* Đội Mỹ vô địch DIFC 2013; hạng 2: Nhật Bản, Ý; hạng 3: Việt Nam, Nga
(TNO) Tối 30.4, kỳ phùng địch thủ Nhật Bản và Mỹ gặp lại nhau tại Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế (DIFC) 2013. Cả hai công ty Tamaya Kitahara đại diện cho Nhật Bản và Melrose Pyrotechnics đại diện cho đội Mỹ đều không giấu tham vọng quyết vượt qua vị trí thứ 3 mà cả hai đạt giải đồng hạng hồi DIFC 2010.
Đội Nhật vẽ rồng trên sông Hàn
Màn trình diễn của Nhật Bản có tên “Khu vườn trên bầu trời” kéo dài 20 phút nhằm thể hiện chủ đề DIFC 2013 “Tình yêu sông Hàn”. Nền nhạc mang hơi hướng nhạc cụ truyền thống của đội Nhật có phần tương đồng với Việt Nam đêm qua nhưng sự phối hợp màu sắc pháo hoa tài tình cho thấy đội Nhật vẫn giữ phong cách sở trường như màn trình diễn “Ngũ Hành” hồi DIFC 2010.
“Át chủ bài” của đội Nhật lần này là hình ảnh rồng lửa với những tầm pháo cao hơn hẳn những đội còn lại. Ý tưởng rồng và lửa khiến khán giả chợt nhớ tới đội trưởng Pedro Goncalves, linh hồn của Công ty Glupo Luso Pirotecnia đại diện Bồ Đào Nha tại DIFC 2010, năm mà Bồ Đào Nha cùng Nhật Bản đồng hạng 3. Nếu năm đó, Bồ Đào Nha tạo hình pháo hoa rồng và lửa để tả “nơi truyền thuyết khai sinh” Ngũ Hành Sơn, thì tối nay, Nhật Bản đã vẽ thêm một dáng rồng trên sông Hàn cùng với cầu Rồng vừa khánh thành tháng trước.
Sự chính xác giữa nhịp điệu nhạc nền và tốc độ pháo vốn là thế mạnh của Tamaya Kitahara lại được phô diễn. Từng tiếng nổ pháo bắn lên ăn khớp với từng giây phân đoạn.
Màn trình diễn pháo hoa của đội Nhật
Sông Hàn lãng mạn của đội Mỹ
Đội Nhật Bản vẽ “khu vườn ánh sáng” trên mặt nước còn đội Mỹ (Công ty Melrose Pyrotechnics) diễn tả chủ đề DIFC 2013 "Tình yêu sông Hàn" bằng một chuyện tình với tên gọi “Dáng em đêm nay”. Đội Mỹ mang đến cho các khán giả một đêm của những bản tình ca với nhiều thể loại âm nhạc đa dạng làm nền cho màn pháo hoa khắc họa đôi trai gái yêu nhau và sự lãng mạn của dòng sông.
Nếu các đội Nga, Việt Nam và Ý trong đêm đầu tiên đều sử dụng pháo mặt nước thì đội Mỹ lại tập trung vào pháo tầm trung và tầm cao.
Màn trình diễn của đội Mỹ
Ông Joe Ghazzal, Giám đốc Công ty Global 2000 - đơn vị tư vấn cho DIFC 2013 nhận định - có thể thấy, tại DIFC 2010 và 2013, đại diện cho đội Mỹ là hai công ty pháo hoa khác nhau nhưng phong cách trình diễn của họ đều đậm tính giải trí, lễ hội với thế mạnh là nhạc điệu sôi động, cuốn hút.
Đội Mỹ vô địch DIFC 2013
Sau hai đêm tranh tài, Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế TP.Đà Nẵng (DIFC) 2013 đã kết thúc với chiến thắng của đội Mỹ (Công ty Melrose Pyrotechnics) với màn trình diễn “Dáng em đêm nay”. Tại DIFC 2010, đội Mỹ đã về nhì, hụt mất chức vô địch.
Đồng hạng nhì DIFC 2013 là đội Nhật Bản (Công ty Tamaya Kitahara) với chủ đề “Khu vườn trên bầu trời” và đội Ý (Parente Fireworks) với màn trình diễn “Cảm xúc của dòng sông”.
Đội Việt Nam thể hiện “Đà Nẵng dưới mặt trời” và đội Nga (Trung tâm pháo hoa Khan, màn trình diễn “Linh hồn Nga”) đồng giải ba.
Đội Mỹ vô địch DIFC 2013 - Ảnh: Lê Văn Thọ
|
Như vậy nhà vô địch DIFC trong 2 năm liên tiếp 2011 và 2012 là đội Ý đã chính thức trở thành cựu vương. Đội Việt Nam tiến bộ nhiều nhưng vẫn chưa thể thoát khỏi vị trí thứ 3 sau 6 kỳ DIFC, còn đội Nhật Bản mặc dù tiến lên một bậc so với DIFC 2010 nhưng một lần nữa lỡ hẹn với cúp vô địch DIFC. |
(Theo TNO) Nguyễn Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét