Đường
lưỡi bò liền nét: TQ muốn tiếp tục ngang ngược
Cập
nhật lúc 10:55
Việc TQ chọn thời điểm hiện nay để gia tăng
căng thẳng một lần nữa cho thấy Bắc Kinh tỏ ra sành sỏi hơn ai hết trong việc
“chớp thời cơ” để khỏa lấp khoảng trống quyền lực.
Chưa đầy hai
tháng, Trung Quốc (TQ) tiến hành một loạt các động thái nguy hiểm ở Biển
Đông. Mở đầu là việc một nhóm học giả TQ công bố “bản đồ mới” về chủ quyền TQ
ở Biển Đông. Thay vì các đường đứt quãng, như được mô tả trong “đường chín
đoạn” mà TQ ngang ngược khẳng định chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, bản
đồ mới đưa ra một “đường chữ U” ranh giới quốc gia và khu vực hành chính liên
tục.
Tiếp đó, Bắc
Kinh triển khai vũ khí hạng nặng, bao gồm cả nhiều loại tên lửa, máy bay
chiến đấu, máy bay ném bom ra quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
TQ nói “tự vệ” là hoàn toàn vô lý
Cụ thể, CNBC
(Mỹ) chia sẻ nguồn tin tình báo Mỹ cho biết TQ âm thầm lắp đặt tên lửa hành
trình YJ-12B và tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B tại Đá Chữ Thập, Đá Subi
và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước đó Bắc Kinh cũng
đã bắt đầu triển khai các thiết bị tác chiến điện tử tại Đá Chữ Thập.
Căng thẳng càng
dâng cao khi mới đây TQ đưa máy bay ném bom H-6K ra diễn tập ở đảo Phú Lâm,
thuộc Hoàng Sa của Việt Nam – theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu
Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington, Mỹ.
Chưa bàn đến
việc bồi lấp, cải tạo các đảo đá ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo là trái
luật pháp quốc tế, việc TQ lặp lại giọng điệu đưa vũ khí ra để phòng vệ trên
biển càng vô lý hơn. Các chuyên gia quân sự quốc tế nhận định các loại vũ khí
TQ triển khai ở Biển Đông có khả năng tấn công và hủy diệt rất lớn. Cần phải
nhắc lại mối quan ngại của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael Griffin, rằng sự
tiến bộ của TQ trong việc phát triển hệ thống tên lửa siêu thanh có thể tiêu
diệt tàu sân bay mà Mỹ không dễ dàng phản ứng.
Theo nhận định
của chuyên gia biển đảo PGS. TS. Vũ Thanh Ca, “vì các đảo đá trên quần đảo
Trường Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý và các đảo nhân tạo chỉ có vùng an toàn
hàng hải 500 mét tính từ rìa cấu trúc, để phòng vệ chúng, rõ ràng TQ không
cần tới các tên lửa chống hạm và đất đối không tầm xa”.
Không chỉ Việt
Nam mà một số nước khu vực như Indonesia, Úc đã mạnh mẽ phản đối hoạt động
quân sự hóa Biển Đông trái phép của Bắc Kinh. Trong khi đó các quốc gia khác
bao gồm Mỹ, Nhật Bản bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các hành động đơn
phương làm “dậy sóng” Biển Đông của TQ sau một thời gian nước này yên tĩnh.
Điều này cho thấy nhận thức chung của các nước khu vực về mức độ nguy hiểm mà
TQ đang tạo ra.
Lợi dụng thời cơ
Không cần phải
bàn thêm về tính chiến lược của các địa điểm TQ triển khai vũ trang, như Vành
Khăn, Subi hay Chữ Thập ở Trường Sa và Phú Lâm ở Hoàng Sa. Đây là những địa
điểm quan trọng có thể trở thành những tiền đồn để TQ kiểm soát cả vùng biển
rộng.
Nếu các tiền
đồn khổng lồ giữa biển do TQ chiếm đóng được trang bị đủ các loại vũ khí
chiến lược như máy bay ném bom H-6K ở Hoàng Sa, thì an ninh khu vực chắc chắn
bị đe dọa. H-6K là phiên bản mới và hiện đại nhất của dòng máy bay ném bom
H-6 do Trung Quốc sản xuất trên cơ sở cải tiến mẫu máy bay ném bom Tupolev
Tu-16 của Liên Xô trước đây. Loại máy bay ném bom hiện đại này có sức tấn
công diện rộng, phủ gần hết Đông Nam Á ngoại trừ một số phần thuộc Myanmar,
Indonesia. Theo AMTI, H-6k có thể đe dọa tất cả năm căn cứ quân sự trong
khung khổ hợp tác giữa Washington và Manila.
Chuyên gia
Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) đánh giá rằng
TQ đã có kế hoạch gia tăng việc kiểm soát ở Biển Đông, và Bắc Kinh đang thực
hiện kế hoạch theo lộ trình của họ. Việc này tác động rất tiêu cực đến an
ninh khu vực. Việc TQ chọn thời điểm hiện nay để gia tăng căng thẳng một lần
nữa cho thấy Bắc Kinh tỏ ra sành sỏi hơn ai hết trong việc “chớp thời cơ” để
gia tăng hiện diện kiểm soát.
Trước hết là
sau gần hai năm kể từ phán quyết của Tòa Trọng tài khiến TQ “tay trắng” với yêu
sách đường chín đoạn, nay TQ cũng nghĩ ra một “đường chữ U liền nét” để có
thể tiếp tục “ăn nói” (ngang ngược) với các bên. Thuận lợi hơn cho Bắc Kinh
khi Philippines đã lờ hẳn các phán quyết Tòa Trọng tài và từ bỏ đường lối
cứng rắn với TQ. Tuy nhiên nếu đối chiếu với phán quyết của Tòa Trọng tài năm
2016, dù bản đồ chữ U được TQ vẽ nét đứt hay nét liền thì Bắc Kinh cũng không
thể xác định chế độ pháp lý cho vùng biển nằm trong phạm vi của tấm bản đồ
“mới được phát hiện” này đưa ra.
Thời cơ quan
trọng nhất là vai trò suy yếu của Mỹ, nhất là khi ông Trump đang loay hoay
với căng thẳng Trung Đông và vấn đề Triều Tiên. Chính sách an ninh của Mỹ đến
lúc này cho thấy Washington nhắm vào Nga và cả TQ, nhưng không có nghĩa là
ông Trump đặt nặng vấn đề Biển Đông. Bằng chứng là suốt thời gian qua, khi TQ
gia tăng quân sự hóa Biển Đông, Nhà Trắng chỉ “bày tỏ quan ngại” mà không có
động thái mang tính răn đe.
Chính Tổng
thống Philippines Rodrigo Duterte phải thừa nhận Philippines – một đồng minh
lâu năm của Mỹ - không thể làm gì trước các hoạt động quân sự hóa của TQ. “Với các máy bay
siêu thanh, họ (quân đội TQ) có thể tiến đến Manila trong 7-10 phút”,
vị này nói, không quên đặt ra các câu hỏi “Chúng ta sẽ trang bị cho mình những
gì nếu chiến tranh nổ ra?”, “Chúng ta sẽ chiến đấu với Trung Quốc
ra sao?”
Chuyên gia
Bonnie Glaser nhận định, khi TQ tiếp tục các kế hoạch quân sự hóa Biển Đông,
không có nhiều lực cản xuất hiện. Vì thế TQ đã rút ra được bài học và tiếp
tục tiến hành (mở rộng quân sự hóa). “Các hoạt động của TQ trên các tiền đồn
quân sự của nước này tạo điều kiện cho họ cưỡng ép các quốc gia tuyên bố chủ
quyền khác trong thời bình, và làm gia tăng chi phí đối với quân đội Mỹ nếu
can thiệp khi có chiến tranh”, bà Glaser nói.
Các quốc gia
khu vực không thể đơn lẻ chống lại TQ, càng không thể đối đầu với Bắc Kinh
chỉ bằng các phát ngôn cứng rắn. Thách thức lớn nhất hiện tại chính là làm
thế nào để thuyết phục được sự quan tâm xác đáng của Washington. Quan trọng
hơn là việc củng cố ASEAN và thu hút sự tham gia của bên thứ ba, đặc biệt là
bộ ba Úc – Nhật Bản – Ấn Độ.
(Theo VietNamNet) Đỗ Thiện
|
Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét