Bài học giá 7 tỉ USD
Cập nhật lúc 10:10
Mục đích đầu tư là lợi nhuận, là tiền. Nhưng với 25,5% số dự án
100% vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài báo lỗ. 29% số dự án lỗ lũy
kế. 46,4% số dự án không có báo cáo về doanh thu, lợi nhuận,... rõ ràng
chúng ta đang phải trả một cái giá quá đắt với việc đem chuông đi đánh xứ
người.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
Đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt (DN) đã có lịch sử
ngót 30 năm khi hoạt động đầu tư đầu tiên diễn ra năm 1989 với một dự án hơn
nửa triệu USD vốn đăng ký vào Nhật Bản. Nhưng 30 năm, có lẽ chừng đó thời
gian vẫn chưa đủ để lỗ vẫn hoàn lỗ.
Một báo cáo về việc sử dụng vốn nhà nước cho biết 18 tập đoàn,
tổng công ty 100% vốn nhà nước đã thực hiện đầu tư ra nước ngoài nhưng có tới
25,5% số dự án báo lỗ; 29% số dự án lỗ lũy kế; 46,4% số dự án không có báo
cáo về doanh thu, lợi nhuận.
Với 7 tỉ USD đầu tư, đến hết năm 2016, phần lợi nhuận được thu về
là... 145 triệu USD, chỉ tương đương 2% tổng vốn đầu tư. Chưa kể tới tình
trạng “tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại”, rủi ro thị trường, thậm
chí có dự án phải dừng.
Xét những cái tên, hóa ra, toàn những “ông lớn”, những “quả đấm
thép”.
Tập đoàn Dầu khí (PVN) với tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước
ngoài 6,67 tỉ USD (chiếm 53% tổng đầu tư của 110 dự án) đứng số 1 về giá trị
đầu tư và cũng chiếm luôn vị trí quán quân thua lỗ số vốn lũy kế đến hết năm
2016 là 3,74 tỉ USD (chiếm 49%).
Tập đoàn TKV với hàng loạt thương vụ đầu tư ra nước ngoài mất
vốn, thua lỗ: 111 tỉ đồng đầu tư vào Stung Treng ở Campuchia nguy cơ mất toàn
bộ vốn. 184 tỉ đồng thăm dò mỏ bauxite ở Campuchia; 77,6 tỉ đồng khi hợp tác
vào Công ty Southern Mining Co.Ltd được xác định gần như mất toàn bộ vốn.
Chưa kể, khoản thua lỗ 69 tỉ đồng khi đầu tư vào dự án mỏ sắt Phu Nhuon
(Lào), 37,9 tỉ đồng vào dự án khai thác mỏ muối ở Công ty TNHH Vinacomin, Lào.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chỉ một mỏ muối kali với trên 500
triệu USD sau khi khởi công năm 2015 đã bị dừng dài hạn và giờ, lọt trong
danh sách những đại dự án nghìn tỉ thua lỗ kéo dài
Tại sao thua lỗ lớn luôn là doanh nghiệp nhà nước (DNNN)? Bởi vì
chúng là DNNN.
Chúng ta đang thiếu từng đồng vốn, đang trải thảm đón từng đồng
USD đầu tư với những ưu đãi niên độ 5-10 năm. Và chính vì thế, hàng tỉ USD
đầu tư ra nước ngoài hoặc với số thu chỉ bằng ¼ lãi suất ngân hàng hoặc thua
lỗ, mất vốn rất cần được nhìn nhận, xem xét thận trọng.
Thận trọng không phải ở việc không đầu tư ra nước ngoài,
mà thận trọng ở cách quản lý dòng vốn, tính đếm hiệu quả và thực hiện cơ chế
trách nhiệm. Chứ 7 tỉ USD, tức là bằng 2 năm nông dân cả nước còng lưng xuất
khẩu rau quả, chứ đâu phải tiền lẻ.
(Theo Lao Động) ANH ĐÀO
|
Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét