Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

21:11

Cán bộ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" đây rồi!

(PetroTimes) - Trong niềm vui Tết Độc lập sắp đến, người dân Thủ đô chợt bức xúc rồi chạnh lòng trước những “sản phẩm” của các “cán bộ văn hóa”.
Tấm biển ghi vừa sai vừa thiếu tên nước gây bức xúc.
Vài ngày nay, người dân Thủ đô không khỏi bực bội với tấm pano cỡ lớn dựng tại giao lộ gần Đàn Xã Tắc (đường Nguyễn Lương Bằng, Xã Đàn, Tôn Đức Thắng và La Thành). Tấm biển ghi tên nước vừa thiếu vừa sai tên "Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 68 năm quốc khánh nước cộng hòa xã hội Việt Nam Việt Nam".
Điều đáng nói là tấm biển này vượt qua bao nhiêu vòng kiểm duyệt rồi mới được dựng lên. Chả hiểu mắt mũi cao siêu của các “cán bộ văn hóa” để đâu mà không thấy. Để đến nỗi dân “người trần mắt thịt” đi qua ngã tư, tay cầm lái, căng mắt nhìn xe trước, né xe sau, chỉ liếc qua qua đã phát hiện ra lỗi. Rồi người dân phản ánh với cán bộ văn hóa phường, phản ánh với báo chí, các báo đăng lên, tấm biển mới được gỡ.
Đau lòng hơn, sau khi các “cán bộ văn hóa” chỉnh sửa thì lại… lỗi hình Quốc huy!
Trên quốc huy nước ta chữ “Việt Nam” được viết rõ ràng, liền mạch, thế mà trên “quốc huy” do “cán bộ văn hóa” sáng tạo ra lại có thêm dấu gạch ngang thành “Việt – Nam”.
Đây không phải là lần đầu tiên, những sự cố “giời ơi” thế này xảy ra ở Thủ đô. Nào là treo ngược cờ Tổ quốc và cờ Đảng, viết sai chính tả, nhầm Tết Độc lập với ngày giải phóng Thủ đô…
Theo quy định thì ở nước ta, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội, việc treo một băng rôn, khẩu hiệu không hề dễ. Trước là phải có đơn xin phép, sau là phải duyệt thiết kế, quy định vị trí treo, thi công… Đại khái nôm na là cũng phải có vài con dấu, chữ ký mới treo được một tấm pano ra đường. Rồi hàng ngày thì bao nhiêu là “lực lượng giám sát”: công an phường, trật tự đô thị, thanh tra giao thông công chính, cán bộ văn hóa… đi quan sát, giám sát, kiểm soát, thôi thì đủ cả.
Thế mà người phát hiện ra sai sót thì lúc nào cũng là báo chí và người dân. Thế mới lạ!
Có lẽ đã đến lúc cần cho những “cán bộ văn hóa” kiểu này nghỉ việc vì đây đích thị là kiểu công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Họ cứ mải giữ chặt lấy “cái ô” “cái dù” nên bị che khuất tầm nhìn, đến nỗi cái pano to đùng ­­­ghi tên nước sai mà còn không biết!
(Theo Petrotimes) H.T 

Mọi người cũng đang nóng lòng muốn biết lương của mấy lãnh đạo công ty công ích tại Hà Nội lương, thu nhập cỡ nào, hơn hay kém đồng nghiệp thành phố Bác Hồ?
Thương Giang
20:41

Tướng Thước:

“Mấy ông 'sếp' lương 'khủng', bỏ tù chỉ tốn cơm Nhà nước"

 
(GDVN) - Về phương án xử lí tiêu cực trong các doanh nghiệp Nhà nước, tướng Thước cho rằng cần phải tập trung đánh vào đúng điểm nóng, giống như đánh giặc, phải chọn điểm mà đánh. Đánh một điểm mà có thể rung chuyển cả mặt trận….
  • “Rõ ràng là một hình thức tước đoạt”
Nhắc đên câu chuyện lương “khủng” của nhiều vị lãnh đạo tại bốn công ty công ích trong TP. HCM, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, một trong những vị tướng tài ba đã từng giữ chức tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên lịch sử, tư lệnh trưởng quân khu 4 - góp công lớn vào chiến thắng miền Nam giải phóng đất nước tỏ ra bất bình lắm.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Ông khẳng định luôn rằng, hành động đó rõ ràng là một hình thức tước đoạt. Ông nói: “Như thế là ăn trên sức lao động của người khác. Vi phạm một cách nghiêm trọng bản chất của doanh nghiệp nhà nước. Về phẩm chất chính trị, không biết họ nghĩ như thế nào về dân tộc này(?)”.
Ông dẫn chứng thêm rằng, giờ cả nước đang cố gắng phấn đấu thu nhập bình quân một người dân Việt Nam có trên 30 triệu đồng. Thế mà giờ các ông lãnh đạo này lĩnh những 200 triệu mỗi tháng, thế thì bằng cả chục năm đi làm của những người khác.
Nói về trách nhiệm trong vụ việc, tướng Thước nhấn mạnh đến vai trò của các cơ quan quản lí nhà nước. “Không phát hiện được để xảy ra việc đó, trách nhiệm đầu tiên tôi cho là của cơ quan quản lí. Nếu doanh nghiệp của Trung ương thì Trung ương phải có trách nhiệm, của địa phương hoặc của ngành nào thì địa phương, ngành đó phải quản lí”.
Tướng Thước bức xúc bởi ông cho rằng, nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài và xảy ra trên diện rộng thì không biết khi nào khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội mới được thu hẹp lại.
Vai trò quá mờ nhạt của tổ chức Công đoàn
Về vai trò và trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể xung quanh vụ việc, tướng Thước cho rằng có phần mờ nhạt: “Tổ chức Công đoàn, đoàn thể ở đâu khi mà để họ bòn rút hàng tỉ đồng tiền của người lao động? Vậy thì người công nhân ăn cái gì nữa?”. Trung tướng Thước nói.
Ông dẫn chứng: “Vừa qua đại hội công đoàn tuyên bố rất hùng hồn là bảo vệ quyền lợi của người công nhân. Tuy nhiên, để xảy ra sự việc như vậy thì cần đặt câu hỏi về vai trò của công đoàn trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Vai trò này gần như không có gì, có khi Công đoàn còn là “cái đuôi” của Giám đốc, chỉ để giám đốc sai khiến. Giám đốc cho bao nhiêu thì anh được bấy nhiêu. Do đó tính phụ thuộc của Công đoàn hiện nay với lãnh đạo là rất rõ ràng”.
“Như vậy giai cấp công nhân còn biết dựa vào đâu để đấu tranh?”, Tướng Thước đặt câu hỏi.
Suốt ngày tiếp xúc với bùn dơ, nhưng lương của người công nhân móc cống quá thấp so với giám đốc - Ảnh: T.TRUNG (Tuổi Trẻ)
Ông cho rằng, chính vì sự mờ nhạt của các tổ chức này nên nhiều nơi công nhân họ bế tắc và buộc lòng phải đứng lên biểu tình, bãi thị. Ngoài ra, Công đoàn là công cụ hợp thức hóa các hoạt động của Ban Giám đốc.
“Rõ ràng điều này đang thể hiện sự bất công đối với người công nhân. Thứ hai nữa là sự bất lực của cơ quan bảo vệ người công nhân, là không có. Cho nên nói tổ chức mang hình thức nhiều hơn là đi vào thực chất”, tướng Thước đưa ra ý kiến.
Nhân câu chuyện trên, hỏi về quan điểm của ông như thế nào để để khắc phục tình trạng. Theo ông, một là cơ quan quản lí nhà nước cần phải vào cuộc. Hai là vai trò của Công đoàn. Thứ ba là các đoàn thể khác như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh….cũng cần phải có liên đới, chịu trách nhiệm.
“Nói là bảo vệ quyền lợi của người lao động mà để xảy ra sự việc như vậy thì bảo vệ cái gì?”, tướng Thước nhấn mạnh.
Ông cho rằng, việc lương lãnh đạo công ty công ích mà những vài tỉ mỗi năm là quá bất bình thường và không thể nào chấp nhận được. “Tôi đi đánh giặc 20 năm, cấp tướng mà giờ lương được 10 triệu đồng mỗi tháng đã mừng lắm, sáng mắt lên rồi. Vậy thử hỏi công bằng xã hội ở đâu?”, tướng Thước so sánh
“Bắt giam, bỏ tù chỉ tốn cơm nhà nước”
Về phương án xử lí vụ việc, ông cho rằng nếu sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì việc CQĐT khởi tố, bắt giam hay bỏ tù là cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả đó là những người này đã tước đoạt tài sản của Nhà nước, của công nhân bao nhiêu thì phải hoàn trả lại bấy nhiêu rồi sau đó cho nghỉ việc.
“Chứ giờ bắt tù đày mấy ông Nhà nước lại phải nuôi cơm, thêm mệt ra...”. Tướng Thước bức xúc nói.
Ông nhấn mạnh lại thêm một lần nữa. “Đã vi phạm về kinh tế thì biện pháp trừng phạt đầu tiên phải bằng kinh tế”.
Về hướng xử lí các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thiếu minh bạch, tướng Thước cho rằng đã đến lúc Nhà nước cần phải thanh kiểm tra trên diện rộng.
Ông nói: “Đây có lẽ là vấn đề tiêu cực khá phổ cập. Nếu chúng ta không làm đến nơi đến chốn thì chưa phản ánh được đúng bản chất chế độ của Nhà nước mình. Cho nên cần phải hành động ngay, chỗ nào có doanh nghiệp Nhà nước thì cần phải kiểm tra để báo động cho tất cả”.
Ông cho rằng, trong một địa phương, thấy đơn vị nào có khả năng tiêu cực cao thì tập trung làm trước. “Tất nhiên là rất khó để làm hết nên cần phải tập trung đánh vào đúng điểm nóng. Cái này cũng giống như đánh giặc, phải chọn điểm mà đánh. Đánh một điểm mà có thể rung cả mặt trận”.
(Theo GDVN) Viết Cường 
20:32

“Ngân sách đen” của Mỹ bị lộ


TT - Lần đầu tiên kể từ khi chương trình gián điệp của Mỹ bị phanh phui, chi tiết nguồn ngân sách bí mật hàng chục tỉ USD chi cho các hoạt động này được tiết lộ trên Washington Post ngày 29-8.

Hình minh họa

Tài liệu dài 178 trang được đóng dấu “tối mật” về ngân sách mật của ngành tình báo Mỹ cũng do chính người thổi còi Edward Snowden cung cấp. Các thông tin đăng tải trên tờWashington Post được thể hiện dưới dạng bảng số liệu và biểu đồ do có nhiều “chi tiết nhạy cảm” trong tài liệu. “Một số thông tin được giữ lại sau khi hỏi ý kiến các quan chức Mỹ, những người bày tỏ lo ngại về nguy cơ đối với các nguồn tình báo” - tờ báo viết. Từ năm 2007, Chính phủ Mỹ đã công khai ngân sách cho ngành tình báo nhưng chưa bao giờ nói cụ thể tiền được chi như thế nào.
Theo tài liệu của Washington Post, Mỹ đã chi 52,6 tỉ USD trong khóa tài chính năm 2013 cho hoạt động tình báo. Trong số 16 cơ quan của ngành tình báo Mỹ, Cục Tình báo trung ương (CIA) được chia nhiều nhất (14,7 tỉ USD), gần gấp đôi cho Cơ quan An ninh quốc gia (NSA). Bộ ba CIA, NSA và Văn phòng trinh sát quốc gia Mỹ (RSO) chiếm đến 68% tổng ngân sách.
Nhiều chiến dịch được đánh giá là sẽ không bao giờ được thông qua nếu đem ra tranh luận công khai trên mặt báo. Lee H. Hamilton, lãnh đạo Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, đánh giá việc công bố chi tiết các chi tiêu sẽ mở đường cho việc tranh luận công khai lần đầu tiên về ngân sách cho ngành tình báo Mỹ. “Công việc của cộng đồng tình báo có ảnh hưởng lên đời sống của người dân Mỹ nên họ không nên đứng ngoài cuộc” - ông Hamilton bình luận.
(Theo Tuổi trẻ) TRẦN PHƯƠNG
19:47

"Ngồi mát" ăn lương khủng, tố tham nhũng thưởng "bèo"


Hai câu chuyện trái ngược nhau này khiến người ta không khỏi suy nghĩ về chuyện áp dụng cơ chế và cái tâm: Tâm của người quyết định thưởng với số tiền “bèo” và tâm của người tự “chia” cho mình số tiền quá lớn.
Khi nỗi bức xúc về mức thưởng quá “bèo” - 320.000 đồng cho người đã dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng chưa kịp dịu xuống thì dư luận lại "bùng lên" nỗi bức xúc về chuyện lương của lãnh đạo công ty thoát nước lên mức “khủng” 2,6 tỷ đồng/năm.
 Có người đã đặt câu hỏi: Khi trao phong bì thưởng 320.000 đồng cho chị Nguyệt, lãnh đạo ngành Y tế có cảm thấy áy náy hay không? Còn một người khác thì viết: Khi "ngồi mát" mà nhận mức lương "khủng", lãnh đạo của công ty có thấy xấu hổ với những người lao động đang ngày đêm vất vả chui dưới cống để nhận mức lương "bèo" hay không?  
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, hện đang tồn tại nghịch lý trong cơ chế lương, thưởng
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội ông Bùi Sỹ Lợi, chưa thể đánh giá đằng sau chuyện sếp DN công ích được trả lương khủng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không, nhưng rõ ràng đây là một cơ cấu tiền lương không thực chất, không đánh đúng năng suất lao động, không phản ánh đúng cơ cấu tiền lương theo giá thành sản phẩm. Nó cũng chưa thể hiện sự công bằng giữa lao động quản lý và lao động  sản xuất. 
"Tiền lương phải phản ánh giá trị lao động. Nếu tiền lương lớn như vậy thể hiện đánh giá giá trị lao động như thế nào và có cân bằng với người lao động trực tiếp không? Chênh lệch tiền lương giữa người quản lý và người lao động quá lớn. Rõ ràng, xét về mặt bản chất thì giá cả sức lao động là đúng, nhưng giá cả sức lao động trong điều kiện một đất nước có năng suất lao động như thế này thì lương như vậy quả là “khủng”" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm.
Vậy, theo ông "lỗ hỏng" đây là gì? 
Có hai việc, một là các cơ quan quản lý nhà nước phải xem xét lại hệ thống định mức, đơn giá tiền lương, cách thức trả lương, cơ cấu giá thành để xem xét trả lương một cách hợp lý. Hai là tuy tiền lương phải được cải thiện, phải được nâng lên, đảm bảo yêu cầu của người lao động, nhưng nó phải thể hiện được giá thành của sản phẩm. Nếu kết cấu tiền lương lớn quá thì giá thành sản phẩm sẽ cao, người tiêu dùng sản phẩm sẽ phải chịu chi phí tiền lương chiếm tỷ trọng quá lớn trong giá thành sản phẩm. Các cơ quan quản lý nhà nước phải nghiên cứu xem xét, làm sao cho tỷ trọng tiền lương trong giá thành sản phẩm phải hợp lý, sản phẩm tiêu thụ mới đáp ứng được nhu cầu mà không làm ảnh hưởng đến đời sống của người tiêu dùng.
Nhưng lãnh đạo DN công ích thanh minh rằng, vì DN lãi nhiều nên họ đáng được hưởng lương cao?
Theo tôi, kể cả công ty sản xuất kinh doanh có lãi, nhưng không thể có lãi nào mà tiền lương lại “khủng” như thế, mà tiền lương này lại chỉ nằm ở một bộ phận quản lý chứ không nằm ở tất cả người lao động để nói rằng hiệu quả lao động cao. 
Nếu xét về bản chất của tiền lương thì rõ ràng, phía sau thu nhập “khủng” này chưa được minh bạch. Cơ chế tiền lương của đất nước chúng ta không thể cao đến như vậy. Cần phải xem xét lại giá trị tiền lương được trả cho người quản lý này có hợp lý hay không. 
Trong lúc lãnh đạo DN công ích "ngồi mát" lĩnh lương hàng tỷ/năm thì những bác sỹ lăn lộn cứu người, chống tham nhũng lại chỉ được thưởng 320.000 đồng
Trong khi các lãnh đạo của DN công ích lợi dụng cơ chế lương sơ hở, "ngồi mát" lĩnh hàng tỷ mỗi năm thì ngàng Y tế lại cho rằng, do cơ chế không cho phép họ chi số tiền thưởng cao hơn mức 320.000 đồng cho các bác sỹ lăn lộn với người bệnh, chống tham nhũng tiêu cực. Hai hình ảnh đối lập này có gợi cho ông suy nghĩ gì về "cơ chế" lương, thưởng hiện nay?
Dù có cơ chế gì đi chăng nữa thì để có mức lương quá lớn như vậy, cũng không có gì bù đắp được trừ anh chuyển từ khoản nọ sang khoản khác. Thu nhập kiểu đó không thể gọi là minh bạch.
Còn theo quy định của nhà nước thì mức khen thưởng là như vậy. Nhưng bản chất ở đây là khen thưởng cho đối tượng chống tham nhũng, chống tiêu cực. Người ta đã dám đứng ra để bảo vệ lẽ phải thì mức thưởng phải thỏa đáng với công sức, khả năng, quyết tâm và ý chí của người đó để còn tuyên truyền vận động người khác tham gia vào đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nếu máy móc quá mà thưởng ở mức quá “bèo bọt” thì người ta sẽ thấy rằng cái mất và cái được không cân bằng.
Nếu làm như vậy (khen thưởng mức “bèo” - PV) thì sẽ rất khó nhân rộng để trở thành một điển hình và sẽ khiến cho không còn ai muốn tham gia. Người ta đã mất rất nhiều, bây giờ người ta còn đang bị quay trở lại để tố. Nếu mình khuyến khích khen thưởng mà không đạt được ở mức độ khích lệ thì làm sao thúc đẩy được quá trình đấu tranh phòng chống tham nhũng được. Nghị quyết Trung ương 4 đang thực hiện cuộc cải cách phòng chống tham nhũng và đấu tranh chống tiêu cực mà với những điển hình như vậy, chúng ta lại không vận dụng một cách linh hoạt. Nếu cảm thấy cấp khen thưởng chưa đáp ứng với thành tích cũng như chưa bù đắp xứng đáng với công sức của họ thì mình cần đề nghị lên cấp cao hơn để có mức thưởng cao hơn. 
Xin cảm ơn ông. 
(Theo Infonet) Tuệ Khanh 
15:05

 Biển Đông: 
Các nước dịu, Trung Quốc vẫn làm căng

VnMedia- Tuần này thế giới được chứng kiến các nỗ lực của ASEAN trong việc tìm cách tháo gỡ “ngòi nổ” ở Biển Đông. Cùng lúc đó, Philippines cũng dịu giọng trong tranh chấp biển đảo bằng tuyên bố tiếp tục theo đuổi chính sách “tránh đối đầu”. Tuy nhiên, đáp lại những tín hiệu vui này, Trung Quốc lại vẫn làm căng với những lời tuyên bố cứng rắn, những chỉ trích gay gắt và cả hành động trả đũa thẳng thừng liên quan đến vấn đề Biển Đông.

 Ảnh minh họa
Một cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng

ASEAN tìm cách hạ nhiệt Biển Đông, Philippines tránh đối đầu

Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong khu vực tuần này là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) giữa 10 thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á với 8 đối tác đối thoại, trong đó có một loạt cường quốc khu vực và thế giới.

Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra 2 ngày ở Brunei, ASEAN đã có một loạt cuộc hội đàm song phương và đa phương. Một trong những nội dung chính được đưa ra thảo luận nhiều nhất tại hội nghị ADMM+ lần này chính là các cuộc tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông hiện nay.

Trong những cuộc gặp đa phương cũng như song phương, Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN đều bày tỏ mong muốn tháo gỡ tình hình căng thẳng trên Biển Đông – nơi đang chứng kiến những cuộc đối đầu quyết liệt giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN vì tranh chấp biển đảo. Giới chức quân sự ASEAN đã đề xuất một số biện pháp nhằm làm dịu tình hình tranh chấp ở Biển Đông. Cụ thể, ASEAN muốn thiết lập một đường dây nóng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Đường dây nóng này sẽ được sử dụng để giải quyết những vụ va chạm hay tình huống khẩn cấp, không mong muốn, để từ đó tránh việc để tình hình leo thang từ những sự việc nhỏ thành xung đột vũ trang. ASEAN cũng thúc đẩy nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận với Trung Quốc về việc “không được dùng vũ lực trước” trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.

Tuy nhiên, nỗ lực ngoại giao chính của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN vẫn là tập trung vào việc tìm kiếm một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (CoC) – một bộ quy tắc có tính ràng buộc về pháp lý nhằm quản lý, kiểm soát các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Nỗ lực này của ASEAN nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cường quốc, trong đó có Mỹ.

Trong một diễn biến khác có liên quan đến Biển Đông, Philippines tuần này cũng thể hiện một lập trường dịu nhẹ khi lên tiếng tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tránh đối đầu trong tranh chấp Biển Đông, 

Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines hồi giữa tuần khẳng định, quân đội Philippines sẽ không thay đổi chính sách tránh đối đầu dù cho họ có đang cấp tập mua sắm vũ khí và tìm kiếm một sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ trong khu vực.

Tư lệnh Emmanuel Bautista cho biết, Philippines đang nỗ lực xây dựng một “năng lực phòng vệ ở mức tối tiểu” nhằm bảo vệ lãnh thổ của mình và “ít nhất là để ngăn chặn hay khiến bất kỳ kẻ xâm lược nào cũng phải ngần ngại hay nghĩ hai lần trước khi có bất kỳ hành động thù địch nào".

Trung Quốc làm căng

Trong khi ASEAN nỗ lực “hạ nhiệt” tình hình Biển Đông, tìm hướng giải quyết cho các cuộc tranh chấp, đồng thời Philippines dịu giọng, thì Trung Quốc vẫn làm căng. 

Tại hội nghị ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thẳng thừng chỉ trích những người đồng cấp Đông Nam Á, nói rằng Bắc Kinh phản đối bất kỳ phương pháp tiến cận đa phương nào nhằm giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. 

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Chang Wanquan đã bác bỏ vai trò của ASEAN trong việc giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Ông này nói rằng, những cuộc tranh chấp biển đảo không nên làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN bởi liên minh 10 nước thành viên này không có vai trò trực tiếp trong những mâu thuẫn đó.

"Các cuộc tranh chấp nên được giải quyết trực tiếp bởi các nước liên quan. Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm quốc tế hóa hay làm phức tạp thêm tình hình”, Tướng Chang đã nói như vậy. 

Rõ ràng, Trung Quốc vẫn duy trì một lập trường cứng rắn, khăng khăng đòi giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở song phương. Với tư cách là một nước lớn, Trung Quốc muốn trực tiếp đàm phán với từng nước nhỏ hơn để dễ bề áp chế, gây áp lực nhằm giành lợi thế cho mình.

Ngày hôm qua (30/8), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn cảnh báo các nước ASEAN đừng giương “ngọn cờ ASEAN” ra trong vấn đề Biển Đông bởi điều đó có thể làm phương hại đến lợi ích chung của hai bên.

Những phát biểu trên của hai vị quan chức ngoại giao và quốc phòng hàng đầu của Trung Quốc đã phản ánh lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.

Ngoài sự cứng rắn thể hiện ở hội nghị ASEAN, Trung Quốc còn vừa có hành động trả đũa Philippines vì sự thách thức của nước này trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Cụ thể, Bắc Kinh đã phũ phàng khước từ một chuyến thăm của Tổng thống Philippines Aquino đến Nam Ninh để tham dự lễ khai mạc triển lãm chung ASEAN-Trung Quốc dù cho Philippines là “quốc gia danh dự” tại cuộc triển lãm năm nay. 

Chưa hết, trong tuần này, tờ Tân Hoa xã – cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, còn có bài viết chỉ trích gay gắt Philippines. Tờ báo này cáo buộc Manila đang “chơi trò hai mặt” ở Biển Đông. Một mặt, Philippines dùng chiến lược “mềm” bằng cách đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông ra giải quyết tại tòa án quốc tế. Mặt khác, Manila cũng theo đuổi một phương pháp tiến cập “cứng rắn” khi mở cửa cho lực lượng Mỹ và Nhật Bản vào nước này. Tân Hoa xã tuyên bố, chiến lược của Philippines chắc chắn sẽ thất bại.

Với những diễn biến trên, các cuộc tranh chấp ở Biển Đông được cho là vẫn chưa thể dịu lại và khả năng tìm được biện pháp giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp này vẫn còn khá xa vời.
(Theo VnMedia) Kiệt Linh
14:45

 Lộ mặt các “Ông lớn” ngân hàng “dính” tới bầu Kiên

(Kienthuc.net.vn) - Có tới 26 ngân hàng trong đó bao gồm nhiều cái tên đình đám như Agribank, BIDV, Vietinbank, Đông Á… nhận tiền gửi lãi suất vượt trần của ACB.
                                    
Về hành vi cố ý làm trái của Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và các nhân vật đứng đầu Ngân hàng ACB đã ra chủ trương dùng tiền của ACB ủy thác cho nhân viên ACB và một số công ty gửi vào các tổ chức tín dụng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ và trực tiếp gây thiệt hại cho ACB 718 tỷ đồng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chỉ mặt đặt tên hàng loạt ngân hàng lớn có liên đới.
Cụ thể, trong thời gian từ 2005 – 2011, Ngân hàng ACB huy động được từ dân lượng tiền nhiều với lãi suất cao trong khi việc cho vay lại gặp khó khăn. Để tránh thiệt hại cho ACB, bầu Kiên đã chỉ đạo Thường trực HĐQT ACB ra chủ trương dùng tiền huy động của dân ủy thác cho các cá nhân gửi tiền VNĐ và USD vào các tổ chức tín dụng.
Thực hiện chủ trương của bầu Kiên, từ tháng 5/2010 – 11/2011, Ngân hàng ACB đã ủy thác cho nhân viên gửi tổng cộng hơn 37.000 tỷ đồng với lãi suất từ 11,2% – 27%/năm và 71,2 triệu USD với lãi suất 3%-6% vào 29 ngân hàng thu được tổng số tiền lãi 1.586,7 tỷ đồng và 1,2 triệu USD.
 
 Có tới 26 ngân hàng nhận tiền gửi vượt trần lãi suất của Ngân hàng ACB
Hành vi nêu trên của Ngân hàng ACB đã vi phạm Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và làm sai lệch thông tin liên quan đến báo cáo của toàn hệ thống Ngân hàng, ảnh hưởng đến việc ra các chủ trương điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ. Việc Ngân hàng ACB gửi tiền vượt trần lãi suất vi phạm Thông tư 02 tháng 3/2011 của Ngân hàng Nhà nước.
Qua quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT xác định có 26 ngân hàng đã nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần từ nhân viên của Ngân hàng ACB và 4 công ty do Ngân hàng ACB ủy thác. Trong đó có hàng loạt tên tuổi như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Công Thương VN (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV), Ngân hàng TMCP Đông Á, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu VN (Eximbank), Ngân hàng TMCP Đông Á, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank), Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Bắc Á….
Đối với 26 ngân hàng có “dính dáng” đến ACB và bầu Kiên khi nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần, ngày 19/7 vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiến hành kiểm tra, xác định sai phạm và đề nghị xử lys các cá nhân liên quan.
Do thời hạn điều tra vụ án đã hết, trong khi số lượng ngân hàng liên quan nhiều nên ngày 1/8/2013, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có Quyết định tách vụ án hình sự số 06/C46-P10 đối với hành vi nhận tiền gửi vượt trần của 26 ngân hàng để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
(Theo Kiến thức) N.Đan
14:15

 Được - mất xã hội hóa dịch vụ y tế - Bài 2:
Đừng đổ lỗi cho máy móc

 
TP - Xã hội hóa y tế đang nổi lên như một vấn đề nóng của ngành y khi xuất hiện tình trạng lạm dụng dịch vụ, tăng chi phí của bệnh nhân. Trao đổi với Tiền Phong xung quanh việc này, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai nói: “Đừng đổ lỗi cho máy móc, cho xã hội hóa mà do chính con người, lạm dụng cũng là do cách quản lý chưa tốt”.

BV Bạch Mai thực hiện chủ trương xã hội hóa thế nào, thưa ông?
Chủ trương xã hội hóa đã được ngành y tế vận dụng để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Tại BV Bạch Mai, kinh phí Nhà nước cấp hàng năm chỉ bằng 2% so với mọi chi phí hoạt động của BV. Với 2% đó, chúng tôi chỉ đủ chi trả 20% lương cho cán bộ, nhân viên. Do đó, BV Bạch Mai đã vận dụng linh hoạt chính sách xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các kỹ thuật cao phục vụ bệnh nhân.
Hiện tại BV có hệ thống labo xét nghiệm sinh hóa hiện đại nhất khu vực châu Á trị giá 2 triệu đô la Mỹ. Bạch Mai cũng là cơ sở thứ 2 sau Mỹ có dao Gamma quay, giá hơn 2 triệu đô la Mỹ để điều trị khối u não chính xác.
 Chờ xét nghiệm máu tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội ngày 29/8/2013.
            Anh: ngọc châu
Chờ xét nghiệm máu tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội ngày 29/8/2013. Anh: ngọc châu.
Bên cạnh những lợi ích, mặt trái của xã hội hóa khiến người bệnh chịu thiệt thòi vì nhà đầu tư mong thu hồi vốn và lãi, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Tôi khẳng định, tại BV Bạch Mai, không phải trang thiết bị xã hội hóa nào cũng có lợi nhuận. Đơn cử tại BV chúng tôi việc đầu tư dao Gamma quay giúp điều trị u não mà không cần phẫu thuật mở hộp sọ (nếu phẫu thuật mở hộp sọ điều trị u não cho 10 ca thì 8 ca tử vong, riêng phẫu thuật bằng dao Gamma quay BV thực hiện trên 3.000 ca chưa tử vong ca nào).
 Vẫn có nơi lạm dụng, quan trọng là người đứng đầu phải giám sát thường xuyên, nếu phát hiện đơn vị mình lạm dụng chụp, chiếu cần chấn chỉnh ngay. Đừng đổ lỗi cho máy móc, cho xã hội hóa mà do chính con người, lạm dụng cũng là do cách quản lý chưa tốt.
PGS.TS Nguyễn Quốc Anh
Với thiết bị này hàng nghìn bệnh nhân được cứu sống, nhiều đề tại khoa học đã được báo cáo. Tuy nhiên, việc đầu tư thiết bị này hiện đang bị lỗ nặng, vì giá một lần phẫu thuật chỉ 25 triệu đồng, trong khi thực hiện tại BV của Mỹ có giá hơn 300 triệu đồng/ca. Ngoài ra, đầu tư thiết bị PET CT cũng không hiệu quả về mặt kinh tế.
Tôi dám khẳng định 2 thiết bị hiện đại này được góp từ nguồn vốn xã hội hóa (hãng sản xuất đặt máy tại BV) sẽ không thu hồi được vốn cho đến lúc máy hỏng. Dù không hiệu quả về kinh tế nhưng BV và hãng sản xuất máy chấp nhận vì người bệnh được hưởng lợi từ những kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới này. Lợi ích mà BV được hưởng là triển khai được máy móc hiện đại mà không mất tiền mua, còn hãng sản xuất thiết bị khẳng định được thương hiệu.
Đối với các trang thiết bị khác, số lượng đầu tư bằng nguồn xã hội hóa không nhiều, nhưng mang lại hiệu quả cao trong điều trị. Hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa mỗi ngày trả 4.000 kết quả cho bệnh nhân.
Nếu không có xã hội hóa sẽ không có BV Bạch Mai hiện nay vì không có nguồn vốn để phát triển các kỹ thuật cao phục vụ người bệnh. Lợi nhuận thu được từ những thiết bị xã hội hóa không được chia hết cho cán bộ nhân viên mà được dùng để duy trì hoạt động của BV như mua những máy móc không thực hiện xã hội hóa được như máy mê, máy thở, máy Ecmo.
Lợi nhuận từ hệ thống máy xét nghiệm nằm ở lượng hóa chất thực hiện xét nghiệm. Phải chăng đây là kẽ hở để móc tiền bệnh nhân bằng cách chỉ định làm nhiều xét nghiệm?
Đúng là hãng sản xuất thu tiền vốn và lãi nhờ hóa chất. Tại những BV khác tôi không nắm được, nhưng tại BV Bạch Mai chúng tôi khống chế giá hóa chất xét nghiệm phải bằng giá thầu trên cả nước. Hãng đặt máy bắt buộc phải chấp nhận không được đẩy giá hóa chất lên cao để thu lợi nhiều. Tôi khẳng định giá thực hiện xét nghiệm tại BV Bạch Mai không cao hơn nhiều so với giá được Bộ Y tế phê duyệt.
Nhưng mặt trái của xã hội hóa y tế là không tránh khỏi?
Đúng thế! Vẫn có nơi lạm dụng, quan trọng là người đứng đầu phải giám sát thường xuyên, nếu phát hiện đơn vị mình lạm dụng chụp, chiếu cần chấn chỉnh ngay. Đừng đổ lỗi cho máy móc, cho xã hội hóa mà do chính con người, lạm dụng cũng là do cách quản lý chưa tốt. Đối với BV Bạch Mai, quy trình kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ, nên không xảy ra chuyện lạm dụng trang thiết bị xã hội hóa để trục lợi.
Ông đánh giá thế nào về ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, không nên duy trì hai hình thức cung cấp dịch vụ công và tư trong cùng một BV công?
Tôi hoàn toàn đồng ý với một điều kiện, Nhà nước trả đủ lương cho cán bộ nhân viên y tế và lo đủ máy móc trang thiết bị hiện đại để chúng tôi có thể triển khai các kỹ thuật tiên tiến, cứu sống bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Còn nếu bây giờ có lệnh cấm tất cả các máy xã hội hóa ngừng hoạt động, chắc chắn sẽ có không biết bao nhiêu bệnh nhân bị đe dọa về tính mạng. Tôi đồng ý công ra công, tư ra tư, nhưng đầu tư của Nhà nước phải theo kịp được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Cảm ơn ông!
(Theo TPO) Thái Hà  thực hiện
13:57

Kiếm tiền tỷ từ rau thơm Tây
Trắng tay sau những thương vụ đầu tư bất động sản thua lỗ, bà Phạm Thị Thu Cúc tới thôn Đạ Nghịt (Lạc Dương, Lâm Đồng) trồng rau thơm và thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2006, do kinh doanh nhà đất thất bại, vợ chồng bà Thu Cúc quyết định làm lại từ đầu bằng cách thuê đất làm vườn. Lúc đó, số vốn còn lại rất ít ỏi chỉ đủ thuê một sào đất để trồng hoa ly ly, một loại hoa cao cấp đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Lứa hoa đầu tiên bà Cúc đầu tư trên 100 triệu đồng nhưng do chưa quen cách chăm sóc nên khi thu hoạch bị âm vốn 50 triệu đồng.
Thấy cảnh cùng cực, bạn bè là những chủ doanh nghiệp và doanh nhân rỉ tai nhau giúp đỡ gia đình bà. Không nản chí, bà Cúc tìm đến thôn Đạ Nghịt, thuộc huyện Lạc Dương (cách Đà Lạt 20 km) mua 2.000 m2 đất với giá 50 triệu đồng để mở vườn và tiếp tục trồng hoa ly ly. Ở lứa hoa này bà Cúc thành công vì đã học được cách chăm sóc và bán đúng thời điểm giá hoa tăng cao nên đầu tư hết 194 triệu đồng tiền vốn nhưng lãi tới 250 triệu đồng.
 rau-2-1377854221.jpg
Rau thơm có nguồn gốc từ Pháp trong vườn nhà bà Cúc. Ảnh: Quốc Dũng
Thấy được tiềm năng và giá đất vùng này lúc đó còn rất rẻ, chỉ 25 triệu đồng trên 1.000 m2, bạn bè tiếp tục cho bà vay mượn hoặc có người với danh nghĩa mua chung đất nên số đất vườn của bà Cúc được mở rộng trên 3 ha. Bà còn nhận giao khoán của Nhà nước 5 ha rừng, trong đó có 1,1 ha là đất làm nông nghiệp.

Năm 2009, khi nhận được đất dự án, bà Cúc bán gần 3 mẫu đất đã mua trước đây, chỉ giữ lại 7.000 m2. Giá đất lúc này đã khá cao vì nhiều người đến đây lập vườn. Quyết định này giúp bà có tiền trả nợ và đầu tư vào trồng rau, hoa trong 1,1 ha đất được nhận của dự án.
Bà nhận thấy trồng hoa ly ly đòi hỏi vốn lớn và cũng lắm rủi ro nên chuyển hướng   trồng các loại rau cao cấp, rau sạch. Ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, sinh sống nhưng chưa nơi nào trồng các loại rau gia vị mà họ ưa thích để phục vụ bữa ăn, bà Cúc quyết tâm tìm hiểu.
Nhờ những mối quan hệ sẵn có nên bà có được các loại giống rau gửi từ châu Âu  về trồng thử nghiệm. Các loại rau thơm này thích hợp khí hậu Đà Lạt và chăm sóc cũng đơn giản như rau thơm nội địa cùng loại. Sau 3 tháng, một vài luống rau đã cho thu hoạch, bà tìm tới hệ thống siêu thị Metro đặt vấn đề tiêu thụ. Do thị trường đang rất cần những loại rau thơm cao cấp này nên Metro đặt hàng ngay. Yên tâm có đầu ra, bà mạnh dạn phát triển và sau một năm thì có 4.000 m2 rau thơm giống châu Âu trong vườn.
 rau-1377854221.jpg
Thu nhập hàng năm từ trồng rau thơm lên tới gần 2 tỷ đồng. Ảnh: Quốc Dũng.
Hiện Metro ký giá cố định với bà Cúc, loại rau thơm rẻ nhất cũng 50.000 đồng một kg và đắt nhất là 250.000 đồng. Mỗi ngày, 4 sào đất trồng loại rau này có thể cung cấp 30 - 40 kg cho thị trường, thu về 4-5 triệu đồng, tính ra mỗi năm thu về gần 2 tỷ đồng.
Số đất còn lại khoảng 6.000 m2 bà trồng cà chua cũng là những loại giống đặc biệt do đối tác cung cấp với giá bao tiêu cố định 25.000 đồng một kg. Trong khi đó, cà chua Đà Lạt trồng rất bấp bênh, lúc có giá nhất cũng chỉ 7.000-8.000 đồng một kg và có những lúc phải phá bỏ vì rẻ không ai mua. Bà Cúc cũng dành một số đất để trồng rau xà lách, cải pó xôi, bí ngồi… theo quy trình rau sạch và tất cả nông sản của bà đều được Metro tiêu thụ.

Hiện nay, trong vườn rau thơm giống nhập khẩu từ châu Âu của bà Cúc có tới 15 loại như: hương thảo, xạ hương, kinh giới, thì là, húng tây, ngò tây, ngò ri tây, quế  lá nhỏ, so thơm, quế tím…..
Cái khó của việc canh tác các loại rau thơm này là nguồn giống. Các công ty chuyên cung cấp hạt giống trong nước không nhập các loại giống rau thơm này vì không có người canh tác. Một mình vườn của bà Cúc thì quá ít nên không hấp dẫn với các công ty cung cấp hạt giống. Nguồn giống rau của bà Cúc hiện nay là nhờ người quen ở Pháp mua giúp và được chuyển về theo đường xách tay hoặc bưu điện.

Một số khách hàng đã tìm đến vườn rau của bà để tham quan và đặt vấn đề cung cấp xuất khẩu nhưng số rau của bà mới chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước. Hiện chưa có nhà vườn nào trồng những loại rau mà phải nhập hạt giống từ nước ngoài như bà. Thị trường cho loại rau này rất tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn nguồn giống và chưa liên kết được các hộ nông dân.

Bà Cúc cho biết, sắp tới sẽ mở rộng ra 7.000 m2 đất của gia đình mua trước đây  nhưng chưa có điều kiện canh tác. Với kinh nghiệm và bản lĩnh của một người từng làm kinh doanh, bà chia sẻ: "Cả chục năm nay lúc nào tôi cũng đang vay nợ, có những khoản nợ dẫn tới gia đình trắng tay, khánh kiệt như trước đây. Nhưng chuyện vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất như hiện tại thì tôi tin nó rất an toàn trên một cái nền đã vững".

Từ một người kinh doanh môi giới bất động sản, nay bà Cúc ngày ngày ra vườn rau làm đủ mọi việc cùng với nhân công. Hàng ngày bà tự lái chiếc xe tải nhẹ đi giao hàng cho điểm thu mua rau của Metro tại huyện Đức Trọng, cách trang trại của bà 40 km. Quyết định gắn sự nghiệp với rau, hoa nên hơn một năm trước bà mạnh dạn xây căn biệt thự trong trang trại ở một vùng còn khá heo hút này và đưa cả gia đình về đây sinh sống.
(Theo VnExpress) Quốc Dũng
10:45

Cặp đôi Lưu Quang Vũ - Phạm Thị Thành đã "nói xấu 18 cơ quan"

    Liên tiếp hai buổi tối, Nhà hát Tuổi trẻ đưa hai vở kịch của Lưu Quang Vũ đến với người xem hôm nay: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” và “Lời thề thứ 9”. Tối nào cũng đông chật khán giả. Và đều thấy ở những hàng ghế đầu tiên là đạo diễn - NSND Phạm Thị Thành - người mà một thời là “cặp bài trùng” với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ trong nghề nghiệp.
    Giờ hiếm thấy có một cặp đạo diễn - tác giả kịch bản nào ăn ý như thế. Trong rất nhiều những tài liệu, tờ rơi, tờ giới thiệu về NHTT từ ngày đầu thành lập mà bà Thành cất giữ, còn cả tờ chương trình vở kịch đầu tiên của Lưu Quang Vũ - vở “Sống mãi tuổi 17”, mà họ cùng nhau dựng từ hơn 30 năm trước.

    Tờ giới thiệu vở kịch "Sống mãi tuổi 17" từ hơn 30 năm trước mà NSND Phạm Thị Thành vẫn còn giữ. 

    Mang tiếng “nói xấu 18 cơ quan”

    Được biết bà là người “phát hiện” ra Lưu Quang Vũ, phải không thưa bà? 

    - Năm 1979, sau khi tôi học ở Liên Xô về và tham gia thành lập Nhát hát Tuổi trẻ (NHTT), để chuẩn bị cho việc ra mắt nhà hát, chúng tôi muốn có một vở diễn có hình tượng Lý Tự Trọng, người anh hùng của tuổi trẻ. Tôi được giới thiệu kịch bản “Ông Nhỏ” của tác giả Đào Duy Kỳ, nhưng kịch bản này không có tính sân khấu. Tôi đi tìm hiểu ở những người bạn của Lý Tự Trọng lúc đó vẫn còn sống, rồi về bố cục lại vở diễn. Nhưng đến lúc viết thì tôi lại gặp khó khăn. 

    Họa sĩ Phùng Huy Bính đã đề nghị tôi mời Lưu Quang Vũ, lúc đó đang viết cho tạp chí Sân khấu, cộng tác. Tôi sang gặp, Lưu Quang Vũ nhận lời viết trong 20 ngày. Nhưng mới 2 tuần Vũ đã nhắn bảo viết xong rồi. Tôi nghe anh đọc thấy hay quá, tình tiết câu chuyện, tính cách các nhân vật đều rõ ràng, mạnh mẽ và đầy kịch tính.

    Chúng tôi đồng ý, phần tác giả đề tên cả 3 người: Đào Duy Kỳ - Lưu Quang Vũ - Phạm Thị Thành. Vở đã được huy chương vàng hội diễn sân khấu năm 1980, đem lại một không khí mới mẻ cho hội diễn. Với vở này, Lưu Quang Vũ bắt đầu viết kịch chuyên nghiệp cho sân khấu. Trước đó, anh có một vở cho Nhà hát chèo nhưng không mang tính chuyên nghiệp. Sau đó là “Mùa hạ cuối cùng”, “Cô gái đội mũ nồi xám”… anh nổi tiếng dần. 

    Từ đó đến lúc mất là 10 năm, anh viết hơn 50 vở, vở cuối cùng hoàn chỉnh là “Điều không thể mất”. Các tác phẩm của Lưu Quang Vũ giúp tôi trưởng thành trong nghiệp đạo diễn. Tôi đã đạo diễn 18 vở của Lưu Quang Vũ lúc anh còn sống, 6 vở khi anh đã mất - là tính theo tên kịch bản, còn nếu dựng cho các đoàn thì rất nhiều, bởi một vở của anh có khi nhiều đoàn, nhiều địa phương cùng dựng, ở đủ mọi thể loại kịch nói, chèo, hát mới… và đều rất ăn khách lúc đó. 

    Vậy có thể nói rằng Phạm Thị Thành - Lưu Quang Vũ là một cặp bài trùng trên sân khấu?

    - Ngay từ vở đầu tiên mời Vũ viết, tôi đã thấy anh là một tài năng nổi trội. Sau này cùng nhau làm các vở khác, quả thật chúng tôi rất thân nhau và hợp nhau trong công việc. Chúng tôi dám mạnh dạn đưa những cái chưa tốt của xã hội lên sân khấu để phê phán. Vở “Mùa hạ cuối cùng”, khi đưa ra duyệt, có ý kiến nói rằng Lưu Quang Vũ, Phạm Thị Thành đã nói xấu 18 cơ quan. 

    Nào là mất đề thi, học sinh bỏ nhà ra đi là nói xấu ngành giáo dục, hội phụ nữ, rồi có đoạn 2 em đi xem phim bỏ về bảo phim chán là nói xấu ngành điện ảnh nước nhà… Họ bắt sửa thì chúng tôi cũng sửa, nhưng vẫn giữ được cái cốt lõi của vở diễn khi thể hiện những điều muốn nói bằng sự ước lệ. Lưu Quang Vũ rất đặc biệt. Anh đạt đỉnh cao trong nghệ thuật là bằng bản lĩnh, tài năng và lao động miệt mài. 

    Có lúc Vũ phải buộc chân vào chân bàn để ngồi viết, anh bảo mở trang giấy trắng ra thì mênh mông lắm, muốn bỏ đi lắm… Thân nhau thế, nhưng vở nào hợp với đạo diễn nào thì anh sẽ mời đạo diễn đó làm. Hoặc đang làm vở với anh, tôi làm thêm các vở khác thì anh cũng ủng hộ. Chúng tôi rất ăn ý với nhau, cần sửa chỗ nào thì đều bàn bạc và lắng nghe nhau. Hai vở của anh “Sống mãi tuổi 17” và “Lời nói dối cuối cùng” đều do tôi góp ý đặt tên đấy. 

    NSND Phạm Thị Thành. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

    “Bài hát vẫn còn là dang dở…” (*)

    Bà nói rằng cả bà và Lưu Quang Vũ đều dám nói lên mặt trái của xã hội. Vậy có bao giờ bà và Lưu Quang Vũ gặp rắc rối vì điều đó?

    - Nhiều chứ. Vở “Nếu anh không đốt lửa” chẳng hạn, khi tôi dựng cho Nhà hát Kịch Hà Nội cũng có nhiều ý kiến rằng vở đó phê phán xã hội nhiều quá. Lúc đó là giữa những năm 1980, trung ương vừa ban hành nghị quyết về cởi trói cho văn nghệ sĩ. Chúng tôi mời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến xem vở đó, diễn ở cung Việt - Xô. Vở diễn là câu chuyện của một đồng chí cán bộ ở tỉnh được đưa về trung ương, sau đó lại bị điều lại về tỉnh, phê phán rất mạnh cơ chế bao cấp.

    Tôi và Lưu Quang Vũ ngồi trong phòng chiếu đèn của cung, vừa theo dõi vở diễn, vừa theo dõi thái độ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Tôi nói với Vũ, nếu là minh quân thì chúng mình sống, không thì chúng mình chết. Đến giờ nghỉ, Tổng Bí thư nhắn tập hợp tất cả dàn diễn viên sau giờ diễn để ông tặng hoa. Tặng xong ông tiếp Lưu Quang Vũ và tôi, ông nói, câu chuyện cũng rất đúng với tôi, tôi cũng là người được điều về trung ương rồi lại về địa phương… Như vậy, sự ủng hộ của những người sáng suốt đã nhiều lần cứu các tác phẩm mà chúng tôi làm. 

    Hay vở “Người tốt nhà số 5”, khi diễn nhiều người bảo, anh Vũ, chị Thành nói xấu xã hội nhiều quá, 5 căn hộ thì có đến 4 người ích kỷ, vụ lợi, có mỗi một người tốt. Nhưng rất may vở đó cũng được Trung ương ủng hộ và tham dự hội diễn sân khấu ở Nghệ An. 

    Mới đây, xem lại “Lời thề thứ 9” của Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng, cứ từng đoạn từng đoạn khán giả vỗ tay quá trời. Những tràng vỗ tay đó có làm bà thấy sống lại không khí của sân khấu một thời hoàng kim mà bà đã góp phần vào đó?

    - Tôi muốn nói điều này với Lưu Quang Vũ, tôi tin yếu tố tâm linh trong đời sống và nghệ thuật là có thật. Trước khi anh Vũ mất, tôi và anh làm 3 vở cho đoàn kịch Hải Phòng. Tôi đến nhà anh Vũ - chị Quỳnh ở phố Huế, thấy trên bàn anh là kịch bản viết dở có tên “Chim sâm cầm đã chết”. Tôi bảo Vũ đừng đặt tên thế, đổi đi, và anh đổi thành “Chim sâm cầm KHÔNG chết”. Không lâu sau đó thì anh mất, vở chưa hoàn thành… Nhưng những người có tài năng thì luôn sống mãi với thời gian. 

    Tại sao Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đến hàng trăm năm rồi mà vẫn được nhân dân yêu mến! Họ luôn vượt qua thời gian để đồng hành cũng xã hội, cùng mọi người. Sắp tới Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan các tác phẩm của Lưu Quang Vũ, tôi cũng mong lấy lại được sự nhiệt tình và ủng hộ của khán giả với sân khấu. Các vở diễn của Lưu Quang Vũ, dù có phê phán xã hội chát chúa thế nào, thì cái kết cũng rất nhân hậu, đem lại niềm tin có lý có tình cho khán giả vào cuộc sống. 

    Xin cảm ơn bà. 

    (*) Tên một bài thơ của Lưu Quang Vũ.
      (Theo Lao động) Mỹ Hằng