Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

11:05

“Chống tham nhũng cần cơ quan độc lập”

“Tôi không tin lắm vào việc thành lập lại Ban Nội chính thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ tiến triển theo một hướng mới mang tính đột phá”...

 “Chống tham nhũng cần cơ quan độc lập”
PGS.TS Trần Đình Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội

Gọi tham nhũng là “quốc nạn”, PGS.TS Trần Đình Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, cho hay ông không nhiều hy vọng việc tái lập Ban Nội chính Trung ương sẽ là “chiếc đũa thần” thay đổi tình hình. Chặng đường chống quốc nạn đang còn rất gian nan.

Ban Nội chính Trung ương đã được tái lập và đi vào hoạt động hơn một quý nhưng chưa có sự kiện nào, vì sao, thưa ông?

Tôi có quan sát thấy gần đây, có một số hãng thông tấn nước ngoài nói rằng, hiện nay người dân Việt Nam không còn bức xúc với tham nhũng vặt. Có lẽ chúng ta cần đánh giá và nhìn nhận lại bởi chính bản thân tôi cũng phân vân không biết điều đó nên buồn hay vui. Vui vì người dân không còn bức xúc, hay buồn vì tham nhũng đã trở thành chuyện thường ngày và chúng ta đã phải quen với việc chung sống cùng nó.

Thực tế, việc phát hiện và đấu tranh với tham nhũng hiện nay quá yếu, hầu như không phát hiện được những vụ tham nhũng lớn. Thỉnh thoảng mới phát hiện một số vụ tham nhũng nhỏ lẻ, lặt vặt. Điều đó không chứng tỏ rằng tham nhũng chững lại mà do chúng ta không phát hiện được hoặc vì những lý do khác nhau không thể phát hiện được.

Thật tình mà nói, tôi không tin lắm vào việc thành lập lại Ban Nội chính thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ tiến triển theo một hướng mới mang tính đột phá.

Tổng Bí thư cũng luôn nói rằng Ban Nội chính Trung ương cũng như Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng luôn phải chịu sức ép rất lớn về việc phải xoay chuyển được tình hình, nhưng đây không phải là “cây đũa thần”, thưa ông?

Tôi hoàn toàn chia sẻ với nỗi niềm này. Bởi vì đúng là việc thành lập lại Ban Nội chính Trung ương là cần thiết để đôn đốc chỉ đạo tích cực hơn cho công tác phòng chống tham nhũng nhưng Ban Nội chính không phải “chiếc đũa thần”, không làm thay được việc của các cơ quan khác.

Có nhiều ý kiến cho rằng, phải tái lập Ban Nội chính Trung ương vì công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ trong hơn nhiệm kỳ qua chưa hiệu quả. Xin cho biết quan điểm của ông?

Nhìn nhận một cách công bằng thì không phải Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không làm mà chỉ là làm chưa quyết liệt và chưa đến cùng nên chưa hiệu quả.

Tôi nhớ năm 2007, Thủ tướng đã ban hành quyết định về vấn đề quà biếu, nhận và trả lại quà biếu. Nhưng sau 6 năm, quy định được thực hiện như thế nào thì chúng ta ai cũng biết. Số quà trả lại thời gian qua rất hãn hữu. Người ta vẫn biết việc nhận quà như một thói quen xấu, nhưng vì người trên nhận được thì người dưới cũng nhận được, và những món quà này ngày càng trở nên “biến dạng” khi nó mang chất hối lộ nhiều hơn.

Có những quyết định của Thủ tướng thì được các ngành các cấp lao vào thực hiện răm rắp và mang lại hiệu quả như quy định cấm pháo nổ, bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy..., nhưng quy định về quà biếu dường như không đi đến đâu.

Tôi thấy đây là một vấn đề rất lớn trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Vì quà biếu không chỉ mang giá trị mà đó còn là nhân cách, là thước đo của một người cán bộ, đảng viên.

Bác Hồ khi nhận được quà biếu chỉ là mấy quả cam mà còn cảm thấy băn khoăn, day dứt. Bây giờ tại sao cán bộ không còn thấy có những cảm xúc như vậy. Câu hỏi này không trả lời được thì khó hy vọng cải thiện được tình trạng tham nhũng.

Tại Kỳ họp tháng 10 năm ngoái, ông đề xuất cần thành lập một ủy ban đặc biệt về phòng chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội. Đến nay, ông vẫn còn ấp ủ hy vọng sẽ có một ủy ban như vậy?

Một cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập do Quốc hội lập ra để bảo đảm tính độc lập, không bị chi phối bởi các cơ quan hành pháp, tư pháp hay một cấp nào khác vẫn là việc nên làm. Cơ quan này sẽ tập hợp lực lượng ưu tú, có khả năng đánh vào những vụ tham nhũng lớn.

Ngoài điều tra phát hiện tham nhũng, cơ quan độc lập về phòng chống tham nhũng có tính chất như một cơ quan đứng đầu trong tất cả các cơ quan về phòng chống tham nhũng, có thể yêu cầu các cơ quan phòng chống tham nhũng hiện nay báo cáo, khởi tố vụ án, tự mình điều tra...

Mô hình này thực ra không mới, nhiều nước đã có và tương đối thành công. Khi tôi đề xuất, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý, một số ý kiến cho rằng chưa chín, một số ý kiến đề xuất đưa việc thành lập cơ quan này vào Hiến pháp... Nhưng tôi cho rằng với quy định hiện hành, Quốc hội cũng đã có đủ thẩm quyền để lập ra một cơ quan độc lập về phòng chống tham nhũng như vậy.
(Theo VnEconomy) Đoàn Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét