20:11
‘Đặc nhiệm Mỹ sống 45 năm ở VN’:
Cú lừa hàng chục ngàn đô
TPO – Theo thông tin mới nhất, người đàn ông tự nhận mình là đặc nhiệm Mỹ Robertson sống 45 năm ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam có thể đã lừa được hàng chục nghìn USD từ cựu binh Mỹ.
Như Tiền Phong đã đưa tin trong 3 bài viết gần đây, bộ phim tài liệu Unclaimed (Không đòi hỏi) của nhà làm phim Michael Jorgensen khởi chiếu từ ngày 30/4 tại Canada và từ ngày 12/5 tại Mỹ đang gây xôn xao dư luận vì thông tin cựu binh John Hartley Robertson, người được xác định, đã chết năm 1968, thuộc lực lượng đặc nhiệm Mũ nồi xanh tham chiến ở Việt Nam, vẫn còn sống ở vùng núi miền Bắc Việt Nam suốt 45 năm qua. Tuy nhiên, theo các tài liệu và nguồn tin chính thức mà Tiền Phong có được, đây là thông tin bịa đặt, đúng hơn là vụ lừa đảo bắt đầu từ hàng chục năm trước.
Cơ quan tìm kiếm lính Mỹ mất tích (DPMO) năm 2009 đã có kết luận chính thức về sự việc này thông qua tài liệu dài 16 trang, kèm theo nhiều hình ảnh mà Tiền Phong đã đưa tin.
Theo DPMO, người đàn ông là công dân Việt Nam gốc Pháp có tên Dang Tan Ngoc năm 2006 được thẩm vấn bởi các viên chức Mỹ. Vào thời điểm đó, người đàn ông này thừa nhận mình là công dân Việt Nam có tên là Dang Than Ngoc. Ông Ngoc cũng thừa nhận mình được sử dụng cho những thông tin giả mạo.
CIA và FBI vào cuộc
Sau đó có nhiều bức ảnh (có cả ảnh màu) đều là ông Ngoc đóng giả Robertson tiếp tục được gửi tới các tổ chức cựu chiến binh Mỹ nhằm lừa đảo và các báo cáo tiếp tục chuyển tới DPMO.
Vì thế, năm 2008, ông Ngoc được đưa tới Đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh (Cămpuchia) để kiểm tra vân tay. Vân tay của ông Ngọc được gửi về Mỹ để kiểm tra và ngày 13/2/2009, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) kết luận vân tay của ông Ngọc không khớp với vân tay chính thức của cựu binh Robertson. Theo thông tin trên các diễn đàn mạng của cựu binh trong chiến tranh Việt Nam, người đàn ông tên Việt Nam (ông Ngoc) này có thể là một người Pháp hoặc người Việt gốc Pháp lấy vợ người Việt, có con và sinh sống ở Cămpuchia.
Tờ Daily Mail (Anh quốc), ngày 1/5 đưa tin, ông Ngoc thực ra đã cố tình lừa cựu binh Mỹ và các tổ chức liên quan đến cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam suốt hàng chục năm qua. Cũng theo Daily Mail, cách đây 20 năm, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã tiến hành cuộc xét nghiệm DNA, khẳng định đây là vụ lừa đảo.
Ông Don Bendell, cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam thuộc lực lượng đặc nhiệm, đã bỏ ra nhiều năm để điều tra nhân thân ông Ngoc và cho biết người thường tự nhận là Robertson thực ra là một người Việt gốc Pháp, các vụ lừa đảo bắt đầu từ năm 1991 nhằm vào cộng đồng cựu chiến binh đang tìm kiếm lính Mỹ mất tích ở Việt Nam.
Ông Don Bendell, tham chiến ở Việt Nam năm 1968 – 69, vừa gửi email tới nhà tổ chức Liên hoan phim cựu chiến binh ở Mỹ và Canada, nơi chính thức khởi chiếu phim Unclaimed, để khẳng định rằng nhân vật Robertson là một người Việt gốc Pháp và là một kẻ mạo danh để lừa tiền của các cựu chiến binh.
Theo các thông tin mà Tiền Phong có được, người đàn ông tên Ngoc này đã bắt đầu mạo danh cựu binh Robertson từ đầu những năm 1980.
Trong khi đó, tờ Daily Mail dẫn lời các cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam thuộc lực lượng đặc nhiệm cho rằng ông Ngoc có thể đã lừa được hàng chục ngàn USD khi tự nhận mình là Robertson.
Theo thông tin trên báo chí Mỹ, Anh, hai cựu binh Mark 'Zippo' Smith và Orson Swindle, những người bị giam giữ cùng với Thượng nghĩ sỹ Mỹ John McCain tại miền Bắc Việt Nam, cũng biết rõ vụ lừa đảo này. Cựu binh Zippo hiện sống ở Thái Lan và sĩ quan CIA Billy Waugh đã trực tiếp đi gặp người tự nhận là Robertson vào năm 1991 để tự tìm câu trả lời. Theo lời cựu binh Bendell phát biểu trên báo chí Mỹ, Anh, ông Zippo và Waugh sau khi gặp trực tiếp người tự nhận là Robertson và xét nghiệm DNA đã khẳng định đây hoàn toàn là vụ lừa đảo.
Trên các diễn đàn mạng của cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, câu chuyện lừa đảo của người đàn ông tên Ngoc đã được nhắc đến nhiều và trong những ngày qua lại được đào xới lại. Hầu như mọi cựu binh Mỹ đều khẳng định câu chuyện trên là bịa đặt bởi một điều thật đơn giản, một sĩ quan đặc nhiệm như Robertson không thể quên tiếng mẹ đẻ và hầu hết bằng chứng đều không cho thấy đây đúng là Robertson.
Xem thông tin xung quanh kết luận của DPMO tại đây.
(Theo Tiền phong) Trí Đường
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét