Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

11:04

 "Khủng hoảng quá dài bởi điều hành kinh tế có vấn đề"

(Kienthuc.net.vn) - "Tình hình kinh tế đã quá trì trệ, khủng hoảng quá dài bởi điều hành kinh tế có vấn đề. Đã đến lúc không thể ngồi im hay sử dụng các biện pháp thông thường được nữa.

"Nếu cứ mãi thế này, sự trì trệ sẽ còn kéo dài", TS Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội TPHCM chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội.

Trì trệ quá rồi!
Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội năm 2012 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội có khẳng định nền kinh tế đang rơi vào suy thoái trầm trọng. Nhiều đại biểu cho rằng kinh tế nguy quá rồi. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Nền kinh tế trong giai đoạn trì trệ nặng. Khu vực doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn rất lớn về vấn đề cạnh tranh. Những gì đạt được trong 2 năm qua chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài. Đã đến lúc phải có những giải pháp đặc thù, đặc biệt để vực dậy nền kinh tế, vượt qua giai đoạn suy giảm nghiêm trọng kéo dài 6 năm rồi mà chưa có dấu hiệu dừng. Trong khi giai đoạn khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 - 1999 là chỉ có 3 năm đã hồi phục.
Mức tăng trưởng những tháng đầu năm vẫn đang ở ngưỡng 5%, vậy mà vẫn trì trệ?
Kinh tế tăng trưởng quá thấp. Nền kinh tế chỉ tăng trưởng 7 - 8%/năm thì mới giải quyết được mục tiêu rút ngắn khoảng cách với các nước khu vực và giải quyết được các vấn đề xã hội bên trong. Còn mức tăng trưởng 5% như hiện nay là một nguy cơ lớn của nền kinh tế.
Vì sao lại nên nông nỗi ấy?
Trước đây, tăng trưởng kinh tế dựa trên 4 yếu tố là nền nông nghiệp phát triển cao, khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân, đầu tư nước ngoài theo hình thức FDI. Nhưng đến thời điểm 2012, tôi thấy điều đáng lo là kinh tế duy trì sự tăng trưởng chỉ còn dựa trên yếu tố cơ bản nhất và duy nhất là FDI. Sự sút giảm, mất tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước là điều đáng lo ngại. Kinh tế nhà nước đuối sức, tăng trưởng cũng rất khó khăn, khó mà duy trì mức tăng trưởng như trước đây.
Vậy phải làm thế nào để vực dậy nền kinh tế?
Không thể điều hành chính sách tài khóa tiền tệ bình thường được. Phải xây dựng chương trình 3 năm chứ không nên đeo bám kế hoạch 5 năm. Trong đó sử dụng các công cụ tài khóa tiền tệ chính xác. Tôi nói lại là làm bình thường thì không giải quyết được đâu. Phải can thiệp vào nên kinh tế bằng những giải pháp quyết liệt. Phải xây dựng chương trình đặc biệt 3 năm 2013 - 2015 để phục hồi nền kinh tế. Chương trình này phải hướng vào mục tiêu dùng tất cả các cách vực nền kinh tế cả nước lên. Không để kinh tế tiếp tục trì trệ và suy giảm như hiện nay. 
 
TS Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội TPHCM. 

Phải tìm ra địa chỉ trách nhiệm
Trở lại với các yếu tố then chốt trong nền kinh tế trước đây như ông vừa nói. Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế là nông nghiệp. Thế nhưng người dân vẫn tự hỏi vai trò quản lý ở đâu khi cái điệp khúc "được mùa mất giá" cứ liên tục tái diễn trong nhiều năm?
Nếu như trước đây, nông nghiệp được coi là then chốt trong phát triển kinh tế thì nay, nông nghiệp đã không còn là cứu cánh của nền kinh tế. Người chăn nuôi thua lỗ, người trồng lúa không bán được. Điều này phải đặt câu hỏi là các giải pháp chính sách đã hợp lý chưa. Vì sao khó khăn vẫn dồn lên vai người nông dân. Vì sao nông nghiệp lại trì trệ như thế, trong khi có đến 80% dân số làm nông nghiệp. Cần phải tìm ra địa chỉ trách nhiệm, chứ không thể nói chung chung là chưa phát triển tương xứng, cần giải pháp đồng bộ...
Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản, không cạnh tranh được. Do doanh nghiệp hay do cách điều hành?
Doanh nghiệp nhà nước thua ngay trên sân nhà là một điều rất xót xa. Nói vậy là bởi chủ trương chính sách là do mình đưa ra, vậy sao doanh nghiệp của mình lại khốn đốn thế? Vì sao tình trạng kéo dài đã nhiều năm mà không tìm ra giải pháp. Năm nào cũng đánh giá là còn hạn chế, yếu kém, đưa ra giải pháp, thế nhưng tình hình vẫn thế. Vì sao doanh nghiệp trong nước không làm chủ được. Các giải pháp đưa ra, chủ trương chính sách có gì bất cập?
Nhưng rõ ràng việc doanh nghiệp không cạnh tranh được ngay ở thị trường trong nước mình thể hiện việc quản lý điều hành của chính từng doanh nghiệp?
Tất nhiên là như thế, nhưng ở góc độ tổng thể, khó khăn của kinh tế là hệ quả tất yếu của sự điều hành kém.
Và một nền kinh tế mà chỉ dựa vào đầu tư nước ngoài (FDI) thì không thể ổn định?
Đúng là thế. Đấy là chưa kể doanh nghiệp nước ngoài còn sử dụng mánh này mánh kia chuyển thuế, trốn thuế. Cái lợi của nền kinh tế chưa thấy, chỉ thấy doanh nghiệp trong nước chết dần. 

Nhà nước trả nợ cho doanh nghiệp là không được
Ông vừa nói phải mạnh tay xử lý doanh nghiệp nhà nước?
Phải xử lý vấn đề nợ của các doanh nghiệp nhà nước một cách minh bạch. Ví dụ, một số cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước có thể bán được thì bán bớt đi, còn tồn đọng bao nhiêu thì dồn nguồn lực này lại. Không để tản mát một mớ ở tập đoàn, mớ ở tổng công ty, một mớ ở FDI... Ta chấp nhận trả nợ cho một số doanh nghiệp và giải thể, phá sản một số doanh nghiệp. Chúng ta mất cái này thì dồn tiền đầu tư cái khác có lợi hơn. Khối lượng tài sản của nhà nước đang đầu tư vào các doanh nghiệp cần được quản lý một cách có hiệu quả chứ không phải chuyện riêng của doanh nghiệp, của tập đoàn. 
Việc giải thể, mạnh dạn phá sản nên tập trung vào lĩnh vực nào thưa ông?
Tôi đã nói rồi, những nợ nần dây dưa không giải quyết được mà cứ ôm thì để làm gì? Thậm chí tôi đề nghị dùng cả mô hình BBI, nghĩa là một công trình doanh nghiệp nhà nước làm, nhà nước đầu tư, giờ không triển khai được thì tư nhân có nhu cầu có thể đầu tư tiếp mà không để doanh nghiệp ôm nữa. Chứ như vừa rồi, từng đơn vị làm, từng tập đoàn, tổng công ty làm đề án rồi vẫn giữ phần cho mình thì không thể giải quyết tổng thể được.
Nếu làm, phải bắt đầu từ đâu?
Phải đột phá xử lý vấn đề doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta không tạo được niềm tin cho thị trường mà chỉ lo trả nợ cho doanh nghiệp nhà nước là không được. Đó là vấn đề khó quyết định, khó làm, nhưng nếu không làm thì nền kinh tế càng lún sâu vào suy giảm và sẽ phát sinh những vấn đề khác còn lớn hơn. Mạnh tay xử lý doanh nghiệp nhà nước yếu kém, tạo sức cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đang được Quốc hội xem xét, đây có phải là giải pháp đột phá cho thị trường hiện nay?
Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là đúng. Chúng ta chấp nhận một nguồn thu có thể giảm trong ngắn hạn nhưng có thể phát triển bền vững trong dài hạn. Ví dụ, một số chi tiêu công phải tiết kiệm đặc biệt ví dụ như một vài năm tới thì các công trình trụ sở cơ quan, tất cả phải tạm dừng. Mua sắm công không cần thiết cũng dừng. Chỉ bảo đảm tiền lương và trợ cấp xã hội thôi, còn các khoản khác thì phải tiết kiệm một cách tối đa để giảm bội chi. Có làm thế mới cứu được nền kinh tế!
Xin cảm ơn ông!
Gói 30.000 tỷ đồng vừa được khởi động nhằm tạo điều kiện cho người có nhu cầu mua nhà tiếp cận được nhà ở, cũng là cách để dần phá băng thị trường bất động sản. Đó cũng chỉ là một bước trước mắt, có ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường. Thị trường bất động sản thì quản lý quá kém. Ai cũng làm bất động sản được. Anh đang làm bao bì, làm công nghiệp... cũng sang làm bất động sản được. Sản phẩm thị trường bất động sản như một chiếc máy bay toàn ghế thương gia mà không có ghế phổ thông. Tạo ra thị trường thì tự nhiên thị trường sẽ phát triển. Ngân hàng thương mại cho vay lãi suất 6% trong 10 năm cho dân vay mua nhà dưới 1 tỷ đồng. Nếu làm được điều này một cách nhanh chóng sẽ có tác dụng lan tỏa. Chứ không có giải pháp nào cứu bất động sản một cách nhanh chóng được.

Tô Hội (Thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét