đến người tiêu dùng, trái ớt ngậm cả chục loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang trong thời kỳ “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”…

Mỗi vụ ớt phun cả chục loại thuốc
Mây đen kịt báo hiệu sắp mưa lớn, vậy mà anh Lê Văn Kề (Long Bình, Long Kiến) hối vợ phụ mang thuốc BVTV để phun lên 2 công (2.000m2) ớt cạnh nhà. Thấy lạ, tôi bám theo và tận mắt chứng kiến toàn cảnh buổi “tắm” hóa chất lên cây trồng.
Từng bước thật chậm rãi, anh Kề lia cần phun có 5 chiếc “béc” vào tận ngóc ngách… nên từ lá, trái đến thân cây ớt ướt như… tắm. Nhưng chỉ một loáng, những giọt nước li ti ấy đồng loạt chuyển sang màu trắng đục… khiến toàn thân cây ớt như được rắc đều lớp bột. “Trời sắp mưa mà phun, thuốc trôi hết… uổng quá anh!”, sau câu gợi chuyện của chúng tôi, anh Kề ngước mắt lên bầu trời xám xịt rồi buông tiếng chặc lưỡi có vẻ… khó xử: “Bây giờ dịch bệnh dữ lắm, 3 ngày là phải xịt 1 lần, hôm nay tới “cữ”, không phun không được”. “Thường mình phun thuốc gì?”. “Làm sao nhớ hết. Mỗi lần phun là mỗi lần đổi thuốc. Một vụ ớt phun cả chục lần” - anh Kề thật lòng: “Tôi chỉ biết khai bệnh rồi cửa hàng kê toa, bán thuốc. Mà cũng toàn là tiếng tây, tiếng TQ lạ hoắc nên tui cũng không nhớ”.
Đây cũng là “chuyện thường ngày” ở vùng trồng rau màu ĐBSCL. Mỗi khi phát hiện cây trồng có dịch bệnh, nông dân đến cửa hàng nông dược gần nhà, kể lại triệu chứng để nơi đây định ra thuốc. Thường là cửa hàng kê bao nhiêu, nông dân nhận bấy nhiêu, nhưng phần lớn là mỗi lần có đến vài ba loại thuốc. Thậm chí với nhiều nông dân “kỹ tính” như anh Kề, sau mỗi lần phun, là đề nghị cửa hàng đổi “toa” mới để dịch bệnh không bị “lờn” thuốc. Tuy nhiên với anh Kề, điều này “chưa có gì”, bởi cũng như phần lớn người trồng rẫy ĐBSCL, “thủ phủ” rau màu của cả nước, hằng ngày anh còn làm nhiều điều dữ dằn hơn thế…
Gì cũng nhiễm…
“Một lần hút hàng, lái đến hỏi mua đám cải tôi vừa sạ được 20 ngày. Do còn gần tháng mới tới kỳ thu hoạch, nên tôi từ chối” - anh Kề nhớ lại: “Nhưng khi biết được, chủ cửa hàng thuốc BVTV gần nhà đã đưa viên thuốc hình tròn màu trắng có giá 38.000đ/viên và khuyên tôi nhận lời với cam kết: Không hiệu quả không lấy tiền”. Chiều hôm đó, anh Kề phun 1 viên/công như chỉ dẫn, sáng ra thân cải dài, to lớn như đúng độ thu hoạch và mập mạp hơn tất cả những lứa cải anh trồng đủ ngày, đủ tháng trước đó.
Do không đọc được chữ TQ trên bao thuốc, nên cũng như nhiều nông dân ở đây, anh Kề nôm na đó là “thuốc vượt”, tức thuốc làm cho cây trồng vươn lóng, vượt lên khác thường”. Sau thành công với thuốc giá rẻ đã nhanh chóng đưa anh Kề “bén duyên” và gắn bó với thế giới thuốc “thần kỳ” này. Bởi bên cạnh thuốc vượt, còn có “phì” làm cho dưa leo, bầu bí, hay rau cải to tròn, non mướt sau một ngày phun thuốc. “Thấy cũng ớn ớn, nhưng nhìn quanh ai cũng dùng, mình không dùng thì khó bán được hàng” - anh Kề thật lòng.
Đó không phải là lời nói đùa. Kết quả thu mẫu giám sát năm 2014 của Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm và thủy sản - Sở NNPTNT An Giang (Chi cục QLCLNLTS) đã phát hiện 3/19 mẫu rau (thông dụng) nhiễm dư lượng thuốc BVTV. Theo lãnh đạo chi cục, con số này chưa phản ánh đầy đủ thực trạng phức tạp và nhạy cảm của lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm trên rau màu, vì các đợt giám sát được tuân thủ theo nguyên tắc: “Thông báo trước” nên đơn vị được kiểm tra có bước “chuẩn bị”.
Tuy nhiên, kết quả phân tích cho thấy mức độ nhiễm “độc” là vô cùng “khủng khiếp”. Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLTS Ngô Đình Sỹ cho biết: “Mức giới hạn cho phép chất carbendazim trong rau họ cải là 2mg/kg, nhưng kết quả phân tích cho thấy dư lượng này trên rau diếp cá lên đến 188,1mg/kg, mồng tơi là 38,68mg/kg”. Thậm chí nhiều trường hợp mức độ “bẩn” còn “năm sau cao hơn năm trước”.
Năm 2013, Báo Lao Động có bài “Phát “sốt” với đặc sản thốt nốt” (22.5.2013) phản ánh nạn lạm dụng hóa chất trong quá trình khai thác nước thốt nốt nguyên liệu tại huyện Tịnh Biên (An Giang). Đến năm 2014, Chi cục QLCLNLTS tiếp tục phát hiện 100% mẫu đường thốt nốt ở đây (6/6) nhiễm SO2 (lưu huỳnh dioxide) với mức độ cực kỳ… báo động, có trường hợp vượt giới hạn tối đa lên đến gần 20 lần (792,90mg/kg/40mg/kg).
Điều đáng nói là nạn sản xuất “bẩn” cũng dây dưa và dai dẳng tại vùng nguyên liệu của DN xuất khẩu. Sau nhiều lần xử lý nội bộ không đủ sức răn, năm 2013 Cty CP Rau quả thực phẩm An Giang (ANTESCO) chủ động đưa lên phương tiện truyền thông nạn lạm dụng thuốc kích thích (cypermethrin và difecconazole) vượt mức cho phép hàng chục lần (16.22mg/kg so với mức cho phép là 0,5mg/kg) để tăng trọng đậu nành rau tại vùng nguyên liệu HTX nông nghiệp Thành Lợi (Châu Phú, An Giang) với hy vọng búa rìu dư luận sẽ góp phần “hạ nhiệt”… “Tuy nhiên đến nay câu chuyện này vẫn cứ lặp đi lặp lại với mức độ phức tạp hơn” - TGĐ ANTESCO Huỳnh Quang Đấu chia sẻ.
Bất an và bất thường
Sau lần tiêu hủy trên 1.300kg đậu nành rau vì nhiễm dư lượng thuốc BVTV vào năm 2013 làm thiệt hại tiền bạc, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, cuối năm 2014, ANTESCO lại tiếp tục bồi thường cho đối tác vì HTX Thành Lợi giao thiếu hợp đồng hơn 300 tấn đậu nành rau do một số nông dân sử dụng thuốc BVTV không đảm bảo thời gian cách ly. “Bồi thường trên 700 triệu đồng, nhưng quan trọng hơn là uy tín trên thương trường của Cty bị ảnh hưởng…” - ông Đấu bức xúc.
Không dừng lại ở đó, nạn sản xuất “bẩn” còn dồn đẩy DN xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu. “Mỗi năm Cty xuất khẩu 1.000 tấn sản phẩm nấm rơm, dù tại chỗ và các tỉnh lân cận có vùng nấm rơm nguyên liệu lớn, nhưng Cty phải lặn lội xuống tận vùng sâu Sóc Trăng để mua” - ông Đấu tiếc rẻ. Đi xa, chi phí tăng thêm, lợi nhuận giảm xuống, nhưng ANTESCO không thể làm khác hơn vì phần lớn nấm rơm tại các địa phương vựa lúa “nhạy cảm” với dư lượng thuốc BVTV. Thậm chí dù đang nằm giữa vùng trọng điểm trái cây của cả nước, trong đó có xoài, nhưng để chế biến xoài xuất khẩu, ANTESCO phải ra tận miền Trung đặt mua
nguyên liệu.
Vì sao có chuyện trớ trêu này? “Chủ yếu là vì an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài đó, bà con ít lạm dụng thuốc BVTV như các tỉnh quanh đây” - ông Đấu giải thích. Vì vậy nếu không có biện pháp can thiệp hữu hiệu, vấn nạn này sẽ làm bùng phát thiệt hại trên diện rộng. “Việc đưa thuốc tăng trọng vào nông sản, có thể mang về cho nông dân chút ít lợi ích tăng thêm, nhưng với quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp và trông cậy đầu ra vào cánh cửa xuất khẩu như Việt Nam thì điều này sẽ không dừng lại ở chỗ việc nông sản bị trả về, hay bị đưa vào danh sách hạn chế, mà còn dẫn đến khả năng bị “cấm cửa” …” - PGS-TS Nguyễn Tri Khiêm - Trưởng khoa Kinh tế - Luật (ĐH Nam Cần Thơ) - nhấn mạnh.
Người Việt Nam đang sợ hãi và “xa lánh” rau trái do mình sản xuất vì những ám ảnh bệnh tật nan y, và Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị nhiều nhà nhập khẩu nông sản từ chối vì sản phẩm “bất an”… nhưng thực tế cho thấy các mô hình rau, trái an toàn lại rất khó tìm được chỗ đứng. Đây là điều không bình thường, thậm chí là vô cùng bất thường đối với quốc gia thế mạnh và chủ yếu sống nhờ vào nông nghiệp như Việt Nam. Và bất thường hơn khi vấn đề đã nhiều lần được cảnh báo, mổ xẻ trên các phương tiện truyền thông, tại nhiều diễn đàn khoa học, thậm chí trở thành “tâm điểm” tại nhiều nghị trường, nhưng rau trái vẫn tiếp tục là nỗi lo ngay ngáy của toàn xã hội…
Cả nước có 200 điểm ô nhiễm do tồn lưu thuốc BVTV
Ông Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết: “Việc sử dụng ngày càng nhiều các chất hữu cơ gây ô nhiễm khó phân hủy và các loại hóa chất BVTV có độc tính cao, đã làm cho mức độ tồn lưu dư lượng các loại hóa chất này trong nông sản, thực phẩm, đất, nước, không khí và môi trường ngày càng lớn. Các vụ ngộ độc thức ăn bởi hóa chất BVTV, các loại bệnh tật do ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng và trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nước ta”. Theo kết quả điều tra của Bộ TNMT, tính đến tháng 6.2015 có 1.562 điểm tồn lưu do hóa chất BVTV trên 46 tỉnh, thành phố, trong đó có khoảng 200 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất BVTV có mức độ rủi ro cao, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
NHÓM PV Báo Lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét