Bán
nhà làm... từ thiện
Đại
tá Lâm Quang Minh (phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) “quyết cái
rụp” bán căn nhà gắn với bao ký ức của gia đình để làm từ thiện. Tuổi càng
già, tâm niệm thiện nguyện của ông càng lớn, ông dặn dò con cháu mỗi tháng
đóng góp một phần tiền lương để làm quỹ học bổng gia đình...
Giấy chứng nhận, bằng khen sau mỗi lần
thiện nguyện của ông Minh giờ đã chất kín tủ, treo kín tường. (Ảnh: Giang
Thanh)
Chúng tôi gặp
ông trong bệnh viện Quân y 17, nơi ông đang điều trị. Hỏi thăm bệnh tình, ông
xua tay nói bệnh tuổi già. Ở tuổi 95, chẳng mấy ai giữ được sự minh mẫn, tinh
tường như ông.
“Ông bụt”
khuyến học
Ông Lâm Quang
Minh sinh ra trong gia đình nghèo khó ở xã Hòa Phong (Hòa Vang, Đà Nẵng). Tộc
họ của ông có truyền thống hiếu học, khoa cử và tinh thần yêu nước bất khuất.
Cụ cố của ông đỗ đạt nhưng không ra làm quan mà theo Đề đốc Nguyễn Tri Phương
đánh Pháp, giữ thành Đà Nẵng (1858 - 1862).
Ông nội ông hai
lần đỗ tú tài, tham gia phong trào Cần Vương. Sau khi phong trào Cần Vương
thất bại, ông về mở trường dạy học, làm địa chỉ liên lạc cho các sĩ phu yêu
nước ở Trung kì. Cha ông học cũng rất giỏi, làm chánh tổng nhiều năm liền,
rất mực thương dân, sau đó bị bãi chức vì ký vào đơn xin triều đình giảm sưu
cao thuế nặng.
Nối gót cha
ông, ông miệt mài tu chí đèn sách. Thời gian học tú tài tại trường Quốc học
Huế, ông phải đi dạy kèm con cái nhà giàu để trang trải tiền học. Vất vả,
biến cố dồn dập thử thách sự hiếu học của ông khiến ông đồng cảm với những
học trò khó khăn, lòng luôn thôi thúc phải tìm cách tiếp sức cho các em đến
trường. Năm 1980, sau hơn ba thập kỉ gắn bó với quân đội, ông Minh nghỉ hưu
và bắt đầu công tác khuyến học.
Ông như con
thoi miệt mài gõ cửa các doanh nghiệp, tổ chức, các mạnh thường quân, hội
Việt kiều ở các nước…kể với họ những đôi chân tới trường không dép, những cánh
cửa đại học khép lại vì gánh nặng áo cơm để lập nên 6 hội khuyến học ở địa
phương. Hỏi ông đã chắp cánh được cho bao nhiêu trò nghèo, ông chỉ vào cả
trăm giấy chứng nhận, bằng khen xếp đầy ngăn tủ, treo kín tường, rồi cười:
“Mỗi lần đi trao học bổng cho các cháu, các trường, chính quyền địa phương
đều tặng lại cho tui cái giấy chứng nhận, giờ đếm hết chắc phải mất cả ngày
đấy”.
“Chưa thấy người nào làm từ thiện
toàn tâm, “dài hơi” như bác Minh, và cũng chưa thấy ai bán cả căn nhà ký ức
của mình đi để làm thiện nguyện. Bác đã gắn với Hội nhiều năm, chia sẻ rất
nhiều khó khăn với các gia đình chịu ảnh hưởng chất độc da cam nhưng bác luôn
nói sự chia sẻ của mình không là gì so với nỗi đau của họ. Tôi trân quý tấm
lòng của bác, và luôn coi bác là tấm gương cống hiến không ngừng nghỉ để noi
theo”. - Bà
Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng
Năm 1993, ông
Minh hỗ trợ thành lập Chi hội khuyến học đồng hương xã Hòa Phong tại quê nhà.
Cũng chính ông kết nối liên lạc khắp nơi để tập hợp được hàng trăm hội viên ở
Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, kiều bào ở nước ngoài...
Hiện nay, nguồn
quỹ duy trì ổn định với hàng chục triệu đồng, giúp đỡ và khen thưởng thường
xuyên cho con em học sinh của 5 trường trên địa bàn xã. Cô Đinh Thị Dễ, hiệu
trưởng trường Tiểu học An Phước nhớ như in mỗi dịp 20/11, đại tá Minh với bộ
quân phục bạc màu đến tặng hoa cho toàn thể giáo viên, trao quà khuyến học và
nói chuyện tiếp lửa cho trò nghèo.
Ngoài tiền vận
động từ các nguồn để làm từ thiện, vợ chồng ông dành hơn phân nửa ủng hộ cho
các quỹ khuyến học của địa phương, trường cũ, con cháu trong hội cựu chiến
binh. Tuổi càng già, tâm niệm thiện nguyện của ông càng lớn, ông dặn dò con
cháu mỗi tháng đóng góp một phần tiền lương để làm quỹ học bổng gia đình.
Bán nhà thực
hiện di nguyện của vợ
Hòa Phong quê
ông là một trong những nơi trẻ em hứng chịu hậu quả chiến tranh nhiều nhất.
Năm 1990, ông làm hồ sơ gửi sang Hội Việt kiều Pháp xin tài trợ, gần ba năm
sau, lớp học của 43 em học sinh khuyết tật được tổ chức. Lớp có hai giáo viên
tập trung dạy văn hóa và dạy nghề. Sau khi hoàn thành khóa học, các em còn
được tặng máy may để bắt đầu khởi nghiệp.
Đến tận bây
giờ, nơi ông gắn bó nhất là Hội Nạn nhân Chất độc da cam TP Đà Nẵng, có thời
gian là ông đến các cơ sở thăm các cháu, chia sẻ khó khăn cùng gia đình. Mỗi
lần đi về, trong ông thêm nhiều khắc khoải. Nỗi niềm ấy ông đem san sẻ với
vợ, nhưng đôi vợ chồng già chưa kịp lên kế hoạch giúp đỡ thì bà bỏ ông về với
tiên tổ vào năm ngoái. Ông kể: “Trước lúc lâm chung, bà ấy dặn tôi phải có
một nguồn tiền ổn định mới giúp đỡ lâu dài cho các hoàn cảnh khó khăn, không
thể cứ chắp nối mỗi nơi một ít, hỗ trợ một cách cầm chừng, cuốn chiếu như mấy
chục năm qua”.
Tâm nguyện của
bà để lại làm ông loay hoay không biết tìm đâu ra nguồn tiền, tính đi tính
lại chỉ có căn nhà là giá trị nhất. Ông quyết bán.
Đầu năm nay,
ông gọi cháu con tới báo tin sẽ bán căn nhà mặt tiền ngay trung tâm thành phố
với giá hơn 2 tỷ đồng để thực hiện tâm nguyện của bà. Cả nhà quá bất ngờ và
không đồng ý, cháu con khuyên ông nên giữ lại vì đấy là ký ức, kỷ niệm của
gia đình. Ông quyết: “Bây giờ các con đã có nhà riêng, sự nghiệp vững vàng,
ba lại gần đất xa trời, một mình đâu ở hết căn nhà ấy được. Bán nó đi sẽ thực
hiện tâm nguyện của mẹ, của cả ba nữa, và có thể đổi thay biết bao cuộc đời”.
Hết cách khuyên nhủ, cô con gái đầu xin phép ông được mua lại căn nhà giá 2
tỷ rồi cả gia đình chị sẽ dọn về ở với ông. Ông mừng khôn tả bởi vừa giữ được
nhà, vừa có tiền làm thiện nguyện.
Các đơn vị được
nhận hỗ trợ là hội khuyến học các cấp, Hội nạn nhân chất độc da cam, giải
thưởng Huỳnh Thúc Kháng của TP Đà Nẵng… Mỗi nơi từ 50 đến 100 triệu đồng.
Không muốn rình rang, ông xin tài khoản rồi lặng thầm chuyển tiền cho các đơn
vị.
Nhận được số
tiền hỗ trợ từ ông, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam
TP Đà Nẵng, nói: “Số tiền này sẽ giúp các em trong Hội bớt khó khăn hơn, từ
bữa ăn, sinh hoạt tới thuốc men. Số tiền này đại tá Minh có được từ việc bán
căn nhà thân thương của mình, thì Hội cũng sẽ sử dụng làm sao cho xứng đáng
với ý nghĩa, tấm lòng đùm bọc của đại tá”.
(Theo Tiền Phong) Thanh Trần -
Giang Thanh
|
Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét