09:45
Vi khuẩn “ăn thịt người”:
Thận trọng nhưng không hoang mang
QĐND
- Thời gian gần đây, có nhiều thông tin về một loại vi khuẩn “ăn thịt
người” có thể gây hoại tử các tổ chức trong cơ thể một cách nhanh chóng.
Để hiểu rõ hơn về loại vi khuẩn này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với
bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt
đới Trung ương.
Vi khuẩn “ăn thịt người” rất hiếm gặp ở người
Phóng
viên (PV): Thưa bác sĩ, hiện nay dư luận rất quan tâm đến một loại vi
khuẩn “ăn thịt người”. Bác sĩ có thể cho biết rõ hơn về vi khuẩn này và
những bệnh lý mà vi khuẩn này gây ra đối với con người?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp:
Vi khuẩn “ăn thịt người” này có tên là Aeromonas Hydrophyla (AH) và có
thể gây các bệnh lý khác nhau. Thứ nhất, các độc tố mà nó tiết ra gây ô
nhiễm nguồn nước và nếu chúng ta uống phải nguồn nước ấy thì có thể bị
tiêu chảy như các loại tiêu chảy thông thường khác. Thứ 2 là gây mẩn
ngứa ở da khi người ta tiếp xúc với nước bẩn. Thứ 3 là ở những bệnh nhân
có sức đề kháng rất yếu, ví dụ như bệnh nhân suy thận mạn, bệnh nhân
suy gan… thì nó có thể xâm nhập qua đường tiêu hóa và nó gây nhiễm trùng
huyết. Thứ 4 là với những người có những vết thương hở ở da khi tiếp
xúc với nước bẩn thì nó có thể xâm nhập qua vết thương và gây viêm và
hoại tử ở các khu vực.
PV: Bác sĩ có thể cho biết vi khuẩn Aeromonas Hydrophyla tồn tại trong môi trường nào và yếu tố lây nhiễm ra sao?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp:
Đây là một loại vi khuẩn thông thường ở trong cộng đồng và nó có sẵn
trong các nguồn nước đặc biệt là nguồn nước bẩn. Loại vi khuẩn này đã
xuất hiện ở nước ta từ lâu nhưng chỉ thường gây bệnh cho cá, tôm và các
loại ếch nhái. Nhưng thời gian qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
có tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị
hoại tử ở chân tay hoặc các vùng khác trên cơ thể do loại vi khuẩn này
gây ra. Tuy nhiên, đây là bệnh lý rất hiếm gặp và số người gặp rất ít,
nguy cơ lây nhiễm với người bệnh là rất nhỏ. Trên thế giới người ta mới
thống kê được vụ nhiều nhất là vài chục ca bị bệnh ở những thanh niên đá
bóng trong bùn, còn lại đa phần là các ca bệnh rải rác.
PV: Hiện nay ở Việt Nam đã có bao nhiêu trường hợp bị vi khuẩn “ăn thịt người” tấn công, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Tại Việt Nam
các ca bệnh này xuất hiện rải rác. Từ đầu năm 2010 đến nay, Bệnh viện
Bệnh nhiệt đới Trung ương mới chỉ tiếp nhận khoảng hơn 10 ca bệnh. Và
mới đây nhất thì có một trường hợp bệnh nhân 40 tuổi ở Thái Bình vào
điều trị trong tình trạng bị nhiễm trùng huyết và hoại tử hết phần da
thịt ở cánh tay. Sau khi vào điều trị chúng tôi đã phải tiến hành điều
trị tích cực và lọc máu cùng một số biện pháp hỗ trợ khác. Sau gần 10
ngày điều trị, bệnh nhân đã hồi phục nhưng phải chuyển sang Viện Bỏng
quốc gia để cấy ghép da.
Cẩn trọng với vi khuẩn “ăn thịt người”
PV: Bác sĩ có thể cho biết biểu hiện triệu chứng trên những bệnh nhân mà bị nhiễm vi khuẩn này như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp:
Các thể bệnh ở người bị nhiễm rất khác nhau nhưng thể bệnh nguy hiểm
nhất là thể gây nhiễm trùng huyết và hoại tử có tỷ lệ tử vong cao. Với
những bệnh nhân này thì dù bị một vết thương rất nhỏ nhưng vẫn có thể bị
viêm, sưng phù nề và hoại tử tiến triển rất nhanh. Sau đó xuất hiện
tình trạng sốt nhiễm trùng trầm trọng, có thể thành nhiễm trùng huyết và
tử vong nhanh chóng. Đối với những ca mà bị nhiễm trùng huyết và gây
sốc thì tỷ lệ tử vong lên đến 100%. Tuy nhiên, ngày nay do sự tiến bộ
của y học nên tỷ lệ tử vong ở những ca bệnh này giảm xuống ở mức 50%.
PV:
Nghe qua loại vi khuẩn này có thể gây nguy hiểm cho con người. Vậy theo
bác sĩ, người dân cần phòng tránh bệnh như thế nào để có hiệu quả?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp:
Thực ra chúng ta không thể tránh được loại vi khuẩn này bởi vì nó tồn
tại thường xuyên trong cộng đồng. Những người làm nghề thường xuyên tiếp
xúc với nước bẩn như công nhân vệ sinh, cống rãnh, người nuôi cá, tôm…
nên có các trang bị phòng hộ phù hợp. Những người có vết thương sau khi
tiếp xúc với nước bẩn mà có các biểu hiện như viêm, sưng nề thì nên đi
khám để được điều trị kháng sinh sớm bởi loại vi khuẩn này còn nhạy với
rất nhiều loại kháng sinh, vì vậy việc phát hiện sớm và điều trị kịp
thời là yếu tố cần thiết để có thể hạn chế tối đa sự biến chứng của
bệnh.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
(Theo QĐND) HÀ VŨ
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét