Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

Chân rết Liên Kết Việt dần lộ diện

Cập nhật lúc 08:53  

Sau một thời gian nhận ủy thác điều tra, Công an tỉnh Thái Nguyên bước đầu xác định, hơn 3.000 lượt người tham gia hệ thống Liên Kết Việt, với tổng số tiền đã nộp khoảng 60 tỷ đồng…

Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Cty Liên Kết Việt đã lợi dụng hình ảnh của một số cán bộ nghỉ hưu để lừa đảo. 
Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Cty Liên Kết Việt đã lợi dụng hình ảnh của một số cán bộ nghỉ hưu để lừa đảo.

Người đứng tên Trưởng văn phòng đại diện của Cty Liên Kết Việt tại Thái Nguyên là ông Nguyễn Quang Vinh, trú tại TP Sông Công (Thái Nguyên) cũng đã bị triệu tập điều tra.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu ông Vinh khai nhận: tháng 7/2014, thông qua mối quan hệ xã hội, ông Vinh đã gặp hai nhân viên của Cty Liên Kết Việt có tên là Hùng và Toàn và được họ lôi kéo tham gia vào hệ thống. 
Theo lời giới thiệu của hai người này, Cty Liên Kết Việt là Cty trực thuộc Bộ Quốc phòng, muốn trở thành thành viên của Cty  chỉ cần bỏ ra 8,6 triệu đồng và sẽ được nhận 1 máy vật lý trị liệu, 1 máy khử độc Ozone. 
Cũng theo lời Hùng và Toàn, nếu ông Vinh giới thiệu được người tham gia đóng tiền thì ông sẽ được nhận “hoa hồng” với số tiền 600 nghìn đồng/người và sau 5 năm số tiền “hoa hồng” mà ông Vinh sẽ nhận được là tổng cộng hơn 400 triệu đồng. Trước cơ hội làm giàu, ông Vinh đã nộp tiền tham gia…
Sau một thời gian, người đàn ông tên Toàn lại tìm đến gặp ông Vinh đặt vấn đề nhờ ông Vinh đứng tên mở văn phòng đại diện tại Thái Nguyên vì Toàn không có hộ khẩu thường trú. 
Đổi lại, Toàn sẽ trả cho ông Vinh 3 triệu đồng/tháng. Khi thủ tục hoàn tất, Toàn cử người lên Thái Nguyên điều hành các hoạt động, còn ông Vinh chỉ là người đứng tên trên giấy tờ và có nhiệm vụ về Hà Nội nhận hàng cho
chi nhánh.
Hằng tháng, Văn phòng đều tổ chức đại hội “hoa hồng” để trả thưởng cho khách hàng và đều có ban lãnh đạo Tổng Cty mặc quân phục bộ đội, đeo quân hàm dự, trao thưởng nên ông Vinh không mảy may nghi ngờ và đã bỏ thêm 200 triệu đồng để mua mã hàng. Số tiền “hoa hồng” mà ông Vinh đã được nhận khoảng 60 triệu đồng.
Theo Công an tỉnh Thái Nguyên, đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 200 bị hại gửi đơn tố cáo bị Cty Liên Kết Việt lừa đảo. Kết quả điều tra bước đầu, CQĐT xác định có gần 3.000 lượt người đăng ký tham gia, đóng tiền mua gần 7.000 mã hàng thông qua chi nhánh Liên Kết Việt tại Thái Nguyên, với tổng số tiền đã nộp khoảng 60 tỷ đồng. Khi vụ việc vỡ lở, các đối tượng điều hành chi nhánh này đã “rút êm”, tẩu tán tài liệu, máy móc nhằm xóa dấu vết.
Tương tự, các đối tượng cũng nhờ bà Nghiêm Thị Hằng, trú tại TP Thái Nguyên đứng tên mở đại lý ký gửi hàng của Cty Liên Kết Việt. CQĐT xác định có hơn 50 lượt người tham gia đóng tiền mua mã hàng thông qua đại lý này, với số tiền gần 1 tỷ đồng. 
Trong tổng số 60 tỷ đồng đã thu của những người tham gia, các đối tượng đã dùng khoảng 22 tỷ đồng để trả thưởng, chi “hoa hồng”, còn lại là chiếm đoạt.
Trong diễn biến điều tra hệ thống chi nhánh, đại lý của Cty Liên Kết Việt, Công an Đà Nẵng bước đầu xác định có khoảng 1.200 người bị lôi kéo tham gia đóng tiền vào hệ thống lừa đảo này.
Như Tiền Phong đã đưa tin, bằng thủ đoạn lừa đảo kinh doanh đa cấp, Cty Liên Kết Việt đã chiếm đoạt khoảng 1.900 tỷ đồng của hơn 60 nghìn bị hại. 
Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lê Xuân Giang - Chủ tịch HĐQT Cty Liên Kết Việt cùng 6 đồng phạm, cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã phong tỏa tài khoản, thu giữ hơn 134 tỷ đồng, 16 máy vi tính, cùng toàn bộ hồ sơ tài liệu có liên quan đến hành vi lừa đảo của Cty này. 
Đồng thời ra quyết định ủy thác điều tra cho cơ quan điều tra tại 27 tỉnh, thành nơi Cty Liên Kết Việt mở chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý…, để tiếp nhận đơn tố cáo và tiến hành các hoạt động điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng. 
Kiến nghị xóa sổ các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lừa đảo
Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam (VMLMA) vừa có kiến nghị lên Thủ tướng về việc xóa sổ các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lừa đảo.
 “Tình hình đa cấp biến tướng ngày càng phức tạp và tinh vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Do vậy, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương và các bộ ngành khác nhanh chóng xác minh, kiểm tra, điều tra để kịp thời chặn đứng, chấn chỉnh, xử phạt và xóa bỏ các doanh nghiệp đa cấp bất chính, tạo môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng và thuận lợi cho các doanh nghiệp khác”, VMLMA kiến nghị.
Theo đại diện VMLMA, Hiệp hội sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng về chuyên môn, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp biến tướng.
(Theo Tiền phong) Phạm Tuyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét