Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013


21:11
 Giống cây Trung Quốc:
Cao sản hay phá sản?
Nỗi ám ảnh hàng Trung Quốc đối với người Việt ngày một tăng khi càng ngày càng phát hiện nhiều loại nông sản, trái cây Trung Quốc độc hại thâm nhập thị trường Việt Nam.
 
Giống bí Nhất Phẩm thành “Phế Phẩm”
Hàng trăm hộ nông dân ở Đắk Lắk rơi vào cảnh nợ nần vì trót trồng giống bí “lạ” có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Được giới thiệu là giống bí cho hiệu quả kinh tế cao hơn bất cứ loài cây gì nhưng lại dễ trồng nên hàng trăm hộ nông dân ở 2 huyện Ea Kar và Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đã phá bỏ các cây trồng khác để trồng giống bí đỏ Nhất Phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thế nhưng, đến kỳ thu hoạch mà ruộng bí chỉ cho năng suất vài tạ/sào, nông dân lỗ nặng.
Một nông dân cho biết: Thời gian đầu, cây bí phát triển rất tốt, ra nhiều hoa, ai cũng vui mừng vì tin tưởng sẽ có một vụ mùa bội thu. Ai ngờ, đến khi trái bằng khoảng nắm tay là bắt đầu rụng, mỗi gốc chỉ còn 1-2 trái nhỏ, không ai muốn mua.
Chỉ riêng huyện Krông Bông có 129 hộ trồng hơn 50 ha và nhiều hộ dân khác ở huyện Ea Kar trồng giống bí “Phế Phẩm” này.
Trắng tay, quá cay vì trồng giống ớt Trung Quốc
Sau nhiều tháng trời bỏ công chăm bẵm, nhiều nông dân tại huyện Duy Xuyên, Đại Lộc (Quảng Nam) đang phải khóc ròng vì hàng trăm hecta trồng ớt giống Trung Quốc chết trắng đồng.
Đi qua những cánh đồng bên dòng sông Thu Bồn đoạn qua hai xã Duy Trinh, Duy Châu (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) sẽ thấy nhiều ruộng ớt chết trắng hoặc cây đang héo hon khắp nơi.
Ông Nguyễn Chương (xã Duy Châu) là một trong những trường hợp ôm nợ, thất thu vì giống ớt Trung Quốc, kể lại: hồi tháng 9/2012, một số người đi mua ớt đến vùng này đã đưa ớt giống tới và phát miễn phí cho nhiều người dân. Những người này cũng hứa hẹn đến mùa sẽ mua ớt với giá cao hơn thị trường. Ớt giống được gói trong bao bì in toàn chữ Trung Quốc, trên bề mặt có hình chùm ớt xanh.
 
Dù không biết là giống gì nhưng ông Chương cũng như nhiều người dân khác ở Duy Châu bắt đầu ươm giống để trồng. Ban đầu ớt cũng phát triển bình thường, lá to. Tuy nhiên, khi cao được khoảng 20cm cây bắt đầu có hiện tượng rụi lá, thối rễ và gục chết hàng loạt. Một số cây ớt còn sống sót cho ra quả nhưng vì chiều cao hạn chế nên quả ớt chạm đất khiến ớt bị thối nát hết. Những năm trước vào mùa ớt gia đình ông thu từ 45-60 triệu đồng, nhưng năm nay... trắng tay.
Giống cây trồng, phân bón Tàu tràn lan
Thời gian này, tại các chợ phiên của huyện Ba Bể, có đến hơn 10 sạp hàng thường xuyên bày bán các loại giống cây trồng nhập ngoại không rõ nguồn gốc và thuốc bảo vệ thực vật không ghi nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trên bao bì. Hỏi về nguồn gốc, các chủ sạp đều nói, được cung cấp bởi các chủ hàng lấy từ Trung Quốc về bán buôn cho tư thương.
Về phân bón, nhiều gian thương dùng phân urê Trung Quốc sang bao để làm giả các loại phân sản xuất trong nước. Các loại phân giả này khi nông dân mua về bón cho lúa có hiện tượng cháy lá, bón cho ngô có hiện tượng ngô tốt lá nhưng rất nhanh héo thân, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng.
Cả xã mất trắng vì giống hoa Trung Quốc
Làng hoa Tây Tựu được mệnh danh là vựa hoa của Hà Nội nhưng vài năm trở lại đây, người dân Tây Tựu gần như thờ ơ với các loại hoa truyền thống như hồng, lan, cúc để chuyển sang trồng các loài hoa ly, hoa loa kèn có nguồn gốc từ Trung Quốc bởi giá thành phẩm cao, thời vụ lại ngắn. Chỉ cần “trúng” một vụ là có vài trăm triệu xây nhà mới, mua xe ô tô.
Tuy nhiên, để được đổi đời, các hộ kinh doanh đã phải bỏ ra số vốn khổng lồ và mạo hiểm với chính đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình. Người trồng hoa cho biết, giá nhập giống từ 15.000-18.000 đồng/củ giống, mỗi sào trồng khoảng 6.000-6.500 củ.
 
Trung bình 1 sào đầu tư cho hoa lily khoảng 100 triệu đồng tiền giống, chưa kể chừng đó tiền cho công chăm bón, nuôi người, nuôi hoa suốt hơn 3 tháng mới được thu hoạch. Nhà nào trồng 3 sào thì tiền đầu tư không dưới 400 triệu đồng. Do ham làm giàu nhanh chóng nhiều hộ dân đã thế chấp “sổ đỏ” để lấy tiền mua giống, trồng hoa Trung Quốc.
Thực tế là giống hoa Trung Quốc này tuy đem lại lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng vô cùng lớn. Cùng một mảnh ruộng, vụ này trúng nhưng vụ sau có thể hoa lại không đậu đúng thời điểm như ý. Như vụ hoa loa kèn hồi tháng 4 vừa rồi, cả xã Tây Tựu gần như mất trắng.
Tính rủi ro cao khi trồng các loại hoa có nguồn gốc từ Trung Quốc đã và đang khiến nhiều hộ lao đao. Không ít hộ dân đang từ triệu phú đã trắng tay chỉ sau một vụ mùa.
Giống lúa lạ ở Long An
Tháng 2/2013, dư luận ở Long An xôn xao chuyện người Trung Quốc đến đây thuê ruộng trồng lúa.
Người dân ở Long An kể lại: “Lúc đầu tui thấy mấy ông xuống thuê đất trồng lúa, mấy ông Việt Nam xưng mình là nhà khoa học, còn ông kia là người Nhật Bản, xuống thuê đất trồng lúa Nhật để xuất khẩu. Nhưng đùng một cái khi báo chí phanh phui ra, mới biết “lúa lạ” là lúa Trung Quốc, còn cái ông nói xí xô xí xào kia cũng là người Trung Quốc, dân trong xóm ai cũng bức xúc”.
 
Nói về giống lúa lạ này một nông dân cho hay: “Lúa thì cây cao cây thấp, lại có chuyện lúa đực, lúa cái phải nhờ người thụ phấn; phân bón, thuốc sâu thì phun xịt liên miên, cây lúa hơn 1 tháng tuổi còn nhổ lên cấy xuống loạn xạ. Vậy mà mấy ổng nói giống lúa này quý lắm, giá bán lúa giống từ 30.000 đồng đến 120.000 đồng/kg”.
Sau khi dư luận phanh phui việc trồng “lúa lạ”, chuyên gia Trung Quốc biến mất, còn hai cán bộ khoa học người Việt Nam giải trình đây là giống lúa lai nhị ưu 838 F1 có trong danh mục cho phép trồng của Bộ NNPTNT. Tuy nhiên khi các nhà khoa học mang mẫu lúa giống nhị ưu 838 xuống ruộng “lúa lạ” đối chiếu so sánh và xác định đây là “giống lúa lạ”, thậm chí không thể biết nó là lúa gì, nên ngành nông nghiệp Long An quyết định tiêu hủy.
Theo N.A.
Vietnamnet (Tựa đề của Kinh Bắc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét