09:45
Thạc sĩ, cử nhân... đi học trung cấpHiện nay do tình trạng thất nghiệp tăng, không ít người đã có bằng cử nhân, thạc sĩ quay lại học trung cấp nhằm tăng cơ hội kiếm được việc làm.
Quy trình ngược
Nguyễn Khánh Trung từng tốt nghiệp chuyên ngành văn học Trung Quốc
(chương trình liên kết giữa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với Trường ĐH An
Huy, Trung Quốc), sau đó tiếp tục lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành này tại
Trường ĐH Vũ Hán. Sau một thời gian làm giảng viên Trường ĐH Sư phạm
TP.HCM, Trung tiếp tục làm việc ở nhiều nghề khác để lấy kinh nghiệm. Và
bây giờ, Trung đang là học sinh năm nhất của một trường trung cấp nghề.
Trung cho biết lý do học trường nghề như sau: “Khi đã có bằng thạc
sĩ, đi dạy, đi làm nhiều nơi, em nhận ra mình còn thiếu một cái gì đó để
có thể thực hiện được sở thích cá nhân, đồng thời để ổn định lâu dài
cho tương lai”. Trung giải thích thêm: “Trước đây em rất thích du lịch
và ẩm thực nhưng do gia đình đa số làm giáo viên nên em đã thi sư phạm,
rồi theo đà cứ học tiếp lên cao. Bây giờ em quyết định học ngành quản
trị bếp và ẩm thực, với mục đích học xong có kiến thức để mở một nhà
hàng ẩm thực gồm món ăn Việt lẫn Hoa”.
T.T.H.T là người đã sở hữu 2 bằng ĐH (cử nhân kinh tế Trường ĐH Kinh
tế TP.HCM, cử nhân Anh văn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) đồng
thời đã có bằng thạc sĩ kinh tế, nay lại đang học trung cấp ngành y sĩ.
“Hiện mình đang đi làm, nhưng vẫn muốn tiếp tục học vì yêu thích ngành
này, mong muốn học xong có thể hỗ trợ thêm cho công việc của gia đình” -
H.T nói.
Đỗ Xuân Trường có trong tay hai bằng cử nhân công nghệ cơ khí Trường
ĐH Công nghiệp TP.HCM và tài chính ngân hàng Trường ĐH Lạc Hồng, cũng
đang theo học trung cấp công nghệ thông tin. Nhiều cử nhân khác như
Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, Lê Thị Hồng Nhung, Nguyễn Đình Phi, Hồ Ngọc Nghĩa...
đang học trung cấp y sĩ và dược sĩ.
Học làm thợ để thêm cơ hội
H.T chia sẻ: “Dù bằng thạc sĩ, cử nhân của mình đều thuộc loại khá
trở lên nhưng vì các bậc học này đào tạo theo hướng hàn lâm nên nhiều
môn học xong không áp dụng được vào thực tế”. T. quan niệm học để làm
việc chứ không phải để lấy bằng cấp cho nên muốn học càng nhiều càng
tốt. “Nếu bạn có một kiến thức lý thuyết tốt ở ĐH, cao học cộng với khả
năng thực hành tốt ở trung cấp thì bạn có rất nhiều cơ hội làm việc và
rất dễ thành công”, T. khẳng định. T. cũng cho rằng xã hội đang cần một
lực lượng lao động có tay nghề, làm được việc, tư duy thiết thực. Đó là
lý do vì sao không ít cử nhân, thạc sĩ như H.T vẫn học trung cấp với mục
đích tăng cơ hội việc làm cho mình.
Khánh Trung thì nhận thấy nhiều cử nhân hiện nay ra trường thất
nghiệp vì không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng - phải làm việc
được ngay - nên phải đi học thêm kỹ năng nghề nghiệp. “Một số bạn của em
tốt nghiệp ĐH, cao học cũng đăng ký học trung cấp để có thêm kiến thức
và kỹ năng hỗ trợ cho công việc kinh doanh mà họ đang làm”, Trung cho
biết.
Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ
GD-ĐT), nhìn nhận: “Thực ra mỗi bậc học có một mục tiêu đào tạo khác
nhau. Thạc sĩ, cử nhân theo hướng hàn lâm để người học có tư duy nghiên
cứu, sáng tạo; còn trung cấp thì thiên về kỹ năng thực hành. Việc tiến
sĩ, thạc sĩ, cử nhân ở Úc và một số nước khác khó kiếm việc hơn người
học nghề là chuyện thường. Ở ta, người sử dụng lao động cũng đang dần
tiến đến việc sử dụng lao động đúng mục đích chứ không câu nệ bằng cấp
nữa. Do đó, nhiều cử nhân ra trường không kiếm được việc làm, đã đi học
trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề để tăng cơ hội”.
Chương trình học chưa đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng ?
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt thông
tin, có nhiều sinh viên đang học ĐH ngành quản trị kinh doanh nhưng lại
theo học lớp ngắn hạn về thư ký hành chính. Cũng có người tốt nghiệp
quản trị kinh doanh vẫn đi học thêm trung cấp kế toán vì nhiều nhà tuyển
dụng cho rằng bằng ĐH chưa thể hiện cụ thể nghề nghiệp, họ yêu cầu có
thêm một chứng chỉ hay bằng cấp nghề để xác định được kỹ năng của ứng
viên. Ông Thành cho rằng thực trạng trên cũng phản ánh chương trình đào
tạo bậc ĐH hiện nay chưa sát với nhu cầu thực tế. Sinh viên bắt buộc
phải học tuần tự các khối kiến thức đại cương, cơ sở ngành rồi mới đến
chuyên ngành. Trong khi có nhiều chuyên môn có thể đi tắt để giúp sinh
viên chuyên sâu hơn, đáp ứng được mong muốn của nhà tuyển dụng, hạn chế
được nguy cơ thất nghiệp.
Thị trường lao động hiện cần những người có tay nghề cụ thể nên nhiều
cử nhân thất nghiệp buộc phải nghĩ cách tìm cho mình một chuyên môn nào
ngắn nhất để kiếm việc.
(Theo Thanh niên) Mỹ Quyên
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét