07:49
Hà
Nội:
Xuất hiện phí “chống
trượt” hàng triệu đồng/học sinh
QĐND Online - Chiều 29-5,
phóng viên Báo Quân đội nhân dân Online nhận được thông tin bạn đọc phản ánh,
Trường THPT Phú Xuyên B (Hà Nội) là một trường công lập đã thu của mỗi học
sinh khối 12 khoản tiền lên tới 1.006.000 đồng, bao gồm: Phí “học
thêm, hỗ trợ thi” là 724.000 đồng, phí 3 đợt thi thử là 270.000 đồng, phí làm
bằng tốt nghiệp là 12.000 đồng.
Có hay không
phí “chống trượt”?
Bạn đọc còn gửi
kèm hình ảnh chụp một tấm bảng ghi nội dung công tác của nhà trường, thể hiện
rõ các khoản thu, các đợt thi thử, họp chi bộ, thầy cô phụ trách. Đây là một
thông tin được cho là nhạy cảm vì trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ
Giáo dục và Đào tạo thể hiện quyết tâm rất cao trong xử lý các tiêu cực.
Để làm rõ
thông tin bạn đọc nêu, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với ông
Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Xuyên B. Ông Thanh cho
biết: Hình ảnh và thông tin nêu trên đúng là diễn ra tại nhà trường. Ông
Thanh xác nhận có việc thu tiền với số lượng như phản ánh. Tuy nhiên, ông
Thanh giải thích khoản tiền 724.000 đồng chỉ là tiền học thêm, không phải là
tiền “chống trượt”. Ông Thanh cũng cho biết, hiện nhà trường cũng đã nhận
được chỉ đạo của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu phải xác
minh, làm rõ sự việc. Nhà trường đang họp để xử lý sự việc này. Cũng trong
chiều 29-5, trao đổi với Phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Hiệp
Thống, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, đã nhận được
thông tin phản ánh về việc thu tiền tại trường THPT Phú Xuyên B. Sở đang tiến
hành xác minh, làm rõ sự việc.
Mặc dù sự việc
đang được làm rõ nhưng dư luận cho rằng, trong một kỳ thi tốt nghiệp THPT mà
tổ chức học thêm nhiều ngày, thu phí tới 724.000 đồng tiền học thêm là quá cao.
Được biết, trước đó, liên sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính Hà Nội đã ban
hành công văn số 4814/LSGDĐTTC, thống kê mức kinh phí phục vụ trong kỳ thi
tốt nghiệp THPT năm 2013 cho mỗi học sinh là 318.700 đồng. Tuy nhiên, Hà Nội
sẽ trích ngân sách để miễn phí cho học sinh. Học sinh chỉ phải đóng 12.000
đồng tiền cấp bằng tốt nghiệp THPT.
Việc tổ chức
học thêm quá nhiều cũng hoàn toàn trái ngược với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khi nói về đề thi năm nay: “Nói chung cả 2 kỳ thi
(tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ – PV) đều ra đề thi nằm trong chương
trình THPT, nằm chủ yếu ở chương trình lớp 12. Đề thi sẽ được ra một cách căn
bản, không đánh đố học sinh. Với những môn khoa học xã hội - nhân văn sẽ ra
đề theo hướng mở và không yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng một cách máy
móc”. Vậy có hay không sự cần thiết phải tổ chức học thêm kéo dài như
vậy.
Tương tự về
hiện tượng học thêm tại Hà Nội, ở Bắc Giang, chiều 26-5, ông Nguyễn Đức Hiền,
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cho biết, tại Trường THPT Dân
lập Đồi Ngô tuy không có hiện tượng thu tiền “chống trượt” như dư luận song
nhà trường có thu của mỗi học sinh lớp 12 số tiền 520.000 đồng. Trong đó,
tiền học ôn thi tốt nghiệp: 440.000 đồng, tiền phôi bằng tốt nghiệp: 10.000
đồng, tiền thi học kỳ II: 20.000 đồng, tiền thi thử tốt nghiệp: 30.000 đồng.
“Chặt rắn
đằng…đuôi”
Trước đó, ngày
24-5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 3507/BGDĐT-VP gửi Giám
đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: Nhiều cơ sở giáo dục vẫn lợi dụng kỳ
thi tốt nghiệp THPT để tổ chức dạy thêm học thêm tràn lan và có nhiều hình
thức thu góp, lợi dụng danh nghĩa hội cha mẹ học sinh để thu tiền gây bức xúc
dư luận. Bộ yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra để ngăn chặn ngay và
xử lý nghiêm khắc, nơi nào thu góp trái quy định dưới bất kỳ hình thức nào
đều phải trả lại cho học sinh và gia đình học sinh.
Tại cuộc
họp báo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 25-5, trước phản ánh của
phóng viên về hiện tượng một số địa phương tổ chức học thêm tràn lan và thu
tiền “chống trượt”, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học của Bộ
Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Trong nhà trường, ngoài lệ phí thì học sinh
không phải nộp gì cả, địa phương nào thu các khoản ngoài là trái quy định. Bộ
sẽ có biện pháp xử lý nghiêm nêu phát hiện địa phương nào làm sai”.
Tuy vậy, dư
luận vẫn lo ngại hiện tượng trên khó bị đẩy lùi khi mà tiêu chí để xác định
thế nào là “lợi dụng kỳ thi để vận động thu góp, bắt ép học sinh học
thêm trái với quy định” cũng không được làm rõ. Hiện nay, Bộ Giáo dục mới chỉ
có một Thông tư số: 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16-5-2012 quy định về dạy thêm, học
thêm. Dư luận cho rằng thông tư này còn quá chung chung, gần như “chặt rắn
đằng đuôi” , bật đèn xanh cho nạn dạy thêm học thêm với nhiều tiêu cực bùng
phát.
(Theo QĐND, tựa của Kinh Bắc) NGUYÊN MINH
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét