Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013


 08:01

Ngày của người lao động


Trên thế giới hiện không nhiều quốc gia có một ngày nghỉ lễ dành cho người lao động, gọi là ngày Quốc tế Lao động 1.5 như ở Việt Nam. Thậm chí, ngay tại nước Mỹ - nơi khởi thủy cho chính sự kiện người lao động đòi quyền lợi cho mình năm xưa - cũng không có ngày nghỉ ấy.

Điều này cho thấy, Nhà nước Việt Nam chúng ta luôn quan tâm tới người lao động (NLĐ). Song, điều ấy cũng không có nghĩa là chính sách lương bổng, đãi ngộ đối với NLĐ của nhà nước ta đã là tiến bộ, thậm chí phải nói thẳng rằng còn rất nhiều điều phải làm thì mới được xem là tích cực.
Mới đây, ngày 26.4, tại một cuộc họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, vấn đề lương bổng, danh hiệu của người nghệ sĩ với những bất cập hiện nay đã được đưa ra mổ xẻ. Bạn đọc cả nước không khỏi chạnh lòng khi được biết ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã bộc lộ những chính sách sử dụng nhân tài, lương bổng có quá nhiều bất công. Rất nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú nổi tiếng, thậm chí cả giám đốc nhà hát… oai danh là thế nhưng sau ánh đèn sân khấu với bao ánh hào quang, họ đang phải sống bằng hệ số lương ngạch “diễn viên hạng ba” theo quy định của nhà nước! Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng bậc lương đã vượt khung, vậy mà họ vẫn không tài nào chuyển ngạch bậc bởi đã 15 năm qua không hề có một cuộc thi chuyển ngạch bậc nào trong khối nghệ thuật biểu diễn...
Rồi chuyện tuổi nghề của người nghệ sĩ trong giới nghệ thuật múa và xiếc cũng thật tủi thân. Tuổi hành nghề của họ vốn quá ngắn, có khi chỉ mười lăm đến hai mươi năm nhưng quá trình đào tạo thì quá dài tới hàng chục năm. Song, khi tổ chức tính tuổi hành nghề để làm chế độ chính sách nghỉ hưu cho họ thì lại chẳng giống ai. Vì năm công tác của họ ít, khiến bậc lương không cao đã là một sự thiếu công bằng, cũng không thể về hưu sớm vì sức khỏe (bình thường như bao người) lại… rất tốt! Trong khi đó, nghề mà họ được đào tạo và cống hiến cho xã hội thì không được kéo dài tới lúc hưu như mọi người trong xã hội, rất dễ bị sa thải.
Rõ ràng, chính sách lương bổng của nhà nước ta hiện nay đối với ngành nghệ thuật còn quá nhiều bất cập, chưa khuyến khích họ yêu và say nghề, sống được bằng nghề. Nếu mở rộng ở nhiều ngành nghề khác, những ví dụ tương tự cũng không ít...
Trước đây, để chiêu hiền đãi  sĩ, ngay sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc (1954), Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có chính sách đãi ngộ khá đặc biệt đối với trí thức. Nếu là những người có học hàm giáo sư thời kỳ đó, họ được hưởng chế độ lương, tem phiếu, nhà cửa và xe cộ đưa đón hằng ngày không khác gì một vị lãnh đạo có hàm thứ trưởng. Đành rằng chính sách ấy mà áp dụng vào bây giờ thì cũng không phải là phù hợp. Song ít nhiều nó thể hiện sự tôn trọng và nâng niu chất xám của trí thức mà chế độ nhà nước, dù còn nhiều khó khăn đã áp dụng. Ngày nay, có những vị có học hàm phó giáo sư, giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học, do tuổi công tác chưa nhiều cho nên bậc lương rất thấp, chưa tương xứng với sự cống hiến của họ cho xã hội.
Bên cạnh đó, do chính sách chắp vá về lương nên hay có hiện tượng chỉnh sửa không đều nhau giữa các ngành nghề. Khi thấy ngành nào kêu nhiều thì sửa nhiều, và ngược lại. Cho nên, do “mưa không khắp đất”, dẫn tới hiện tượng khi bị ngành khác thắc mắc là rất khó trả lời.
Chúng ta không nên ngụy biện (dù thực tế có thể là như vậy) rằng có mấy ai sống bằng lương! Hoặc họ có tài như vậy thì lo gì nghèo! Các nhà hoạch định chính sách càng không nên có suy nghĩ như thế. Điều quan trọng và then chốt cần phải đạt được khi điều chỉnh hoặc cải cách tiền lương trong mỗi giai đoạn phải làm sao để NLĐ được sống bằng thu nhập chính của mình, thu nhập do nhà nước hoặc do cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm cho họ. Chỉ có vậy, chúng ta mới có thể xây dựng được một xã hội lành mạnh và thúc đẩy xã hội phát triển, đuổi kịp các nước ở xung quanh.
Một ngày trong năm được dành cho NLĐ vẫn chưa đủ và cũng chưa phải là cái đích cuối cùng mà mọi NLĐ chân chính chờ mong!
 (Theo Thanh niên) Quốc Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét