Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

20:00

‘Có thể sớm dỡ trần lãi suất huy động’

Việc 15 ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi dù trần lãi suất vẫn là 7,5% theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, là một tín hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước nên sớm dỡ bỏ biện pháp hành chính này.
 Khả năng tự điều chỉnh lãi suất, không cần can thiệp của Ngân hàng Nhà nước là một trong những điểm tích cực nhất của thi trường tiền tệ, vừa được Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chỉ ra trong báo cáo kinh tế tháng 5.
Dù trần lãi suất huy động vẫn giữ ở 7,5% nhưng lãi suất tiền gửi tại nhiều nhà băng đã điều chỉnh giảm. Trước khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu vào ngày 10/5, các ngân hàng quốc doanh đã rục rịch đưa lãi tiền gửi về 5-6% một năm với kỳ hạn dưới 12 tháng. Đầu tiên là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), sau đó đến Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) rồi đến Công Thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank). Đến ngày 21/5, theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, 15 ngân hàng cổ phần đã giảm lãi suất ở các kỳ hạn.
Trần lãi suất huy động được đưa ra vào năm 2011 để "siết" lại mặt bằng lãi suất. Khi đó, các nhà băng đua nhau huy động với lãi suất cao để thu hút tiền gửi khi thanh khoản có vấn đề. Hậu quả là, một lượng vốn lớn mà họ huy động với giá đắt đỏ đã được các nhà băng này cho vay ra nền kinh tế với lãi suất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đến nay, sau hơn một năm có "trần", nhiều ý kiến cho rằng đã tới lúc phải dỡ bỏ biện pháp này để thị trường tự quyết định thay vì các biện pháp hành chính. Tuy nhiên, trả lời báo chí ngày 10/5, bản thân Ngân hàng Nhà nước vẫn bảo lưu quan diểm tiếp tục giữ trần huy động. Bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ cho rằng: "Thị trường tiền tệ được thiết lập như thời gian qua là rất khó khăn nên giờ bỏ trần có thể sẽ lại khó khăn hơn".
Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, dù thanh khoản hệ thống đã cải thiện và có dư thừa nhưng vẫn có những tổ chức tín dụng thanh khoản "chưa thực sự tốt". "Nếu bỏ trần bây giờ, các ngân hàng này có thể lại tăng lãi suất huy động và kéo theo mặt bằng lãi suất cho vay cao. Như vậy chủ trương giảm mặt bằng lãi suất cho vay lại không thực hiện được", bà Hồng giải thích.
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vẫn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu thời điểm thích hợp xoa bỏ quy định trần lãi suất huy động để giúp thị trường tăng khả năng tự điều tiết.
Trao đổi với VnExpress.net, Viện phó Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng - Học viện Ngân hàng - Nguyễn Đức Trung cho hay, ở một số nước như Mỹ, trần lãi suất huy động được sử dụng khi họ muốn thu hẹp số lượng ngân hàng. "Khi có trần, ngân hàng nhỏ sẽ mất dần cơ hội làm ăn chụp giật và trở nên khó khăn, buộc phải sáp nhập với ngân hàng lớn. Mỹ đã dùng cách này những năm 1980 để rút ngắn số lượng các nhà băng nhỏ", ông Trung cho hay. Với trường hợp Việt Nam, quốc gia theo ông Trung là cũng có quá nhiều ngân hàng, cách này cũng có thể là một sự lựa chọn.
(Theo VnExpress) Thanh Thanh Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét