Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013


16:03
NHÌN VỀ PHÍA TRƯỚC ĐỂ ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC

(Viết về nhà báo Nguyễn Phương Hùng - Việt kiều Mỹ, nguyên là lính biệt động quân đội Việt Nam Cộng hòa)

 Chiến tranh đã đi qua gần bốn thập kỷ. Thế hệ những người trẻ tuổi sinh ra sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng chúng tôi may mắn không hề biết đến mùi khói súng và cả nỗi đau chia cắt đất nước. Chúng tôi lớn lên, dẫu đất nước còn nghèo khó, tuổi thơ dẫu còn phải ăn cơm gạo tấm độn lẫn sắn khoai, nhưng đó là tuổi thơ thánh thiện được tung tăng cắp sách tới trường với những ước mơ trong trẻo. Nhưng trên đường đi của người làm báo, tôi đã gặp nhiều cuộc đời khác mà tuổi thơ của họ, số phận của họ gắn liền với số phận của dân tộc. Trong số những người mà tôi đã gặp ấy, có cả những người “từng ở phía bên kia”, những người mà 38 năm trước đã bỏ nước ra đi vào ngày 30-4-1975 lịch sử, vì thù hận đã tham gia chống phá đất nước từ bên ngoài… Hôm nay, khi đất nước liền một dải, như “đứa con xưa đã tìm về nhà”, họ kể lại cho chúng tôi hành trình tìm về nguồn cội để tạ tội với Tổ quốc, để nhìn về phía trước đồng hành cùng dân tộc.

Một trong những cuộc đời như thế, số phận như thế mà tôi muốn kể là nhà báo Nguyễn Phương Hùng, Tổng Biên tập tờ kbchn.net, Việt kiều Mỹ, ông nguyên là biệt động quân trong quân đội Việt Nam Cộng hòa. 9 tuổi, Nguyễn Phương Hùng đã cùng gia đình từ phố Hàng Đẫy (nay là phố Nguyễn Thái Học), Hà Nội di cư “theo Chúa vào Nam”. Năm 1965, khi Mỹ bắt đầu đưa quân vào miền Nam Việt Nam thì chương trình quân dịch, bắt lính của chính quyền Việt Nam cộng hòa cũng được thực hiện ráo riết. Không muốn bị bắt lính, Nguyễn Phương Hùng đã từng trốn trong hầm tàu Tân Gia 3 ở thương cảng Sài Gòn mong trốn ra nước ngoài. Nhưng không may, tàu trục trặc, ở lâu dưới hầm tàu ngột ngạt phải chui lên thế là bị bắt. Cuối năm 1967, Nguyễn Phương Hùng cùng rất nhiều sinh viên miền Nam lúc đó bị cắt bớt chương trình học để bổ sung cho quân đội Việt Nam Cộng hòa. Ở đơn vị biệt động được một năm thì Nguyễn Phương Hùng bị thương nặng, cánh tay phải bị dập nát nên giữa năm 1969 thì được giải ngũ.

Trở về đời sống dân sự, Nguyễn Phương Hùng đi học luật, rồi làm phiên dịch viên cho hãng Paciffic Architech Engernize - chuyên phục vụ quân đội Mỹ ở miền Nam. Ở vị trí này, Nguyễn Phương Hùng sớm biết được số phận chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nhất là sau ngày ký Hiệp định Paris. Ngày 27-4-1975, khi cả Sài Gòn nhốn nháo như ong vỡ tổ, mang theo “nỗi nhục ê chề của người miền Nam bại trận” cùng nỗi sợ hãi ấu trĩ rằng, bộ đội miền Bắc khi tiếp quản Sài Gòn “Công an, cảnh sát thì tha/Còn dân sở Mỹ lột da đóng giày” theo luận điệu tuyên truyền khi đó, Nguyễn Phương Hùng lên máy bay chạy sang Mỹ. Trên một chuyến bay mà “tất cả ghế đều đã được gỡ bỏ, người ta nhồi những người tản cư như nhồi súc vật”, nỗi sợ hãi máy bay sẽ hạ cánh xuống sân bay Bạch Mai và trao cho quân đội miền Bắc cũng thể lấn át được dòng suy nghĩ nhói đau như có hàng ngàn mũi kim chích và da thịt: “tại sao mình phải chạy trốn nhục nhã thế này, dưới thành phố nháo nhác người kia, đâu là cha mẹ, đâu là các em, họ ở lại và số phận họ sẽ ra sao”…

Đến Mỹ, Nguyễn Phương Hùng đã trải qua tất cả những nghề cực nhọc nhất, từ dọp nhà vệ sinh đến phu khuân vác, đi đưa báo… những nghề thường chỉ dành cho dân Á, Phi nhập cư, để có tiền sinh sống và đi học lại đại học. Chiến tranh, đất nước bị chia cắt là những khái niệm đau thương nhất của thế kỷ 20 mà dân tộc Việt Nam đã phải trải qua. Và cho dù ở bên nào chiến tuyến thì những người thuộc thế hệ như Nguyễn Phương Hùng cũng là chứng nhân lịch sử. Chất chứa trong lòng “nỗi đau mất nước” bởi những người Cộng sản, Nguyễn Phương Hùng đã quyết định cực đoan đến độ “sẽ chỉ về khi nào đất nước không còn Cộng sản”, vậy nên cũng không về chịu tang bố mẹ. Ở Mỹ, Nguyễn Phương Hùng là nhân vật tích cực tham gia “đấu tranh chống Cộng”, không ít lần cầm đầu các cuộc biểu tình chống Việt Nam ở Mỹ. Tháng 7-1995, Nguyễn Phương Hùng còn viết thư cho Tổng thống Bill Clinton để phản đối hủy bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Năm 1998, Nguyễn Phương Hùng lập trang kbchn.net để “lưu giữ lịch sử oanh liệt” của quân lực Việt Nam Cộng hòa và nuôi dưỡng ảo tưởng về một ngày “phục quốc”.

Mặc dù là một kỹ sư tin học, có khả năng cũng như điều kiện tiếp cận phương tiện thông tin từ rất sớm nhưng nhà báo Nguyễn Phương Hùng tự nhận trước năm 2000 ông “là người hoàn toàn đui mù về tin tức tại Việt Nam, mù quáng tin vào những bông hoa vẽ thật đẹp bên ngoài chiếc bánh ngọt thiu cũ của một thiểu số người cộng đồng hải ngoại, dấn thân vô lý và mất thì giờ vào các cuộc tập họp đấu tranh tại hải ngoại”. Chỉ đến khi được phỏng vấn Tiến sỹ Lê Quốc Hùng - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, thì thành kiến về người Cộng sản trong ông hoàn toàn biến mất: “Kẻ thù của tôi, người Cộng sản đại diện cho Nhà nước Việt Nam ngồi cạnh tôi hôm ấy là một biểu tượng thân thiện, đĩnh đạc và trí thức. Ông lịch thiệp và nhân hậu khác hẳn với những thứ người ta đã nhồi sọ tôi về người Cộng sản độc ác, lại càng khác hẳn với kiểu bặm trợn, om sòm hành tỏi của một số người tự nhận là đại diện cho cộng đồng ở hải ngoại”. Chính câu nói giản dị của Tiến sỹ Lê Quốc Hùng: “Tôi nói bao nhiêu cũng không bằng mời các anh về một lần để biết quê hương” đã hối thúc để tháng 9-2011, người con 36 năm trước trốn chạy Tổ quốc ra đi ấy về lại quê hương. Trên chuyến bay về Hà Nội lần đầu tiên hay trên mỗi bước hành trình từ Bắc vào Nam, đi để biết quê mình, người con tự nhận mình bất hiếu ấy nhiều lần khóc nức nở vì không kìm nén được xúc động: “Tổ quốc của tôi, đất nước do những người Cộng sản cùng đồng bào tôi dựng xây nên đây ư? Tôi về nước ngay sau Tết Độc lập 2-9, cờ, hoa rợp phố phường, nếu không có hàng ngàn lá cờ đỏ sao vàng thì tôi vẫn nghĩ tôi đang bước đi trong thành phố của một nước tư bản nào đó chứ không phải một nước Việt Nam 36 năm trước còn hoang tàn, đổ nát vì chiến tranh”.

Mượn ca từ trong một ca khúc của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, nhà báo Nguyễn Phương Hùng giãi bày với chúng tôi vào một tối bên Hồ Tây lộng gió: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Tôi đã đi loanh quanh suốt 36 năm trên đất nước của những người không nói cùng ngôn ngữ mới nhận ra được tôi có tội với Tổ quốc. Thời gian sung sức nhất của cuộc đời một con người tôi đã không giúp gì cho đất nước mà lại không im lặng để đồng bào tôi rảnh tay xây dựng đất nước. Bạn ạ, cái xúc động của người con xa xứ trở về có lẽ không thể diễn tả được bằng văn chương, vì tình yêu quê hương khác hẳn tất cả những loại tình yêu trên cuộc đời…”.

Trong vòng 18 tháng, nhà báo Nguyễn Phương Hùng đã về nước 6 lần. Từ Bắc vào Nam, lên tận Cao Bằng thăm thác Bản Giốc, ra Trường Sa thăm các chiến sỹ hải quân, nhà báo Nguyễn Phương Hùng đều không giấu được những giọt nước mắt và niềm tự hào: “Tôi thực sự khâm phục các lãnh đạo Nhà nước Việt Nam về sự điều hành đất nước, trong hơn 3 thập niên đã đưa một đất nước bị tàn phá vì chiến tranh, kiệt quệ vì bị thực dân bóc lột lên vị trí khá vững chãi tại Ðông Nam Á... Quê hương, đất nước tôi hôm nay đang được những người thật sự đổi mới tư duy điều hành. Việt Nam đã vươn lên trong sắc diện từ ngày Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt… có những đổi mới táo bạo”.

Khi tôi viết những dòng này thì nhà báo Nguyễn Phương Hùng đang trên máy bay về Mỹ mang theo những hình ảnh, thước phim, những bài viết mới nhất của ông nói về chuyến thăm thác Bản Giốc và nhiều cột mốc chủ quyền ở biên giới phía Bắc Tổ quốc của đoàn kiều bào. Những tư liệu chân thực, sống động này sẽ nói với cộng đồng người Việt ở Mỹ rằng, đất nước vẫn toàn vẹn, không có ai “dâng đất, bán biển” như một số thế lực xấu tuyên truyền, bộ đội và nhân dân Việt Nam vẫn ngày đêm bảo vệ từng tấc đất ông cha để lại.

Nhà báo Nguyễn Phương Hùng tâm sự với tôi, để sẻ chia mà thôi. Ông bảo, sau chuyến về Việt Nam, ông đã bị một nhóm người trong cộng đồng đe dọa, tẩy chay, phá hoại tài sản bởi họ coi ông đã “phản bội cộng đồng”. Tôi không hiểu tại sao họ lại cho việc ông trở về với cội nguồn dân tộc, với Tổ quốc là sự “phản bội”. Ông bảo: “từng là người trong cuộc, tôi hiểu rất rõ chuyện này. Trong bộ phận nhỏ cộng đồng chống đối hiện nay, phần lớn là những người đã cao tuổi, không thạo về máy tính hay internet nên việc cập nhật thông tin về tình hình đất nước hạn chế. Họ đã bị hướng dẫn sai lạc để hiểu lầm về tình hình đất nước. Cộng thêm những tư tưởng cực đoan, lỗi thời nên càng dễ để bị lừa gạt bởi các trò xuyên tạc sự thật mang mục đích chính trị. Những người này chưa một lần trở lại đất nước nên càng bị “mù lòa”. Như tôi, nếu không về Việt Nam, có lẽ tôi sẽ không bao giờ mở mắt thấy được thực tế đất nước”. Ông nói với tôi, ông đã về, đã thấy, đã tin và vì đã tin nên ông phải viết, viết sự thật bằng tiếng nói trung thực của người làm báo về những hình ảnh đất nước đang trong quá trình xây dựng và phát triển để từng ngày, từng ngày tác động góp phần làm thay đổi nhận thức sai lạc về tình hình đất nước, để xóa bỏ hận thù của một số người Việt ở Mỹ, bởi ông tin nhiều người sẽ thay đổi được như ông. Ông rất vui thông báo với tôi, kbchn.net có lượng độc giả tại Mỹ ngày càng đông, điều đó chứng tỏ cộng đồng Việt kiều ở Mỹ rất quan tâm tìm hiểu đất nước. Với sản phẩm là những bức ảnh, thước phim và bài viết của ông sau mỗi chuyến về Việt Nam, đã có nhiều người bắt đầu tin và cũng báo tin cho ông là họ đã về Việt Nam như lời ông kêu gọi: “Ai chưa về Việt Nam hãy về một lần cho biết. Bà con hãy trở về và tự mình tìm câu trả lời, đừng tin vào những lời kể lại đã bị bóp méo nhằm mục đích chống phá đất nước”.
Tôi đi theo nhà báo Nguyễn Phương Hùng đến nhiều nơi ông tác nghiệp để nghe ông trò chuyện. Nhà báo Nguyễn Phương Hùng quả thật thông minh và dí dỏm, chuyện gì ông cũng nói cho có vần điệu như thơ được và làm người nghe cười chảy nước mắt. Và trong mỗi bức ảnh ông chụp, mỗi thước phim ông quay, mỗi bài báo ông viết đều ăm ắp sự chân thực, lấp lánh một tình yêu với đất nước và đều để gửi gắm một thông điệp. Thông điệp ấy là: “Trang sử đã lật qua, chiến tranh là quá khứ, chiến tranh nên chỉ là quá khứ. Quá khứ thì không thể lấy lại được, cho nên tôi nhìn về phía trước để đồng hành với toàn dân tộc”. Hôm tôi đưa ông đi ăn bánh cuốn chính hiệu Thanh Trì ở quán vỉa hè đầu phố Tô Tịch, Hà Nội, tình cờ ngồi cạnh người lính Thành cổ Quảng Trị năm xưa. Chốc lát, hai người, “anh Bộ đội - tôi Cộng hòa”, họ nói đủ thứ chuyện, từ “41 năm trước chúng tôi tấn công Thành cổ” đến góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, “hôm nay hai đứa mình cùng già, tôi không còn hận thù. Tôi cũng vậy, tất cả chúng ta đều là người Việt Nam”. Chứng kiến câu chuyện của hai người đã từng một thời ở hai chiến tuyến, tôi, một người trẻ tuổi sinh ra sau ngày đất nước thống nhất thấy thế hệ chúng tôi may mắn và hạnh phúc biết bao!■


Những tuyên truyền về “đàn áp tôn giáo” ở Việt Nam là sai sự thật


Ở Mỹ, họ tuyên truyền là ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền nhằm lôi kéo nhiều người tham gia các hoạt động chống phá trong nước. Tôi thừa nhận mình đã bị ít nhiều tác động. Nhưng đó là chuyện trước đây. Tôi đã đi dọc dài đất nước, những tuyên truyền về “đàn áp tôn giáo” ở Việt Nam đã hoàn toàn biến mất khi tôi nhìn thấy những kiến trúc đồ sộ như Đại Chủng Viện Long Khánh, chùa Bái Đính mới xây dựng gần chùa cũ được Liên Hợp quốc công nhận là kiến trúc văn hoá lớn nhất Đông Nam Á. Làm sao có thể tin là có đàn áp tôn giáo khi nhà thờ Thái Bình tôi đi qua hoặc rất nhiều nhà thờ, chùa chiền được xây dựng nguy nga dọc bên đường quốc lộ 1 từ ngã tư Tam Hiệp đến Long Khánh, với những buổi thánh lễ ngày chủ nhật giáo dân đứng chật thánh đường, người dân tấp nập đi lễ chùa chiền... Các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hòa Hảo, Cao Đài và Hồi giáo tự do phát triển ở Việt Nam. Lễ Phật đản vừa qua tôi cũng có mặt tại Việt Nam nên đã được chứng kiến khắp nơi tưng bừng mừng Đức Thích Ca đản sinh. Ngoài tôn giáo, tín ngưỡng cũng được tự do phát triển… Tôi chỉ đơn cử vài thí dụ để cho thấy, mình đừng để bị người ta chơi trò “bịt mắt bắt dê”, hãy về để biết quê mình.

“Về Việt Nam tôi không bị chính quyền làm phiền, là nhà báo tôi được tự do tác nghiệp”

Tôi về nước, nghỉ đêm lại nhà em tôi, không có ai đến hỏi tại sao không khai báo. Tôi về Việt Nam, chủ yếu ở khách sạn, tôi cũng không phải khai báo hay trình báo gì với chính quyền, đi đâu tôi cũng được tự do; tôi thấy người nước ngoài đi lại cũng như người dân trong nước rất được tự do. Ở Việt Nam không có tình trạng cảnh sát hay quân đội được vũ trang đứng đầy đường như ở Mỹ, chỉ có cánh sát giao thông làm nhiệm vụ, thế là an ninh trật tự quá tốt.

Là nhà báo, tôi được tự do tác nghiệp, tôi tự do đi đây đi đó, tiếp xúc với bất cứ ai và tôi muốn phỏng vấn ai cũng được, muốn hỏi gì thì hỏi và ai muốn trả lời hay không là quyền của họ, không có ai yêu cầu tôi phỏng vấn người này, không được phỏng vấn người kia, chỉ được hỏi thế này, không được hỏi thế kia.

Ở hải ngoại cứ tuyên truyền, báo chí ở Việt Nam bị kiểm duyệt gắt gao. Nhưng về nước tôi thấy, có ai kiểm duyệt đâu. Các báo cứ việc in, Tổng Biên tập và chính tác giả tự kiểm duyệt mình chứ Nhà nước không kiểm duyệt. Theo dõi báo chí trong nước, tôi thấy nhiều bài báo viết mạnh lắm, cùng một sự kiện, mỗi báo lại khai thác rất khác nhau. Các ông Việt Nam Cộng hòa ở Mỹ cứ rêu rao đấu tranh cho tự do báo chí ở Việt Nam, nhưng các ông ấy chắc biết rõ, những tờ báo của Việt Nam Cộng hòa ngày trước phải mang lên để cho Bộ Thông tin đọc trước, bài nào không được là phải gỡ ra ngay, tờ báo in ra có khi tới một nửa phải để trống.

Tôi mong nước ta có các văn phòng báo chí ở nước ngoài để trao đổi tin tức hai chiều

Tôi mong muốn có văn phòng báo chí của nước ta ở nước ngoài để làm nơi trao đổi tin tức hai chiều, đưa thông tin về đất nước Việt Nam đến với kiều bào và ngược lại. Bà con ta không có điều kiện và ít đọc báo chí trong nước là một thực tế, bởi nhiều người còn cho rằng báo chí trong nước bị kiểm duyệt. Hai phần ba tin tức của kbchn là tin trong nước nhưng bà con Việt kiều hải ngoại vẫn tìm đọc. Bởi vì kbchn là tờ báo ở nước ngoài nên người ta dễ tin tưởng hơn.

Vì vậy, Nhà nước cần tận dụng những tờ báo của người Việt ở nước ngoài có thiện chí để tuyên truyền. Nhà nước không nên và không cần đầu tư tiền bạc vào các tờ báo tại hải ngoại. Ngược lại các cơ quan báo chí hải ngoại chắc chắn cũng không muốn nhận tiền của Nhà nước để mang tiếng là “không độc lập”. Số người Việt cư ngụ tại nước ngoài về Việt Nam thăm quê hương càng ngày càng đông thì nhu cầu kinh tế và thương mại tại Việt Nam cũng ngày càng phát triển. Nhà nước chỉ cần khuyến khích các doanh nhiệp trong nước quảng cáo trên các ấn phẩm báo chí này để nếu vì “thân thiện” với Nhà nước mà bị một số quá khích tại hải ngoại bao vây kinh tế thì tờ báo vẫn có tài chính để hoạt động.
(Theo KBCHN.net) Hà  Loan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét