Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Thông điệp “sau lời xin lỗi”

Cập nhật lúc 13:09                

Có sai, biết sửa và theo trình tự đó, thái độ, chất lượng phục vụ công dân của bộ máy công quyền sẽ dần được cải thiện. Đó mới có thể xem là thông điệp với tinh thần vừa cầu thị sau những lời xin lỗi. 

 Thông điệp “sau lời xin lỗi”
Minh họa: Đức Trí
Trong cuộc sống, bị người khác làm phiền hoặc do người nào đó làm không tốt công việc thuộc trách nhiệm gây ảnh hưởng đến mình, khi nhận được lời xin lỗi hẳn chúng ta sẽ vui lòng bỏ qua.
Do vậy, người dân và doanh nghiệp cảm thấy hài lòng khi UBND TP.HCM vừa nhắc lại yêu cầu thủ trưởng các tổ chức, đơn vị phải có thư trực tiếp xin lỗi người dân, doanh nghiệp nếu giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính chậm trễ (Tuổi Trẻ ngày 18-5).
Sẽ chẳng ai muốn cứ mãi nhận lời xin lỗi, thậm chí không hài lòng nếu người đi xin lỗi lặp lại cái lỗi mà lẽ ra họ phải khắc phục sau khi đã nói lời xin lỗi.
Người dân yêu cầu sau khi nói lời xin lỗi là sự thành tâm khắc phục, chấn chỉnh, không tái phạm những lỗi đã vấp phải. Điều này cũng đã được lãnh đạo TP.HCM tính đến khi xây dựng hẳn một quy trình xử lý.
Theo đó, từ thư xin lỗi, “tổng hợp các lỗi” để chấn chỉnh, khắc phục. Khi có phản ảnh, UBND TP kiểm tra, xác minh, nếu do nguyên nhân chủ quan thì kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tái phạm thì chuyển công tác. Với “quy trình xử lý các lỗi” như thế, nếu thực hiện nghiêm, chắc chắn không có xin lỗi cho xong chuyện.
Đây có thể xem là thông điệp với tinh thần vừa cầu thị vừa quyết liệt mà lãnh đạo TP.HCM muốn gửi đến cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp tại TP.HCM. Có sai, biết sửa và theo trình tự đó, thái độ, chất lượng phục vụ công dân của bộ máy công quyền sẽ dần được cải thiện.
Nhưng trong cuộc sống bộn bề, người dân không chỉ bức xúc thủ tục hành chính chậm trễ. Còn nhiều vấn đề chậm được sửa đổi, dù cơ quan chức năng đã xin lỗi, hứa khắc phục nhưng vẫn đang ảnh hưởng đến đời sống người dân, doanh nghiệp, trong đó có vấn đề quy hoạch treo.
Chỉ riêng khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi), dọc quốc lộ 22 còn hơn 20.000 hộ dân bị kẹt trong quy hoạch treo. Huyện Bình Chánh có 25.000ha với 17.000ha đất nông nghiệp, trong đó đất nằm trong quy hoạch kéo dài rất lớn, nhiều hộ dân có đất nhưng con cái lớn lên không có chỗ ở tươm tất vì không được xây cất.
Đất nông nghiệp không nằm trong quy hoạch cũng không sản xuất được vì gần đô thị, không được đầu tư hạ tầng để phát triển sản xuất... Bao nhiêu vấn đề phức tạp phát sinh từ đây. Thưa kiện của người dân chủ yếu liên quan đất đai cũng một phần do quy hoạch treo.
Có xin lỗi nhưng “đâu vẫn vào đấy” bởi vì một số đơn vị chưa chấp nhận thực tế là nhiều quy hoạch hoành tráng từ những năm 2000 khi kinh tế khấm khá, nay không còn phù hợp, không đủ tiền để làm cần phải chỉnh sửa. Rồi chỉ nghe, ghi nhận lời than phiền mà không khắc phục vì thiếu đi “quy trình xử lý các lỗi”.
Chậm sửa, còn treo là còn gây bức xúc, còn để lãng phí, còn ô nhiễm môi trường, có đất cho tội phạm phát sinh...
Xóa treo là giải phóng nguồn lực trong dân, để người dân được tính toán trên mảnh đất, căn nhà của mình, gỡ “vòng kim cô” ra khỏi cuộc sống của hàng trăm ngàn người, đó cũng là cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải phóng sức dân.
Hãy mang tinh thần của thông điệp “thư xin lỗi trực tiếp” và “quy trình xử lý các lỗi” thổi vào lĩnh vực quy hoạch, xóa quy hoạch treo, rồi sau đó mở ra các lĩnh vực còn gây bức xúc khác như giao thông, trật tự đô thị...
Chắc chắn nếu làm được những việc “sau xin lỗi” sẽ xóa đi được rất nhiều tâm tư, bức xúc nơi người dân.
(Theo Tuổi trẻ)
TRẦN HOÀNG NGÂN (giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét