Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013


 09:45

Doanh nghiệp Việt "lép vế" trong ngành chăn nuôi

(DĐDN) - Với sự lên ngôi của ngành chăn nuôi trong nước trong những năm gần đây, sản xuất thức ăn chăn nuôi rõ ràng là một thị trường béo bở, nhưng các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn đang hoàn toàn lép vế.

 
Năm 2012, trong khi ngành chăn nuôi điêu đứng do giá sản phẩm xuống thấp, dịch bệnh, thiếu vốn… dẫn đến tình trạng hàng loạt trang trại bị bỏ hoang, nhiều doanh nghiệp trong nước phải thu hẹp sản xuất hoặc phá sản thì các doanh nghiệp nước ngoài vẫn liên tục mở thêm nhà máy sản xuất thức ăn cho ngành này.
Ngoại áp đảo
Theo chiến lược phát triển ngành chăn nuôi, Việt Nam cần tới 18-20 triệu tấn thức ăn công nghiệp; đến năm 2015 và năm 2020 là 25- 26 triệu tấn. Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam có doanh số hàng năm lên tới 6 tỷ USD và mức tăng trưởng luôn trong khoảng 13-15%/năm. Sự hấp dẫn của thị trường này đã lôi cuốn đủ mặt các tập đoàn sản xuất thức ăn nhất nhì thế giới vào Việt Nam như: CP Group (Thái Lan), Cargill (Hoa Kỳ), NewHope (Trung Quốc)…

CP Group (CPG) cho hay, đến năm 2014 sẽ có thêm 6 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. New Hope cũng có kế hoạch tương tự. Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz (KSF) của Nhật Bản đã đưa vào hoạt động một nhà máy có công suất 200.000 tấn/năm tại Long An. Vào năm 2012, Công ty Cargill Việt Nam đã khánh thành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thứ 9 tại Việt Nam, đưa công suất lên 1 triệu tấn/năm và dự kiến tăng lên 1,5 triệu tấn/năm từ năm 2015.
Nhưng câu chuyện không đơn giản ở việc mở rộng quy mô của doanh nghiệp nước ngoài mà ẩn chứa đằng sau đó là những rủi ro cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Thức ăn chăn nuôi chiếm tới 70% chi phí chăn nuôi và có khả năng quyết định giá thành sản phẩm khi bán ra thị trường. Đến nay, CPG đã phát triển thành một chuỗi chăn nuôi khép kín, từ sản xuất con giống (lợn, gà), thức ăn chăn nuôi cho đến chế biến thực phẩm. CPG hiện đang nắm giữ 40% thị phần thịt gà công nghiệp, 50% thị phần trứng gà công nghiệp, 18-20% thị phần thức ăn gia súc tại Việt Nam. Công ty này cũng đang nắm 5% tổng đàn heo (trong tổng số 32 triệu con/năm của Việt Nam). Trong đó, doanh thu từ thức ăn chăn nuôi chiếm 52,6%, còn lại là doanh thu từ các sản phẩm khác. Mặc dù đã có 3.000 cửa hàng, nhưng CPG sẽ xây dựng thêm 10.000 cửa hàng bán lẻ trên cả nước.
Nội lép vế
Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam có doanh số 6 tỷ USD/năm và mức tăng trưởng luôn trong khoảng 13-15%/năm
Không đứng yên nhìn các doanh nghiệp nước ngoài làm mưa làm gió thị trường, một vài doanh nghiệp Việt với chiến lược hợp lý, đang từng bước phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường thức ăn chăn nuôi. Công ty Proconco, một cái tên Việt Nam hiếm hoi đứng trong top những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có sản lượng lớn là một ví dụ. Proconco đang nằm trong sự quản lý của ba công ty lớn của Việt Nam là Masan (chiếm 40% sở hữu), Tổng Công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai (Dofico) (20%), Tín Nghĩa (20%). Masan mua Proconco là nhằm hoàn tất chuỗi giá trị trong ngành thực phẩm của tập đoàn này. Toàn bộ quy trình sản xuất thực phẩm của Masan được khép kín, từ cung cấp nguyên liệu, nuôi, chế biến tới phân phối. Dofico thì đang từng bước hoàn thiện chiến lược đầu tư "từ trang trại đến bàn ăn" thông qua việc xây dựng Khu liên hợp công nông nghiệp (Agropark). Đây là cách các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh sản xuất theo chuỗi giá trị, giống như các doanh nghiệp nước ngoài đang thực hiện.

Ông Phùng Khôi Phục, Phó Tổng giám đốc Dofico cho biết, Proconco đang có thế mạnh thức ăn chăn nuôi cho cá tra. Do đó, chiến lược phát triển tiếp theo của Proconco là nâng cao tỷ lệ sản xuất, tiêu thụ thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và đã xây dựng các trại giống để thử nghiệm sự hiệu quả các sản phẩm mới.
Tương tự, Công ty Thủy sản Hùng Vương (HVG) thực hiện chiến lược M&A để làm chủ việc sản xuất thức ăn cho tôm cá. Đầu năm nay, Hùng Vương đã mua 5,63 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) nhằm tăng tỷ lệ sở hữu từ 28,54 lên 55,31%. VTF là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu tại đồng bằng sông Cửu Long với công suất 350.000 tấn/năm. Công ty có ba nhà máy, gồm nhà máy Sa Đéc 1, 2 và nhà máy Lai Vung. Mục tiêu đến năm 2014, VTF nâng tổng công suất lên 480.000 tấn/năm và đầu tư phát triển thêm ngành sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho thủy sản khác. Việc đưa VTF trở thành công ty con giúp HVG tiết kiệm được rất lớn chi phí thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, Hùng Vương cũng mua lại Nhà máy sản xuất Thức ăn thủy sản Việt Đan với giá trị 74 tỷ đồng, công suất 100.000 tấn/năm. Điều này sẽ làm cho năng lực sản xuất thức ăn cho cá của Hùng Vương tăng lên nhiều lần. Một thành viên gián tiếp của HVG là Công ty cổ phần Thức ăn thủy sản Hùng Vương Tây Nam với công suất 150.000 tấn/năm cũng là nguồn cung cấp thức ăn thủy sản với chi phí thấp cho các vùng nuôi của HVG. Việc sở hữu nhiều nhà máy thức ăn chăn nuôi là "bàn đạp" phục vụ cho mục tiêu chiếm 25-30% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành (khoảng 3 tỷ USD) vào năm 2015 của HVG.
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, thì sự lép vế của doanh nghiệp Việt Nam trước doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi chủ yếu nằm ở chỗ không xác định được "máy cái" của ngành là premix. Đây là hỗn hợp các chất giàu dinh dưỡng có hoạt tính sinh học cao bổ sung vào thức ăn hỗn hợp nhằm cân đối các chất dinh dưỡng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn của vật nuôi. Hàng chục năm nay, các công ty nước ngoài sản xuất hàng ngàn tấn premix bán trên thị trường Việt Nam và không có đối thủ cạnh tranh. Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nghiên cứu sản xuất premix, nhưng đến nay chưa có kết quả để đưa vào sản xuất, giúp doanh nghiệp chủ động hạ giá thành thức ăn chăn nuôi.
 
Bài: Minh Phương
Ảnh: Hồng Lê 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét