08:45
“Thực tế đáng báo động mà qua báo cáo của Chính phủ thì bình yên quá”
Một
ngày bàn thảo từ tình hình biển Đông đến giải pháp giảm tai nạn giao thông
của Quốc hội vừa kết thúc. Bao gồm cả kinh tế, xã hội, ngân sách, không gian
để thảo luận và cả tranh luận tại các tổ ngày 22/5 là vô cùng rộng lớn.
Không khí nghị trường tuy vậy nhiều nơi khá chùng chình. 20 phút đầu giờ dành nghiên cứu thêm tài liệu. 9h30 giải lao. Gần 11h kết thúc. Đó không chỉ là cảnh chỉ diễn ra ở một vài phòng họp. Tại một tổ gồm 3 đoàn đại biểu đủ cả Bắc - Trung - Đoàn Tp.HCM vẫn sôi nổi cả sáng lẫn chiều. “Ông nghị” Trần Du Lịch nhấn mạnh trách nhiệm của Quốc hội “không để nền kinh tế tiếp tục trì trệ”. Nữ đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận xét giải pháp tại báo cáo của Chính phủ đọc “không chê vào đâu được” nhưng có những vấn đề tồn tại kéo dài không chỉ 1 - 2 năm mà nhiều năm mà các giải pháp vẫn như vậy. Trong khi tình hình thực tế khó khăn hơn nhiều. Chính sách của chúng ta làm cho người dân không yên tâm, cử tri hỏi do vấn đề gì mà đẩy khó khăn về cho người dân, tạo thuận lợi cho mình trong quản lý, câu hỏi này chưa trả lời được. Sau câu kết của đại biểu Tâm, Trưởng đoàn Huỳnh Thành Lập bình luận, “đại biểu Tâm nói khiến tôi liên tưởng đến việc mình đưa ra chính sách cấm đội mũ bảo hiểm rởm, không phạt được ai lại đi phạt người mua”. Nhận xét của Chính phủ vẫn lạc quan, khoảng cách giữa chính sách và cuộc sống còn xa cũng là nhận xét chung của rất nhiều ý kiến khác. "Tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thấy nhiều vấn đề đáng báo động nhưng qua báo cáo của Chính phủ thấy tình hình bình yên quá", đại biểu Võ Thị Dung thẳng thắn. Luật sư Trương Trọng Nghĩa phàn nàn, trong lúc nhiều chính sách bất hợp lý được ban hành, nhân dân và cả đại biểu rất cần đến thông tin từ báo chí. Thế mà vừa rồi lại định quy định báo chí cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra. Ông “can gián” Chính phủ xem lại để tránh ra đời những chủ trương không thúc đẩy được phát triển nền kinh tế, hạn chế dân sinh. Ở các tổ thảo luận khác, nhiều vị đại biểu không giấu được sự sốt ruột khi tái cơ cấu nền kinh tế còn đang mờ mịt. Quốc hội đã đặt ra yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế từ 2008 nhưng thực hiện thiếu mạnh mẽ và kiên quyết, làm phát triển thêm nhóm lợi ích chi phối đời sống gây cản trở cải cách. "Nhân dân mất lòng tin vì nói mà không làm, dễ bị kẻ xấu tác động", đại biểu Lê Hữu Phước (Bình Dương) phát biểu. Cho rằng cần đánh giá trung thực trạng tình hình kinh tế hiện nay, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) nói, “tôi cảm nhận lòng tin với một số việc đang triển khai có vấn đề, lòng tin suy giảm thì chính sách khó đi vào cuộc sống”. "Chưa biết kết quả xử lý các tập đoàn Vinashin thế nào, Vinalines ra sao, rồi dự án bauxite nữa, nợ công, nợ xấu đều chưa minh bạch, cử tri hỏi đại biểu không đủ thông tin giải đáp", ông Hùng nói tiếp. Vị đại biểu này cũng đề nghị Chính phủ cần có báo cáo chuyên đề với Quốc hội về biển Đông, để đại biểu hiểu sâu hơn giải đáp cho cử tri, vì cử tri hỏi rất nhiều mà không thể trả lời cho thấu đáo. "Lúc nào hạn chế yếu kém cũng do kinh tế thế giới và nguyên nhân khách quan thì không được, phải nói nguyên nhân còn từ chỉ đạo điều hành, nhiều việc cứ nói quyết liệt mà tôi chưa thấy, nhất là ở tái cơ cấu nền kinh tế", ông Hùng tiếp mạch băn khoăn. Không đi sâu vào các ngóc ngách cụ thể của cơm áo gạo tiền mà đề cập đến cơ hội cải cách khi sửa Hiến pháp 1992, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) bàn, nếu giải pháp ngân hàng trung ương độc lập không được đặt ra, Chính phủ cần in tiền thì Ngân hàng Nhà nước in tiền, thì khó khăn sẽ còn lâu dài. Vị đại biểu này cũng khái quát, tình hình kinh tế hiện nay là hệ quả của sự phát triển nhanh mà mô hình kinh tế không giống ai. “Phát triển nhanh mà không có mô hình sẵn là cái giá phải trả, bây giờ là lúc bình tĩnh xem xét, nếu không chấn chỉnh thì không có tiền nuôi bộ máy và chi cho chính sách xã hội”. Sau phát biểu của đại biểu Tiên, tổ thảo luận gồm các đoàn Bạc Liêu, Tiền Giang, Ninh Thuận và Bình Dương dừng phiên buổi sáng lúc kim giờ đồng hồ chưa chạm số 11. Tầng 1 cùng nhà, phòng họp tổ khác cũng chỉ còn nhân viên khách sạn đang dọn dẹp. Dưới sân, nhiều ôtô biển xanh chờ sẵn. Nhưng cũng có vị tự đi xe máy cho cơ động. Các phóng viên cũng tranh thủ về cơ quan, để 14h lại lên đường theo nghị trình. Nhưng, quá giờ làm việc chiều rồi mà phòng họp đoàn Hà Nội và tổ số 4 vẫn trống... Tổ số 3 cũng chỉ thảo luận đến 15h. Ở một tổ khác tại Nhà khách La Thành, 15h30 tổ trưởng “trưng cầu” ý đại biểu xem nên nghỉ giải lao rồi họp tiếp hay phát biểu hết ý kiến thì nghỉ luôn. Một nữ đại biểu lưu ý rằng báo chí đã có đăng bài phản ánh đại biểu Quốc hội họp tổ thường về sớm, phát biểu ít. Và qua báo chí, cử tri sẽ giám sát hoạt động của đại biểu. Cả tổ nhất trí giải lao đúng giờ, sau đó lại vào họp tiếp. "Cứ nói quyết liệt mà tôi chưa thấy", đó là lời không chỉ một đại biểu dành cho cơ quan điều hành. Nhưng thú thật là người viết cũng muốn dành nó cho một số vị đại diện của mình.
(Theo
VnEconomy) Nguyên Thảo
Tựa
đề của Kinh Bắc
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét