Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013


14:03

“Tội đồ” trung gian

Bao nhiêu năm trồi sụt lên xuống nhưng chưa khi nào ngành chăn nuôi cả nước lại đứng trước nguy cơ đổ vỡ rõ ràng như hiện nay. Người chăn nuôi vùng Đông Nam bộ, vùng ĐBSCL kiệt quệ tài chính, đồng loạt kêu cứu vì đầu ra bế tắc, gà heo quá lứa không bán được.

Chưa có một ngành sản xuất nào mà giá bán ra thị trường chỉ bằng một nửa giá thành như tình cảnh các trại gà thịt hiện nay. Thậm chí cả những doanh nghiệp nước ngoài tài chính dồi dào như C.P, Japfa, Emivest cũng gấp rút giảm đến hơn phân nửa sản lượng gà thịt để cắt lỗ. Hàng loạt nguyên nhân dẫn đến khó khăn hiện tại của ngành chăn nuôi như kinh tế suy thoái, sức mua sụt giảm, thông tin dịch bệnh…
Người chăn nuôi đang khẩn thiết kiến nghị các cấp quản lý có giải pháp để khơi thông thị trường, nhưng chính những lỗ hổng trong khâu phân phối lại đang góp sức bóp chết họ. Bởi dù thị trường giảm tiêu thụ, ế ẩm nhưng giá heo gà đến tay người tiêu dùng hầu như không giảm. Từ các chợ bán lẻ cho đến các siêu thị, giá thịt gà, thịt heo vẫn cao ngất ngưởng từ tết đến nay. Ghi nhận tại một số siêu thị cho thấy gà công nghiệp nguyên con đang có giá 41.000 đồng/kg, đùi gà tháo khớp 61.900 đồng/kg, đùi tỏi 75.000 đồng/kg, cánh gà 79.500 đồng/kg, đùi gà góc tư 58.000 đồng/kg, chân gà 63.800 đồng/kg... trong khi theo tính toán của một chủ kinh doanh gà giá bán phải ở mức thấp hơn 10.000-15.000 đồng/kg mỗi loại mới hợp lý.
Lý do nhà cung cấp đưa ra là giá hàng bình ổn không giảm nên họ cũng không điều chỉnh, hoặc thịt heo đạt chuẩn, không bị ảnh hưởng dịch cúm nên không giảm giá. Còn các tiểu thương cho biết lượng thịt heo, thịt gà bán ra đang rất thấp nên phải bán giá cao, thậm chí tăng giá để “lấy lời cao bù số lượng giảm”. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, khẳng định chính khâu trung gian cố tình giữ giá bán cao để hưởng lợi đã làm suy giảm nghiêm trọng sức mua của người dân vốn đã yếu sẵn từ vài năm nay. Chính vì khâu chăn nuôi và tiêu thụ chưa được gắn kết, mạnh ai nấy làm; nên trong khi giới trung gian và nhà phân phối đẩy giá lên cao thu lợi thì hàng triệu nông dân đang ngắc ngoải và hàng chục triệu người tiêu dùng phải ăn thịt gà, heo giá đắt. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm các cơ quan chức năng cần chấn chỉnh lại khâu phân phối trung gian; đồng thời chương trình bình ổn giá phải thể hiện trách nhiệm của mình với người tiêu dùng, với người chăn nuôi. Không thể kéo dài tình trạng người chăn nuôi đang phải chịu lỗ để bán heo, gà dưới giá thành sản xuất trong khi giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cứ cao ngất.
Về giải pháp trước mắt, theo các chuyên gia trong ngành, Chính phủ cần hỗ trợ để người chăn nuôi cấp đông, trữ lạnh đàn gà, heo đang quá lứa hiện nay. Cách này sẽ giúp điều tiết nguồn cung, giảm bớt áp lực cho người chăn nuôi trong khi chờ chấn chỉnh khâu trung gian.
(Theo Thanh niên) Quang Thuần
Chung quy tại bộ máy quản lý của ta yếu kém. Người buôn bán ở bất kỳ quốc gia nào thì cũng muốn có lợi nhuận cao nhất. Họ không thể tăng giá, ghìm giá ở mức bất hợp lý bởi cơ quan quản lý cùng công cụ luật pháp không cho phép họ làm được như vậy. Còn ở ta thì Luật pháp sơ hở, đội ngũ công quyền yếu kém, tham lam. Chỉ những người yếu thế là không được bảo vệ. Ai là tội đồ? Đáng buồn là cứ đổ hết cho gian thương.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét