Người dân tái
định cư xác xơ vì 'bão' đa cấp
Cập nhật lúc 08:43
Là xã tái định cư lòng hồ
thủy điện bản Vẽ, mới được thành lập 7 năm nay, chủ yếu là đồng bào Khơ Mú và
người Thái nhưng xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương (Nghệ An) hiện nay đã có
hàng trăm người tham gia mua, bán hàng đa cấp của Công ty Liên minh tiêu dùng
Việt Nam, với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, 12 cán bộ của xã này cũng
"dính" vào đa cấp, trong đó 3 người đã bị loại ra khỏi danh sách
bầu cử sắp tới vì đã tiên phong đưa đa cấp về làng.
"Bão" đa cấp về
bản
Thống
kê cho thấy, tính đến thời điểm này, toàn xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương
(Nghệ An) có 1.321 hộ dân với 5.287 nhân khẩu, 70% dân số là hộ nghèo và 20%
là hộ cận nghèo. Trong đó, có tới 72 hộ dân tham gia vào hoạt động đa cấp,
toàn xã có 16 bản thì có đến 10 bản có người dính dáng đến đa cấp.
Tuy
nhiên, theo đồng chí Lô Văn Mão, Trưởng Công an xã Thanh Sơn thì đây chỉ là
con số thống kê những người hợp tác khi làm việc, còn trên thực tế có rất
nhiều người đã và đang trở thành "cộng tác viên" của công ty đa
cấp, vì nhiều lý do khác nhau mà không khai báo, thậm chí có trường hợp còn
chửi bới, lăng mạ khi cán bộ điều tra đến làm việc.
Thanh
Bình là điểm bản xa nhất của xã Thanh Sơn, nơi đây chủ yếu là bà con dân tộc
Khơ Mú sinh sống, cả bản có 63 hộ thì có tới 56 hộ nằm trong danh sách hộ
nghèo của xã. Thế nhưng, theo trưởng bản Hùng Ngọc Quế thì có đến 20 hộ dân
trong bản đã tham gia mua hàng đa cấp, trong đó có cả trưởng bản.
Theo
lời kể của anh Quế, năm 2014, từ lời giới thiệu của ông Vy Trọng Thủy, Phó
Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, anh Quế đã xuống Vinh tìm hiểu và mua một gói sản
phẩm (thuốc) của Công ty Liên minh tiêu dùng Việt Nam (Công ty VietNet), chi
nhánh tại Nghệ An, có địa chỉ tại 21-23 Lê Nin (TP Vinh). Hơn 2 năm trôi qua,
anh Quế chỉ mới được "tri ân" một lần duy nhất vào năm 2014 với số
tiền 1,6 triệu đồng, trong khi đó để sở hữu gói sản phẩm nói trên anh phải bỏ
ra số tiền là 8.450.000 đồng.
Kề bên
nhà anh Quế là căn nhà tuềnh toàng của vợ chồng ông Kha Văn Đồng và bà Lữ Thị
Thoàn, hộ nghèo của bản. Bà Toàn kể, ngày 8-3-2015, từ lời giới thiệu của ông
Vy Trọng Thủy về việc mua một gói sản phẩm của Công ty VietNet, sau 3 năm sẽ
nhận được số tiền 300 triệu đồng cộng với một chiếc xe máy Honda SH, mỗi năm
sẽ được nhận tiền "tri ân" 3 lần.
Nghe
xuôi tai nên bà Thoàn đã lặng lẽ lấy số tiền gần 17 triệu đồng dành dụm được
từ bán ngô, bán sắn để mua 2 gói sản phẩm của Công ty VietNet mà không bàn
bạc với chồng. Sau khi bà Thoàn mua xong, từ lời hứa nếu giới thiệu thêm được
người mua, càng nhiều người càng được thêm tiền nên mà Thoàn đã giới thiệu
cho con rể là Moong Văn Hoành và con ruột là Kha Văn Giang, mỗi người mua
thêm một gói, tổng cộng gia đình bà Thoàn đã mua 4 gói sản phẩm của Công ty
VietNet.
Đến
nay, 2 gói của bà Thoàn đã được "tri ân" một lần 3,2 triệu đồng,
còn hai gói của các con vẫn chưa được nhận tiền lần nào. Sau khi sự việc vỡ
lở ra, ông Đồng - chồng bà thường xuyên la mắng khiến cuộc sống gia đình luôn
trong tình trạng cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. "Cả làng này ai cũng
mua, vì ai cũng muốn được tiền mà không biết họ lừa. Giờ không muốn nhiều
tiền nữa, chỉ mong nhận lại tiền gốc thôi", bà Thoàn cho biết.
Khi "công bộc"
trở thành tuyên truyền viên đa cấp
Câu
chuyện của anh Quế, bà Thoàn cũng là tình trạng chung của hàng chục gia đình
nghèo khác ở xã Thanh Sơn hiện nay. Năm 2013, ông Vy Trọng Thủy, Phó Chủ tịch
UBND xã Thanh Sơn là người đầu tiên mua gói sản phẩm trà giải độc gan của
Công ty VietNet với giá 5,8 triệu đồng và trong 2 năm tiếp theo, ông này được
"tri ân" 3 lần với số tiền khoảng 100 triệu đồng.
Lúc
này, chính ông Thủy đã "rỉ tai" đến các đồng nghiệp đang công tác
tại UBND xã và bà con nơi mình sinh sống, lôi kéo hàng chục người tham gia
mua sản phẩm của công ty để trở thành "cộng tác viên" và nhận tiền
"tri ân". Đến nay, tại UBND xã Thanh Sơn đã có đến 12 cán bộ tham
gia mua, bán hàng đa cấp cho Công ty VietNet. Trong đó, đáng chú ý phải kể
đến là ông Vy Trọng Thủy mua 8 gói sản phẩm; ông Vy Thành Viên, Phó Chủ tịch
HĐND xã (10 gói); ông Vy Văn Thâm, Văn phòng UBND xã (2 gói); bà Lang Thị
Hương, Chủ tịch Hội LHPN xã; ông Lô Văn Quy, Chủ tịch Hội Nông dân; bà Lô Thị
Liêm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã…
Cá biệt
như tại bản Thanh Bình, cả Bí thư chi bộ lẫn Trưởng bản đều "dính"
vào đa cấp. Những "công bộc" này, người ít nhất là mua một mã hàng,
còn người nhiều nhất là 8 mã hàng. Cũng không riêng gì cán bộ xã, ở Thanh Sơn
còn có rất nhiều giáo viên tại Trường Tiểu học Kim Lâm cũng đã dính bẫy đa
cấp với số lượng rất lớn. Đáng chú ý là thầy Lương Văn Phú, đã mua đến 22 mã
hàng sau khi được Nguyễn Xuân Tý vận động.
Không
những vậy, thầy Phú còn vận động đồng nghiệp là thầy Hùng Văn Nghệ mua 18 mã
hàng của Công ty VietNet. Ngoài ra, một số thầy cô khác cũng tham gia mua
hàng và trở thành người vận động là thầy Ngân Văn Đồng (2 mã hàng) và thầy Vi
Văn Thọ (11 mã hàng).
Ông Lô
Trung Thông, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: Thống kê chưa đầy đủ, đến
thời điểm hiện tại, toàn xã Thanh Sơn có 74 hộ dân tham gia hoạt động mua bán
đa cấp của Công ty Liên minh tiêu dùng Việt Nam, với 216 mã hàng, tương đương
với số tiền 1.825.200.000 đồng.
Đây
thực sự là một con số choáng váng đối với xã nghèo như Thanh Sơn. Để xảy ra
tình trạng này, trách nhiệm thuộc về một số cán bộ đang công tác tại UBND xã.
Trong đó, các ông Vy Trọng Thủy, Vy Văn Thâm và Vy Thành Viên là những người
vận động, lôi kéo nhiều người làm ảnh hưởng đến chính trị nên trong đợt bầu
cử Đại biểu Quốc hội và HĐND sắp tới, cả 3 người này đã bị loại khỏi danh
sách bầu cử.
Biến cán bộ xã thành
"mồi nhử" của công ty đa cấp
Ông Vy
Trọng Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, người được coi là lĩnh xướng
trong việc đưa đa cấp của công ty VietNet về làng, kể với chúng tôi rằng: Năm
2013, thông qua chị Phạm Thị Lý, Phó Giám đốc công ty Liên minh tiêu dùng
Việt Nam, ông đã mua 1 gói sản phẩm trà giải độc gan của Công ty với giá 5,8
triệu đồng về dùng.
Khi mua
gói sản phẩm trên, ông Thủy được chia sẻ về các chính sách ưu đãi của công ty
như: Khi tham gia mua gói sản phẩm của công ty thì đương nhiên trở thành
"cộng tác viên", được nhận tiền "hoa hồng" và tiền
"tri ân" nếu ông chia sẻ thông tin về sản phẩm cho người khác và
vận động được thêm nhiều người mua sản phẩm của công ty. Chính vì vậy, ông
Thủy đã chia sẻ thông tin cho ông Vy Thành Viên, Phó Chủ tịch HĐND xã Thanh
Sơn và ông Vy Văn Thâm, Văn phòng UBND xã cùng nhiều bà con khác nơi ông Thủy
đang cư trú và làm việc. Đến tháng 3-2015, nhân dân trên địa bàn xã Thanh Sơn
mua hàng của Công ty Vietnet nổi lên rầm rộ, các gói sản phẩm được mua chủ
yếu là tân dược, các loại thực phẩm chức năng và phân bón vi sinh, nhưng thời
điểm này giá của mỗi gói sản phẩm đã đội lên là 8.450.000 đồng.
Để lôi
kéo khách hàng, Công ty VietNet đã vẽ ra "chiếc bánh vẽ" siêu lợi
nhuận khi quảng bá rằng, khách hàng khi mua một sản phẩm của công ty, sau 3
đến 5 năm, số tiền 8.450.000 đồng này sẽ sinh lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng
và một xe máy nhãn Honda SH. Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình hoạt động của
công ty, sẽ có những lần "tri ân" nhất định cho người tham gia, mặc
dù đây chỉ là chiêu hứa hão lập lờ, không đưa ra thời gian và số tiền cụ thể.
Về phía
những người sau khi mua sản phẩm, sẽ được công ty lập cho cái gọi là
"hợp đồng hợp tác bán hàng" để trở thành "cộng tác viên"
của công ty, đồng thời lập một tài khoản riêng trên website của công ty, nếu
họ vận động được nhiều người khác tham gia mua gói sản phẩm của công ty sẽ
được hưởng tiền "hoa hồng" và được cộng thêm vào tài khoản của mình
số gói của người đó đã mua.
Cụ thể,
VietNet đưa ra chính sách, nếu khách hàng thêm 1 người tham gia sẽ được hưởng
600.000 đồng, vận động mua thêm một gói sản phẩm sẽ được hưởng 50.000 đồng và
vận động được 100 gói sản phẩm sẽ "đặc cách" lên trưởng nhóm.
Thực
chất của vụ việc tại xã Thanh Sơn, theo Đại tá Lương Thế Lộc, Trưởng Công an
huyện Thanh Chương thì Công ty VietNet đã lợi dụng số cán bộ xã mua hàng đa
cấp, qua đó để họ vận động bà con nhân dân mua hàng của công ty để thu lợi
bất chính. Bù lại, công ty chỉ việc dùng chính số tiền mà nhân dân đã bỏ ra
mua hàng để trả cho cán bộ xã, gọi là tiền "tri ân" làm mồi nhử. Từ
đó, những cán bộ xã này đã chia sẻ rộng rãi về siêu lợi nhuận mà họ nhận được
để người dân tin theo, mua càng nhiều hàng của công ty càng tốt. Trong đó,
một số cán bộ xã có hoạt động tham gia vận động, lôi kéo người dân tham gia.
Theo
Đại tá Lộc, hoạt động của Công ty Liên minh tiêu dùng Việt Nam tại Nghệ An là
lợi dụng kinh doanh đa cấp, lợi dụng tình trạng thiếu hiểu biết của bà con
vùng đồng bào dân tộc thiểu số để trục lợi, hoạt động này có dấu hiệu lừa đảo
để chiếm đoạt tài sản. Riêng trên địa bàn xã Thanh Sơn, hoạt động này đã diễn
ra trong thời gian dài, có sự tham gia của cán bộ xã là những người có uy
tín, vận động số lượng người tham gia nhiều, giá trị tài sản lớn không có khả
năng thu hồi đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân trên địa
bàn.
(Theo CSTC)
Thiên Thảo
|
Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét