Cập nhật lúc 14:25
Ngày 12-5-2008 vụ bắt giam 2 nhà báo viết bài chống tham nhũng trên 2 tờ
báo có số lượng phát hành lớn nhất Việt Nam là Thanh Niên và Tuổi Trẻ đã gây
chấn động dư luận trong và ngoài nước. Ngay sau đó, ngày 14-5-2008, một “quả
bom thông tin” phát nổ trên trang nhất báo Thanh Niên khi đăng ảnh nhà báo
Nguyễn Việt Chiến bên cạnh tựa đề “Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính”.
PHẢI TRẢ TỰ DO CHO CÁC NHÀ BÁO CHÂN CHÍNH
Có thể nói việc khởi tố các nhà báo Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh Niên),
Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi Trẻ) và thiếu tướng Phạm Xuân Quắc (Cục trưởng Cục
Cảnh sát Hình sự C14- Bộ Công an) Trưởng ban chuyên án điều tra vụ tham nhũng
PMU 18 cùng thượng tá Đinh Văn Huynh (trưởng phòng 9-C14 điều tra vụ án này)
đã đưa lịch sử báo chí Việt Nam và cuộc chiến chống tham nhũng (được chính
lãnh đạo Nhà nước Việt Nam phát động vì coi tham nhũng là Quốc nạn) lật sang
một trang mới-một trang thật sự ảm đạm khi báo chí và những người chống tham
nhũng (kể cả những người được giao điều tra án tham nhũng) không được bảo vệ
và có thể bị trấn áp, bắt giam bất kỳ lúc nào.
Cái cảm giác bị bắt giam vào chiều 12-5-2008 đối với một nhà thơ-nhà báo như
tôi lúc ấy thật kinh khủng. Tôi như thấy mặt đất dưới chân sụt rỗng nứt toác
và bầu trời sụp đổ xuống khi lẽ phải công lý và sự công bằng trên thế gian
này bị tiêu vong. Tôi nhẩm tính, trong khoảng 2 năm (2006-2007), tôi đã viết
gần một trăm bài báo trên báo Thanh Niên tường thuật diễn biến vụ án PMU 18
để góp phần phanh phui sự thật về vụ án tham nhũng động trời này. Và có lẽ,
đây phải chăng là cái giá phải trả đối với một nhà báo dám liều lĩnh đi sâu
vào một vụ án tham nhũng rất phức tạp, liên quan tới nhiều đối tượng quan
chức? Sau này, trong trại giam, có người nói với tôi “Anh bị bắt vì anh biết
quá nhiều về vụ án PMU18”. Thế thì chẳng còn gì để nói nữa nhỉ! Không có lẽ,
biết quá nhiều hay viết quá nhiều về bọn tham nhũng ở đất nước này thì trước
hay sau cũng bị bắt giữ, bị “nhập kho” thôi sao? Điều cay đắng ấy, không chỉ
riêng tôi mà các nhà báo sau tôi cũng đã cảm nhận được. Đáng buồn ở thời điểm
ấy, nhóm phóng viên nội chính điều tra của nhiều tờ báo (từng bám sát, bám
khá sâu để phản ánh nhiều tình tiết đặc biệt động trời trong vụ án tham nhũng
PMU 18) cũng bị cơ quan điều tra triệu tập, gọi hỏi, thẩm vấn nhiều lần và
sau việc tôi bị bắt giữ, họ cũng thấy rất mệt mỏi nên đã bỏ cuộc, đã “buông
súng” thật sự vì ai cũng có gia đình, có vợ con và nhiều mối quan tâm khác
hơn là cứ phải “phơi ngực hứng đạn” hy sinh như tôi trong cuộc chiến chống
tham nhũng đầy cam go của báo chí đất nước này.
Bảy ngày trước khi bị cơ quan an ninh điều tra (CQĐT) bắt giữ, trên đường đi
săn tin, tôi nhận được một cú điện thoại không lành gọi tới máy điện thoại di
động của mình. Bên kia đầu dây là giọng nói lo âu của Nguyễn Văn Hải, phóng
viên của báo Tuổi Trẻ, một đồng nghiệp kém tôi hơn hai chục tuổi. Cũng giống
tôi, cậu này cũng là một trong những nhà báo viết bài chống tham nhũng trong
vụ án PMU18 bị cơ quan điều tra triệu tập thẩm vấn nhiều nhất. Hải gọi: “ Anh
Chiến ơi, anh nhận được giấy triệu tập của cơ quan điều tra chưa, em thấy có
gì không ổn, lần này không phải ở số 7 Nguyễn Đình Chiểu mà anh em mình phải
lên tận trụ sở cơ quan điều tra ở đường Âu Cơ, quận Tây Hồ anh ạ”. Tôi trả
lời: “Anh chưa thấy gì” rồi ngắt máy bởi biết rằng số điện thoại di động của
tôi và Hải đều đã bị nghe trộm trước đó cả năm rồi. Ngay sau khi Hải gọi, tôi
nhận tiếp một cú điện thoại khác, của người thường trực ở Toà soạn báo Thanh
Niên báo cho biết: trong lúc tôi đi vắng, bên công an vừa cử người đưa giấy triệu
tập xuống, yêu cầu đúng sáng thứ sáu 9-5-2008 tôi phải có mặt tại trụ sở cơ
quan an ninh điều tra ở phố Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội để làm việc.
Ngay lập tức, một linh cảm u ám xâm chiếm suy nghĩ của tôi, rất có thể mình
sẽ phải nhận lệnh khởi tố bị can vào sáng ngày mai. Bởi trong vòng vài tháng
gần đây, dư luận về chuyện tôi và một số người khác liên quan đến việc viết
bài chống tham nhũng trong vụ án PMU18 sắp bị bắt được đồn thổi đến tai tôi
khá nhiều lần. Tôi cho rằng, mình có khả năng bị khởi tố bị can và được tại
ngoại, vì chuyện bắt tạm giam một nhà báo viết bài chống tiêu cực là không dễ
dàng và sẽ bất lợi cho xã hội lúc này. Nhưng tôi đã lầm tưởng, có người cho
biết, họ dám làm tất cả và sẽ bất chấp công luận. Vội bỏ mọi chuyện, tôi
phóng xe máy về cơ quan. Trên bàn làm việc của tôi, tờ giấy triệu tập nằm
chềnh ềnh như một lệnh bắt người, tôi cảm giác như vậy. Tôi gọi điện thoại
cho tay điều tra viên đã từng hỏi cung tôi suốt hơn một năm qua, thông báo
việc tôi bị bệnh trĩ khá nặng, những ngày gần đây máu ra liên tục và sẽ phải
đi khám tại bệnh viện. Giọng lạnh lùng, anh ta thông báo: “Ngày mai bắt buộc
anh phải có mặt tại cơ quan điều tra”. Tôi nổi khùng, nói luôn: “Tôi bị bệnh,
phải đi khám, tôi đang là một công dân tự do, ngày mai tôi không lên, sau khi
khám bệnh, tuần sau tôi mới lên, các anh muốn làm gì thì làm!” rồi tôi tắt
máy.
Sau đó, tay điều tra viên cũng không dám gọi cho tôi. Hắn biết tôi đã phát
khùng, bởi trong hơn một năm cùng một số sĩ quan công an khác thẩm vấn tôi,
họ rất ngại thái độ thẳng băng đến gay gắt của tôi. Thậm chí, có lần trước
họ, tôi đã dùng bút gạch chéo đến rách toạc cả tờ giấy biên bản ghi lời khai
vì thấy họ có dấu hiệu ép cung mình. Có lẽ, mấy sĩ quan an ninh này chưa bao
giờ từng gặp một người có thái độ phản kháng quyết liệt như tôi. Ngay lúc ấy,
tay điều tra viên gọi thêm hai người khác tới hỗ trợ vì thấy không khí làm
việc rất căng thẳng. Họ đe doạ bóng gió việc phải tống cổ anh vào trại giam.
Tôi càng điên hơn và ngay lập tức đứng dậy, nhìn họ với cặp mặt nẩy lửa, quát
lớn: “Các ông giỏi thì cứ bắt một nhà báo chống tham nhũng đi”.
Mấy tay điều tra viên xoa dịu mặc dù tôi biết họ đã cay cú mình ra mặt. Trong
số này, có một tay thấp bé, dáng thư sinh, hiền lành vốn ở cơ quan an ninh
văn hoá tư tưởng và bảo vệ nội bộ. Người này đối xử với tôi khá dễ chịu.
Trước đó, ít ngày, chính viên sĩ quan thấp bé này đã đón tôi tại một cuộc họp
báo của Tổng cục An ninh, Bộ Công an để mời các nhà báo tuyên truyền nhân dịp
ngày thành lập Cục an ninh tư tưởng văn hoá và bảo vệ nội bộ. Trên đường lên
phòng họp, tôi nói thẳng với người này: “Các anh đã định bắt tôi mà hôm nay
vẫn mời tôi tới tuyên truyền cho ngành an ninh, ý đồ gì đây. Tôi nói trước
cho các anh biết, nếu các anh bắt tôi thì chắc chắn sau đó sẽ có một cuốn hồi
ký tương tự như “Chuyện kể năm 2000” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn viết về quãng
thời gian ông bị tù đầy oan trái”. Tay sĩ quan này lễ phép cười: “Làm gì có
chuyện bắt bớ gì đâu, ta lên họp thôi”.
Trong cuộc họp ấy, có mặt cả Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi trẻ TPHCM, họ đã
phát cho các nhà báo một số tài liệu thuộc dạng ‘mật” về quá trình chống các
thế lực phản động của lực lượng an ninh tư tưởng văn hoá. Tôi hỏi ngay: “
Trong nhiều lần làm việc với ngành an ninh, các anh không ít lần phát cho các
nhà báo các tài liệu thuộc dạng “mật” rồi “tối mật” để viết bài tuyên truyền
cho ngành an ninh. Hôm mới rồi, trong một cuộc họp, một ông tướng trong ngành
các anh cũng đã trực tiếp đưa cho tôi một đống tài liệu mật như vậy. Thậm
chí, sau đó ông tướng này còn gọi điện cho một cơ quan chống phản động, khủng
bố để bảo tôi tới đó lấy tài liệu viết bài. Nhưng hiện nay, ngành an ninh các
anh lại quy định không cho đưa những tài liệu thuộc dạng “mật” lên báo. Vậy
mà các anh vẫn cứ công khai phát tài liệu “mật” cho các nhà báo. Khi chúng
tôi đưa các thông tin này lên thì sau đó liệu chúng tôi có bị khởi tố vì tội
đưa thông tin “mật” lên báo không?. Suốt nhiều tháng nay, tôi và anh Nguyễn
Văn Hải bị điều tra an ninh thẩm vấn về những thông tin được cho là “mật”
trong vụ án tham nhũng ở PMU 18 đã được chúng tôi sử dụng trên báo chí. Vậy
có quy định nào về việc thông tin “mật” về điều tra khác thì được đưa thoải
mái trên mặt báo, còn thông tin mật về điều tra những kẻ tham nhũng thì không
được đưa lên mặt báo, xin cho chúng tôi biết về các quy định này?”. Một số
nhà báo trong cuộc họp ủng hộ ý kiến của tôi, họ đề nghị cơ quan an ninh tư
tưởng văn hoá phát cho anh em phóng viên những cuốn tài liệu quy định về độ
“mật” khác nhau của các bộ, ngành trên đất nước này. Chỉ một lúc sau, mấy ông
sĩ quan an ninh ôm ra một đống tướng các sổ sách in các văn bản quy định về
thông tin quy định là “mật” phát cho các nhà báo. Thật đúng là một trò cười
thật khó tin. Một tay các ông đưa tài liệu “mật” cho các nhà báo tuyên
truyền, còn tay kia lại đưa chính cho các nhà báo ấy các quy định về việc
không được tuyên truyền các tài liệu “mật”. Hình như, có dấu hiệu về việc các
ông ấy dúi vào tay chúng ta một con dao cực sắc ( sắc tới độ như giấu trong
đó cả một âm mưu?) mà các ông lại nắm đằng chuôi, vậy là chúng ta nhiều khi
chơi trò đùa bỡn với lưỡi dao u ám mà không biết mình đi đứt lúc nào. Cái
điều linh cảm trên sau này đã trở thành sự thật trong vụ án bắt giữ 2 nhà báo
chống tham nhũng trong vụ án PMU18.
Ngày thứ sáu, 9-5-2008, tôi không lên trụ sở cơ quan điều tra và phớt lờ cái
lệnh triệu tập của họ. Sau này tôi mới biết, nếu tôi lên vào ngày hôm đó thì
họ đã ra lệnh bắt cả tôi và Hải ngay hôm ấy. Có thể đây là một sự tính toán
khá kỹ lưỡng, bởi việc bắt 2 nhà báo của hai tờ báo có số lượng độc giả lớn nhất
nước là Thanh Niên và Tuổi Trẻ vào ngày thứ sáu hoặc thứ bảy thì ngày nghỉ
tiếp theo là thứ bảy và chủ nhật, các báo có đưa tin về sự kiện này thì cũng
ít người đọc. Khi tôi tới bệnh viện Tràng An ở quận Đống Đa khám trĩ thì
người bác sĩ sau khi xem kỹ, đã bảo tôi phải phẫu thuật ngay vì thấy máu ra
nhiều. Tôi nói với bác sĩ, mấy ngày trước, tôi bị những cơn đau thắt ở vùng
ngực khá nặng, vào khám tại bệnh viện Hồng Ngọc ở quận Ba Đình, họ nói có thể
tôi bị những cơn co thắt vùng tim, cần theo dõi điều trị. Nghe tôi mói vậy,
bác sĩ khám trĩ bảo tôi lui ngày phẫu thuật trĩ sang tuần sau đợi giảm bớt
những cơn co thắt ngực.
Gần trưa hôm thứ sáu, tôi còn tới dự cuộc họp cộng tác viên tại báo Người Hà
Nội ở phố Núi Trúc. Trước đó, báo này có đăng loạt bài của tôi “Thơ Việt Nam
30 năm cách tân” viết về thế hệ các nhà thơ có những tìm tòi đổi mới về mặt
thi pháp trong khoảng thời gian 1975-2005. Anh em nhà văn gặp nhau khá hồ
hởi, nhưng có một số người cho biết một số thông tin không lành. Chiều thứ
sáu, như thường lệ, tôi tới dự cuộc họp giao ban tuần với báo chí của Thành
uỷ Hà Nội, không ngờ đấy là cuộc họp sau cùng trước khi tôi bị bắt. Tại đây,
một số nhà báo hỏi tôi về chùm thơ mới nhất in trên báo Văn Nghệ, Hội nhà văn
sao nhiều tâm trạng u uẩn thế. Có người bảo, việc tôi bị cơ quan điều tra
triệu tập có diễn biến xấu đúng không? Tôi lắc đầu: chưa thấy gì, nhưng lòng
thì rối bời lo âu. Thật ra chùm thơ tôi viết in trên báo Văn Nghệ ngày
19-4-2008 chính là phản ảnh tâm trạng bất an khi tôi linh cảm thấy mình có
thể bị bắt bất kỳ lúc nào. Chùm thơ 4 bài tôi viết vào mấy ngày đầu tháng
3-2008, khi tôi bay vào toà soạn Báo Thanh Niên ở TPHCM để báo cáo với lãnh
đạo Ban biên tập về những diễn biến có chiều hướng xấu trong việc điều tra
các nhà báo chống tham nhũng vụ PMU18.
Ngày thứ bảy 10-5-2008, tôi cùng anh em báo Thanh Niên đi nghỉ cuối tuần ở Hồ
Núi Cốc. Tại đây, tôi nhận được thông tin: Lệnh khởi tố 2 nhà báo: Nguyễn
Việt Chiến (Báo Thanh Niên), Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi Trẻ) và 2 sĩ quan cao
cấp của Cơ quan điều tra Bộ Công an: Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc (Cục trưởng
Cục cảnh sát hình sự C14), Trưởng ban điều tra chuyên án PMU18 và thượng tá
Đinh Văn Huynh, trưởng phòng Cục C14 đã được cấp trên phê duyệt. Tôi gọi điện
báo thông tin này cho Nguyễn Công Khế, Tổng biên tập Báo Thanh Niên. Giọng
đầy bức xúc, Khế nói: “Họ định bắt ông để cách chức Tổng biên tập của tôi chứ
gì, còn lâu nhé, mặc dù tôi biết họ vẫn thù tức báo Thanh Niên từ vụ Năm Cam
khi một UVTW, thứ trưởng Bộ Công an bị bắt vì liên quan đến trùm xã hội đen
Sài Gòn”.
NHỮNG DỰ CẢM TRONG MỘT NĂM DÀI U ÁM
Hơn một năm trước ngày tôi bị bắt, Cơ quan Điều tra (CQĐT) đã khởi tố vụ án
“Lộ mật” để điều tra hàng chục nhà báo từng tham gia viết bài phanh phui vụ
án gây chấn động dư luận hồi đó. Tôi đã liên tục bị triệu tập lên làm việc
tại CQĐT và là người bị gọi hỏi nhiều nhất trong số hàng chục phóng viên nội
chính của các báo bị triệu tập thời điểm ấy. Một số bạn bè cho tôi biết, vụ
án kỳ bí này đang được “lật ngược lại” để điều tra những người trong Ban
chuyên án trước đây và cả những nhà báo tham gia viết bài chống tiêu cực
trong vụ án này. Tôi cứ mơ mơ hồ hồ về điều ấy, vì tin tưởng rằng mình có thể
bị CQĐT gây phiền phức trong một thời gian với mục đích răn đe các nhà báo,
chứ họ không thể bắt giữ người cầm bút được.
Nhưng rồi cứ bị họ gọi lên tra vấn nhiều lần trong suốt một năm liền, tôi
mong manh cảm thấy có thể điều đen tối nhất sẽ xảy ra với tôi và gia đình.
Tôi và những người thân nhất sống trong phập phồng lo âu một thời gian quá
dài. Cứ mỗi sớm mai thức dậy, một câu hỏi lại lảng vảng trong đầu: Liệu hôm
nay mình có bị họ bắt không?. Sống trong một tâm trạng dở sống, dở chết như
vậy thì quả chẳng có gì là hay ho, thú vị cả. Tôi chỉ tự an ủi mình bằng công
việc và thi ca. Tôi chúi mũi vào công việc viết báo, đi khắp nơi săn nhặt
từng mẩu tin như một kẻ làm công cần mẫn cho chính tờ báo nơi tôi đã gắn bó
gần hai chục năm liền. Cũng có những lúc tôi cảm thấy mình bị kiệt sức và tôi
như một “kẻ nô lệ tự nguyện” cho nhu cầu thông tin của công chúng và độc giả
của báo Thanh Niên.
Thời điểm ấy, ngày nào cũng 9-10 giờ đêm tôi mới về đến nhà. Đi săn tin suốt
ngày, rồi về viết bài, tôi hăm hở lao vào công việc như để cố quên đi nỗi ám
ảnh mình sắp bị bắt giữ cứ chập chờn hiện lên mỗi lúc một gần. Chưa hết, ngày
đã bị vắt kiệt sức mình vì báo chí, đêm về tôi lại thao thức với thi ca.
Trong mấy chục năm dài, tôi coi việc viết báo như một nghĩa vụ công dân của
người cầm bút và cũng vì đời sống. Nhưng thi ca mới chính là lẽ sống của cuộc
đời tôi, vì tôi là một nhà thơ bẩm sinh, tự dâng hiến mình cho thi ca - thứ
nghệ thuật bị không ít người đời coi là sự vô bổ, phù phiếm, sáo rỗng nhất
trong các loại văn chương làm tốn giấy, tốn mực của thiên hạ mà không giúp
ích gì được cho đời.
Ngoài việc chúi đầu vào viết báo và làm thơ như một “nô lệ chữ” tự nguyện,
tôi còn kịp viết một cuốn sách tiểu luận, phê bình về thơ hiện đại dày 450
trang, được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành cuối năm 2007 có tựa đề “Thơ
Việt Nam- tìm tòi và cách tân 1975-2005”. Cũng lại là một công việc vô bổ,
phù phiếm, sáo rỗng. Nhưng bạn bè văn chương, nhất là các nhà thơ cùng thế hệ
với tôi lại cho rằng, cuốn sách ấy đã ghi dấu một chặng đường cách tân, đổi
mới của thế hệ thơ hậu chiến Việt Nam sau năm 1975. Và điều ấy cũng như một
liều thuốc giải toả bớt phần nào tâm trạng u ám của tôi trong quãng ngày mệt
mỏi, lo sợ đã kéo dài hơn một năm ròng.
Làm việc hối hả, yêu thương hối hả, đi và viết hối hả nhưng sống chẳng ra
sống, ăn chẳng ra ăn, ngủ chẳng ra ngủ, vui chơi nào dám vui chơi, thời gian
dài trước khi bị bắt, tuy chưa là kẻ mất tự do nhưng tôi đã bị rình rập, bị
đe doạ tới mức sắp trở thành một kẻ tâm thần. Cuộc sống gia đình tôi ngày một
nặng nề và u ám. Vợ tôi, một giáo viên tiếng Anh ngày hai buổi rạc người vì
giảng bài, chữa bài trên lớp cho học sinh, chiều về lại phải dạy thêm để lấy
tiền chi tiêu thêm thắt cho gia đình. Không những phải lao tâm tổn sức vì
nghề “bán cháo phổi”, vì lũ học trò ham chơi hơn ham học và nghịch như quỷ sứ
nhà giời, nàng còn phải quanh năm suốt tháng tối mặt, tối mũi chăm sóc, nuôi
dạy hai đứa con nhỏ hay đau ốm cho tôi.
Kể như nàng đã trở thành một “bà vợ Việt Nam” anh hùng từ ngày nàng phát hiện
ra tôi có “một nàng thơ” khác cứ luẩn quẩn trong giấc mơ của mình. Ấy là khi
nàng phát hiện ra tôi có những ngày trở nên thơm tho, sạch sẽ khác thường.
Trước đó, cả tuần chàng không thay giặt quần áo, không thường xuyên vệ sinh
thân thể, còn giờ thì đến cả áo lót, quần lót của chàng cũng sạch bong. Sao
cuộc sống cứ u ám mãi thế nhỉ! nỗi nghi ngờ chồng mình “bồ bịch” cắn dứt nàng
âm thầm cùng với nỗi lo anh ấy có thể bị bắt bất kỳ lúc nào đã khiến nàng
nhiều lúc muốn hoá điên. Hai con người, hai tâm trạng, hai nỗi đau đớn tinh
thần ấy dường như đã đưa cuộc sống gia đình tôi tới mấp mé một vực thẳm.
Ngày 12-5-2008 ấy, ngay từ sáng sớm, một dự cảm không lành đã bao trùm lên
gia đình tôi. Sau chuyến đi nghỉ cuối tuần ở hồ Núi Cốc với anh em trong toà
soạn báo về, vợ chồng tôi và hai con nhỏ vẫn còn khá mệt mỏi. Sớm ấy, khi từ
tầng ba xuống phòng ngủ của vợ và hai con nhỏ, tôi thấy nàng đang tẩt tả
chuẩn bị đến trường. Công việc nhàm chán của một giáo viên tiếng Anh từ lâu
đã khiến nàng cảm thấy bức bối. Ngoài việc phải hàng ngày chịu đựng tính khí
thất thường của tôi, trong mấy năm qua, nàng đã phải cắn răng trước nỗi khổ
đau khôn cùng từ việc mẹ đẻ và anh trai bị mất đột ngột. Nay nàng lại phải
nén chịu việc tai hoạ có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào nếu tôi bị cơ quan
công an bắt giữ. Vì thế, con người của nàng dường như đã rắn đanh lại như một
thỏi sắt nguội bị vứt bỏ lăn lóc đâu đó trong cuộc đời. Và dẫu “thỏi sắt” đó
có bị dẫm đạp lên nữa thì cũng không thể làm nó biến dạng hơn được nữa.
Đã từ nhiều năm nay, tôi không có thói quen ngủ chung cùng vợ con. Ở thời
điểm căng thẳng nhất của các vụ án lớn mà tôi phải viết bài , sau một ngày
vắt kiệt sức mình cho công việc báo chí, viết lách, tôi trở về nhà, leo lên
tầng ba, đổ ập xuống giường như một khúc củi khô héo và cỗi cằn cảm xúc. Tình
cảm vợ chồng cũng khô héo trong chuỗi ngày căng thẳng ấy. Tôi còn nhớ như in
vẻ mặt dỗi dằn bất cần của vợ trong buổi sớm ấy khi tôi nói: “Có khả năng hôm
nay anh sẽ bị bắt”. Nàng nói một câu giận dữ: “Bắt thì bắt luôn đi, chứ từ
hơn năm nay anh phải sống trong cảnh lo âu, thấp thỏm ngày nào cũng sợ họ đến
bắt thì cứ như sống dở, chết dở chứ có hơn gì!”.
Tôi biết nàng thương chồng lắm, trong chuỗi ngày tai hoạ đang rình rập này,
nàng chăm sóc tôi từng bữa ăn, từng quả cam, từng viên thuốc…Và tránh cho
chồng phải làm mọi công việc gia đình, con cái. Tôi biết, tuy nói ra miệng
theo kiểu bất cần đời vậy thôi, nhưng nàng cũng đau đớn tâm can lắm chứ. Tôi
lẳng lặng lên nhà mặc quần áo đi làm. Sáng ấy, vì xe máy của vợ bị hỏng, tôi
chở nàng đến trường bằng xe của mình. Đã lâu rồi tôi không đèo vợ đi chơi,
nên cái cảm giác sớm mai trong lành được chở nàng đi dạo phố khiến tôi cũng
cảm thấy chút thư thái trong lòng. Vợ tôi chắc cũng thế, nàng tựa vào lưng
tôi một cách tin tưởng, rằng tôi là điểm tựa lớn lao về mọi mặt cho ba mẹ con
nàng. Nhưng than ôi! chỉ dăm tiếng đồng hồ nữa là điểm tựa ấy bị bẻ gãy bởi
một lệnh bắt người rất bất thường và kỳ lạ...
NHỮNG ĐÁM MÂY TRONG ĐẦU VÀ NGỌN LỬA NGHI NGẠI
Khoảng 8 giờ 30 sáng 12-5-2008, tôi đi xe máy tới trụ sở CQĐT ở một dãy phố
thuộc quận Tây Hồ. Người gác cổng hỏi tôi “Chú là chú Chiến?”. Tôi gật đầu.
Người ấy dẫn tôi vào buồng đợi. Lát sau, một điều tra viên đã làm việc với
tôi trong suốt hơn một năm qua từ trên gác xuống. Anh ta hỏi tôi dăm ba câu
xã giao rồi nói: “Anh có điều gì đề đạt với cơ quan điều tra không?”. Một câu
hỏi không bình thường. Tôi đáp: “Lát nữa, Quốc Phong- Phó tổng biên tập báo
của tôi sẽ tới đây, đưa cho các anh một báo cáo về việc, trong suốt thời gian
có gần ngàn bài báo viết về quá trình điều tra vụ án này, chỉ có duy nhất 2
tờ báo (không phải tờ báo tôi cônsg tac) bị cơ quan chức năng chính thức có
văn bản phê bình và phạt về việc đưa tin đưa chưa chính xác về đời tư của một
số nhân vật trong vụ án này. Và, cơ quan này chưa bao giờ phê bình hoặc nhắc
nhở tờ báo của tôi trong loạt bài điều tra viết về vụ án đó. Vậy tại sao các
ông cứ cứ truy xét mãi tôi về việc đưa tin về vụ án tham nhũng này?”. Người
điều tra viên không nói gì. Dăm phút sau, xe của báo đưa Quốc Phong tới. Anh
xăm xăm đi vào, đề nghị gặp lãnh đạo CQĐT để đưa văn bản của báo, nhưng được
họ thông báo là ông ấy đi vắng. Quốc Phong gọi điện thoại di động, ông ta
cũng tắt máy. Điều tra viên đề nghị Quốc Phong mang báo cáo tới bộ phận
thường trực của CQĐT ở phố N.Đ.C. Lúc ấy, Hải , phóng viên báo Tuổi Trẻ cũng
đến theo lệnh triệu tập. Với vẻ mặt khá thiểu não, Hải cho tôi biết tình hình
căng lắm, rồi Hải được một điều tra viên dẫn sang phòng khác.
Tôi ngồi viết một bản khiếu nại gửi lãnh đạo CQĐT về việc họ điều tra xét hỏi
các nhà báo viết bài chống tham nhũng là không công bằng. Tới gần trưa, họ
bảo tôi về, 13 giờ 30 chiều lên làm việc tiếp. Khi phóng xe máy lên tới đường
Âu Cơ, tôi còn thoáng thấy có một người cũng đi xe máy theo dõi tôi từ xa. Cả
năm nay, tôi biết mình thường xuyên bị cơ quan công an bí mật giám sát ở
nhiều nơi, nhiều chỗ nên tôi cũng cho rằng việc này là chuyện bình thường.
Tôi đi xe về phố Phan Chu Trinh, nơi ở của bố mẹ tôi.
Dừng xe ở quán bia Sửu đầu phố, tôi tạt vào, uống cốc bia hơi cho đỡ khát.
Tôi cũng không ngờ, những khoảnh khắc tự do cuối cùng của mình đang trôi qua
nhanh chóng. Hai cốc bia hơi và một đĩa lạc luộc, bữa trưa đơn giản của một
thị dân nghèo khó như tôi chẳng làm ai để ý ngoài một trinh sát viên được
giao nhiệm vụ theo dõi tôi đang ngồi ở chiếc bàn phía ngoài. Bất chợt, tôi
nghĩ tới một bài thơ tôi viết, cũng trong lúc ngồi uống bia, bên cạnh một
chiếc bàn uống ướt và bẩn trên vỉa hè một con phố nồng nặc mùi mồ hôi, mùi
khói xăng trong một buổi chiều giông u ám. Bài thơ ấy tôi viết cách đây 12
năm, đúng vào ngày nhà báo Việt Nam 21-6-1996 với tựa đề “Nhật ký một nhà
báo” có nội dung sau:
Anh dành cho mình vài phút xa xỉ
Sau một ngày làm việc
Được ngồi một mình với cốc bia
Giữa những người xa lạ
Thành phố đang mưa
Đám mây trong đầu anh
Và ngọn lửa nghi ngại
Chiến bàn uống nơi anh ngồi
ướt và bẩn
Vài phút xa xỉ anh dành cho mình
Sau cơn giông
Anh không biết gì về những người xung quanh
Họ đang uống cũng như anh ngẫm ngợi
Trời mỗi ngày một tối
Và mưa mau hơn
Những đứa trẻ bán báo rong trong thành phố này
Cũng giống những đứa trẻ lang thang phía bên kia lục địa
Và anh- người làm báo
Anh viết gì về trẻ thơ
Chiến tranh và cái đói
Tuổi thơ rét mướt
Anh đã từng đi qua
Giờ này
Bên cạnh chiếc máy chữ của anh
Đất đai đang cày xới
Những hạt giống được ngâm ủ trong bùn
Để sinh ra thứ ánh sáng tốt tươi
Và anh
Kẻ nông phu cần mẫn
Thức dậy mỗi sớm mai trên cánh đồng ngôn ngữ
Bởi niềm tin lành lặn
Ở con người
Tôi lẩm nhẩm đọc lại bài thơ trên. Mới năm ngoái thôi, nhân ngày nhà báo Việt
Nam, Đài truyền hình Hà Nội còn đến phỏng vấn tôi về chuyện một nhà thơ làm
báo, tôi đã đọc bài thơ này để chia sẻ với đồng nghiệp những cảm xúc của một
người cầm bút nghĩ về nghề nghiệp của mình- một thứ nghề đầy bất trắc,lo âu
đến nỗi khi ngồi một mình với cốc bia sau một ngày làm việc vẫn cảm thấy bất
an vì nhiều chuyện. Còn bây giờ, trong lúc nghỉ trưa để nhấm nháp cốc bia hơi
trên hè phố tồi tàn, tôi vẫn bị họ bám theo giám sát. Tôi thật không ngờ, bài
thơ tôi viết trong ngày nhà báo Việt Nam lại dự báo trước một chuyện không
lành đối với một nhà báo như tôi.
Tôi uể oải đứng dậy trả tiền bia, rồi chậm rãi lên xe máy, phóng vào ngõ Phan
Chu Trinh, nơi bố tôi vẫn đang ngồi đợi tôi sau chiếc bàn đá. Thường lệ, trưa
nào tôi cũng ghé qua nhà thăm bố mẹ một chút. Tôi nói với bố “Con ăn cơm rồi”
và lấy chiếc điện thoại di động tôi gửi ông. Tôi gọi điện thoại cho Quốc
Phong, nói tôi vừa được họ cho về nghỉ trưa. Quốc Phong bảo tôi đi xe về toà
soạn, sang toà nhà cao tầng bên cạnh, ăn cơm trưa cùng anh em để tiện thể
trao đổi một số chuyện. Tôi phóng xe về toà soạn, trinh sát viên vẫn bám
theo. Tôi sang toà nhà cao tầng, bấm thang máy lên tầng 6. Trong tiệm ăn, mấy
anh em đồng nghiệp đang dùng cơm trưa. Không hiểu sao trong bữa cơm ấy, mấy
lần Quốc Phong cứ cố tình gắp nhiều thức ăn cho tôi. Cũng chẳng ai ngờ chiều
ấy tôi bị bắt. Quốc Phong còn hỏi “Sao hôm nay cậu Hải, phóng viên báo Tuổi
Trẻ suy sụp thế nhỉ, trông khổ sở quá, cứ như là sắp bị bắt đến nơi rồi?”.
Tôi bảo anh em “Từ ngày hôm qua, Hải đã gọi điện thoại bảo tôi, vừa có nguồn
tin cho biết, cấp trên phê chuẩn lệnh khởi tố chúng tôi rồi, chắc vì thế nên hôm
nay cậu ta mới ủ dột đến thế!”. Mọi người ăn cơm xong đi bộ về toà soạn uống
nước chè. Anh em trong toà soạn quây quần chuyện trò suốt buổi trưa hôm đó.
Khoảng 13 giờ 30 chiều 12-5-2008, tôi chào anh em trong toà soạn để lên làm
việc với CQĐT. Mọi người đều vui vẻ nhưng một số người ngạc nhiên về cử chỉ
khác thường của tôi khi chia tay. Điều khác thường này, tôi không nhận ra
nhưng anh em thì thấy có điều gì đó không lành. Linh cảm này ngay buổi chiều
hôm đó đã trở thành sự thật. Cũng không ai có thể ngờ được, ngay bản thân
Quốc Phong mấy ngày trước đó còn nói với tôi và một số người trong toà soạn:
“Anh Nguyễn Công Khế, Tổng biên tập báo vừa gọi điện thoại ra bảo động viên
anh Chiến, không có chuyện gì đâu. Vì một lãnh đạo Bộ có nói với anh Khế: không
có chuyện bắt bớ gì mấy ông nhà báo, anh em điều tra họ làm vụ này chỉ để xem
ai là người trong ngành đã cung cấp thông tin vụ án này cho báo chí, bảo
thằng Chiến cứ yên tâm…”. “Yên tâm nỗi gì khi những ngày gần đây, mỗi bước
chân của tôi đều bị họ bí mật theo dấu. Tôi đi đâu họ đi theo tới đó. Vừa
rồi, lúc tôi ngồi ăn cơm với các bạn cũng có một anh ngồi ở một góc kín đáo
theo dõi đấy!”- nghe tôi nói thế, Quốc Phong cười bảo: “Bây giờ, ông cứ thử
lững thững đi bộ ra ngoài kia xem có ai theo không thì sẽ biết ngay thôi chứ
có khó gì đâu!”.
Như có linh cảm mách bảo, tôi rẽ qua nhà, tạm biệt bố mẹ. Mẹ tôi đang giấc
ngủ trưa, mẹ già quá rồi, hơi thở thốt lên mệt mỏi từ giấc ngủ không mấy
thanh thản của mẹ khiến tôi cứ day dứt: nếu chuyện ấy xảy ra, mẹ tôi có gượng
dậy nổi không?. Thấy tôi đi làm việc mà không mang theo túi đựng tài liệu như
mọi ngày, không mang theo bút, sổ sách, máy ảnh, máy ghi âm, bố tôi thấy hơi
lạ và nhắc nhở tôi. Tôi nói “Chiều nay con phải tiếp tục lên làm việc với
CQĐT, không hiểu có chuyện gì không, con mệt mỏi quá rồi, bố ạ!”. Bố tôi thắc
mắc: “Sao cậu Khế, Tổng biên tập báo lại bảo với con và tòa soạn là không có
việc gì? Chắc chẳng có chuyện gì đâu, cứ yên tâm con ạ!”. Tôi không dám nói
cho bố tôi chuyện có thông tin cho biết cấp trên phê chuẩn lệnh khởi tố mấy
nhà báo và cán bộ điều tra liên quan đến vụ này . Tôi dắt xe máy ra khỏi nhà
mà lòng nặng trĩu. Phía sau lưng, bố tôi cũng kéo chiếc cửa sắt nặng nề, khép
lại một buổi trưa nặng trĩu lo âu, nhưng người vẫn hy vọng sẽ không xảy ra
chuyện dữ đối với con trai mình…
NỖI ĐAU KINH
HOÀNG TRONG BUỔI CHỀU ĐỊNH MỆNH
Buổi chiều định mệnh ấy, hai nhà báo chúng tôi có mặt tại cơ quan điều tra
vào khoảng hơn 14 giờ. Nhìn thấy mấy cậu điều tra viên ngày thường vẫn làm
việc, bỗng dưng chiều nay mặc quân phục, lon sao ngay ngắn, tôi biết mình sắp
bị bắt. Gần hai chục năm theo dõi mảng án từ nội chính, tôi không lạ gì việc
các sĩ quan điều tra, hôm nào đi bắt bớ, khám xét cũng phải mặc quân phục tử
tế. Một cậu điều tra viên nói với tôi: “Cả đêm hôm qua em không sao ngủ
được”. Tôi hỏi: “Thế con em bị ốm hay vợ em đau đẻ. Chắc là em sợ hôm nay nếu
anh bỏ trốn không có mặt tại cơ quan điều tra thì em sẽ bị vạ lây chứ gì?”. Ý
tôi muốn nói, cái lệnh triệu tập tôi từ thứ sáu tuần trước đã phải gác lại
tới hôm nay vì tôi từ chối. Và, nếu trong trong ba ngày ấy, tôi có ý định
trốn chạy thì có lẽ cơ quan điều tra chắc cũng mệt với tôi. Cậu điều tra viên
nhìn tôi vẻ xa xôi bóng gió: “Em chưa lập gia đình, sau này anh sẽ hiểu” và
không nói gì thêm. Chính cậu này về sau chuyên hỏi cung trong suốt thời gian
tôi ở trại giam. Đến lúc ấy cậu ta mới hé lộ, khi biết ngày 12-5-2008 phải
thi hành lệnh bắt giam và khám xét tôi thì đêm hôm trước cậu ta không sao ngủ
được. Một cảm giác rất lương thiện của con người ngay thẳng hay chỉ là sự
“chia sẻ” một cách chuyên nghiệp trong việc điều tra, bắt bớ ? Khó mà có câu
trả lời chính xác về con người ấy.
Khoảng 14 giờ 30, khi thoáng thấy Hải phóng viên báo Tuổi Trẻ bị áp giải ra
xe ô tô, tôi biết giờ không lành với hai nhà báo đã điểm. Tôi gọi địên thoại
di động vào số máy của Quốc Phong- Phó Tổng biên tập tờ báo của tôi : “Tình
hình xấu lắm, buồn lắm bạn ơi! Họ bắt hai nhà báo rồi, sắp đưa về khám nhà và
cơ quan làm việc đây. Không còn gì để nói với họ nữa rồi!”. Người ta đưa tôi
ra sân, nơi có mấy chiếc xe con đang nổ máy đợi sẵn. Một cậu trung uý bảo tôi:
“Anh đưa cho em chìa khoá xe máy, em đưa xe của anh về nhà”. Họ bảo tôi mở
cốp xe máy để kiểm tra xem trong ấy có giấu tài liệu hay vật chứng gì không.
Tôi nói thẳng với mấy cậu điều tra viên: “Nếu ra Toà, các ông sẽ thua cuộc
trong vụ này, vì tôi có đủ tất cả bằng chứng để nói lên sự thật của vụ án
này”. Sau đó, tôi chỉ còn kịp nói lời chia tay với Hải, cũng như tôi, mặt cậu
ta đã thất thần. Tôi vỗ về: “Em phải vững tâm lên, chúng ta là những nhà báo
chống tham nhũng, chúng ta sẽ chiến đấu tới cùng!”. Hải lạc giọng: “Em không
hiểu sau khi anh em mình bị bắt rồi, tờ báo của anh và báo của em có phối hợp
bảo vệ anh em mình không?”. Tôi động viên: “Điều ấy là chắc chắn rồi, em
không phải lo nghĩ nữa”. Tôi vỗ lên vai Hải mấy lần, rồi mỗi người bị áp giải
lên một xe ô tô con. Mỗi xe có 4-5 người, tôi bị kẹp giữa hai cậu trinh sát.
Lúc xe chạy ra khỏi cổng cơ quan điều tra, tôi còn thoáng thấy mấy nhà báo
đang đứng dậy từ một hàng nước, nổ xe máy phóng theo. Vậy là mình không cô
đơn, chí ít đến lúc này.
Nhưng tôi đâu biết rằng, vào lúc 2 nhà báo bị áp giải lên xe cũng là thời
điểm kinh hoàng, tối tăm nhất đang xảy ra ở cách Hà Nội hàng chục ngàn cây
số. Trận động đất khủng khiếp ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vào lúc 14 giờ 28
phút chiều 12-5-2008, mạnh tới 7,8 độ richter đã làm 8.533 người chết và
10.000 người bị thương. Một sự kiện quá bi thảm. Tôi chỉ biết điều này khi
nằm trong nhà giam. Khi ấy trong thâm tâm mình, tôi chân thành tưởng niệm,
chia sẻ với nỗi khổ đau, mất mát của nhân - loại - lớn theo cách một người tù
đơn độc giữa bóng đêm là tưởng vọng và cầu nguyện. So với những mất mát kinh
hoàng ấy, thì nỗi đau bị bắt giam của hai nhà báo chúng tôi chẳng thấm tháp
gì!
Khi tôi bị áp giải đi cũng là lúc, Phó Tổng biên tập Quốc Phong hớt hải chạy
xe ô tô lên trụ sở cơ quan điều tra. Nhưng khi tới nơi thì xe áp giải tôi đi
rồi. Quốc Phong chạy xe về, dọc đường có điện thoại của thượng tướng Nguyễn
Văn Hưởng, thứ trưởng Bộ Công an gọi lên gặp. Quốc Phong lên gặp thì vị tướng
ấy cho biết có lệnh bắt tôi rồi. Quốc Phong chỉ xin tạo điều kiện cho tôi
trong trại giam vì tôi đang mắc nhiều bệnh, nhất là bị trĩ cấp khá nặng, máu
ra nhiều, đáng lẽ phải phẫu thuật nhưng chưa làm kịp. Trước mặt Quốc Phong,
tướng Hưởng gọi điện thoại cho thuộc cấp, yêu cầu phải chú ý tạo điều kiện
chăm sóc cho bệnh tật của tôi trong trại giam. Trong phòng tướng Hưởng lúc đó
có nhà báo Như Phong của báo CAND. Cách đó ít tháng, có lần Quốc Phong đã nói
thẳng với tướng Hưởng và một số sĩ quan phụ trách điều tra: “Nếu các anh bắt
giữ anh Việt Chiến thì chắc anh ấy sẽ có thời gian rỗi rãi trong tù để làm
thơ, và Việt Chiến cũng đã sẵn sàng để đối mặt với tình huống xấu nhất rồi!”
- “Thì cứ thử vào trong ấy mà làm thơ”- tướng Hưởng lúc đó cười vui với hàm ý
gì đó không rõ. Thực ra, sau này lãnh đạo báo tôi mới biết, chính tướng Hưởng
là người nắm rất rõ việc khởi tố 2 nhà báo và 2 cán bộ cao cấp của Ban điều
tra chuyên án PMU18 trước ngày 12.5.2008.
Chiếc xe con chở tôi và 4 điều tra viên rẽ trái qua đê Yên Phụ rồi nhằm hướng
Ngã Tư Sở. Tôi hỏi : “Về khám xét nhà tôi hay khám xét toà soạn trước?”. Họ
bảo “Về khám nhà anh trước”. Tôi nói: “ Về cơ quan khám trước thì tiện hơn,
vì vợ tôi đi dạy học chưa về, lại đang cầm chìa khoá cửa nhà”. Viên thượng tá
chỉ huy nhóm điều tra lớn tiếng: “Về khám nhà anh trước, rồi đến khám cơ quan
sau”. Ngồi trên xe với cảm giác vô cùng thất vọng nhưng tôi vẫn trấn tĩnh,
rút điện thoại di động ra, nói với họ: “Tôi phải gọi điện thoại cho vợ tôi về
mở cửa, chứ hiện nay không có ai ở nhà. Sau nữa, tôi muốn bảo vợ tôi nhờ người
đưa hai đứa con nhỏ của tôi (một cháu 4 tuổi, một cháu 11 tuổi) đi chơi chỗ
khác để tránh cho chúng khỏi phải chứng kiến cảnh bố bị bắt giữ và khám xét
nhà!”. Họ đồng ý.
Tôi bấm máy gọi cho vợ, giọng nghiêm trọng: “ Em nghe đây, em về ngay nhà,
nhờ người đưa hai con đi chơi chỗ khác, em có hiểu điều anh nói chưa, anh
đang trên đường về nhà, em về mở cửa cho anh nhưng phải đưa hai con ra khỏi
nhà, em hiểu việc gì rồi chứ?”. Ngay lập tức ở máy bên kia vợ tôi khóc nức
lên, nàng hiểu rằng tôi đã bị bắt: “Anh ơi, thế em phải làm gì bây giờ?”- “Em
về nhà ngay, nhờ người đưa hai con đi chơi rồi chờ mở cửa cho anh, nghe rõ
chưa”- tôi cố ra giọng nghiêm trọng để nàng hiểu được tình thế cam go trong
lúc này. Trong máy, vợ tôi khóc gào lên tưởng như sắp bị sa xuống vực thẳm,
nàng như đang rụng rời và không muốn nghe gì nữa, khiến tôi không còn chịu
nổi.
Tôi đành nói với mấy cậu điều tra viên, hình như vợ tôi không nghe máy. Liền
đó, tôi bấm số máy tự động liên lạc với Nguyễn Công Khế-Tổng biên tập và
Nguyễn Quốc Phong- Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên, nhưng tôi lại làm ra vẻ
như đang nói chuyện với vợ tôi, chứ không phải nói chuyện với hai bạn của tôi
ở toà soạn: “Anh đề nghị với cơ quan điều tra cho về khám xét nơi làm việc
tại toà soạn trước, nhưng họ bảo phải về khám nhà trước, sau đó mới đến khám
cơ quan, hiểu rõ chưa?”.
Lúc xe chạy qua cửa tòa soạn tờ báo của tôi ở phố Tây Sơn, tôi thấy một số
anh em phóng viên các báo đang mang máy ảnh phóng theo. Vì tôi ngồi lút sâu
giữa hai điều tra viên mà kính xe lại dán giấy sẫm màu nên anh em báo chí
không nhìn thấy tôi. Cơ quan điều tra đỗ xe trước cửa công an phường để vào
làm thủ tục mời cán bộ công an phường và tổ trưởng dân phố đến chứng kiến
việc khám xét nhà riêng của tôi. Lúc ấy, một phóng viên của báo tôi dừng xe
máy bên cạnh chiếc xe áp giải tôi, nhìn vào bên trong xe hỏi bâng quơ: “Trong
này có chú Việt Chiến, nhà báo không các anh?”, ngay lập tức cậu ấy bị họ xua
đuổi. Tôi nhìn thấy phía trước xe khoảng dăm chục thước, cả một đám đông anh
em báo chí đang tụ tập bên lề đường, người ngồi trên xe máy, người tạt vào
quán nước chè chén, mắt lo âu nhìn về chiếc xe có tôi. Mấy ống kính máy ảnh
giơ lên như muốn thách thức. Một điều tra viên cằn nhằn: “Có lẽ đám người kia
là các nhà báo, phải xuống xe xua họ thôi, không thể để chụp ảnh lung tung
được!”.
Tôi thấy cũng phấn khích trong lòng, vì thật ra theo quy định của luật báo
chí, không ai (kể cả cơ quan điều tra) có quyền ngăn cản các nhà báo tác
nghiệp khi phản ánh một vụ việc. Lúc ngồi trên xe, tôi thoáng nhìn thấy tờ
lệnh bắt tạm giam trên tay một điều tra viên khi anh ta xuống xe vào công an
phường. Tôi thật sự bị choáng, vì cứ nghĩ rằng họ chỉ khởi tố bị can đối với
tôi nhưng sẽ cho phép tôi tại ngoại. Bởi đối với một nhà báo theo quy định
của pháp luật hiện hành, trong một vụ không có gì đặc biệt nghiêm trọng liên
quan đến việc đưa tin một vụ án tham nhũng, thì không thể có diễn biến nào
nặng nề tới mức phải bắt giam nhà báo ấy. Song, họ đã làm vì quyền lực nằm
trong tay họ.
Sau hơn chục phút làm việc với công an phường, xe chở tôi dừng lại trước một
ngõ nhỏ. Họ đưa tôi xuống xe, áp giải về nhà. Dọc ngõ, tôi loáng thoáng gặp
một vài gương mặt quen thuộc của anh em đồng nghiệp các báo. Nét mặt họ cũng
đăm chiêu giống tôi và ánh lên những cái nhìn chia sẻ. Tôi nháy mắt, gật đầu
chào họ. Khi tới ngôi nhà quen thuộc của tôi, nằm sâu trong một hẻm nhỏ, lòng
tôi thắt lại “Ngọc ơi! mở cửa cho anh!”. Vợ tôi luống cuống, vừa sụt sùi vừa
mở khoá. Trong nhà chỉ có mình nàng. Hai con tôi chắc đã được người giúp việc
đưa đi chơi chỗ khác. Tôi thấy tạm yên lòng, nhưng lại thấy nhớ các con quá.
Nhớ mỗi khi tôi đi làm về, hai đứa con nhỏ, nhất là thằng cu Bi bốn tuổi,
chạy mừng quýnh từ trên gác xuống đón bố, mồm líu ríu nói những chuyện chẳng
đâu vào đâu. Giờ thì chúng không có mặt để tạm biệt bố nữa rồi! và tôi cũng
không thể để cho các con tôi chứng kiến cảnh bắt bớ, khám nhà được. Vì đấy sẽ
là một vết thương, một đổ vỡ lớn đối với tuổi thơ trong sáng của chúng. Trong
giây lát ấy, một nỗi cay đắng, uất hận bắt đầu dâng lên trong tôi. Và tôi
hiểu rằng, mình sẽ phải chiến đấu một mất, một còn trong cuộc đấu không cân sức
này.
NỤ CƯỜI GỬI ĐỒNG NGHIỆP VÀ NIỀM TIN KHI ĐI VÀO BÓNG ĐÊM
Việc khám xét nhà riêng của gia đình tôi diễn ra cũng nhanh chóng, họ vào bật
máy vi tính cá nhân, sao chép những dữ liệu trong đó và thu thập một số giấy
tờ liên quan đến công việc báo chí của tôi. Trong số đó, có mấy chục trang
văn bản do tôi soạn thảo, gửi một số lãnh đạo Trung ương và Bộ Công an, khiếu
nại về việc tôi hoàn toàn vô tội khi đang bị cơ quan điều tra liên tục xét
hỏi trong hơn một năm liền về loạt bài viết chống tham nhũng trên tờ báo nơi
tôi công tác. Họ yêu cầu tôi phải ký vào từng trang của những văn bản bị thu
giữ.
Trong lúc cơ quan công an khám nhà, vợ tôi cứ đôn đáo chạy lên, chạy xuống
sửa soạn ít quần áo và thức ăn cho tôi mang vào trại giam. Hình như có cậu
điều tra viên nào đó đã nói cho nàng biết việc tôi bị bắt giam. Nhìn gương
mặt héo rũ của vợ trong tình cảnh ấy, tôi thấy lòng mình tan nát. Tôi nói với
nàng: “Em cứ yên tâm, anh không có tội gì cả, anh có đủ bằng chứng để chứng
minh điều đó và sẽ anh sẽ không sao đâu, em đừng quá lo lắng!”. Ngay viên
thượng tá chỉ huy cuộc khám xét, khi thấy vợ tôi chuẩn bị áo quần, đồ dùng
cho tôi mang vào trại giam cũng nói: “Chị mang đồ ít thôi, anh ấy vào trong
đó khoảng dăm ngày rồi cũng sẽ được về thôi!”. Mặc dù trong túi có tờ lệnh
phê tạm giam tôi 4 tháng nhưng viên sĩ quan điều tra vẫn vờ nói thế để đánh
lạc hướng tôi và người thân.
Sau khi khám xét nhà tôi xong, cơ quan điều tra chỉ thu được mấy chục trang
đánh máy bài viết về vụ án tham nhũng mà tôi đang theo đuổi. Họ đưa tôi xuống
tầng một và đọc lệnh bắt tạm giam 4 tháng, lệnh khám xét nơi ở (có sự phê
chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) đối với tôi về tội: “Lợi dụng chức
vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và yêu cầu tôi ký vào. Tôi nói thẳng
vào mặt mấy cậu điều tra viên: “Tôi cực lực phản đối lệnh bắt giam và khám
xét này, vì đây là sự đàn áp đối với một nhà báo và tôi sẽ tranh đấu đến cùng
để làm sáng tỏ vụ việc này”. Tôi ghi toàn bộ nội dung tôi vừa nói vào phía
dưới lệnh bắt giam, để lưu bút việc phản đối vào ngay tờ lệnh này và ký tên ở
dưới. Dường như lúc này, tôi thấy không còn gì để mất nữa nên tỏ thái độ phản
kháng rất quyết liệt với hành động bắt giữ một nhà báo của CQĐT.
Họ yêu cầu tôi cởi bỏ dây thắt lưng da để ở nhà, chắc sợ tôi dùng cái đó vào việc
tự sát. Tôi nghĩ họ không hiểu biết nhiều lắm về tôi, một bản lĩnh báo chí đã
được tôi rèn trong hai chục năm theo dõi ngành công an, toà án, kiểm sát, và
là người chuyên viết điều tra về những vụ án đặc biệt nghiêm trọng ở đất nước
này. Tôi làm sao lại có thể đầu hàng dễ dàng bằng việc tự sát như họ đề
phòng. “Mình phải vững tâm chiến đấu đến cùng trong vụ án đen tối này để bảo
vệ danh dự của một nhà báo, bảo vệ thanh danh của tờ báo nới mình làm việc và
báo giới cả nước nói chung trong cuộc chiến chống tham nhũng ở đất nước này”-
Tôi nhủ mình như thế và thấy lòng đầy tự tin. Vợ tôi pha cho tôi một cốc nước
cam, một cốc sữa, luộc mấy quả trứng rồi bắt tôi ăn luôn tại chỗ. Tôi cố gắng
nhét vào bụng vì biết rằng, nếu vào trại giam thì còn lâu mới được vợ chăm
sóc như thế này. Nàng nhét thêm mấy gói bánh quy, bánh ngọt vào chiếc túi
xách cho tôi.
Lúc ra khỏi nhà, trong ánh chiều nhập nhoạng, tôi thấy mấy nhà báo mang máy
ảnh đứng ngay gần cạnh, tôi giơ tay chào các đồng nghiệp với một nụ cười thân
thiết và tin tưởng nơi họ. Tôi không ngờ, bức ảnh tôi vẫy tay chào mọi người
với nụ cười tự tin trước khi tới trại giam, hôm sau in trên trang nhất Báo
Thanh Niên, được nhiều tờ báo mạng đưa lại, giống như một thông điệp nhắn gửi
tới mọi người rằng, một nhà báo chống tham nhũng như tôi sẽ không bao giờ
chịu lùi bước…
Khi chiếc xe áp giải tôi về toà soạn báo thì anh em báo chí đã tụ tập đông
nghẹt tại cơ quan. Tôi tự tin bước xuống xe, đèn máy ảnh chớp lóe liên tục.
Tôi hiểu rằng, đây là những khoảnh khắc tự do hiếm hoi cuối cùng của tôi
trước khi bước chân vào nhà giam. Không hiểu sao, mọi người bạn, dù thân hay
sơ, đối với tôi lúc này cũng trở nên vô cùng gần gũi. Đã gần hai chục năm gắm
bó với nhau ở một tờ báo, dù ít, dù nhiều, tình cảm của mọi người đối với tôi
cũng rất tốt đẹp, lành lặn. Lúc chia tay đau xót này, tôi cất lời xin lỗi mọi
người, mong anh em bỏ qua cho tôi những gì tôi đã hành xử không phải trong
những năm qua, vì tính tôi rất nóng, thẳng băng trong mọi quan hệ và không
hay gượng nhẹ. Một số anh em trong toà soạn gạt nước mắt, ngậm ngùi động viên
tôi. Những gương mặt thân thiết, những ánh mắt chia sẻ, những cử chỉ nồng
ấm…biết đến bao giờ tôi mới được gặp lại.
Các điều tra viên kiên trì lục lọi các loại giấy tờ chất đống trên bàn viết
của tôi ở toà soạn. Tôi bảo họ, đấy toàn là đơn tố cáo, đơn khiếu nại, đơn
kêu oan của những người dân không may mắn ở nhiều địa phương trên đất nước
này gửi về toà soạn báo ở Hà Nội, chứ ở trong ấy không có tài liệu “mật” nào
về vụ án mà các anh quan tâm đâu. Họ mở máy vi tính, sao chép vào USB những
bài viết của tôi liên quan đến vụ án, sau đó in ra từng tờ, bắt tôi ký nhận.
Điều lạ lùng là nhóm người bắt tôi chỉ công bố lệnh khám xét nơi làm việc mà
không công bố lệnh bắt tạm giam đối với tôi. Việc này, gây phản ứng trong
nhiều anh em nhà báo có mặt lúc đó. Cả Phó tổng biên tập Quốc Phong, phụ
trách toà soạn Hà Nội cũng tỏ ra rất bất bình về việc tại sao bắt phóng viên
của báo giải về toà soạn mà không công bố lệnh bắt tạm giam. Tôi bức xúc nói
cho mọi người biết: “Tại nhà riêng của tôi lúc chiều, các điều tra viên đã
đọc lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với tôi về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn
trong khi thi hành công vụ” khi viết tin bài về vụ án. Nhưng tôi là nhà báo
viết bài chống tham nhũng, tôi là phóng viên, tôi chẳng có chức vụ, quyền hạn
gì để lợi dụng trong vụ án này. Tôi phản đối tới cùng lệnh bắt giam, lệnh
khám xét đối với tôi. Vì đấy là việc làm bất công…”. Giọng tôi lúc ấy rất gay
gắt, tôi nói xối xả khiến họ cũng thấy sượng sùng.
Trong lúc khám toà soạn báo, một cậu điều tra viên định ngăn cản không cho
các nhà báo chụp ảnh, ghi hình. Tôi yêu cầu họ hãy để yên để cho các nhà báo
tác nghiệp vì đấy là quy định của Luật báo chí. Một nhà báo còn chất vấn,
việc người của cơ quan điều tra không đeo biển hiệu tên tuổi trước ngực áo
trong khi thi hành công vụ là sai với quy định của ngành công an, khiến mấy
cậu điều tra viên cũng bực bội. Không khí toà soạn càng trở nên căng thẳng,
khi tôi chỉ tay vào mặt những người bắt tôi và tuyên bố: “Tôi không có tội gì
hết, tôi chỉ có tội duy nhất là tội tích cực chống tham nhũng, tôi đã mời hai
luật sư bảo vệ tôi và tôi sẽ chiến đến cùng để bảo vệ sự thật, bảo vệ lẽ phải
của mình trong vụ án này”.
Sự bùng nổ lên tới đỉnh điểm khi tôi yêu cầu các nhà báo có mặt, bật máy ghi
âm ghi toàn bộ lời nói của tôi để sau này công khai cho dư luận biết: “Trong
việc điều tra vụ án nghiêm trọng này, tôi là phóng viên duy nhất (trong số 40
phóng viên bị cơ quan điều tra triệu tập) có trong tay hàng chục cuốn băng
ghi âm, ghi những thông tin động trời về vụ án này do mấy vị tướng công an
cung cấp. Những băng ghi âm này đã được Ban biên tập báo gửi tới một số lãnh
đạo cấp cao của trung ương. Và nếu trong những ngày bị tạm giam tới, tôi có
mệnh hệ gì thì các bạn hãy biết rằng đó có thể là việc bịt đầu mối…”. Lời nói
của tôi tức khắc gây chấn động không khí toà soạn. Anh em đại diện của báo,
nhất là Quốc Phong cũng phản đối gay gắt.
Việc khám xét toà soạn báo diễn ra gần hai giờ đồng hồ trong không khí căng
thẳng và bức xúc đến tột điểm. Tôi liên tục lớn tiếng phản đối lệnh bắt giam
trong uất hận. Tôi không bao giờ có thể quên được những phút giây nóng bỏng
tại toà soạn trước khi bị giải về trại giam. Khoảng gần 20 giờ tối 12-5-2008,
công việc khám xét nơi làm việc của tôi tại toà soạn báo kết thúc. Trước đó,
tôi và Quốc Phong đã thì thào bí mật trao đổi thống nhất một số việc liên
quan đến vụ án này. Trong suốt hơn một năm bị triệu tập xét hỏi, cho đến cả
lúc sắp bị khởi tố, bắt giam, tôi vẫn còn giữ bí mật về danh tính, địa chỉ
của một viên trung tá trong ban chuyên án điều tra chuyên án vụ PMU18 là
người đã cung cấp cho tờ báo của tôi nhiều thông tin về vụ án tham nhũng này
và đã nhiều lần tôi bí mật ghi âm toàn bộ cuộc chuyện trò với anh ta với sự
chứng kiến của lãnh đạo Báo.
Tôi rất tự tin khi chia tay với đồng nghiệp và bạn bè trong toà soạn, thậm
chí có nhiều khoảnh khắc còn tươi cười vì tôi tin rằng mình vô tội. Tôi chỉ
kịp ôm đứa con trai lớn và dặn dò: “Con thay bố chăm sóc ông bà trong thời
gian này nhé. Con lớn rồi, là trụ cột gia đình rồi, bố hoàn toàn tin cậy ở
nơi con, con cố gắng lên nhé, con thỉnh thoảng xuống thăm hai em, chúng nó
còn nhỏ quá, chưa biết gì. Cùng chung một giọt máu của bố, các con phải
thương yêu, đùm bọc nhau trong lúc khó khăn này…”. Tôi không kịp dặn dò con
trai lớn của tôi nhiều điều lúc chia tay , nhưng cháu đã xứng đáng với niềm
tin cậy của tôi trong những tháng năm xa cách.
Lúc tôi bị dẫn ra xe, Phó Tổng biên tập Quốc Phong còn đứng trên bậc thềm gọi
với theo: “Anh Việt Chiến ơi! Anh hãy ngẩng cao đầu lên mà đi anh nhé, anh em
báo chí luôn ở bên anh!”. Vâng, trong suốt thời gian bị giam giữ cho tới khi
ra toà, tôi vẫn luôn ngẩng cao đầu một cách tự tin như trước khi gặp hoạn
nạn, bởi một lẽ duy nhất đúng, tôi là nhà báo yêu nước và viết bài về vụ án
này với động cơ tối thượng là chống tham nhũng theo lời kêu gọi của những
người lãnh đạo đất nước thời gian đó.
Chiếc xe chở tôi về một trại giam nằm ở phía Nam Hà Nội. Lúc tôi lên xe, anh
em trong toà soạn còn vội vàng nhét thêm ít đồ ăn vào mấy chiếc túi xách tôi
đem theo. Tôi nhìn qua cửa xe, thành phố đêm mùa hạ đang trôi nhanh về phía
sau lưng. Chút ánh sáng cuối cùng tôi được thấy từ những cửa hiệu ven đường
vẫn còn đang thao thức trong một đêm oi bức. Cuộc sống tự do đã khép lại phía
sau lưng tôi. Mọi con đường cũng đang dần khép lại, chỉ âm u một mầu đêm đang
bao trùm lên số phận tôi…
Nguyễn Việt
Chiến
Nguồn blog xuandienhannom.blogspot.com
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét