Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

14:17

 Thảo luận tại Quốc hội về điều 170 của Luật Doanh nghiệp:

“Thiết tha đề nghị tổng kết thí điểm tập đoàn”

SGTT.VN - Hệ lụy các vấn đề của các tập đoàn kinh tế còn lớn hơn nhiều so với vấn đề mà điều 170 đề cập (gia hạn đăng ký cho các doanh nghiệp FDI). Hành lang pháp lý cho từng ấy tập đoàn cũng chưa có, ông Nguyễn Đình Quyền, đại biểu đoàn Hà Nội, bức xúc đặt vấn đề trong phiên thảo luận sáng 28.5.

Sửa Điều 170 Luật Doanh nghiệp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI, đồng thời giải quyết được việc làm cho người lao động. Ảnh: TL
Chính phủ tiến hành thí điểm các tổng công ty và tập đoàn kinh tế quá lâu rồi mà vẫn chưa có đạo luật về hoạt động của các mô hình này. “Tôi thiết tha đề nghị, đây là lần thứ ba rồi, phải tổng kết ngay việc thí điểm (mô hình tổng công ty và tập đoàn) xem cái gì được, cái gì không và trình Quốc hội sửa luật Doanh nghiệp có hành lang điều chỉnh toàn diện về vấn đề này. Đã đến lúc không còn dừng được nữa”. Ông Quyền dẫn ví dụ vụ các thủy thủ của các tập đoàn Vinashin, Vinalines kêu cứu ở nước ngoài, họ sống như ở hoang đảo vì tàu không hoạt động, vợ con ở nhà thì không có tiền gửi về, ảnh hưởng đến cả thể diện quốc gia. “Đó là hệ quả của việc hành lang pháp lý không điều chỉnh”.

Tại hai đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội và TP.HCM, nhiều ý kiến trái chiều về sự cần thiết sửa điều 170 của luật Doanh nghiệp. Một số đại biểu đồng tình cần sửa vì nếu gia hạn cho các doanh nghiệp FDI sẽ tạo việc làm cho lao động Việt Nam, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, giữ chân các doanh nghiệp FDI ở lại Việt Nam.

Ngược lại, một số đại biểu nhận định điều quan trọng phải là thu hút doanh nghiệp thực sự có năng lực. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về cơ chế xin cho cũng như quản lý việc chuyển giá của các doanh nghiệp FDI. Các ý kiến đề nghị Chính phủ, bộ Kế hoạch và đầu tư rà soát lại vấn đề này.

Tại điều 170 của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã được cấp giấy phép đầu tư trước ngày 1.7.2006 phải đăng kí lại và tổ chức quản lí, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và pháp luật có liên quan. Việc đăng kí lại được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Theo đó, kể từ ngày 1.7.2011, những doanh nghiệp FDI chưa thực hiện đăng kí lại không được bổ sung ngành nghề kinh doanh, chỉ được hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành nghề quy định tại giấy phép đầu tư, không được gia hạn dự án đầu tư. Số liệu thống kê của bộ Kế hoạch và đầu tư, đến ngày 31.5.2013, có 2.916 doanh nghiệp trong tổng số 6.000 doanh nghiệp FDI chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại.

Trong phần thảo luận về thuế Giá trị gia tăng (GTGT) chiều cùng ngày, nhiều đại biểu đề nghị xem xét mức tối thiểu để hoàn thuế là 500 triệu đồng. Đại biểu Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) cho rằng giai đoạn hiện nay quy định như vậy là không khả thi, nhiều doanh nghiệp khó khăn về vốn, quy định như vậy rất lâu doanh nghiệp mới được hoàn thuế. Đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang) đề nghị giữ mức tối thiểu 200 triệu vì nếu nâng 2,5 lần sẽ gia tăng khó khăn vốn đối với doanh nghiệp do chậm được hoàn thuế.
(Theo Sài Gòn tiếp thị) Việt Anh – Chí Hiếu
Bây giờ mà tổ chức tổng kết việc thí điểm các Tập đoàn, Tcty thì sẽ phơi hết những yếu kém, tồn tại, thậm chí những vi phạm ra. Lúc đó trách nhiệm của nhiều lãnh đạo sẽ không chỉ đơn giản là xin lỗi vì liên quan tới sự thất thoát hàng đống tài sản Nhà nước. Tốt nhất là “ngậm miệng ăn tiền”.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét