Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013


 12:02
 Kỳ lạ giếng "cho sữa" ở thủ đô
“Bất cứ người phụ nữ nào bị tắc sữa, ít sữa đến thành tâm cầu khấn và xin nước từ chiếc giếng lạ này về uống, nấu cháo thì trong vòng 3 ngày ngực sẽ căng sữa trở lại”.
Xin buổi sáng, buổi chiều ngực căng sữa

Đã từ rất lâu, với người dân Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), giếng sữa cùng ngôi miếu nằm cạnh là khu di tích rất linh thiêng, hễ bà mẹ nào đang nuôi con ít sữa, tắc sữa đến đây khấn và xin nước từ chiếc giếng về uống hoặc nấu cháo, lập tức bầu ngực sẽ căng sữa trở lại.

Đó là câu chuyện có thật vẫn diễn ra hàng ngày tại đây, mỗi ngày ngôi miếu cùng chiếc giếng nằm lặng lẽ đón tiếp biết bao bà mẹ, ông bố đến xin sữa cho con. Họ là những người trong vùng, trong huyện, thậm chí ở nhiều tỉnh thành phía Bắc lặn lội đến đây làm lễ.

 Giếng Sữa cùng ngôi đền nổi tiếng với việc xin sữa.
 Ngôi đền thờ thánh Mẫu.

Đồ lễ đến đây xin sữa cũng rất giản đơn, mỗi người đến đây chỉ cần mang theo cân hoa quả, vàng hương và tất nhiên không thể thiếu tấm lòng thành tâm của người đến xin sữa. 

Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thị Lạng (61 tuổi, thôn Cam Lâm, Đường Lâm) nói: “Người đến xin sữa chỉ cần đến cầu khấn bằng tấm lòng thành tâm nhất ắt sẽ có hiệu nghiệm. Ngoài ra, nếu người xin sữa sinh con trai thì đặt lễ 7 tờ tiền, còn sinh con gái thì 9 tờ”.

Nhưng để hiệu nghiệm thì người đến làm lễ đều phải để lại tất cả đồ lễ khi mang đến như hoa quả, gói bánh hay thậm chí cả chiếc bật lửa để đốt nhang, chiếc đĩa đựng hoa quả... Thấy tôi thắc mắc vì điều này, bà Lạng nói: “Rất khó giải thích nhưng đồ lễ đó sẽ là lộc lá mà ngôi miếu mang lại cho những đứa trẻ thôn Cam Lâm”.

 Bà Lạng chia sẻ với chúng tôi về những gì đã chứng kiến mà giếng Sữa mang lại cho người dân.

Bà Lạng cũng cho biết: “Đợt trước có hai vợ chồng tận Hải Phòng không có sữa nuôi con dù đứa trẻ mới chỉ hơn 2 tháng. Hình như gia đình đã uống thuốc tây, thuốc nam, ăn móng giò nhưng vẫn không có sữa. Nghe mọi người nói, hai vợ chồng tìm đến đây xin sữa và ngay lập tức trong vòng 3 ngày người vợ đã căng sữa. Ít lâu sau, người chồng đến tạ lễ và hồ hởi kể lại chuyện cho chúng tôi”.

Còn một trường hợp khác được cụ Nguyễn Thanh Hải (70 tuổi) kể rằng: “Năm ngoái ở thị trấn Phùng có một cháu nhỏ bị suy dinh dưỡng nặng, đe dọa sức khỏe nghiêm trọng, dù chữa trị khắp nơi cũng không khỏi. Sau này gia đình mới biết là sữa mà người mẹ cung cấp không đủ dưỡng chất cho đứa trẻ ấy. Thấy mọi người nói gia đình đã mang cả 2 mẹ con lên đây làm lễ. Hơn 1 tháng sau, 2 mẹ con trở lại tạ lễ, đứa bé trở nên kháu khỉnh đến lạ”.

 Nước giếng luôn trong vắt suốt bốn mùa.

Câu chuyện giữa tôi và cụ Hải bị cắt ngang bởi cô Nguyễn Thị Nguyệt (50 tuổi), cô Nguyệt kể: “Ngày bà ngoại mới sinh tôi do không có sữa, dù năm đó trời rét cắt da cắt thịt cũng phải lặn lội từ xã bên qua đây xin sữa. Sau khi làm lễ và mang nước về nấu cháo, lập tức chiều hôm ấy bầu ngực của bà đã đầy sữa. Chính vì điều này mà tôi mới có ngày hôm nay”.

Cả làng hưởng “lộc sữa” từ giếng

Giếng sữa nằm cạnh con đường mòn, đồi Nghẽn thôn Cam Lâm (Đường Lâm, Sơn Tây), xung quanh cây cối um tùm. Giếng chỉ rộng 80cm, sâu chừng 2m, thành giếng làm từ đá ong còn nước thì luôn trong vắt suốt bốn mùa. Điều đặc biệt nhất chúng tôi phát hiện là dù giếng nằm rệ đường, đáy giếng cao hơn mực nước ruộng khoảng 80cm nhưng luôn đây ắp nước. Còn ngôi đền cũng được làm bằng đá ong, lợp ngói phủ rêu phong nhưng chỉ rộng chừng vài ba mét vuông. 

 Bao quanh ngồi đền nhỏ và giếng là cây cối um tùm. 
 
 Đồi Nghẽn và đường vào giếng sữa.

Chẳng ai biết giếng sữa và ngôi đền có từ bao giờ, đến những bậc cao niên trong làng cũng không thể biết được, họ chỉ nhớ khi lớn lên đã thấy chiếc giếng và ngôi đền nằm ở đó rồi.

Vào thế kỷ trước, có năm thôn Cam Lâm vào mùa hạn hán đỉnh điểm, nước trong vùng thiếu thốn, từ sông ngòi, ao chuôm đều cạn rặc. Thậm chí, những chiếc giếng đào sâu xuống lòng đất cả chục mét cũng trơ đáy, nhưng lạ kỳ chiếc giếng nằm cạnh ngôi miếu lại đầy ắp nước. Điều kỳ lạ này khiến người dân Cam Lâm vô cùng vui mừng, họ thi nhau ra giếng lấy nước về ăn uống, tắm rửa. Mặc dù chiếc giếng bé cỏn con nhưng cả thôn hàng trăm gia đình dùng nhưng chẳng bao giờ cạn nước.

Điều đặc biệt nhất đối với nước ở giếng sữa dù trải qua hàng trăm năm nhưng nước vẫn trong xanh, mát lạnh mà chẳng thể chiếc giếng nào có được. 

Khi chúng tôi thắc mắc tên gọi giếng sữa có từ bao giờ thì mỗi người đưa ra một câu chuyện. Có người nói, thời xưa có một thánh mẫu không có sữa nuôi con, khi đi qua đây thấy một tia nước trồi lên, bà liền vốc nước uống lập tức có sữa cho đứa trẻ uống; người thì cho rằng tận thời Âu Cơ đưa con lên rừng, khi bà đi qua đây chọc gậy thành chiếc giếng này… Nhưng dù là lý do gì đi chăng nữa thì đây đã trở thành chốn linh thiêng đối với rất nhiều người.

Trong câu chuyện với những người thôn Cam Lâm chúng tôi được biết rằng, từ xưa đến nay không có bất cứ người phụ nữ trong thôn nào bị thiếu sữa, tắc sữa hay rối loạn. Tất cả những người trong thôn đều có nguồn sữa dồi dào. 

 Cô Nguyệt thỉnh thoảng đến miếu và giếng để dọn dẹp vì cô tin rằng chính nơi này trước kia đã phù hộ cho bà ngoại có sữa để nuôi cô.

Nói về điều này, cô Nguyệt cho rằng: “Có lẽ phụ nữ cả thôn được hưởng lộc từ giếng nên các thần thánh phù hộ cho. Như tôi đây này, ngày xưa bà ngoại ở xã bên đẻ tôi ra phải đến xin mới được, khi tôi về làm dâu Cam Lâm thì sinh 3 cháu đề nhiều sữa lắm”.

Không chỉ các cô con dâu của Cam Lâm nhiều sữa mà những người con gái trong làng khi xuất gia khắp mọi nơi đều không hề thiếu sữa. Nhưng dù đi đâu, làm gì thì người Cam Lâm hàng năm đều đến miếu và giếng sữa thắp nén hương xem như tạ ơn vì mang lại cho họ nhiều điều may mắn.

Xin được cả sữa cho trâu bò, lợn?!

Trong câu chuyện giữa chúng tôi với người dân thôn Cam Lâm, ai cũng khẳng định rằng giếng Sữa không chỉ linh thiêng đối với người mà còn phù hộ cho cả động vật. Ví như nếu gia đình nào có trâu bò, lợn đẻ mà thiếu sữa, người nhà đến khấn rồi xách nước từ giếng về cho trâu bò, lợn, chó… là ít ngày sau có sữa liền.

“Người cũng là động vật cả mà nên thánh đều phù hộ cho. Chính vì điều này nên rất nhiều gia đình đã đến đây xin sữa cho vật nuôi và thành công”, bà Lạng, cô Nguyệt đều khẳng định điều này.

 Theo người dân Cam Lâm, giếng không chỉ xin được sữa cho người mà còn xin được cho cả vật nuôi.

Riêng với việc xin sữa cho động vật chỉ diễn ra trong xã Đường Lâm, điều này lại chứa đựng những câu chuyện ly kỳ và khó lý giải.

Chia tay Cam Lâm, chúng tôi được biết rất nhiều người vẫn truyền tai nhau những câu chuyện ly kỳ về giếng sữa. Nhưng có một thực tế là rất nhiều người hiện đã và đang tìm đến Cam Lâm để xin sữa cho con, cho vợ hoặc cho vật nuôi nhà mình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Thủy, trưởng ban Văn hóa xã Đường Lâm cho hay: “Tục xin sữa tại giếng sữa thôn Cam Lâm có từ rất lâu đời, đó là một nét văn hóa tâm linh của người Đường Lâm. Người đến xin sữa thường phải đặt lễ, cúng bái trước đền rồi mới múc nước mang về đun nấu”. 

Lý giải về hiện tượng lạ này, ông Thủy cho rằng: “Có thể trong nước giếng sữa tồn tại vi chất nào đó có lợi cho việc tiết sữa cho người phụ nữ nuôi con”.
Theo Tri thức trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét