15:02
‘Nhà ngoại cảm bịp’ Vũ Thị Hòa đang lừa các
gia đình liệt sĩ
(ĐVO) - Là một trong 462 tù binh thoát
đi an toàn trong cuộc nổi dậy phá nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa), vượt ngục ngày
2/12/1956, ông Nguyễn Văn On, nguyên Trưởng ban Binh vận tỉnh Long An, luôn
áy náy vì có những đồng đội ở tù chung bị gặc giết chết, không tìm ra xác.
Mỗi lần nghe có đợt tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở nhà lao Tân Hiệp là ông tìm
đến. Một lần như thế, ông đã phát phát hiện trò bịp của người tự xưng là “nhà
ngoại cảm”.
Đường đến nhà lao Tân Hiệp
Ông Nguyễn Văn On là lớp cán bộ ra đi từ mùa thu tháng
Tám, cùng cả dân tộc làm cuộc kháng chiến 9 năm lịch sử, kết thúc bằng chiến
thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy địa cầu”, buộc Pháp phải ký Hiệp định
Giơ-ne-vơ, trả lại độc lập cho nước ta. Ông On có tên trong danh sách cán bộ
đi tập kết của tỉnh Long An vì ông là cán bộ đã lộ diện, ở lại sẽ rất nguy
hiểm.
Đến giờ phút cuối trước khi xuống tàu, ông được lệnh ở lại
miền Nam vì có dấu hiệu cho thấy chính quyền Ngô Đình Diệm sẽ lật lọng, không
thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ, chia cắt lâu dài đất nước ta.
Ở lại miền
Không dụ dỗ được ông chiêu hồi, chính quyền huyện Cần Đước
đã đày ông lên nhà lao Phú Lâm – Chợ Lớn, rồi sau đó chuyển ông lên nhà lao
Tân Hiệp (Biên Hòa), một nhà lao trung chuyển trước khi đưa tù chính trị đi
xa hơn, như ra Côn Đảo, Phú Quốc.
Lúc ông On đến nhà lao Tân Hiệp, nơi đây mới có khoảng 300
– 400 tù nhân. Những cán bộ cách mạng, những người kháng chiến cũ bị giặc bắt
đưa đến đây mỗi ngày, số tù trong nhà lao tăng nhanh, lên đến khoảng 1.000
người, trong đó khoảng một nửa là cán bộ cách mạng, còn lại là tù thường
phạm. Mỗi ngày ông chứng kiến hàng chục tù chính trị bị giặc trói đưa lên xe
chở đi, người ta nói họ đưa tù binh ra Côn Đảo, Phú Quốc, mà cũng có thể đưa
đi thủ tiêu vì các tù binh không chịu “chào cờ”, không bước qua cờ Đảng.
Ông On bắt liên lạc được với tổ chức Đảng trong nhà lao,
ông tham gia vào chi ủy của một trại, được sự chỉ đạo thường xuyên của Đảng
ủy nhà lao. Để rồi các ông đã âm thầm, bí mật chuẩn bị cho một cuộc vượt ngục
lịch sử - cuộc vượt ngục quy mô lớn nhất, táo bạo nhất trong thời chiến tranh
chống Mỹ.
Cuộc vượt ngục lịch sử
Đối phương “đánh hơi” được sự tồn tại của tổ chức Đảng
trong nhà lao Tân Hiệp, nên chúng luôn canh phòng cẩn mật. Từ giữa năm 1956,
nhà lao Tân Hiệp giam giữ trên 1.000 tù nhân. Nhà tù chia thành 8 trại giam,
trong đó phần lớn chiến sĩ cách mạng bị giam ở các trại D, E, G. Chuẩn bị cho
cuộc vượt ngục, Đảng ủy nhà lao chỉ đạo các trại tuyển chọn những đảng viên
còn khỏe mạnh, xuất thân từ bộ đội, du kích, có kinh nghiệm chiến đấu, nhất
là bản lĩnh chính trị vững vàng để đưa vào lực lượng xung kích, làm nòng cốt
cho cuộc nổi dậy phá khám.
Vào thời điểm nổ ra cuộc vượt ngục, nhà lao Tân Hiệp đã
được xây dựng hoàn chỉnh với hai lớp kẽm gai bao bọc và một hệ thống 9 tháp
canh lớn, mỗi tháp canh đủ chỗ cho 3 lính gác được trang bị súng trung liên,
một loại vũ khí hiện đại lúc bấy giờ. Cổng trại giam làm bằng thép dày, bên
cạnh là đồn canh lớn và kho súng. Nơi đây thường xuyên có một tổ lính bảo an
canh gác suốt ngày đêm.
Thời điểm nổi dậy được Đảng ủy nhà lao ấn định là chiều
thứ bảy, ngày 1/12/1956. Như thường lệ, phần lớn lực lượng lính trong nhà lao
tập trung ra “sân banh”, kẻ đá người coi, chỉ còn lại lực lượng mỏng trong
doanh trại. Thế nhưng, đúng vào ngày này, một chiếc xe chở nhóm chỉ huy và
rất nhiều binh lính của địch bất ngờ đến nhà lao.
Những người tù cách mạng tưởng kế hoạch vượt ngục đã bị
lộ, nên án binh bất động. Đêm 1/12/1956 trôi qua bình thường, chứng tỏ kế
hoạch không bị bại lộ, nếu không đối phương đã đàn áp các chiến sĩ cách mạng.
Thời điểm vượt ngục dời lại chiều 2/12/1956. Ông Nguyễn
Văn On nhớ lại: Khi tiếng kẻng báo cơm đúng 17h30 vang lên, hàng trăm tù binh
đồng loạt lao ra khỏi trại giam, hướng về phía kho súng gần cổng nhà lao. Các
chiến sỹ tay không đã quật ngã được một trung đội địch đang bảo vệ kho súng,
cướp được hơn 40 khẩu súng để tự trang bị cho lực lượng nổi dậy.
Khoảng một nửa tù nhân trong nhà lao chạy thoát ra ngoài
(số tù thường phạm không tham gia vượt ngục), qua cửa chính nhà lao đã được
lực lượng xung kích phá toang. Các khẩu trung liên trên 2 tháp canh gần cổng
nhà lao liên tục nhả đạn về phía cổng, nơi những người tù vượt ngục phải chạy
qua, vì vậy có một số chiến sĩ phải nằm lại cổng nhà lao.
Trong cuộc vượt ngục lịch sử này, 462 tù nhân chính trị đã
được giải thoát, về với cách mạng; 22 người đã ngã xuống trong khu vực nhà lao,
trong đó có nhà báo Dương Tử Giang - người kịch liệt phản đối các lớp học tố
cộng trong nhà lao Tân Hiệp và chuyên soạn những vở cải lương thấm đẫm tinh
thần yêu nước để các bạn tù trình diễn nhằm động viên nhau gìn giữ khí tiết.
Năm 1994, Bộ VHTT đã quyết định công nhận nơi diễn ra cuộc
nổi dậy phá nhà lao Tân Hiệp ngày 2/12/1956 là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Trọng Tâm, nguyên bí thư Đảng ủy
nhà lao Tân Hiệp, cho biết, đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khi báo cáo với
Bác Hồ và Bộ Chính trị đã nói: “Cuộc phá nhà lao Tân Hiệp là tiếng súng bạo
lực cách mạng đầu tiên ở miền Nam, minh chứng cho bản dự thảo đường cách mạng
miền Nam”.
Đến thăm nhà lao Tân Hiệp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã
nói: “...Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 2/12/1956 là đỉnh cao của quá
trình đấu tranh bất khuất của những người cộng sản và người yêu nước, thể
hiện rõ chân lý: “kẻ càng khủng bố, phát xít, tinh thần đấu tranh cách mạng
của nhân dân càng cao”; 462 cán bộ đảng viên và hơn 40 khẩu súng các loại
tịch thu trong cuộc nổi dậy là nguồn bổ sung lớn cho phong trào cách mạng
miền Nam đang trong thời kỳ chuyển mình đấu tranh...”.
Một cuộc khai quật
Thoát khỏi nhà lao Tân Hiệp, ông Nguyễn Văn On cùng một
nhóm tù vượt ngục vượt tiếp qua Quốc lộ 1 về vùng rừng tỉnh Bà Rịa, chịu đói
chịu khát, cùng với sự bao vây, tuy lùng của địch, suốt mấy tháng trời, trước
khi bắt liên lạc được với cách mạng. Ông On cùng những người tù vượt ngục
thành lập đội quân vũ trang, đánh địch trước cả khi có phong trào Đồng Khởi.
Sau ngày giải phóng, ông On có đôi lần trở lại nhà lao Tân
Hiệp mong tìm được những đồng đội mất tích, nhưng vô vọng. Về sau này khi đã
về hưu, cả lúc đã lớn tuổi, già yếu, nhưng mỗi khi nghe nói có đợt tìm hài
cốt các chiến sĩ cách mạng hi sinh trong nhà lao, là ông lại tìm đến.
Cho đến cách đây khoảng một năm rưỡi, khi đã già yếu, hiểu
được mệnh trời, ông đã nhờ người đưa đến thăm nhà lao Tân Hiệp một lần cuối.
Tình cờ ông thấy có đợt tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trong khu vực nhà lao ngày
trước có sự tham gia của các “nhà ngoại cảm” đến từ Yên Bái.
Dù không tin khả năng của các “nhà ngoại cảm”, nhưng ông
On cũng nán lại theo dõi cuộc tìm kiếm. Một “nhà ngoại cảm” tên Vũ Thị Hòa
hướng dẫn cuộc tìm kiếm. “Nhà ngoại cảm” xác định vị trí có hài cốt liệt sĩ
là sát hàng rào phía đường Dương Tử Giang. Ðội quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh
đến để tìm kiếm theo quy trình, nhưng bà Hòa không cho, mà để bà cùng nhóm
“nhà ngoại cảm” đào xới.
Trong suốt quá trình tìm kiếm, nhóm này còn dùng một tấm
bạt che phủ phía trên để không ai có thể quan sát việc làm của họ. Ông On xin
tới xem cuộc khai quật, nhưng họ không cho. Theo trí nhớ của ông On, khu vực
mà họ khai quật ngày trước là khoảnh đất trống, không có khả năng có hài cốt
liệt sĩ.
Không thể đợi xem tới cùng cuộc khai quật của những “nhà
ngoại cảm”, ông On lên đường ra về, nhưng vẫn quan tâm theo dõi kết quả cuộc
khai quật. Sau đó ông được các người quen ở Biên Hòa cho biết, các “nhà ngoại
cảm” đã tiến hành đào một hố có kích thước khoảng 4 mét vuông, sâu khoảng
40cm, rồi nhặt lấy một số vật phẩm màu xám vụn, một ít đất màu đen và 4 cúc
áo màu trắng. Các “nhà ngoại cảm” khẳng định số đất đen trên chính là xương
cốt của 10 liệt sĩ đã bị địch giết và chôn lấp, lâu ngày bị phân hủy.
Ông On nhớ lại, các chiến sĩ hi sinh chỉ trên 50 năm,
không thể có chuyện xương cốt bị phân hủy thành bùn. Ông On đã đôi lần đi tìm
hài cốt liệt sĩ hi sinh trong kháng chiến chống Pháp, trước cả các liệt sĩ hi
sinh ở nhà lao Tân Hiệp, ở vùng rừng Sác ngập mặn, môi trường khắc nghiệt,
nhưng hài cốt liệt sĩ vẫn còn khá nguyên vẹn. Sau đó ông On được biết, Sở
LÐ-TBXH tỉnh Đồng Nai đã cho mang số đất đen được các “nhà ngoại cảm” cho là
“hài cốt” đi giám định để rõ thực hư.
Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại TP. Hồ Chí Minh
đã kết luận 2 lọ chứa số đất đen mà “nhà ngoại cảm” Hòa và một số người
cho rằng là hài cốt, qua giám định cho thấy không phải là thành phần của
xương, mà là mảnh vụn của… tổ mối và đất sét. Như vậy, từ kết quả giám định
khoa học, đã đủ cơ sở khẳng định không hề có chuyện phát hiện được hài cốt
liệt sĩ ở Nhà lao Tân Hiệp như “nhà ngoại cảm” Vũ Thị Hòa rêu rao.
“Nhà ngoại cảm” từ trên trời rơi xuống
Tiếp tục câu chuyện của ông Nguyễn Văn On, chúng tôi tìm
hiểu thêm về “nhà ngoại cảm” Vũ Thị Hòa. Theo điều tra xác minh của Cục Chính
trị Bộ tư lệnh Quân khu 7, Vũ Thị Hòa (sinh năm 1972) là người dân tộc Thái,
quê quán tại tỉnh Ðiện Biên, hiện thường trú tại phường Yên Thịnh, TP. Yên
Bái (tỉnh Yên Bái). Bà Hòa trước đây là đối tượng chuyên buôn bán động vật
hoang dã, quý hiếm, là những loại hàng không được phép mua bán.
Thời gian gần đây, khi nhu cầu tìm kiếm hài cốt liệt sĩ
của thân nhân các gia đình liệt sĩ thông qua con đường ngoại cảm tăng lên, bà
Hòa bỗng dưng biến thành “nhà ngoại cảm” chuyên tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Có
điều, bà chỉ tích cực tìm kiếm hài cốt theo yêu cầu của những gia đình khá
giả, còn những gia đình khó khăn về kinh tế thì khéo léo từ chối.
Cách tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của bà Hòa cũng có
nhiều điều đáng nghi vấn. Khi tiến hành đào bới ở những nơi cho rằng có hài
cốt liệt sĩ, bà Hòa cũng đều dùng vải bạt che kín. Quá trình đào bới cũng chỉ
có bà Hòa và nhóm người “Ðoàn tâm đức Yên Bái” trực tiếp thực hiện, không cho
cơ quan chức năng tham gia và giám sát.
Hầu hết các mộ do bà Hòa cất bốc đều không có xương cốt mà
chỉ có các lọ penicilin cùng một số vật phẩm khác mà bà Hòa cho là “hài cốt
đã bị phân hủy”. Nếu địa phương nào đề nghị mang số vật phẩm phát hiện được
đi giám định DNA (như trường hợp ở Ðồng Nai), bà Hòa và nhóm người “Ðoàn tâm
đức Yên Bái” đều có những hành vi kích động thân nhân các liệt sĩ chống đối,
ngăn chặn việc giám định.
Công văn số 50/CCT-PCS ngày 9/1/2012 của Cục Chính trị Bộ
tư lệnh Quân khu 7 nêu rõ: Vũ Thị Hòa và nhóm người tự xưng “Ðoàn tâm đức Yên
Bái” không có khả năng đặc biệt trong tìm kiếm mộ liệt sĩ, hoạt động của đối
tượng ngày càng thể hiện rõ những dấu hiệu bất minh, như cách ly, không cho
cơ quan chức năng tiếp cận khu vực đào mộ, “hài cốt” thu được không có mẫu
sinh phẩm, không cho người nhà liệt sĩ xét nghiệm DNA.
Mục đích của đối tượng là lợi dụng tình cảm và khai thác
yếu tố tâm linh trong vấn đề tìm kiếm hài cốt liệt sĩ để trục lợi. Vì thế, Bộ
tư lệnh Quân khu 7 đề nghị Bộ chỉ huy Quân sự và Sở LÐ-TBXH 9 tỉnh, thành phố
trong khu vực tổ chức quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ; tuyên truyền, phổ biến
đến các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân trên địa bàn biết được những
hành vi, mưu đồ của “nhà ngoại cảm” dỏm Vũ Thị Hòa, đồng thời ngăn chặn không
cho đối tượng Vũ Thị Hòa và “Ðoàn tâm đức Yên Bái” tổ chức tìm kiếm hài cốt
liệt sĩ và các hoạt động khác trên địa bàn, gây mất an ninh chính trị, trật
tự an toàn xã hội.
(Theo
Đất Việt) Thiên Thanh
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét